banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

GDTrH - ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC MÔN HÓA Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGƯỜI HỌC, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI THI THPT QUỐC GIA

Thứ năm - 17/11/2016 22:36
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc.
Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học”. Để thực hiện tốt mục tiêu về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, cần có nhận thức đúng về bản chất của đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học và một số biện pháp đổi mới phương pháp dạy học theo hướng này.

Sự phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh toàn cầu hoá đặt ra những yêu cầu mới đối với người lao động, do đó cũng đặt ra những yêu cầu mới cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ và đào tạo nguồn nhân lực. Một trong những định hướng cơ bản của việc đổi mới giáo dục là chuyển từ nền giáo dục mang tính hàn lâm, kinh viện, xa rời thực tiễn sang một nền giáo dục chú trọng việc hình thành năng lực hành động, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học. Định hướng quan trọng trong đổi mới phương pháp dạy học là phát huy tính tích cực, tự lực và sáng tạo, phát triển năng lực hành động, năng lực cộng tác làm việc của người học. Đó cũng là những xu hướng quốc tế trong cải cách phương pháp dạy học ở nhà trường phổ thông.

Việc đổi mới phương pháp dạy học đòi hỏi những điều kiện thích hợp về phương tiện, cơ sở vật chất và tổ chức dạy học, điều kiện về tổ chức, quản lý. Ngoài ra, phương pháp dạy học còn mang tính chủ quan. Mỗi giáo viên với kinh nghiệm riêng của mình cần xác định những phương hướng riêng để cải tiến phương pháp dạy học và kinh nghiệm của cá nhân.

Đổi mới phương pháp dạy học đang thực hiện bước chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học, nghĩa là từ chỗ quan tâm đến việc học sinh học được cái gì đến chỗ quan tâm học sinh vận dụng được cái gì qua việc học. Để đảm bảo được điều đó, phải thực hiện chuyển từ phương pháp dạy học theo lối "truyền thụ một chiều" sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất. Tăng cường việc học tập trong nhóm, đổi mới quan hệ giáo viên - học sinh theo hướng cộng tác có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển năng lực xã hội. Bên cạnh việc học tập những tri thức và kỹ năng riêng lẻ của các môn học chuyên môn cần bổ sung các chủ đề học tập tích hợp liên môn nhằm phát triển năng lực giải quyết các vấn đề phức hợp.


Đổi mới phương pháp dạy học

 
Phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của người học, hình thành và phát triển năng lực tự học (sử dụng sách giáo khoa, nghe, ghi chép, tìm kiếm thông tin...), trên cơ sở đó trau dồi các phẩm chất linh hoạt, độc lập, sáng tạo của tư duy. Có thể chọn lựa một cách linh hoạt các phương pháp chung và phương pháp đặc thù của môn học để thực hiện. Tuy nhiên dù sử dụng bất kỳ phương pháp nào cũng phải đảm bảo được nguyên tắc “Học sinh tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức với sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên”.

Việc sử dụng phương pháp dạy học gắn chặt với các hình thức tổ chức dạy học. Tuỳ theo mục tiêu, nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể mà có những hình thức tổ chức thích hợp như học cá nhân, học nhóm; học trong lớp, học ở ngoài lớp... Cần chuẩn bị tốt về phương pháp đối với các giờ thực hành để đảm bảo yêu cầu rèn luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, nâng cao hứng thú cho người học.

Cần sử dụng đủ và hiệu quả các thiết bị dạy học môn học tối thiểu đã qui định. Có thể sử dụng các đồ dùng dạy học tự làm nếu xét thấy cần thiết với nội dung học và phù hợp với đối tượng học sinh. Tích cực vận dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Việc đổi mới phương pháp dạy học môn Hóa theo định hướng phát triển năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới thi THPT quốc gia cần làm tốt các việc sau:

Thư nhất: Nên làm là trong quá trình giảng dạy giáo viên phải phân loại được học sinh từng lớp để áp dụng các phương pháp giảng dạy cho phù hợp bên cạnh đó, chúng ta cần làm cách nào đó để thu hút được học sinh học tập và yêu thích được bộ môn mình đang giảng dạy. Làm được những điều này sẽ là bước thành công đầu tiên của chúng ta trong giảng dạy.

Thứ 2: Cần có kế hoạch giảng dạy cụ thể với từng đối tượng từng lớp và trong quá trình giảng dạy từ khâu soạn bài đến khâu lên lớp hay khâu hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài, sử dụng thiết bị dạy học cần chuẩn bị cẩn thận chu đáo để có những bài giảng hay nhất phù hợp nhất.

Xây dựng ngân hàng đề với hệ thống câu hỏi đa dạng và chất lượng: có thể sưu tầm, giao cho từng hành viên trong tổ nhóm chuyên môn tự ra đề, tuy nhiên nhất thiết phải có phản biện đề trước khi sử dụng đảm bảo các yếu tố:

- Có hệ thống câu hỏi ở nhiều cấp độ nhận thức phù hợp mức độ nhận thức của học sinh theo vùng, câu phát triển năng lực của học sinh (bài tập về thí nghiệm, đồ thị…). Câu hỏi phải chính xác, khoa học, đạt chuẩn, phù hợp đối tượng học sinh.

- Hệ thống câu hỏi mang tính lặp lại về kiến thức nhưng thể hiện dưới các hình thức câu hỏi đa dạng phong phú.

- Khai thác một nội dung cần xây dựng và tiếp cận ở nhiều hình thức câu hỏi. Khi ôn thi nên dùng nhiều câu hỏi “ tìm số khẳng định đúng hoặc tìm số khẳng định sai” để có cơ hội tái hiện nhiều kiến thức, khai thác học sinh nhiều hơn.

- Câu hỏi trong mỗi giai đoạn ôn thi mang tính kế thừa, nâng cao dần ở giai đoạn cuối quá trình ôn thi.

-  Tiếp cận một vấn đề dưới nhiều góc độ, cấp độ nhận thức, đưa nội dung bài học vào tình huống thực tiễn

Thứ 3: Trong các hoạt động nhóm giáo viên cần chú ý khâu tổ chức phù hợp với tiến trình nhận thức của học sinh. Học sinh phải được hoạt động cá nhân trước khi tham gia thảo luận nhóm; giáo viên định hướng cho học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức. Tăng cường phối hợp học tập cá thể với học tập hợp tác, lớp học trở thành môi trường giao tiếp giáo viên - học sinh và học sinh - học sinh nhằm vận dụng sự hiểu biết và kinh nghiệm của từng cá nhân, của tập thể trong giải quyết các nhiệm vụ học tập chung.


Học sinh trong giờ thực hành hóa
 
Thứ 4: Khi kiểm tra bài cũ cần kiểm tra trọng tâm, đơn giản, nội dung phù hợp với trình độ của từng học sinh, nhận xét - cho điểm khách quan (không qua khắt khe cũng không quá dễ dãi) làm sao cốt yếu nhất là để động viên tinh thần học sinh. Có thể thay đổi hình thức kiểm tra bài cũ: phối kết hợp giữa 2 hình thức trắc nhiệm kết quả và tự luận.Với bài mới giáo viên chuẩn bị kỹ bài mới trước khi đến lớp (đặc biệt là tìm các ví dụ thực tế liên quan đến nội dung bài giảng hoặc những video hình ảnh sinh động liên quan đến bài học).

Ví dụ: Dạy bài axetilen thì ra ví dụ: trong quá trình ủ trái cây xảy ra phản ứng gì? Video ngắn về quá trình hàn bằng đèn xì axetilen; Hay bài Oxi - Ozon: Tại sao sau mỗi trận mưa con người chúng ta lại thấy thoải mái dễ chịu, không khí trong lành? Tại sao các tên lửa lai hoạt động được? Sự phân hủy - thối rữa của động thực vật chết trên trái đất xảy ra nhờ đâu?....

Trong kiểm tra đánh giá, thường xuyên kiểm tra 15 phút bằng nhiều hình thức khác nhau. Phát đề cương trước mỗi chương học để sau khi học xong từng bài học sinh về tự trả lời một số câu hỏi và phát đề cương sau mỗi chương học để học cần làm và hoàn thiện. Ra đề kiểm tra phù hợp với từng đối tượng lớp học sinh để học sinh yếu không thấy nản mà học sinh khá không thấy nhàm chán.Chấm và trả bài đúng thời gian (càng sớm càng tốt). Bài kiểm tra khi chấm phải có nhận xét cụ thể từng học sinh để kịp thời khắc phục những chỗ các em hay sai, mặt khác là để động viên các em lần sau làm tốt hơn.

Kết thúc mỗi chuyên đề luôn có bài kiểm tra đánh giá học sinh. Luôn có sự kế thừa trong khâu kiểm tra đánh giá học sinh giữa các chuyên đề (nhiều câu hỏi được lặp lại, mang tính kế thừa và có sự phát triển về cấp độ nhận thức để cải thiện kĩ năng của học sinh.

Chú trọng đánh giá kết quả học tập theo mục tiêu bài học trong suốt tiến trình dạy học thông qua hệ thống câu hỏi, bài tập (đánh giá lớp học). Chú trọng phát triển kỹ năng tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau của học sinh với nhiều hình thức như theo lời giải/đáp án mẫu, theo hướng dẫn, hoặc tự xác định tiêu chí để có thể phê phán, tìm được nguyên nhân và nêu cách sửa chữa các sai sót.

Thứ 5: Nội dung bài cần được tinh giản nhưng không cắt xén, bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng để biết nên nhấn mạnh trọng tâm, xoáy sâu ở vấn đề nào.Tích hợp nhiều phương pháp trong bài học cho phù hợp. Không nhất thiết bài nào cũng phải sử dụng các phương mới, giáo viên có thể dùng lại các phương pháp cổ điển truyền thống miễn sao thấy có hiệu quả nhất.Tận dụng mọi thiết bị, dụng cụ thí nghiệm của nhà trường để phục vụ bài giảng (nếu ND bài giảng có yêu cầu). Những thí nghiệm khó có thể nhờ đến sự trợ giúp của công nghệ thông tin để trình chiếu cho học sinh xem.Vấn đề này đặc biệt quan trọng với những bộ môn thực nghiệm. Những tiết có bài thực hành nhất thiết phải làm đầy đủ, không làm qua loa để học sinh  nhớ lại kiến thức cũ. Việc làm này là rất cần thiết đa số học sinh rất thích thực hành để tự mình khám phá một vấn đề khoa học hay làm lại những gì mình đã tiếp thu trên lớp. Đây cũng là cách để thu hút học sinh học bộ môn.

Dạy học thông qua tổ chức liên tiếp các hoạt động học tập, giúp học sinh tự khám phá những điều chưa biết chứ không thụ động tiếp thu những tri thức được sắp đặt sẵn. Giáo viên là người tổ chức và chỉ đạo học sinh tiến hành các hoạt động học tập phát hiện kiến thức mới, vận dụng sáng tạo kiến thức đã biết vào các tình huống học tập hoặc tình huống thực tiễn...

Thứ 6: Phong cách giáo viên đứng lớp cần tự tin thoải mái. Trên lớp có lúc giáo viên nên nhẹ nhàng mềm mỏng khuyến khích nhưng cũng có lúc phải cứng rắn.Đặc biệt nên nghiêm khắc với những học sinh thường xuyên không học bài hay bỏ tiết. Giáo viên bộ môn cần quản lý chặt chẽ học sinh trong tiết học.

.Đây gọi là phương pháp vừa cương vừa nhu. Lời nói cần rõ ràng, dứt khoát, có âm điệu: giọng không nên quá đều đều dễ gây buồn ngủ.Trang phục lên lớp gọn gàng, giản dị. Cố gắng trình bày bảng khoa học, dễ nhìn để học sinh dễ ghi chép và tiếp thu bài. Cũng nên quan tâm đến học sinh yếu và có lời động viên khuyến khích kịp thời với những em có sự tiến bộ trong lớp dù rất nhỏ bé.


Giáo viên hóa trong giờ thực hành
 
Thứ 7: Hướng dẫn học sinh cách học trên lớp và cách tự học ở nhà: Mỗi học sinh khi lên lớp phải có sổ tay hóa học để ghi chép những vấn đề cần lưu ý của từng bài, trên lớp những vấn đề khó nhớ giáo viên đưa ra một số câu dạng ca dao, tục ngữ hay những câu mà các giáo viên đã tự biên để học sinh dễ thuộc (Dãy điện hóa: khi cần may…., bài ca hóa trị, dãy 10 ankan: mẹ em phải…). Khi về nhà yêu cầu học sinh viết mỗi phương trình hóa học nhiều lần…, thuộc một số tên của một số chất cơ bản…, thuộc công thức tính toán… và giáo viên phải kiểm tra việc thực hiện của học sinh thường xuyên. Chú trọng rèn luyện cho học sinh biết khai thác sách giáo khoa và các tài liệu học tập, biết cách tự tìm lại những kiến thức đã có, suy luận để tìm tòi và phát hiện kiến thức mới... Định hướng cho học sinh cách tư duy như phân tích, tổng hợp, đặc biệt hoá, khái quát hoá, tương tự, quy lạ về quen… để dần hình thành và phát triển tiềm năng sáng tạo      

Thứ 8: Tăng cường công tác luyện tập ôn tập, ôn thi bám sát cấu trúc đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và đào tạo, tiến hành thi thử nhiều lần để có kết quả đánh giá học sinh từ đó có các biện pháp điều chỉnh phù hợp góp phần nâng cao chất lượng.

Tổ chức ôn thi theo các chuyên đề với hệ thống câu hỏi phủ hợp đối tượng. Không quá lạm dụng câu hỏi trắc nghiệm trong quá trình lên lớp, kết hợp hài hòa để phát huy ưu điểm của cả câu hỏi trắc nghiệm và tự luận đối với đặc điểm nhận thức của học sinh.

Thứ 9: Giáo viên Chủ động học hỏi bồi dưỡng chuyên môn từ đồng nghiệp, tham dự đầy đủ các buổi sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cấp tỉnh. Nâng cáo ý thức tự học, tự bồi dưỡng  năng lực chuyên môn, phương pháp giảng dạy.

Tóm lại, để nâng cao chất lượng bộ môn hay chất lượng chung của các nhà trường thì phải có sự phối hợp hài hòa giữa giáo viên và học sinh cũng như các tổ chức khác trong trường, nếu chỉ có sự cố gắng từ một phía sẽ không có hiệu quả cao. Tuy nhiên, phần lớn vẫn phải nhờ đến sự nỗ lực hết mình của các giáo viên giảng dạy. Người giáo viên phải không ngừng học hỏi trao đổi chuyên môn nghiệp vụ với đồng nghiệp, tham khảo tài liệu đặc biệt luôn cập nhật yêu cầu của xã hôi đối với bộ môn. Đặc biệt mọi phương pháp mà giáo viên sử dụng đều lấy học sinh làm trung tâm, định hướng phát triển năng lực của học sinh thì người thầy đóng vai trò chủ đạo dẫn dắt để học sinh chủ động nắm kiến thức là phương pháp hiệu quả nhất góp phần đào tạo ra những con người năng động trong thời kỳ đổi mới, hội nhập công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập362
  • Máy chủ tìm kiếm71
  • Khách viếng thăm291
  • Hôm nay55,447
  • Tháng hiện tại3,523,037
  • Tổng lượt truy cập74,232,417
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi