banner

GDTrH – Văn học nhà trường số 9: Chia sẻ quan điểm về Liên tưởng, tưởng tượng - dạng năng lực đặc biệt cần phát triển ở học sinh giỏi Văn (Bài 1).

Thứ hai - 19/08/2013 20:28
Dienbien.edu.vn – Trong nhiều năm gần đây, số học sinh đạt giải học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9, lớp 10, 11, 12 và học sinh giỏi quốc gia khá ổn định và có chiều hướng tăng nhẹ cả về số lượng và chất lượng giải, đó là tín hiệu đáng mừng đối với những người làm công tác giáo dục nói chung và nhà giáo giảng dạy Ngữ văn nói riêng.
Ban biên tập trân trọng giới thiệu bài viết của nhà giáo Trần Chinh Dương – THPT Chuyên Lê Quý Đôn chia sẻ quan điểm về vấn đề tương đối khó, đó là Liên tưởng, tưởng tượng, một dạng năng lực đặc biệt cần phát triển ở học sinh giỏi Ngữ văn.

Con người có tiềm năng vô tận, tiềm năng ấy sẽ mãi là ẩn số nếu không có thực tiễn là “gương soi”. Trong thực tiễn, năng lực của con người được hình thành, khơi dậy, mở rộng những “đường giới hạn”, một trong những năng lực ấy là khả năng liên tưởng, tưởng tượng, dạng năng lực đóng vai trò then chốt để xây dựng con người khoa học và con người nhân văn. Trong giáo dục, liên tưởng, tưởng tượng, dạng năng lực đặc biệt ở học sinh giỏi văn có khả năng phát huy sức mạnh kì diệu.

Nếu tri thức là những hiểu biết thu nhận được từ sách vở, học hỏi, kinh nghiệm; kỹ năng là sự vận dụng bước đầu những kiến thức thu lượm vào thực tế; kỹ xảo là những kỹ năng được lặp đi lặp lại thuần thục thì năng lực là một tổ hợp phẩm chất tương đối ổn định, tương đối cơ bản của cá nhân, cho phép thực hiện có kết quả và hiệu quả một hoạt động. Lê - nin đã chỉ ra cấu trúc của năng lực người cán bộ tổ chức là: “Sự minh mẫn và tài sắp xếp công việc”, “sự hiểu biết mọi người”, tính cởi mở hay là “năng lực thâm nhập vào các nhóm người”, “sự sắc sảo về trí tuệ và óc tháo vát thực tiễn”, “các phẩm chất ý chí”,... Như thế, có kiến thức, kĩ năng chưa làm nên học sinh giỏi văn mà quan trọng là sở hữu năng lực. “Bản sắc năng lực” của học sinh giỏi văn được thể hiện ở khả năng tư duy, xúc cảm, đặc biệt là tổ hợp phẩm chất liên tưởng, tưởng tượng.


Ảnh minh họa từ internet

Về mặt thuật ngữ, liên tưởng được hiểu là một hoạt động tâm lí, từ việc này nghĩ đến việc kia, người này liên hệ đến người nọ, do trong thực tế các sự vật, hiện tượng tồn tại không tách rời mà có quan hệ với nhau. Nhà văn Nguyễn Tuân liên tưởng chợ Đồng Xuân ở Hà Nội với cái “dạ dày” của thành phố, liên tưởng cuộc đổi đời trong Cách mạng tháng Tám với một cuộc “lột xác”… Còn tưởng tượng là hoạt động tâm lí nhằm tái tạo, biến đổi các biểu tượng trong trí nhớ và sáng tạo ra hình tượng mới, có vai trò quan trọng với làm văn nói chung và sáng tác văn học nói riêng. Các hình tượng văn học xưa nay đều do tưởng tượng mà có: phù thủy cưỡi chổi bay, người chết sống lại, người và vật cùng tồn tại trên một thể xác…

Về mặt giá trị, sản phẩm trực tiếp nhất thể hiện năng lực liên tưởng, tưởng tượng của học sinh giỏi văn ở nhà trường phổ thông là những bài văn, dạng sản phẩm đặc biệt của quá trình học văn.

Trước hết, tổ hợp năng lực trên đòi hỏi học sinh có khả năng “kép”, tức là vừa tiếp nhận vừa sản sinh được hệ thống ngôn từ, hình ảnh phong phú, giàu có. Học sinh có năng lực văn chương thể hiện khả năng sử dụng những ngôn từ chắc chắn, tinh tế, sắc sảo; những câu văn giàu hình ảnh, có tính lựa chọn cao, từ đó phát triển năng lực ngôn ngữ; đồng thời có khả năng thâm nhập vào thế giới ngôn từ của các tác phẩm văn chương. Thử đọc “Giã từ tuổi nhỏ” của Xuân Diệu sẽ thấy rõ yêu cầu ấy.

Tôi ru em nhỏ của tôi, tưởng tôi còn nhỏ. Bóng trăng phập phồng trên ngực. Năm canh lờ mờ quanh mình. Tôi nằm giữa tuổi xưa, thấy mình mười sáu, mười tám, đôi mươi, tay chân bằng mầm, mắt bằng hồ, lòng bằng lửa, miệng bằng hoa,…

Đêm thanh suốt đêm, ai có ngờ đâu trời cũng sáng!

Mặt trời sắp mọc, đất thành thị sắp chuyển tiếng chân, xe tàu sắp rung cả cửa nhà, cái máy đời sắp mở toàn tốc độ. Dậy, dậy, tôi ơi! Kỉ niệm chực biến! Hình bóng em nhỏ sắp tan! Thôi em đi, ta ở, ta dậy, em về; thà xa nhau trong chút bóng trăng tàn, để phút li biệt còn đượm phấn xanh, chứ không chịu chia phôi giữa bụi bặm ồn ào, làm mất cả thiêng liêng của nỗi luyến tiếc. “Hỡi em Tuổi Nhỏ, giã từ, từ giã! Li biệt, biệt li!” – níu em nói chưa dứt lời, em đã biến mất!...

Tác giả đã phân thân thành hai nhân vật, cái tôi hiện tại ở thời điểm của sự trưởng thành nhớ thương về một thời là “em Tuổi Nhỏ”, thấy luyến tiếc cho một thời non nớt, sáng trong, đầy nhiệt huyết trong lòng.

Thứ hai, liên tưởng, tưởng tượng cũng góp phần mài sắc tư duy, có sức mạnh gọi tên và hệ thống những kiến thức văn học từ nhỏ đến lớn, từ đó kĩ năng viết văn được hỗ trợ, hình thành và phát triển một cách tự nhiên. Học sinh có nền tốt thường có khả năng huy động kiến thức thông qua năng lực liên tưởng. Liên tưởng giữa các vùng kiến thức diễn ra đa dạng, có thể tạm chia thành dọcngang. Liên tưởng dọc là liên tưởng diễn ra trong một tác phẩm, căn cứ vào tính chỉnh thể, mối liên hệ giữa nội dung và hình thức của tác phẩm. Ở thể loại truyện, đó là giữa đề tài, chủ đề với hệ thống các yếu tố cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu,…; ở thể loại thơ là giữa tư tưởng, cảm hứng, cảm xúc với ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu, bút pháp, các biện pháp tu từ... Chẳng hạn, tư tưởng, cảm hứng chủ đạo chi phối mọi sáng tác của Xuân Diệu là “niềm khát khao giao cảm với đời”, soi vào bài thơ “Vội vàng” thấy hệ thống hình ảnh tươi non, tràn đầy xuân sắc xuân tình, ngôn từ táo bạo, nhịp thơ gấp gáp, hối hả…là do sự chi phối của cảm hứng trên. Còn liên tưởng ngang là liên tưởng diễn ra giữa các tác phẩm khác nhau, có thể cùng hoặc không cùng một tác giả, thường cũng căn cứ trên các phương diện thuộc về nội dung và hình thức của tác phẩm. Chẳng hạn, so sánh bút pháp lãng mạn trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam với “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân sẽ thấy được điểm riêng của mỗi nhà văn: một người lãng mạn tuyệt đối là Nguyễn Tuân, một người lãng mạn có pha xen yếu tố hiện thực là Thạch Lam. Như vậy, trong phát triển tư duy, liên tưởng, tưởng tượng hỗ trợ đắc lực cho tư duy so sánh, nó mở rộng và khơi sâu vấn đề, là kiểu bậc cao trong các nấc thang tư duy của con người. 

Thứ ba, nhờ liên tưởng, tưởng tượng, bài văn trở nên đa chiều trong kết nối các sự vật, hiện tượng, ý nghĩa, không cứng nhắc theo mạch tư duy logic. Ở đó, tư duy của các em học sinh thoát khỏi sự lệ thuộc vào sự việc trước mắt, mở rộng tầm nhìn, đi vào nơi sâu thẳm, bí ẩn của thế giới và con người để từ đó mở ra những tầng ý nghĩa, những giá trị mới mẻ, bất ngờ. Khi nhắc đến hình ảnh “mặt trời”, thường, người ta sẽ liên tưởng đến các tính chất quen thuộc như “hình cầu, sáng, nóng”, và những tưởng tượng về cảnh bình minh, hoàng hôn... Đó là cách nghĩ theo “nếp”, theo kinh nghiệm. Cũng là hình ảnh “mặt trời”, khi phân tích các tác phẩm văn chương, học sinh phát hiện những tầng ý nghĩa mở không giới hạn: mặt trời có thể tượng trưng cho sự sống, sự trường tồn, tình yêu, hi vọng, lí tưởng, sự hủy diệt, cái ác… Như vậy, ngoài kinh nghiệm, đó còn là tiên nghiệm, dự cảm, là văn hóa, thẩm mỹ…


Ảnh minh họa từ internet

Thứ tư, như một tất yếu, liên tưởng, tưởng tượng đúng cách sẽ góp phần nuôi dưỡng những ấn tượng nghệ thuật sâu sắc. Từ đó, kho ấn tượng, xúc cảm của học sinh trở nên giàu có. Đọc văn bản “Thề nguyền” (trích Truyện Kiều, Nguyễn Du), không thể không hình dung về không gian nghệ thuật tràn đầy ánh trăng, không gian của “vườn khuya”, nơi một mình cô Kiều “xăm xăm băng lối” để “trổ đường tìm hoa” đến với chàng Kim Trọng. Trong các tác phẩm văn học, có rất nhiều những đoạn văn tả cảnh, tả người, tả tình, vậy nên, những tưởng tượng về thế giới xung quanh, về thế giới tâm hồn, tâm linh, về những xúc cảm phong phú là không thể thiếu để mài sắc các giác quan và linh cảm nghệ thuật. Ấn tượng nghệ thuật sâu sắc không chỉ có ý nghĩa với hoạt động viết văn mà còn có ý nghĩa với chính quá trình sống, trải nghiệm, thể nghiệm của học sinh.

Bồi dưỡng năng lực liên tưởng, tưởng tượng cho học sinh giỏi văn chính là quá trình phát hiện các nhân tố tốt. Học sinh có năng lực liên tưởng, tưởng tượng sẽ có những xu hướng phát triển khi ở môi trường phổ thông: thi học sinh giỏi các cấp; sáng tác văn học, nghệ thuật (thơ, truyện…); tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tổ chức sự kiện... Bên cạnh đó, đây là kiểu năng lực có giá trị thúc đẩy sự phát triển tư duy, trí tuệ, tâm hồn, giúp học sinh phát triển toàn diện. Sở hữu năng lực liên tưởng, tưởng tượng sớm sẽ có điều kiện tham dự vào nhiều hoạt động sống phong phú, có khả năng sáng tạo, làm việc tốt ở nhiều môi trường, đặc biệt là cơ hội phát triển sâu ở một lĩnh vực nào đó.

Liên tưởng, tưởng tượng là một dạng phẩm chất, không tự sinh ra mà cần được rèn luyện, nó có khả năng kết nối các kinh nghiệm sống của con người nhưng cũng có khả năng dẫn dắt con người đến với các tiên nghiệm. Con người dù nhỏ bé nhưng chưa bao giờ ngừng dòng liên tưởng, tưởng tượng, nhờ đó mà có các phát minh, công trình khoa học vĩ đại, có các tác phẩm nghệ thuật bất hủ, có tình yêu bất tận….., rồi chính chúng lại soi bóng vào nhau để mở ra vô biên các đường giới hạn. Trong giáo dục hiện đại, không nên tạo ranh giới giữa các môn khoa học xã hội nhân văn và khoa học tự nhiên, bởi xét về bản chất, con người là một chỉnh thể vô hạn!.
 
Trần Chinh Dương – THPT Chuyên Lê Quý Đôn.

Tổng số điểm của bài viết là: 27 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập255
  • Máy chủ tìm kiếm88
  • Khách viếng thăm167
  • Hôm nay21,247
  • Tháng hiện tại753,635
  • Tổng lượt truy cập137,105,448
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi