Quy hoạch được xây dựng trong bối cảnh công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đứng trước cơ hội phát triển mới khi nền kinh tế đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu, các tập đoàn đa quốc gia đang tập trung đầu tư vào các lĩnh vực hạ nguồn quan trọng tại Việt Nam.
Theo đó, bản Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra 4 quan điểm phát triển gồm có: tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư, tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, tham gia sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển công nghiệp hỗ trợ hài hoà, bền vững giữa các ngành công nghiệp với các ưu tiên đột phá để tạo ra các mũi nhọn cho phát triển công nghiệp; phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở huy động nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa nội địa.
Các ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam
Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp. Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng trong nội địa. Mục tiêu, định hướng phát triển và quy hoạch chi tiết cho từng lĩnh vực chính của công nghiệp hỗ trợ bao gồm: Lĩnh vực linh kiện phụ tùng; Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may- da giày; Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao.
Để phù hợp với tình hình thực tế, bản Quy hoạch đã đề ra các nhóm ngành, nhóm sản phẩm ưu tiên phát triển làm cơ sở để các doanh nghiệp có định hướng lựa chọn sản phẩm phát triển phù hợp. Quy hoạch cũng đã chỉ ra các giải pháp và chính sách chủ yếu nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời kỳ mới bao gồm các giải pháp: Hoàn thiện cơ chế chính sách; Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ; Phát triển số lượng và nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa; Phát triển khoa học công nghệ cho công nghiệp hỗ trợ; Đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp hỗ trợ; Phát triển liên kết, hợp tác.
Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chỉ mang tính định hướng thay vì quy hoạch cứng bằng các chỉ tiêu số liệu như trước đây. Nhà nước sẽ đóng vai trò khuyến khích, hỗ trợ thông qua các biện pháp chính sách liên quan; các doanh nghiệp sẽ tự chủ động thực hiện phù hợp với nhu cầu thị trường. Như vậy, các cơ quan thực thi chính sách tại Trung ương và địa phương, các hiệp hội, các tổ chức xúc tiến phát triển, các doanh nghiệp sẽ có được sự chủ động trong việc lựa chọn phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phù hợp mặt khác vẫn có định hướng cần thiết khi tham chiếu các ngành hàng, sản phẩm được ưu tiên trong Quy hoạch./.