Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, nhanh, bền vững, đẩy mạnh giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, giảm dần vùng đặc biệt khó khăn, từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học vùng dân tộc thiểu số, phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng.
Học sinh dân tộc thiểu số huyện Mường Chà
Các mục tiêu cụ thể đến năm 2020 của Chiến lược công tác dân tộc bao gồm:
Về nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số: lao động trong độ tuổi người dân tộc thiểu số qua bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo đạt trên 50%, trong đó 20% được đào tạo nghề; đảm bảo 100% có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên và ký túc xá cho học sinh ở những nơi cần thiết; 95% trẻ em trong độ tuổi được đến trường; số sinh viên đạt 300 trên một vạn dân; tỷ lệ lao động nông nghiệp khoảng 50% lao động xã hội
Về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số: trong hệ thống chính trị các cấp, nhất là hệ thống cơ quan hành chính vùng dân tộc thiểu số phải đảm bảo tỷ lệ, cơ cấu hợp lý cán bộ người dân tộc thiểu số, ở các vị trí chủ chốt, nhất thiết phải có cán bộ là người dân tộc thiểu số, 100% cán bộ công chức cấp xã được đào tạo, trong đó 70% có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên
Về giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số: bình quân mỗi năm giảm 4% hộ nghèo, các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, duyên hải miền Trung, Đông Trường Sơn, vùng căn cứ cách mạng phấn đấu mỗi năm giảm 4 - 5% hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, xóa nhà ở dột nát, trên 70% nhà ở đạt tiêu chuẩn, đảm bảo thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số tăng lên gấp 4 lần so với hiện nay, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất, nước phục vụ sản xuất; từng bước tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa.
Về cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số: Đảm bảo 100% đường trục liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa và trên 50% đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật được quy định trong Chương trình xây dựng nông thôn mới; trên 95% hộ sử dụng điện thường xuyên; 100% hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; các xã có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông; internet đến hầu hết các thôn, bản.
Về văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số: bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, 100% hộ gia đình được xem truyền hình; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thu các kênh phát thanh, truyền hình kỹ thuật số; phát triển con người toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần, ý thức công dân, tuân thủ pháp luật. 100% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia và có bác sĩ làm việc, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Về hệ thống chính trị ở cơ sở và an ninh quốc phòng vùng dân tộc thiểu số: xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc thiểu số.
Về môi trường sống vùng dân tộc thiểu số: hạn chế thiệt hại do các sự cố môi trường, thiên tai, bố trí lại khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhà vệ sinh đảm bảo hợp vệ sinh môi trường nông thôn.