Chăm sóc lúa trên cánh đồng Mường Thanh - Tỉnh Điện Biên
Theo đó, mục tiêu của Quy hoạch nhằm phấn đấu duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao hơn nhịp độ phát triển chung của cả nước. Cải thiện rõ rệt và đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế, dân sinh và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Khai thác hợp lý và có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu để phát triển kinh tế, từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của người dân trong vùng so với mức bình quân chung của cả nước;… Cụ thể:
Về phát triển kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ 2011-2015 là 7,5% và thời kỳ 2016-2020 trên 8%. GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 2.000 USD; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 16-17%/năm. Tỷ lệ đổi mới công nghệ đạt 20%/năm…
Về phát triển xã hội, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 3-4%. Nâng tỷ lê xã đạt chuẩn quốc gia về y tế là 80% vào năm 2015 và 100% vào năm 2020. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống dưới 20% vào năm 2015 và dưới 15% vào năm 2020. Củng cố và xây dựng các thiết chế văn hóa thông tin cấp xã, phường, phấn đấu đến năm 2020 có 90% số làng, thôn, bản có nhà văn hóa, tụ điểm sinh hoạt cộng đồng…
Về bảo vệ môi trường, đến năm 2020, hầu hết dân cư thành thị và nông thôn được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh. Có 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải. Trên 80% các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; các đô thị loại 4 trở lên và tất cả các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung…
Về quốc phòng, an ninh, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh kể cả về cơ sở vật chất, vũ khí, khí tài và lực lượng nhằm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục và vận động quần chúng chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp của nhà nước nhằm hạn chế, đẩy lùi tai nạn giao thông. Đẩy mạnh công tác phòng, chống các loại tội phạm và các tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới tại các thôn bản…
Trên cơ sở những mục tiêu đặt ra, Quy hoạch đã xác định các phương hướng phát triển của các ngành, lĩnh vực gồm: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, phát triển dịch vụ và du lịch, phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển các lĩnh vực văn hóa-xã hội, phát triển khoa học và công nghệ, sử dụng hợp lý tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường,…
Cùng với đó, phát triển các tiểu vùng Tây Bắc (gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu): địa bàn trọng điểm thủy điện quốc gia; phát triển công nghiệp khai thác và chế biến quặng đồng, sắt, niken và đất hiếm; trồng và chế biến sản phẩm từ cây công nghiệp đặc biệt cao su, cây dược liệu, cây ăn quả; chăn nuôi đại gia súc, đặc biệt là bò sữa, bò thịt chất lượng cao; trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ cho các dự án thủy điện.
Tiểu vùng Đông Bắc (gồm các tỉnh còn lại trong Vùng) tập trung phát triển công nghiệp khai thác và chế biến quặng apatit, sắt, đồng, vàng, thiếc, bô xít, kẽm, chì, luyện gang thép; trồng và chế biến lương thực – thực phẩm, nông lâm sản, dược liệu, cây ăn quả, chăn nuôi lợn và đại gia súc; sản xuất đồ gia dụng, hóa chất, bột giấy và giấy, phân bón, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, dệt may; sản xuất và lắp ráp sản phẩm điện tử…
Riêng đối với phát triển nông thôn và khu vực miền núi khó khăn của Vùng, tập trung triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới gắn kết chặt chẽ với các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; bố trí, sắp xếp dân cư ở các xã dọc tuyến biên giới bảo đảm để nhân dân ổn định đời sống, yên tâm sản xuất và không di cư tự do đến nơi khác; các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu tập trung vào sản xuất nông nghiệp để ổn định đời sống; tăng cường công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn để bảo vệ nguồn nước, môi trường sinh thái và độ an toàn của các công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn Vùng và vùng đồng bằng sông Hồng;…
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020 đã đưa ra các giải pháp tổng thể thực hiện quy hoạch: tập trung ưu tiên một số lĩnh vực mang tính cấp thiết, bền vững; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển dịch nền kinh tế trên địa bàn Vùng, phát triển các khu kinh tế cửa khẩu trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác phát triển “hai hành lang” kinh tế giữa Việt Nam với Trung Quốc, các giải pháp huy động, sử dụng vốn đầu tư và giải pháp về cơ chế chính sách.