banner

TTr: Tri ân thầy cô; Chuyện về các cô giáo cắm bản nơi 'đỉnh trời' Pú Vang

Thứ hai - 19/11/2018 21:26
Nằm trên đỉnh núi Pú Vang, cụm bản Pú Vang-Huổi Meo (xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) có hơn 80 hộ dân với gần 600 nhân khẩu, đều là dân tộc Mông. Hơn 20 năm qua, người dân nơi đây sống trong cảnh không nguồn điện lưới, không nước sạch, kinh tế chủ yếu tự cung tự cấp, phụ thuộc vào cây ngô, củ sắn và hạt thóc trên nương.


Cái đói, cái nghèo đeo bám bản làng là vậy nhưng trên đỉnh Pú Vang này, con chữ vẫn được ươm mầm bởi có những giáo viên cắm bản luôn nặng lòng, tâm huyết với nghề, yêu thương con trẻ như cô giáo Bùi Thị Miên, Trần Thị Thủy, Quàng Thị Cương - những giáo viên “cắm bản” ở điểm trường Pú Vang (trường Mầm non số 2 Mường Mươn).

Bản Pú Vang trên vùng cao Tây Bắc. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN


Cụm bản Pú Vang- Huổi Meo nằm cách Quốc lộ 12 chỉ gần 10 km nhưng chúng tôi phải mất cả giờ đồng hồ vất vả đi xe máy trên cung đường đất đầy dốc, vắt vẻo lưng chừng đồi, sườn núi với độ dốc cao dần. Sau khi đến được cụm dân cư Huổi Meo, chúng tôi phải tiếp tục hành trình qua vùng “yên ngựa”, leo lên mấy con dốc nữa mới tới cụm dân cư Pú Vang.

Địa danh Pú Vang hiện ra trước mắt chúng tôi là mấy chục căn nhà thưng ván gỗ, lợp tranh nằm quần tụ, san sát nhau như những chiếc bát úp trên đỉnh núi giữa nền đất cằn khô. Nổi bật trong bức tranh cụm bản Pú Vang là sự hiện diện của điểm trường Pú Vang (Trưởng Mầm non số 2 Mường Mươn) - nơi con em của cụm dân cư Pú Vang - Huổi Meo theo đuổi cái chữ, nơi các cô giáo trẻ “cắm bản” đang lặng lẽ từng ngày ươm “mầm xanh con chữ” nảy mầm, phát triển.

Trò chuyện cùng chúng tôi, cô giáo Bùi Thị Miên (sinh năm 1987) cho biết, quê gốc của cô ở tỉnh Hòa Bình. Năm 2009, cô tốt nghiệp Đại học Tây Bắc (Sơn La), Khoa Tiểu học Mầm non. Năm 2010, cô được phân công về công tác tại Trường Mầm non Ma Thì Hồ (xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên).

Sau quá trình công tác tại nhiều trường mầm non trên địa bàn huyện vùng cao Mường Chà, đầu năm 2018, cô Miên lại quay về công tác tại điểm trường bản Pú Vang (Trường Mầm non số 2 Mường Mươn), nơi năm 2012 cô đã từng giảng dạy. Điểm trường bản Pú Vang là 1 trong 6 điểm trường “vệ tinh” của Trường Mầm non số 2 Mường Mươn, 5 điểm trường khác nằm rải rác ở các bản khác như Huổi Ho, Pú Mua, Huổi Nhả…

 

Cô Miên dạy cho các em nhỏ trường Mầm non số 2 Mường Mươn. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN


Các điểm trường này có điều kiện khó khăn, cùng chung thực trạng không có điện lưới quốc gia, nguồn nước sinh hoạt khan hiếm phải tận dụng ở các mó nước quanh bản. Tại điểm trường Pú Vang có 52 cháu là con em dân tộc Mông của cụm bản Pú Vang - Huổi Meo theo học. Cơ ngơi của điểm trường bản Pú Vang là ngôi nhà xây cấp 4, trong đó có một gian nhỏ để giáo viên “tá túc”, cạnh đó dựng lên một “lán” nhỏ.

Các hoạt động giảng dạy, học tập, ăn nghỉ của giáo viên và học sinh hàng ngày đều diễn ra trong các công trình này và khoảng sân đất nện trong khuôn viên trường. Ngoài cô giáo Bùi Thị Miên ra, đảm nhiệm việc dạy dỗ, chăm sóc 40 cháu lớp Mẫu giáo còn có cô Trần Thị Thủy, 12 cháu của lớp Mầm non do cô Quàng Thị Cương phụ trách.

Theo cô Miên, cô Cương và cô Thủy, cái khó khăn, thiếu thốn và vất vả nhất nơi đây là không có nguồn nước sạch, không có nguồn điện lưới quốc gia, giao thông rất khó khăn, cách trở. Bản làng ở độ cao trên đỉnh núi, khí hậu khắc nghiệt, đất canh tác thiếu trầm trọng nên nguồn lương thực, thực phẩm, nhất là rau xanh luôn khan hiếm, phải mua từ ngoài trung tâm xã đưa vào.

Cô Bùi Thị Miên kể, cứ vào mùa mưa thì từ cụm bản ra Quốc lộ 12 về trung tâm xã chỉ còn cách đi bộ vì đường trơn trượt, sình lầy. Vào mùa khô, xe máy đi được nhưng rất vất vả nguy hiểm vì giáo viên là nữ, tay lái không vững nên hay bị ngã xe, chỉ sợ xe lao xuống núi, xuống vực.

Để có nước sinh hoạt, các cô và người dân phải đi lấy từ hai “mó nước” của cụm bản, nằm cách cụm dân cư khoảng 400m và 2km. Mùa khô, nắng nóng hai mó nước này rất ít nước nên phải chắt lọc từng gáo nước. Cứ buổi sáng và chiều muộn, các cô phải thay nhau đi lấy và cõng nước về đựng trong các can nhựa, xô chậu.

Lần lấy buổi sáng là để cung cấp nước cho sinh hoạt của các cô và trò sử dụng từ trưa tới chiều, lần lấy nước buổi chiều là để dung cho buổi sáng đến trưa của ngày hôm sau. Những ngày có nhiều người dân trong bản cùng đi lấy nước thì các cô phải chờ cả tiếng đồng hồ mới có nước cõng về trường.

Cô Miên đến từng nhà động viên bố mẹ các em đưa con tới trường. Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN


Công việc mỗi ngày của các cô là thay phiên nhau đi lấy nước suối, vào bản đón trẻ ra trường, dạy dỗ, chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho các cháu và dẫn học trò về trở lại nhà. Khép lại một ngày, khi các cô ngồi vào mâm cơm chiều là lúc trờ nhá nhem tối. Đêm ở Pú Vang đến rất nhanh, mấy chục căn nhà cũng mau chóng “cửa đóng then cài”, lắt leo những ngọn đèn dầu, những ánh đèn tích điện hoặc chạy bằng ắc-quy hắt qua khe thưng ván gỗ.

Đề cập về cuộc sống gia đình, giọng cô Miên như trùng xuống, có chút ngậm ngùi. Gia đình cô ở xã Thanh Yên (huyện Điện Biên), cách điểm trường gần 60 km, khi cô Miên đi “cắm bản” thì công việc đồng ruộng, nuôi dạy, chăm sóc hai con nhỏ (con lớn 6 tuổi, con nhỏ 3 tuổi) chỉ biết trông vào bàn tay của người chồng. Ban ngày, công việc bận rộn nên nguôi ngoai được nỗi nhớ nhà, nhớ con; khi đêm xuống thì không tránh khỏi nỗi nhớ nhà.

“Những lúc như vậy, tủi thân lắm và rất muốn ở gần nhà. Nhưng vì điều kiện công tác, nhiều đồng nghiệp khác cũng khó khăn như mình nên phải cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lâu dần thành quen, đêm nhớ nhà không ngủ được nhưng sáng mai ra, nhìn thấy cuộc sống khó khăn của người dân, thấy được sự cần thiết của tình thương yêu, giá trị của con chữ đối với các cháu nhỏ nơi đây nên mình lại muốn ở lại cống hiến và phấn đấu”, cô Miên chia sẻ.

Cũng theo cô Miên, vào dịp cuối tuần, nếu trời không mưa thì cô tranh thủ đi xe máy về thăm nhà, lo việc gia đình, chăm sóc con, việc trông coi trường lớp phải nhờ vào cô Thủy, cô Cương ở lại trường. Trước lúc quay lại điểm trường, cô Miên phải thực hiện một “nhiệm vụ” quan trọng là mua lương thực, thực phẩm, đồ dùng cần thiết để quay lại điểm trường để phục vụ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt cho cá nhân, đồng nghiệp và các cháu theo học tại trường.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn hằng ngày, các cô giáo còn thường xuyên vận động, kết nối với các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội thực hiện các chuyến thiện nguyện về điểm trường để giúp đỡ các cháu có cuộc sống no đủ hơn.

“Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, phải nỗ lực và bám bản, bám dân”, với phương châm đó, những lúc rảnh rỗi, cô Miên đi vào từng nhà dân để vận động các gia đình cho con em đi học đầy đủ; tuyên truyền cho phụ huynh biết giữ vệ sinh hàng ngày, cách phòng tránh các dịch bệnh dễ xảy ra, cách giữ ấm cho các cháu khi ngủ đêm...

Mỗi khi bản làng có việc thì cô Miên cùng các giáo viên trong trường cũng nhiệt tình phụ giúp. Nhờ vậy, các cô giáo tại điểm trường luôn được người dân trong bản tin yêu.

Nhắc đến cô giáo Bùi Thị Miên và các giáo viên cắm bản nơi đây, ông Giàng Tùng Chính, người dân sinh sống ở cụm dân cư Pú Vang hồ hởi nói: Các cháu ở điểm bản Pú Vang - Huổi Meo được học hành, chăm sóc tốt, đó là nhờ công nuôi dạy của các cô giáo đã giúp con em chúng tôi biết đọc viết, lại còn cho các cháu quần áo để mặc, chăn ấm để nằm. Chúng tôi biết ơn các cô nhiều lắm.

8 năm gắn bó với nghề, bước chân cô Miên đã đặt chân lên nhiều bản làng khó khăn của huyện Mường Chà. Có một kỷ niệm mà suốt đời làm nghề cô Miên không quên, đó là vào mùa mưa năm 2017, khi nhận nhiệm vụ công tác trở lại tại điểm trường Pú Vang.

Hôm đó trời mưa, đường trơn trượt như đổ mỡ cô và một đồng nghiệp nữ phải đi bộ từ đường Quốc lộ 12 lên điểm trường. Đường đi vất vả nên hai cô chỉ mang theo mấy bộ quần áo và chút lương thực, thực phẩm. Sau hai ngày ở điểm trường thì nguồn lương thực của các cô đều cạn kiệt, lúc đó không thể ra lại trung tâm xã vì đường đã bị sạt lở, trơn trượt, mưa to, gió lớn cứ triền miên.

Giữa lúc khó khăn, lo lắng thì cô Miên và đồng nghiệp được người dân trong bản cho gạo, khoai, thức ăn để thoát đói trong nhiều ngày. Cũng chính kỷ niệm này mà cô Miên càng thêm gắn bó với bản làng, nguyện đem tâm huyết để dạy dỗ các cháu học sinh nơi đây khôn lớn, nên người.

Với những nỗ lực cống hiến trong công tác giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa, nhiều năm qua cô Bùi Thị Miên đều được công nhận là Chiến sỹ thi đua cơ sở. Năm 2017, cô Miên đã được Ủy ban nhân dân huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy./.

                                                                 

Tác giả: Tuấn Anh - Xuân Tiến (TTXVN)

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập130
  • Thành viên online2
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm110
  • Hôm nay16,978
  • Tháng hiện tại766,884
  • Tổng lượt truy cập136,219,253
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi