Thành công ban đầu của Mô hình trường học mới Việt Nam là thay đổi được tư duy dạy học theo hướng chuyển đổi tích cực phương pháp dạy học (trò tự tin, chủ động; giáo viên sáng tạo, đổi mới); giáo viên chuyển từ hoạt động dạy học truyền thụ kiến thức là chủ yếu sang tổ chức cho học sinh tự học, tự chiếm lĩnh tri thức thông qua hình thức học cá nhân, cặp đôi, thảo luận nhóm dưới sự hướng dẫn trợ giúp của giáo viên. Bên cạnh đó, giáo viên đưa ra những đánh giá công tâm giúp học sinh tiến bộ trong mọi hoạt động. Với cách học này học sinh được rèn luyện nhiều hơn về kỹ năng nghe, nói; kỹ năng đánh giá và tự đánh giá; kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, cộng tác và giúp đỡ bạn cùng tiến bộ thay cho việc các em chỉ nghe một chiều dưới sự hướng dẫn, giảng giải của giáo viên như trước đây. Đặc biệt, với tỉnh Điện Biên số lượng học sinh dân tộc chiếm tỷ lệ cao (86,7%), đổi mới phương pháp dạy học theo mô hình VNEN tạo cơ hội cho các em có điều kiện tự học trong nhóm, học sinh có thể tự hỗ trợ nhau trong quá trình tiếp thu bài học. Các em được luyện đọc nhiều hơn trong quá trình học tập, do đó chất lượng đọc ngày càng được nâng lên.
Giáo viên giảng dạy theo mô hình VNEN hạn chế được việc giảng giải, thuyết trình, chủ yếu tập trung vào quan sát, tổ chức, hỗ trợ, hướng dẫn và thúc đẩy quá trình học tập của từng cá nhân học sinh.
Ngoài phương pháp học, tổ chức lớp học theo Mô hình VNEN tạo một môi trường học tập mới mẻ, gần gũi. Quản lý và điều hành lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh” được các em bầu ra khi bắt đầu bước vào năm học nhằm phát huy vai trò của các thành viên trong Hội đồng tự quản lớp; đội ngũ nhóm trưởng được thay đổi luân phiên điều hành các hoạt động trong nhóm nhằm tạo cho các em có cơ hội thể hiện bản thân, qua đó các em có sự gần gũi, hợp tác với nhau hơn trong học tập. Có thể nói, đây là một biện pháp giúp học sinh phát huy quyền làm chủ quá trình học tập. Các em hiểu rõ hơn quyền và trách nhiệm của mình trong môi trường giáo dục, được rèn luyện các kỹ năng quản lý, bao quát, lãnh đạo, kỹ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động của lớp. Thông qua đó, giúp học sinh có thể có những ý tưởng mới, các em tự giác hơn, phát huy tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo trong quản lý và chỉ đạo những công việc được giao.
Do làm tốt công tác tuyên truyền và hiệu quả đạt được của dự án, trong những năm qua nhiều trường tiểu học trong toàn tỉnh đã tự nguyện đăng kí nhân rộng mô hình với tổng số 55 trường. Đối với các trường nhân rộng Dự án, mặc dù không được hỗ trợ về kinh phí chi thường xuyên, Ban quản lý Dự án tỉnh đã chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo bố trí sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cụm trường cùng các trường đã tham gia Dự án để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp dạy học theo mô hình mới nhằm thực hiện có hiệu quả công tác dạy và học; căn cứ vào nguồn ngân sách của địa phương, của nhà trường, nguồn huy động xã hội hóa từ cha mẹ, cộng đồng hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần với những ngày công lao động, những buổi tham gia cùng học sinh và giáo viên trang trí lớp, làm đồ dùng dạy học.... Có thể thấy, qua ba năm thực hiện nhân rộng, với sự đồng thuận, nhất trí cao của tập thể nhà trường, sự ủng hộ kịp thời của cộng đồng xã hội, nội dung chương trình trường học mới VNEN đã được triển khai kịp thời và có hiệu quả.
Mô hình sáng tạo- Trường Tiểu học số 1 Sam Mứn Có thể nói, một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào thành công chung của Mô hình Trường học mới tại Việt Nam (GPE-VNEN) đó chính là sự quan tâm, ủng hộ của phụ huynh học sinh, cộng đồng, các cấp chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể cùng tham gia vào các hoạt động của trường, lớp (xây dựng góc học tập, góc địa phương, cộng đồng, các hoạt động ứng dụng, hướng dẫn học sinh trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào cuộc sống...). Có thể coi đây là một bước thử nghiệm cần thiết- một cách tiếp cận đổi mới căn bản, toàn diện theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Giờ đây đến với các trường học tập theo Mô hình trường học mới ta bắt gặp một không khí lớp học tự nhiên, nhẹ nhàng, thân thiện, không gò bó, áp đặt một chiều. Giáo viên và học sinh tương tác với nhau thoải mái hơn, nhiều hơn và kết quả học tập, chất lượng giáo dục bước đầu được cải thiện. Những thay đổi tích cực mà chính phụ huynh đã và đang cảm nhận được rõ nét nhất là con em họ đã chủ động, tự tin, biết hợp tác, biết chia sẻ và có kỹ năng sống tốt. Chúng tôi đến thăm trường Tiểu học Noong Hẹt- huyện Điện Biên với 95% học sinh là dân tộc Thái, số còn lại là các dân tộc khác. Cùng đi với chúng tôi có cô giáo Đào Thị Quất- Hiệu trưởng nhà trường. Đang giờ ra chơi, chúng tôi vào thăm lớp 2A1. Vừa bước chân vào lớp, một em học sinh chạy vội từ ngoài sân vào khoanh tay trước mặt chúng tôi: Em chào thầy cô ạ! Em tự giới thiệu, em tên là Lò Văn Nam- chủ tịch Hội đồng tự quản của lớp...Và rất nhanh nhẹn, em giới thiệu về lớp của mình với chúng tôi. Khi được hỏi về bộ công cụ học tập trong lớp học, được dùng để làm gì? Các em có thường xuyên sử dụng không? Ước mơ của em sau này là gì?... em chia sẻ rất tự nhiên, chân thật, gần gũi...
Học sinh tự tin, năng động- Trường Tiểu học Noong Hẹt, huyện Điện Biên Có thể nói, mô hình này là một bước thử nghiệm cần thiết, một cách tiếp cận theo định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo như tinh thần của Nghị quyết số 29- NQ/TW. Qua 4 năm thực hiện thí điểm Mô hình trường học mới cho thấy nội dung dạy học ở hai mô hình (truyền thống và VNEN) là không thay đổi. Điểm khác nhau giữa hai mô hình này cho thấy mục tiêu của Mô hình VNEN yêu cầu cao hơn, cụ thể hơn, chú ý đến mục tiêu dạy học sinh các kĩ năng, phát huy năng lực sở trường của các em hơn việc giáo viên chỉ lo cung cấp kiến thức cho các em. Phương pháp và hình thức tổ chức dạy học trong mô hình VNEN được thay đổi đáng kể, các biện pháp, kĩ thuật dạy học được tổ chức, sắp xếp làm tăng hiệu quả của phương pháp dạy học lấy chủ thể là học sinh, coi học sinh là trung tâm trong quá trình dạy học. Đánh giá học sinh trong mô hình VNEN tiếp cận được yêu cầu đổi mới đánh giá học sinh trong nhà trường hiện đại: Đánh giá để thay đổi cách dạy, cách học; đánh giá trong quá trình học sinh học tập; đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh; các em tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau; đánh giá từ cha mẹ học sinh và cộng đồng. Với tổng số trường tiểu học tham gia mô hình trường học mới 123/175 trường (72,28%) và những kết quả đạt được về chất lượng học sinh qua từng năm học, có thể khẳng định tính khả thi, bền vững về một mô hình trường học mới đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, phù hợp với xu thế đổi mới sư phạm chung của nhiều quốc gia trên thế giới./.