banner

GDTX&CN. Xoá mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số – nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên .

Thứ hai - 09/01/2017 19:22
Dienbien.edu.vn - Xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị “về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn”; Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; Quyết định số 692/QĐ-TTg ngày 04/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Xóa mù chữ đến năm 2020”, trong những năm qua tỉnh Điện Biên đã kiên trì thực hiện xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Cùng với sự phát triển của đất nước, được Chính phủ quan tâm đầu tư, Điện Biên đã và đang từng bước phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các nguồn nội lực từng bước phát huy giá trị tạo nguồn lực cho phát triển toàn diện, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Sự nghiệp giáo dục của Điện Biên tiếp tục có những bước phát triển, quy mô trường, lớp và học sinh tăng; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tăng cường về số lượng và đảm bảo chất lượng; công tác phổ cập giáo dục xóa mù chữ, giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội vùng dân tộc phát triển. Tuy nhiên, Điện Biên vẫn là tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn so với cả nước, là một trong 14 tỉnh có tỷ lệ mù chữ cao; đặc biệt ở các xã vùng cao, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, số lượng người mù chữ, tái mù chữ vẫn còn nhiều.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác PCGD-XMC và tăng cường phân luồng học sinh sau THCS; trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Ban chỉ đạo PCGD các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, ban hành các chủ trương, giải pháp, hệ thống các văn bản chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh: Ngày 29/5/2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch “Xóa mù chữ đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên” (kèm theo Quyết định số 391/QĐ-UBND); ngày 01/11/2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3404/KH-UBND về PCGD-XMC giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 tỉnh Điện Biên phù hợp với các tiêu chí, tiêu chuẩn mới về PCGD-XMC; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện.

Ban Chỉ đạo PCGD-XMC các cấp được kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và tổ chức hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Ban chỉ đạo PCGD cấp xã phân công cán bộ chủ chốt, các đoàn thể, tổ chức thành viên phụ trách các thôn, bản, chịu trách nhiệm huy động học sinh đi học. Các trưởng thôn, bản phụ trách đến từng hộ gia đình, từng học sinh để tuyên truyền, vận động và duy trì sĩ số; xây dựng và thực hiện hương ước thôn, bản về trách nhiệm cho con em đi học, không bỏ học.

Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh theo chức năng nhiệm vụ đã tích cực phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện quy hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo và kế hoạch PCGD-XMC của tỉnh. Cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo PCGD-XMC các đơn vị hành chính cấp huyện đã ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết và kế hoạch thực hiện PCGD-XMC từng năm và theo giai đoạn với hệ thống các giải pháp cụ thể trong chỉ đạo, quản lý để củng cố và nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn PCGD-XMC.


Hội nghị tập huấn xóa mù chữ và phát triển trung tâm học tập cộng đồng 
Cho giáo viên và cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng
 
Ngành giáo dục và đào tạo tích cực, chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các địa phương xây dựng, quy hoạch phát triển mạng lưới trường học trong toàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và thực hiện mục tiêu PCGD xóa mù chữ. Tham mưu, huy động các nguồn lực, đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và tích cực triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục xóa mù chữ của tỉnh, đặc biệt quan tâm các xã vùng đặc biệt khó khăn, các xã có chí đạt chuẩn PCGD-XMC còn ở mức thấp, thiếu tính bền vững. Tổ chức hội nghị tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên và cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tham gia dạy XMC; đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông, Thái, văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số cho cán bộ, giáo viên các trường tiểu học, PTDTBT tiểu học để tăng cường công tác XMC cho người dân tộc thiểu số; ưu tiên bố trí giáo viên, cán bộ quản lý đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng cho nhiệm vụ xóa mù chữ ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; quản lý, tổ chức các lớp học XMC linh hoạt về thời gian và địa điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên theo học đảm bảo số lượng và chất lượng; thường xuyên kiểm tra, giúp đỡ các đơn vị còn nhiều khó khăn trong thực hiện công tác xóa mù chữ, theo dõi sát việc thực hiện chương trình, quy chế chuyên môn.

Để huy động thanh, thiếu niên trong độ tuổi chưa học xong tiểu học tiếp tục học theo học nhằm củng cố kết quả xóa mù chữ, PCGD tiểu học, ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai thực hiện tại các trường phổ thông một hội đồng hai nhiệm vụ (vừa dạy các lớp phổ thông, vừa dạy các lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn được huy động đến trường) duy trì nhiệm vụ điều tra, nắm tình hình phổ cập trên địa bàn, xây dựng kế hoạch và tổ chức mở lớp. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong công tác huy động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số học viên, giáo viên các trường tiểu học đã tham gia tham gia công tác xóa mù chữ với tình thần trách nhiệm cao.


Chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Thơm, huyện Điện Biên tham gia công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số
 
Tại các xã biên giới, ngoài việc phối hợp vận động học sinh, học viên ra lớp, hỗ trợ tu sửa các trường học, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng còn tham gia trực tiếp công tác giảng dạy xóa mù chữ và các lớp chuyên đề tại các trung tâm học tập cộng đồng, góp phần chống tái mù, nâng cao nhận thức cho nhân dân các dân tộc khu vực biên giới. Các đơn vị đã thực hiện tốt chương trình phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về đẩy mạnh công tác chống mù chữ, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và phát triển trung tâm học tập cộng đồng khu vực biên giới giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch thực hiện chuyên đề giáo dục mầm non và xóa mù chữ, phát triển trung tâm học tập cộng đồng với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh. Giai đoạn 2011-2015, các huyện Điện Biên, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé phối hợp với bộ đội biên phòng mở 114 lớp xóa mù chữ với 1.808 học viên, đạt 80% kế hoạch giao; 45 lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ với 800 học viên, đạt 93% kế hoạch giao; tổ chức được 650 lớp tập huấn cho 25.877 lượt người tham gia học tập, với tổng kinh phí mở lớp là 203.227.000 đồng. Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh mở 9 lớp XMC, lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho 168 học viên là người dân tộc Cống với tổng kinh phí là 478.850.950 đồng tại 03 huyện Điện Biên, Mường Nhé, Nậm Pồ.



Lớp học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ

 
Về kết quả huy động người học xóa mù chữ, từ năm 2012 đến tháng 9/2016 có 5.673 người học XMC độ tuổi 15-60 đạt chuẩn biết chữ mức độ 1, có 2.553 người học XMC độ tuổi 15-60 đạt chuẩn biết chữ mức độ 2. Năm 2016, các nhà trường đã mở được 135 lớp, 2.825 học viên, đạt 97% kế hoạch, trong đó: 41 lớp, 873 học viên học chương trình xóa mù chữ; 93 lớp, 1952 học viên học chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Nhờ đó, tỷ lệ người biết chữ trong các độ tuổi tiếp tục được nâng cao. Tính đến thời điểm 12/2016, số người trong độ tuổi từ 15-60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1: 321.339/342.035 người, tỉ lệ: 93,95%; Số người trong độ tuổi từ 15-35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1: 203.770/ 208.447 người, tỷ lệ: 97,76%. Số người trong độ tuổi 15-60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2: 252.317/342.035, tỷ lệ 73,77%. Số người trong độ tuổi 15-35 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2: 178609/208447, tỷ lệ 85,69%;

Có 86/130 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, tỷ lệ 66,15; 44/130 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, tỷ lệ 33,85%, tăng 14 đơn vị xã  so với năm 2015; 8/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, tỷ lệ 80%; 2/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, tỷ lệ 20% (huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ). Toàn tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1.


Đồng chí Nguyễn Văn Kiên – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tổng kết kiểm tra công nhận đạt chuẩn PCGD- XMC năm 2016 tại huyện Tủa Chùa

 
Sau nhiều năm kiên trì thực hiện mục tiêu xóa mù chữ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác xóa mù chữ của tỉnh đã thu được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao dân trí, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, công tác PCGD xóa mù chữ còn gặp không ít khó khăn, hạn chế như: Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền một số xã đặc biệt khó khăn chưa sâu sát; ban chỉ đạo PCGD một số xã thực hiện chưa thường xuyên việc tuyên truyền về công tác xóa mù chữ, còn coi đây là nhiệm vụ của các trường học. Địa bàn rộng, dân cư không tập trung, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, đời sống của nhân dân các dân tộc còn khó khăn, nhất là vùng cao, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; nhận thức của một bộ phận người dân chưa đầy đủ, nhu cầu học tập chưa cao, một số nơi còn tồn tại một số phong tục, tập quán lạc hậu như tảo hôn, mê tín dị đoan; môi trường giao tiếp tiếng Việt hạn chế…cùng với những diễn biến phức tạp di dịch cư tự do và tuyên truyền đạo trái pháp luật đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động, duy trì số lượng học sinh và việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Một bộ phận học viên sau khi hoàn thành chương trình xóa mù chữ do ít sử dụng nên đã tái mù chữ trở lại. Tiến độ thực hiện mục tiêu đạt chuẩn xóa mù chữ ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã đạt theo kế hoạch, nhưng chỉ số công nhận đạt chuẩn còn ở mức thấp, thiếu tính bền vững, tỷ lệ người mù chữ còn cao, nhất là độ tuổi 26-35 và 36 tuổi trở lên. Tỷ lệ người được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 của các xã vùng đặc biệt khó khăn còn thấp (Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ…). Chưa huy động được kinh phí từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng cho công tác xóa mù chữ. Chưa có các tổ chức, cá nhân hoạt động tình nguyện dạy xóa mù chữ.

Trước thực tế ấy, để duy trì và nâng cao chất lượng xóa mù chữ, thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra: đến năm 2020 tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, thiết nghĩ cần có sự quan tâm thường xuyên, hiệu quả của các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các cấp trong việc kịp thời thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, xây dựng kế hoạch PCGD-XMC, tích cực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để thực hiện kế hoạch.  Cần đặc biệt ưu tiên đầu tư kinh phí từ ngân sách nhà nước để mở lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Tiếp tục duy trì vững chắc và nâng cao các chỉ số, tiêu chí đạt chuẩn xóa mù chữ ở 130/130 đơn vị cấp xã; 10/10 đơn vị cấp huyện; phấn đấu thực hiện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 theo lộ trình, kế hoạch số 3404/KH-UBND ngày 01/11/2016 của UBND tỉnh. Năm 2017, phấn đấu xóa mù chữ cho khoảng 3.000 người, 57/130 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (tăng 13 đơn vị cấp xã so với năm 2016).

Công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên được xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và rất khó khăn, đòi hỏi có sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường và của người học. Kế hoạch PCGD – XMC, giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến 2025 của tỉnh được triển khai thực hiện sẽ góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công bằng trong giáo dục và thực hiện thành công các mục tiêu xây dựng xã hội học tập  trên địa bàn tỉnh./.

Tác giả: Nguyễn Thị Thúy

Nguồn tin: Trường PTDTNT THPT huyện Điện Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập172
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm137
  • Hôm nay29,526
  • Tháng hiện tại768,643
  • Tổng lượt truy cập135,246,936
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi