banner

Mô hình trường học mới: Xu thế phát triển tất yếu.

Thứ tư - 24/02/2016 22:54
Bước sang năm thứ tư triển khai, mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) đã từng bước khẳng định ưu thế so với mô hình dạy học truyền thống. Không chỉ khác biệt về hình thức tổ chức lớp học, phương pháp dạy học theo VNEN đã dần hình thành thói quen, cách thức truyền đạt và tiếp cận kiến thức, khiến cho cô và trò đều hứng khởi, tích cực và sáng tạo hơn ở mỗi giờ học.
Học sinh (HS) chủ động tiếp nhận kiến thức, sáng tạo, linh hoạt trong cách tiếp cận bài học, hình thành kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, xử lý tình huống... là những ưu thế nổi trội mà VNEN đem lại. Mô hình này đề cao việc HS tự trải nghiệm, khám phá và cũng chấp nhận sự khác biệt về thời gian, tốc độ, mức độ đáp ứng của HS. Ngoài ra, cách thức tổ chức dạy học tại lớp học của VNEN cũng khác biệt so với mô hình truyền thống, đó là cho phép HS ngồi quây quần theo nhóm, tự tìm tòi, tiếp nhận kiến thức dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của thầy, cô giáo.


Học sinh các lớp trong Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) chủ động hơn, biết xây dựng kế hoạch,
biết chia sẻ với bạn bè, thầy cô qua các hòm thư, nhịp cầu bè bạn. Ảnh: Nguyệt Ánh
     
Những điểm khác biệt về hình thức tổ chức lớp học, về phương pháp giảng dạy, về cách thức truyền đạt kiến thức... nói trên đòi hỏi đội ngũ giáo viên tại những lớp, trường áp dụng mô hình trường học mới phải nỗ lực và tích cực hơn. Như nhận định của GS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, phương pháp mới sẽ kích thích tư duy sáng tạo trong học tập của HS, nhưng, để có được điều đó thì đội ngũ giáo viên phải rất vững vàng về kiến thức, phương pháp giảng dạy và có cái tâm trong giảng dạy, hỗ trợ HS. Trong giai đoạn đầu, những HS chưa quen với phương pháp tự học của mô hình trường học mới có thể sẽ chậm hơn một chút so với các bạn. Trong trường hợp đó, giáo viên phải là người kịp thời nắm bắt và có giải pháp để hỗ trợ các em một cách tận tâm.

Ngoài việc kích thích, tạo điều kiện để giáo viên đổi mới phương pháp dạy học nhằm tạo tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục, thực tế triển khai mô hình mới trong thời gian qua cho thấy mỗi địa phương, mỗi nhà trường đều chọn cho mình lối đi riêng, phù hợp với điều kiện để tiếp cận mục tiêu chung. Với đặc điểm mang tính đặc thù là có hơn 95% số HS là người dân tộc ít người, nhiều em có gia cảnh khó khăn, khá nhút nhát khi đến trường, tỉnh Điện Biên tập trung vào việc khuyến khích, thu hút HS đi học. Tỉnh Lạng Sơn đầu tư cho việc nâng cao chất lượng chuyên môn và kỹ năng sư phạm của đội ngũ giáo viên nhằm tạo chuyển biến trong phương pháp, hiệu quả giáo dục. Với những ưu thế riêng, Hà Nội xác định xây dựng nhóm trưởng tốt để tạo nên sự thành công của mô hình trường học mới trên địa bàn thành phố.

Cũng theo GS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, ở giai đoạn "chạy đà", các địa phương, nhà trường, giáo viên có thể còn gặp nhiều khó khăn nhưng qua thời gian, giáo viên sẽ vững vàng về phương pháp, HS biết cách chủ động tìm hiểu kiến thức, phụ huynh yên tâm, ủng hộ, biết cách khích lệ con tự học thì chất lượng HS sẽ đồng đều và ngày càng tiến bộ hơn.

Xu thế tất yếu

Từ năm học 2015-2016, mô hình trường học mới tại Việt Nam không chỉ được áp dụng với gần 4.000 trường tiểu học mà còn được nhân rộng ra 1.600 trường THCS trên cả nước. Trong số các trường nằm trong dự án triển khai của Bộ GD-ĐT, có hàng nghìn trường tiểu học, THCS tự nguyện nhân rộng toàn phần hoặc từng phần của mô hình bằng nguồn lực xã hội hóa. Đó là minh chứng cho thấy mô hình trường học mới đã thực sự lôi cuốn, trở thành nhu cầu của các nhà trường với chung một mong muốn là nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. 

Yêu cầu, mong muốn của xã hội trong giai đoạn mới đòi hỏi ngành Giáo dục phải đổi mới căn bản và toàn diện, đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đủ đáp ứng sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Theo Nghị quyết 29-NQ/TƯ, Đảng và Nhà nước ta xác định mục tiêu của đổi mới giáo dục lần này là tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.

Để đạt được mục tiêu này, ngành Giáo dục đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp, từ đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá đến đổi mới phương pháp dạy học... Mô hình VNEN được coi là một trong những giải pháp thiết thực, nhiều ưu điểm và phù hợp với điều kiện hiện nay của các nhà trường tại Việt Nam. Đánh giá sơ kết của Bộ GD-ĐT khẳng định: "Mô hình VNEN đã được xã hội chấp nhận, các chuyên gia, các nhà khoa học bước đầu đã có niềm tin về mô hình nhà trường đổi mới, về hướng đi cũng như cách làm cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Việt Nam".
Theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp, Khoa Sư phạm tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, giáo dục Việt Nam còn nhiều bất cập, nhất là về mặt tổ chức lớp học và phương pháp dạy học. Mặc dù chúng ta luôn cập nhật lý thuyết tiến bộ nhưng thực tiễn giáo dục lại chưa theo kịp những lý luận đó. Mô hình trường học mới thực sự là một cơ hội để chúng ta biến lý luận thành thực tiễn, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục. Mô hình VNEN là một xu thế tất yếu, nhiều nước trên thế giới làm được thì Việt Nam cũng sẽ làm được.

Tác giả: Thống Nhất

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập262
  • Máy chủ tìm kiếm92
  • Khách viếng thăm170
  • Hôm nay30,481
  • Tháng hiện tại718,862
  • Tổng lượt truy cập136,171,231
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi