Theo đó, chương trình bồi dưỡng gồm 75 tiết, trong đó có 34 tiết lý thuyết, 21 tiết thực hành, 20 tiết viết tiểu luận và tìm hiểu thực tế.
Mục tiêu của chương trình nhằm bồi dưỡng nghiệp vụ, góp phần kiện toàn đội ngũ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên thanh tra giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục trong tình hình mới.
Bồi dưỡng theo hình thức tập trung một đợt tại cơ sở bồi dưỡng với phương pháp bồi dưỡng kết hợp giữa lý thuyết, thực hành, trao đổi, giải đáp trên lớp, tự học và tìm hiểu thực tế tại các đơn vị.
Học viện quản lý giáo dục và Trường cán bộ quản lý giáo dục thành phố Hồ Chí Minh tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ cộng tác viên thanh tra giáo dục.
Tài liệu bồi dưỡng được biên soạn theo kết cấu mở để cơ sở bồi dưỡng và giảng viên thường xuyên bổ sung, cập nhật những nội dung mới trong các văn bản quy phạm pháp luật, những kinh nghiệm trong thực tiễn vào nội dung bài giảng.
Chương trình bồi dưỡng ngoài nhằm hình thành các kỹ năng cơ bản của cộng tác viên thanh tra giáo dục như: kỹ năng tham gia hoạt động thanh tra giáo dục; kỹ năng tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân; kỹ năng thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục; lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Ngoài ra chương trình bồi dưỡng còn trang bị cho người học các kiến thức về: công tác kiểm tra của cơ quan quản lý giáo dục; công tác kiểm tra nội bộ của cơ sở giáo dục.
Học viên tham gia khóa bồi dưỡng đảm bảo thời lượng và nội dung chương trình bồi dưỡng, có tiểu luận và tìm hiểu thực tế được đánh giá đạt yêu cầu, tham gia học tối thiểu 80% số giờ quy định thì được thủ trưởng cơ sở bồi dưỡng cấp chứng chỉ.
Các Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ công tác viên thanh tra giáo dục; hướng dẫn các đơn vị trực thuộc sở cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ cộng tác viên thanh tra giáo dục.
Các Phòng Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục, các đơn vị liên quan có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và cử cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ sở giáo dục tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ cộng tác viên thanh tra giáo dục.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 11 năm 2014.
Tìm hiểu Thông tư số 32/2014/TT-BGDĐT
tại đây./.