banner

VP - Văn học nhà trường số 24: Truyện ngắn Đỉnh núi mờ sương

Thứ sáu - 26/09/2014 05:05
Dienbien.edu.vn - Điện Biên với khoảng 16 nghìn cán bộ, nhà giáo và trên 120 nghìn học sinh phổ thông, sinh viên các trường chuyên nghiệp, trong đó có nhiều nhà giáo, học sinh, sinh viên yêu văn học nghệ thuật và có năng lực sáng tác với nhiều tác phẩm đoạt giải, đăng tải trên các báo và tạp chí trong và ngoài tỉnh, nhiều tác phẩm đã được xuất bản và nhận được sự mến mộ của công chúng.
Trang văn học nhà trường đăng tải các bài viết, những sáng tác của thầy trò các nhà trường gồm các thể loại: Thơ, tản văn, văn xuôi, nhạc, họa …mỗi tháng có từ một đến hai số. Trân trọng giới thiệu và mong nhận được sự cộng tác của các nhà giáo, các em học sinh sinh viên cùng bạn đọc. Cảm ơn các tác giả đã gửi bài về chuyên mục.

Trang văn học nhà trường số 24, Ban biên tập xin giới thiệu tới bạn đọc câu chuyện về ý chí quyết tâm vượt khó trên hành trình đi tới mơ ước cao đẹp của một thầy giáo tương lai trên “Đỉnh núi mờ sương”.
 
ĐỈNH NÚI MỜ SƯƠNG
Thùng Văn Lý - Lớp K12C1, Trường CĐSP
 
Trên đỉnh núi mờ sương ấy, trong bóng đêm sương rơi lạnh buốt, vậy mà có một cậu con trai vẫn lặng mình đi về phía chân trời xa, nơi ấy có một ngôi trường Đại học và có con đường quốc lộ tráng nhựa phẳng lì. Trong đêm tối, xa xa tiếng khèn ai gọi bạn càng làm cho cậu trở nên buồn bã... Thế nhưng, tiếng khèn ai đó không thể giữ được bước chân cậu con trai dân tộc đang cất giấu trong mình một mơ ước cháy bỏng.


Bản trên đỉnh núi (minh họa từ Internet)

Biết điểm thi đại học, Páo nhảy chân sáo về nhà, vậy là Páo đã dần vươn tới được ước mơ của mình. Từ ngày còn nhỏ, cậu đã nuôi trong mình một ước mơ, ước mơ được làm thầy giáo để sớm chiều dạy những em nhỏ viết chữ. Một ước mơ giản dị nhưng hết sức cao đẹp và đầy ý nghĩa. Về đến nhà, câu nói của bố như sét đánh ngang tai:

- Thôi thôi! Học với chả hành. Từ mai đi nương theo tao, chúng mày lớn rồi cũng phải đi làm nương chứ, cứ để bố mẹ làm mãi à?

Páo như người mất hồn sau câu nói của bố, nó từ từ ngồi xuống chiếc ghế, đầu tựa vào cột nhà, mặt buồn rười rượi không nói năng gì. Ông bố với tay lấy cái điếu cày rồi bật lửa châm đóm. Que đóm bùng cháy rồi vụt tắt như ước mơ của Páo vậy. Nhìn vào đôi mắt đứa con trai, người mẹ như hiểu được những gì đứa con đang ấp ủ. Đành rằng ba mẹ Páo rất yêu các con, nhưng vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, cuộc sống vất vả nên người cha đôi lúc rượu say lại trút giận lên đầu anh em Páo. Nhìn vẻ mặt buồn của Páo, dù biết rằng gia đình khó khăn nhưng phận làm mẹ như muốn chiều con hơn, mẹ cậu gợi ý muốn cho cậu ra thành phố để tiếp tục học tập, bố Páo cắt ngang:

- Không học hành gì hết, từ mai đi làm nương theo tôi. Bà xem thằng A Sử, thằng Cá con nhà bác Chư cùng tốt nghiệp Cao đẳng về nhưng rồi cũng chỉ đi phát nương thôi. Tôi đây, đâu có học hành gì vậy mà cũng lên rừng phát nương đâu có thua thằng nào.

Nghe đến đây, Páo dường như tuyệt vọng, một mình đến ngồi trên mỏm đồi. Đêm trên núi cao gió thổi càng mạnh, Páo bước đi trong tiếng gió, cậu nghe được tiếng những em thơ tập đánh vần và cậu chợt hiểu mình phải làm gì...

Hôm sau thức dậy không thấy Páo đâu nữa, cả nhà chạy đi tìm khắp bản, gặp ai cũng hỏi nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Bố mẹ Páo như hiểu được điều gì đã xảy ra.

Bẵng đi một tháng không tìm thấy đứa con, bố mẹ Páo trở nên lo lắng. Vào một buổi chiều, có anh Lâm lái xe trên thành phố tranh thủ về thăm nhà đã đưa cho mẹ Páo một bức thư. Thì ra cậu trốn lên thành phố, nơi có trường Đại học mà cậu đã thi đỗ. Trong thư nó viết, cuộc sống của nó giờ đây đã ổn định. Ngoài giờ học, cậu làm phụ trong một xưởng gỗ, số tiền tuy ít ỏi nhưng cũng đủ để cậu đóng học phí và trang trải cho cuộc sống. Nó vẫn khỏe, chỉ mong sao bố mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe và cho thằng em đi học. Cầm lá thư của nó trên tay mà người mẹ rơm rớm nước mắt.

Sáng sớm hôm sau, khi chiếc xe đang dần dần chuyển bánh thì anh Lâm nghe tiếng gọi, anh quay lại thì thấy bố Páo tay xách bao gạo chạy theo gửi cho con. Ông nói:

- Nhờ cháu nói với nó ở trên đó cố gắng học tập cho tốt, đừng lo gì cả.

Chiếc xe lao vút đi để lại đằng sau những ánh mắt vẫn dõi theo của bố mẹ Páo và những đứa trẻ thơ của vùng núi rừng.


Học vì ngày mai lập nghiệp (minh họa từ Internet)

Hai tháng trôi qua, Páo không hề viết thư hay nhắn gì về nhà. Một hôm, trong lúc đi làm về, mẹ Páo nhận được giấy báo kết quả học tập, nó đạt học sinh giỏi. Trong niềm vui về kết quả học tập của con còn có cả những giọt nước mắt.../.

Giới thiệu và biên tập: Mai Hương - Chuyên viên Văn phòng Sở

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập337
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm308
  • Hôm nay30,050
  • Tháng hiện tại839,044
  • Tổng lượt truy cập135,317,337
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi