banner

KHTC-Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nghề dạy học

Thứ năm - 05/10/2017 04:08
Dienbien.edu.vn: Dân tộc ta có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Vị trí, vai trò của người thầy luôn được xã hội tôn vinh với sự kính trọng, tin tưởng “Muốn sang phải bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy". Trong thời kỳ hội nhập, những vấn đề về chất lượng giáo dục, đạo đức người giáo viên... đang đặt ra bao điều cần suy nghĩ. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh về nghề dạy học.
1
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần về thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vị trí, vai trò của các thầy giáo, cô giáo đối với xã hội. Người từng nhấn mạnh “nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa”. Điều đó, vừa khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nghề đặc biệt “dạy chữ, dạy người”, vừa nói lên trọng trách mà xã hội đặt trọn niềm tin lên vai nhà giáo. Năm 1964, phát biểu tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Người nói “Còn gì vẻ vang hơn nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương. Song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh… Vì vậy nghề thầy giáo rất quan trọng, rất vẻ vang. Ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo thì phải sửa chữa”. 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nghiệp giáo dục và  đào tạo là sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội nhưng người trực tiếp và quyết định chính là đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Bởi vì trong nền giáo dục cách mạng, người giáo viên có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho nước nhà, là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá; có trách nhiệm truyền bá cho thế hệ trẻ lý tưởng đạo đức chân chính, hệ thống các giá trị, tinh hoa văn hoá của dân tộc và nhân loại; bồi dưỡng cho họ những phẩm chất cao quý và năng lực sáng tạo phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã hội. Từ đó, đòi hỏi người giáo viên phải có đức và có tài. Đức của nhà giáo là tư cách, tình yêu thương, trách nhiệm đối với nghề, với học sinh; còn Tài là sự am hiểu, vốn tri thức, vốn kinh nghiệm thực tiễn…
2
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học vỡ lòng ở Hàng Than (Hà Nội)
 
Nói về đạo đức nhà giáo, Hồ Chí Minh chỉ rõ những phẩm chất rất cơ bản là hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thương yêu học trò và yêu nghề; yêu lao động và quý trọng người lao động chân tay; có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đạo đức nhà giáo hay đạo đức nghề dạy học theo tư tưởng của Bác, có thể được hiểu là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ, hành vi ứng xử của nhà giáo trong đời sống và đạo đức nhà giáo có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục - đào tạo. Người căn dặn: “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên phải thật thà yêu nghề của mình”. Bên cạnh đó, theo Hồ Chí Minh, đạo đức nhà giáo yêu nghề, yêu trường thôi chưa đủ mà còn phải yêu chủ nghĩa xã hội bởi đó là mục tiêu mà dân tộc đang hướng tới. 

Về trí tuệ và tài năng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà giáo giỏi không đòi hỏi phải tinh thông tất cả mọi lĩnh vực, hiểu hết tri thức của nhân loại, nhưng do yêu cầu của nghề nghiệp nên nhà giáo phải không ngừng trau dồi kiến thức, đặc biệt phải thành thạo lĩnh vực chuyên môn của mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn sự nghiệp giáo dục và đào tạo; hoàn toàn không được bằng lòng với kiến thức đã có, thường xuyên tích luỹ kiến thức, tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Người nói “giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ, chớ tự mãn cho mình giỏi rồi thì dừng lại mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước”. Người khuyên mọi người thực hiện theo lời dạy của Lênin “Học, học nữa, học mãi” và lấy phương châm “học không biết chán, dạy không biết mỏi” của Khổng Tử để thực hành trong công việc. Bên cạnh yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, Người còn lưu ý giáo viên phải coi trọng học tập chính trị để củng cố đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao hiểu biết chính trị để hoàn thành tốt trọng trách “trồng người”.
 
3
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc lớp học lý luận khoá I, trường Nguyễn Ái Quốc (07/9/1957)
 
Ngoài đức và tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất quan tâm đến phương pháp nêu gương của giáo viên, bởi “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”. Do đó, tấm gương nhà giáo có tác dụng giáo dục học sinh rất lớn. Người nói “Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ”. Thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu; một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo, ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người. Người thường dặn dò các thầy, cô giáo không được đánh mất phẩm chất của mình, dù hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương cho học sinh noi theo, tránh thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống thực tế, lười biếng trong học tập và nâng cao trình độ; thái độ kèn cựa địa vị, xem nhẹ công việc của mình, thiếu tinh thần xây dựng tập thể,...

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao và yêu cầu cao đối với nghề dạy học xuất phát từ việc trồng cây đã khó, trồng người còn khó hơn, “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Sản phẩm của “trồng người” là tạo ra con người của thế hệ tương lai, không được phép làm ra “phế phẩm”. Một người cán bộ, một công nhân tồi có thể làm hỏng một vài sản phẩm, vài công trình, nhưng một người giáo viên tồi có thể làm hỏng cả một thế hệ, đó là hậu quả khôn lường mà cả xã hội phải gánh chịu. Vì vậy, nhà giáo cần phải thường xuyên trau dồi không chỉ trình độ chuyên môn mà còn cả về đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong và cái tâm trong sáng để xứng đáng với danh hiệu “Người kỹ sư tâm hồn”, “thầy giáo xứng đáng là thầy giáo”, để có thầy giỏi thì rồi sẽ có trò giỏi, không tạo ra “phế phẩm”. 
4
Thăm lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn:
“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” (13/9/1958)
 
Kế thừa và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta hết sức chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đã có những quyết sách nhằm phát huy mọi tiềm năng của con người, trong đó có đội ngũ nhà giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục. Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo khẳng định quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân” và đề ra 9 nhiệm vụ; trong đó có nhiệm vụ về “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo” nhằm chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo, đồng thời có cơ chế kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, khuyến khích đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ...  

Bản thân ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đặc biệt coi trọng vấn đề xây dựng đội ngũ giáo viên và đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp như: thực hiện chương trình bồi dưỡng thường xuyên, đổi mới phương pháp giảng dạy; mở nhiều lớp bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực cho cán bộ, giáo viên ở các cấp học; các trường học thường xuyên tổ chức thao giảng, dự giờ để đánh giá rút kinh nghiệm, nhắc nhở tinh thần trách nhiệm của giáo viên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực vào công tác giảng dạy đã kích thích tính năng động, sáng tạo của học sinh trong chiếm lĩnh tri thức… 

Đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đòi hỏi sự nghiệp giáo dục và đào tạo phải đi trước một bước nhằm chuẩn bị nhân tài, lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Trước những đòi hỏi đó, hơn ai hết mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cần thấm nhuần sâu sắc hơn nữa tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu về nghề dạy học. Từ đó vận dụng sáng tạo và tổ chức tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập174
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm153
  • Hôm nay25,294
  • Tháng hiện tại673,875
  • Tổng lượt truy cập135,152,168
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi