Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nà Hỳ số 2, xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) chăm sóc vườn rau tự trồng trong khuôn viên Trường. Ảnh: Nguyễn Hiền Ða dạng nguồn cung thực phẩm học đường
Toàn tỉnh có 1.069 trường, điểm trường có nhà bếp và tổ chức bếp ăn bán trú, nội trú cho học sinh. Trong đó bậc mầm non có 692 trường, điểm trường; tiểu học có 225 trường, điểm trường và 124 trường THCS, 28 trường THPT.
Với đặc thù miền núi, đa số các trường có học sinh bán trú, nội trú ở địa bàn vùng cao đều tổ chức cho học sinh trồng rau xanh để cung cấp thực phẩm tươi ngon cho bữa ăn của chính mình. Mô hình này được thực hiện dưới hình thức nhà trường tận dụng đất trống hoặc mượn đất của các hộ dân xung quanh cho học sinh và giáo viên cải tạo, làm đất trồng rau. Mỗi lớp được phân công 1 diện tích cụ thể, học sinh trực tiếp trồng, chăm sóc rau dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên chủ nhiệm, không sử dụng thuốc trừ sâu hay các hóa chất độc hại trong trồng rau. Ðến khi thu hoạch, các lớp sẽ hái rau bán luân phiên cho bếp ăn nhà trường theo giá thị trường, số tiền thu được sung vào quỹ lớp dùng để mua sắm đồ dùng chung, thăm hỏi bạn bè khi ốm đau, giúp bạn lúc khó khăn hay liên hoan những dịp đặc biệt. Có không ít trường vùng cao trên địa bàn tỉnh ta đã tự chủ động được nguồn rau xanh hàng ngày, vừa đảm bảo an toàn, vừa tươi mới nhờ mô hình này.
Ðối với các trường không có điều kiện trồng rau ngay tại khuôn viên trường học thì tự chủ động tìm nguồn cung đảm bảo. Ða số các trường ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn và trung tâm xã có giao thông thuận lợi đã chủ động liên hệ và ký kết hợp đồng với các cơ sở cung cấp thực phẩm nằm trong danh sách “cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản
được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP” do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cung cấp. Danh sách này hiện có gần 430 cơ sở với mặt hàng đa dạng: rau, củ, quả, gạo, thịt tươi sống, đồ khô, đồ đông lạnh, đậu phụ, hành tỏi, giò, chả... Cô Phan Thị Cúc, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Mai (tổ dân phố 22, phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ) cho biết: “Cơ thể, hệ tiêu hóa của trẻ em rất nhạy cảm, vì vậy nhà trường rất chú trọng lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn cho các em. Trước đây trường chúng tôi nhập rau của gia đình một giáo viên trong trường tự trồng, nhưng sau khi nguồn cung không đảm bảo đủ số lượng ổn định, nhà trường đã phân công đồng chí kế toán đi tìm hiểu và ký hợp đồng mua rau hàng ngày với một công ty trên địa bàn đã được kiểm định, công nhận là chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Về sản phẩm thịt, nhà trường cũng nhập của một cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện ATTP”.
“Bên cạnh đó vẫn còn những trường, điểm trường ở xa trung tâm, giao thông khó khăn hiện đang sử dụng nguồn thực phẩm tại chỗ chưa có chứng nhận ATTP; một số ít điểm trường xa trung tâm chưa có điện lưới nên không có tủ lạnh để lưu mẫu thức ăn theo quy định. Nhân viên nấu ăn ở một số trường biến động liên tục nên nhân viên mới ký hợp đồng/ mới tuyển chưa có giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP” - ông Lương Văn Ðoàn, Trưởng phòng Công nghệ thông tin và Nghiên cứu khoa học, Sở Giáo dục và Ðào tạo thẳng thắn cho biết thêm về những khó khăn, tồn tại trong triển khai bếp ăn trường học trên địa bàn tỉnh.
Vẫn còn những mối lo
Hầu hết các trường lấy giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP làm căn cứ ký hợp đồng với các cơ sở cung ứng thực phẩm. Vậy tờ giấy quan trọng này thực chất có ý nghĩa như thế nào, có đảm bảo hoàn toàn chất lượng thực phẩm? Giải thích vấn đề này, ông Phạm Ðình Lai, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh, cho biết: “Việc chứng nhận ATTP được chia ra làm 2 hình thức. Một là cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP (gần 430 cơ sở như đã đề cập trên). Hai là chuỗi sản phẩm rau, củ, quả an toàn (mới có 3 cơ sở, đồng thời đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP). Ðối với cơ sở loại 1 chỉ cần chứng minh đủ điều kiện sản xuất về trang thiết bị, cơ sở vật chất, con người, kiến thức và có trách nhiệm kiểm soát sản phẩm của mình. Tuy nhiên, sản phẩm có an toàn hay không thì chưa được khẳng định triệt để”. Ví dụ như cơ sở sản xuất giò, chả, kinh doanh các sản phẩm từ thịt đủ điều kiện ATTP nhưng người tiêu dùng khó biết được nguồn gốc nguyên liệu làm ra những thực phẩm ấy đã thực sự an toàn. Ðối với các cơ sở này, Chi cục định kỳ kiểm tra 1 lần/năm và giám sát lấy mẫu ngẫu nhiên khi có kinh phí hoặc theo từng đợt.
Vì vậy, khi thực phẩm vào trường học, khó khăn lớn nhất của các trường là việc thẩm định thực phẩm có thực sự sạch không. Mặc dù cán bộ nhà trường có kiểm tra, giám sát chặt chẽ thực phẩm khi đơn vị cung cấp đưa tới nhưng cũng chỉ xác định bằng mắt thường xem tươi ngon hay héo, dập, ôi, hỏng... Chỉ máy móc, thiết bị mới có thể kiểm tra được thành phần thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh... trong thực phẩm có nằm trong mức cho phép hay không, tuy nhiên các trường đều không có loại thiết bị này, chỉ còn cách đặt niềm tin vào nhà cung cấp thực phẩm mình đã lựa chọn.
Ðối với đơn vị cung ứng là chuỗi sản phẩm rau, củ, quả an toàn, các sản phẩm trong hệ thống này được đảm bảo hơn về độ sạch bởi có quy trình truy xuất nguồn gốc, được chứng nhận, kiểm soát và lấy mẫu kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên giá thành thường cao hơn giá thị trường và chưa phổ biến tại nhiều địa bàn nên chưa được đón nhận ở đông đảo trường học. Còn các sản phẩm từ thịt vẫn chưa có đơn vị nào thực hiện truy xuất nguồn gốc mà chỉ được kiểm định bởi cơ quan thú y.
Sắp tới Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tiến hành rà soát lại các cơ sở được cấp giấy chứng nhận theo quy định mới về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (như hộ gia đình xay xát gạo, cung cấp thịt, đậu phụ, hành tỏi khô...) sẽ không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP mới, mà thay vào đó là làm cam kết đảm bảo ATTP và được phân cấp do cấp huyện quản lý. Vì vậy dự kiến chỉ còn hơn 100 cơ sở (doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến) do Chi cục Quản lý. Các trường học có thể nhập thực phẩm từ cơ sở có giấy chứng nhận hoặc cơ sở ký cam kết. Dù là cơ sở nào, các nhà trường cũng cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ trước khi ký hợp đồng cung ứng thực phẩm. Trường học, hội phụ huynh học sinh, đặc biệt là cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt quản lý đề thực phẩm bẩn không có cơ hội vào trường học, bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho các học sinh - tương lai của đất nước.