Theo đó, quy định về định mức số lượng người làm việc (còn gọi là biên chế) không thay đổi so với quy định tại Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV, áp dụng đối với tất cả cơ sở giáo dục phổ thông công lập gồm trường tiểu học, trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học, trường THCS, trường phổ thông dân tộc bán trú cấp THCS, trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, trường THPT, trường THPT chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, trường phổ thông có nhiều cấp học và trường, lớp dành cho người khuyết tật.
Giờ dạy học của cô giáo Hà Thị Tuyến, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Chung Chải, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé
Cụ thể, đối với cấp tiểu học, các trường tổ chức dạy học một buổi/ngày được bố trí tối đa 1,2 giáo viên/lớp. Đối với các trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học được bố trí tối đa 1,5 giáo viên/lớp. Ở cấp THCS, mỗi trường được bố trí tối đa 1,9 giáo viên/lớp. Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, trường phổ thông dân tộc bán trú cấp THCS và trường dành cho người khuyết tật cấp THCS được bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp. Riêng đối với cấp THPT, mỗi trường THPT được bố trí tối đa 2,25 giáo viên/lớp, trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh được bố trí tối đa 2,4 giáo viên/lớp và trường THPT chuyên tối đa 3,1 giáo viên/lớp.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thêm một số vị trí việc làm kiêm nhiệm của giáo viên được hưởng định mức giảm tiết dạy gồm: giáo viên kiêm nhiệm làm công tác giáo vụ, giáo viên kiêm nhiệm làm công tác tư vấn học sinh và giáo viên kiêm nhiệm phụ trách điểm trường. Riêng đối với các vị trí thực hiện nhiệm vụ vệ sinh và bảo vệ, các trường được bố trí lao động theo hình thức ký hợp đồng. Trường có tổ chức cho học sinh ăn bán trú, nội trú có thể bố trí thêm lao động hợp đồng để thực hiện công việc nấu ăn cho học sinh.