banner

VP- Xóa mù chữ - Thắp sáng bản làng vùng cao

Thứ tư - 19/07/2017 04:25
Dienbien.edu.vn - Hình ảnh những học viên lớn tuổi, thậm chí đầu đã điểm bạc vẫn cắp sách đến Trường Tiểu học Nà Tòng, xã Nà Tòng, huyện Tuần Giáo vào mỗi buổi trưa, hoặc tối không còn xa lạ với người dân nơi đây. Họ là học viên lớp xóa mù chữ được mở từ nhiều tháng nay. Vất vả mưu sinh, đã lớn tuổi, việc làm quen với phép tính, con chữ thật không dễ dàng, song họ vẫn không ngừng cố gắng từng ngày...

Đến Trường Tiểu học Nà Tòng khi đã gần giữa trưa một ngày đầu hè, tận mắt thấy các thầy cô giáo cầm tay chỉ từng nét chữ cho học viên ở lớp học xóa mù mới thấy được nhiệt huyết, sự tận tụy với nghề của những người “gieo” chữ ở bản làng vùng cao. Chúng tôi chờ đến khi kết thúc buổi học để được trò chuyện với cô và trò của lớp học đặc biệt này. Gọi là đặc biệt bởi những học viên ở đây đa số là người lớn, đã có gia đình, thậm chí đã lên chức bà. Cô giáo Lường Thị Hương chia sẻ: Hiện lớp có hơn 20 học viên, 100% là nữ. Có rất nhiều khó khăn khi dạy lớp xóa mù, vì đa phần học viên lớn tuổi việc nhận biết mặt chữ rất khó khăn; những ngày đầu cầm bút còn cứng, nét chữ không rõ ràng. Hầu như học viên nào tôi cũng cầm tay rèn từng nét chữ. Các học viên đều là lao động chính trong gia đình, một số học viên nhà xa, buổi đi buổi không nên giáo viên thường chú ý kèm riêng để không ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian học của cả lớp. Để học viên không quên kiến thức, tôi vừa giảng bài mới vừa kết hợp ôn tập bài cũ; tổ chức các trò chơi, đặt câu hỏi gắn liền với thực tế... Thường phải học vài tháng thì học viên mới bắt đầu biết viết, biết đánh vần, biết đọc.

1
Giờ học của lớp xóa mù chữ tại Trường Tiểu học xã Nà Tòng.

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ trong vận động học viên ra lớp, chị Hương nói: Cách đây 2 năm, học viên Quàng Thị Tinh (sinh năm 1984) ở bản Nà Tòng rất nhát, ngại giao tiếp nên việc vận động gặp nhiều khó khăn. Mặc dù nhiều lần tôi cùng thầy hiệu trưởng và cán bộ ủy ban xã đến tận nhà cùng gia đình vận động nhưng Tinh không đi học. Có lần cả đoàn 4 - 5 người đến lại về không vì nhìn thấy từ ngoài ngõ Tinh đã trốn, gọi thế nào cũng không về. Sau đó, những lúc rảnh rỗi tôi lại đến chơi làm quen nói chuyện; mất hơn 1 tuần em mới đồng ý đi học. Những ngày đầu, Tinh không chịu nói chuyện với ai, chỉ ngồi cuối lớp, tan học là về luôn; sau nhiều ngày quan tâm động viên Tinh đã mạnh dạn hơn, đi học đầy đủ, hiểu bài nhanh và là một trong những học viên học tốt của lớp. Kết thúc lớp xóa mù Tinh theo học lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Từ một người ngại giao tiếp, mọi công việc mua bán, đi chợ đều dựa vào chồng; đến nay Tinh đã rất tự tin khi giao tiếp, đọc thông, viết thạo lại biết mang mớ rau, con gà ra chợ bán...

Trò chuyện với chị Cà Thị Thiên, 45 tuổi, học viên cao tuổi nhất lớp nhưng là người đi học rất đều đặn và đúng giờ, chị Thiên cho biết: Đi học được hơn 5 tháng đến nay mình đã biết đọc, biết viết tên mình, tên cháu; từ nay có thể ký tên mình không phải điểm chỉ nữa;... Học xong lớp này tôi sẽ theo học lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ để nâng cao kiến thức cho mình, về nhà có thể dạy cháu đánh vần, tập viết...

Thầy Tô Đình Thuyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nà Tòng cho biết: Hiện tại, tỷ lệ mù chữ trên địa bàn xã khá cao. Tổng dân số từ 15 - 60 tuổi phải phổ cập 1.379 người; trong đó nữ 658 người, dân tộc 1.373 người. Phần lớn học viên theo học trước đây chưa được đến trường; ít biết tiếng phổ thông nên gây khó khăn trong quá trình truyền thụ và nâng cao kiến thức, chất lượng lớp học. Học viên chủ yếu là lao động chính nên chỉ có thể mở lớp vào các khung giờ: Từ 11 - 13 giờ 30 phút, từ 17 - 19 giờ 30 phút và từ 19 - 21 giờ 30 phút; khó khăn cho việc bố trí giáo viên vì đa số nhà các thầy cô đều xa trường. Ngoài ra, cơ sở vật chất thiếu thốn, Trường hiện có 5 điểm trường, tính cả điểm trường trung tâm; riêng điểm trường trung tâm có 8 lớp học thì 7 lớp là phòng học tạm. Hiện nay, tổng số người biết chữ của xã là 1.186 người (nữ 525 người, dân tộc 1.182 người); số người biết chữ mức 2 là 623 người, trong đó dân tộc 619 người. Xã Nà Tòng đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 từ năm 2014, đến nay vẫn duy trì. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã mở 2 lớp xóa mù chữ với 47 học viên; 4 lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ với 68 học viên. Về cơ bản, sau khi học xóa mù học viên biết đọc, biết viết, biết cộng trừ...

Bà Lê Thị Hồng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo cho biết: Hiện nay, tổng dân số từ 15 - 60 tuổi của huyện cần phải phổ cập xóa mù chữ là 54.388 người (nữ 26.865 người, dân tộc 49.685 người); số người biết chữ 49.174 người; số người biết chữ mức 2 là 35.764 người. Tỷ lệ người cần phổ cập xóa mù chữ của huyện còn cao vì: Nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền các đoàn thể xã ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn chưa đầy đủ, chỉ đạo thiếu cụ thể, chưa sát với tình hình thực tế địa phương. Năng lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục - xóa mù chữ và quản lý trường học của một số cán bộ còn hạn chế; địa bàn rộng, khoảng cách giữa các bản xa nhau, số người có nhu cầu đi học nằm rải rác ở các bản gây khó khăn cho việc biên chế lớp học; đời sống của đối tượng học còn ở mức thấp… Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới Phòng tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị điều tra, thống kê số lượng mù chữ, tái mù chữ, từ đó xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu mở các lớp nhằm nâng cao tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học xóa mù chữ trên địa bàn huyện, tập trung ở các xã miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Tác giả: Bài, ảnh: Tuấn Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập394
  • Thành viên online2
  • Máy chủ tìm kiếm54
  • Khách viếng thăm338
  • Hôm nay45,765
  • Tháng hiện tại700,441
  • Tổng lượt truy cập137,052,254
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi