Giờ học của học sinh lớp mẫu giáo lớn. Cô giáo Nguyễn Thị Huân, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mường Báng số 1 cho biết: Trước đây, trường không có giáo viên trình độ đại học, không có giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, số giáo viên có đề tài sáng kiến kinh nghiệm còn ít... Trước thực trạng đó, Chi bộ nhà trường đã quan tâm đặc biệt đến công tác chính trị tư tưởng; triển khai học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết Ðảng bộ các cấp đến cán bộ, đảng viên hiệu quả; nêu cao vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo viên. Trường cũng tăng cường sinh hoạt trao đổi học tập chuyên môn, dự giờ thăm lớp, kiểm tra giáo án, thi giảng, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn với các trường bạn. Hàng năm, Trường tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên đi học lớp đại học sư phạm mầm non hệ tại chức; duy trì và phát huy kết quả trong dạy và học cũng như phong trào, hoạt động thi đua khác.
Nhờ đó, tại các đợt thi giáo viên dạy giỏi, bé khỏe bé ngoan, văn nghệ, thể thao, đồ dùng dạy học tự làm... do Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tủa Chùa tổ chức, nhà trường đạt nhiều giải cao. Tháng 11 vừa qua, đoàn công tác của Sở Giáo dục và Ðào tạo đã kiểm tra đánh giá và thẩm định lại chất lượng, trường đủ các tiêu chuẩn đạt trường chuẩn quốc gia. Hiện nay, trường có 12/20 giáo viên dạy giỏi cấp huyện và cấp tỉnh; 17/20 giáo viên đạt xuất sắc theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non. Ban giám hiệu đều có trình độ đại học sư phạm mầm non, một số giáo viên có trình độ trung cấp lý luận chính trị, 15/28 cán bộ, giáo viên, nhân viên là đảng viên; 14/17 giáo viên xếp loại giỏi, 2/17 giáo viên xếp loại khá, không có giáo viên xếp loại trung bình, yếu kém. Ðánh giá chất lượng giáo dục trên các lĩnh vực: phát triển thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ, tình cảm xã hội trường đều đạt từ 92 - 97,3%...
Là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh 12 năm liên tục, cô giáo Mai Thị Huyền cho biết: Mỗi giáo viên học tập Bác bằng việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình; yêu nghề, mến trẻ, nêu cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp; thường xuyên cập nhật nội dung giảng dạy, tiếp cận phương pháp theo chương trình mới của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Giáo viên đứng lớp theo dõi phát hiện tài năng, năng khiếu của trẻ về hát, múa; có phương pháp chăm sóc, dạy bảo để trẻ phát huy năng khiếu, tự tin mạnh dạn trong giao tiếp.
Ðể tăng cường về nhận thức và ngôn ngữ cho học sinh dân tộc thiểu số, những năm qua, trường quan tâm đến các hoạt động ngoài trời, khuyến khích học sinh giao tiếp với bạn bằng tiếng Việt, tuyên truyền, vận động cha mẹ học sinh sử dụng tiếng Việt nhiều hơn trong đời sống sinh hoạt và dạy dỗ chăm sóc để trẻ nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt vào học tập. Nằm trên địa bàn xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhưng nhà trường xác định mục tiêu lộ trình xây dựng và phát triển trường đạt trường chuẩn quốc gia. Từ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành Giáo dục và Ðào tạo, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất; phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động xã hội hóa giáo dục, vận động người dân tham gia lao động, ủng hộ tiền, hàng hóa xây dựng nhà lớp học, tạo điều kiện cho con em đến lớp đúng độ tuổi.