Xác định khâu tuyên truyền giữ vai trò quan trọng để ngăn chặn thuốc lá, những năm qua, các trường học đã đẩy mạnh công tác này bằng nhiều hình thức, như: Treo băng rôn, áp phích, truyền thông trực tiếp, tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp, lồng ghép tác hại của thuốc lá trong một số môn học... Ðối với các trường THCS, THPT, trường chuyên nghiệp, học sinh ở độ tuổi mới lớn, hay tò mò, dễ bị rủ rê, lôi kéo, việc nâng cao hiểu biết, ý thức kỷ luật càng được coi trọng. Ngay từ đầu năm học, các trường thường dành thời gian phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đến từng lớp. Nhiều trường còn tổ chức cho giáo viên và học sinh, sinh viên ký cam kết không hút thuốc, đồng thời giám sát việc thực hiện, đưa vào quy chế thi đua. Nhờ đó, nhận thức của giáo viên và học sinh về tác hại của thuốc lá ngày càng nâng cao, tình trạng khói thuốc lá trong trường từng bước được đẩy lùi.
Việc vui chơi, tập luyện các môn thể dục, thể thao góp phần tạo lối sống lành mạnh, tránh xa thuốc lá cho học sinh.
Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Thanh Xương chơi bóng rổ tại sân trường.
Tại Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn (TP. Ðiện Biên Phủ), cùng với việc dạy kiến thức, đạo đức, nhà trường luôn chú trọng nâng cao hiểu biết xã hội, kỹ năng sống, ý thức kỷ luật cho học sinh. Với gần 400 học sinh nam trên tổng số hơn 800 học sinh toàn trường, không phát hiện trường hợp nào sử dụng thuốc lá và cũng không có tiền lệ. Mặc dù vậy, trong khuôn viên trường vẫn treo nhiều áp phích tuyên truyền về tác hại thuốc lá. Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Bí thư Ðoàn trường, cho biết: Ðể xây dựng môi trường học đường không khói thuốc lá, nội quy nhà trường cấm việc học sinh hút thuốc lá và đã được phổ biến cho học sinh ngay từ đầu năm học. Ngoài ra, giáo viên thường xuyên chủ động lồng ghép tác hại của thuốc lá trong các bài giảng của mình. Năm học 2016 - 2017, nhà trường cũng phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp, truyền thông tại trường và phát tờ rơi giúp tăng hiểu biết về tác hại thuốc lá cho học sinh để các em không chỉ tự mình tránh xa mà còn có thể trở thành tuyên truyền viên cho gia đình, bạn bè.
Học sinh cấp THCS trong độ tuổi mới lớn, tâm lý thay đổi cũng là bộ phận dễ bị rủ rê “thử 1 điếu thuốc”. 3 năm về trước, tại Trường THCS Thanh Xương (huyện Ðiện Biên), giáo viên thỉnh thoảng lại phát hiện những tàn thuốc lá, mẩu điếu thuốc vương vãi ở nhà vệ sinh hay các góc khuất của trường. Bằng sự quyết liệt của ban giám hiệu và tham gia phát giác của học sinh các lớp, nhà trường phát hiện ra một vài trường hợp học sinh có sử dụng thuốc lá. Trường THCS Thanh Xương đã rất mềm dẻo trong việc xử phạt học sinh vi phạm, chủ yếu là trò chuyện, khuyên răn, nhắc nhở nhằm giúp các em hiểu ra được tác hại của thuốc lá để từ bỏ. Nếu học sinh còn tái phạm sẽ bị kiểm điểm tại lớp. Nặng hơn nữa là nhà trường trao đổi với phụ huynh học sinh để phối hợp giáo dục. Ngoài ra, vào những tiết học trống, giáo viên còn đến các cửa hàng internet, quán quà vặt - giải khát gần trường kiểm tra xem học sinh có bị lôi kéo, đua đòi hút thuốc lá để kịp thời ngăn chặn. Nhờ sự quyết liệt ấy, từ đó đến nay, trường không phát hiện thêm học sinh nào sử dụng thuốc lá. Thầy Nguyễn Ðình Long, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xương, cho biết: Ðể không tái diễn việc như trên, nhà trường tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức cho học sinh về tác hại thuốc lá bằng nhiều hình thức (triển khai văn bản đến các lớp; truyền thông trong giờ chào cờ, sinh hoạt; đưa lên chương trình phát thanh măng non của trường; lồng ghép trong giờ học, đặc biệt là môn sinh học...). Ðồng thời, nhà trường vẫn duy trì việc kiểm tra quanh khuôn viên hàng ngày để đảm bảo không có trường hợp hút thuốc lá.
Ngoài công tác tuyên truyền, các trường còn đề cao tinh thần trách nhiệm và nêu gương cho học sinh. Mỗi cán bộ, giáo viên, đặc biệt là cán bộ quản lý luôn đi đầu trong phòng, chống và không hút thuốc lá. Không còn tồn tại hình ảnh cán bộ, giáo viên hút thuốc lá trước mặt học sinh và trong khuôn viên trường học. Trong độ tuổi thanh, thiếu niên với nhận thức, suy nghĩ chưa đủ sâu rộng và chín chắn, thuốc lá không chỉ tàn phá sức khỏe mà còn dễ đưa đẩy các em đến những tệ nạn xã hội khác. Vì vậy môi trường học đường không khói thuốc lá thực sự rất quan trọng và ý nghĩa, cần được tiếp tục triển khai, góp phần tạo ra nếp sống văn minh, lành mạnh, bảo vệ sức khỏe cho thế hệ tương lai của đất nước.