banner

VP- Vượt khó vươn lên

Thứ tư - 25/10/2017 23:41
Dienbien.edu.vn- Năm học 2017 - 2018, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở (PTDTBT THCS) Phì Nhừ, xã Phì Nhừ (huyện Điện Biên Đông) có 286 học sinh; với 8 phòng học, 8 phòng nội trú và một số phòng chức năng khác. Tất cả đều là nhà tạm được dựng cách đây nhiều năm, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng với nỗ lực trong việc dạy và học, ngay từ những ngày đầu năm, hoạt động của nhà trường đã đi vào nề nếp, ổn định.
Có mặt tại Trường PTDTBT THCS Phì Nhừ khi các em vừa kết thúc ca học buổi sáng. Dẫn chúng tôi đi tham quan các dãy nhà lớp học, thầy giáo Hoàng Quốc Huy, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Trường được thành lập từ năm 2007 trên cơ sở chia tách từ Trường Phổ thông cơ sở Phì Nhừ. Năm học 2017 - 2018 nhà trường có 24 cán bộ, giáo viên, nhân viên; so với biên chế lớp học, trường còn thiếu giáo viên. Trong đó 2 giáo viên dạy môn Toán, 1 giáo viên Ngữ văn và 1 giáo viên Mỹ thuật. Trong 286 học sinh thì chiếm tới hơn 99,3% học sinh dân tộc Mông, được hưởng chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Đa số khoảng cách từ nhà các em đến trường đều xa, từ 15 - 22km, giao thông cách trở, nhà ở rải rác trên những triền đồi, sườn núi đi lại khó khăn nên các em ở nội trú tại trường cả tuần, thậm chí cả tháng mới về nhà một lần. Dù mỗi em được hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước là 15kg gạo và 520 nghìn đồng/tháng, nhưng cuộc sống của học sinh nội trú còn vô cùng khó khăn, do các em đều là con gia đình thuộc hộ nghèo của xã. Để cải thiện bữa ăn, sinh hoạt cho học sinh, ngoài giờ lên lớp, nhà trường phân công các thầy cô giáo tổ chức cho các em tăng gia sản xuất, tự trồng rau xanh để cải thiện chất lượng bữa ăn. Vận động các tổ chức, cá nhân, quyên góp hỗ trợ sách vở, bút mực, quần áo, mì tôm… động viên các em phấn đấu vươn lên trong học tập. Chỉ tay về phía căn phòng nội trú liêu xiêu trong sương mù, thầy Huy cho biết thêm: “Phòng có 24m2 nhưng có tới 20 học sinh sinh hoạt, ngủ, nghỉ. Để thuận lợi trong việc sinh hoạt hàng ngày, các thầy giáo phải kê ghép 2 giường vào một dãy để học sinh còn có không gian đi lại trong phòng”.
1
Một tiết học môn thể dục của thầy và trò Trường PTDTBT THCS Phì Nhừ.
 
Trong căn phòng nội trú nhỏ hẹp, em Hạ Thị Dơ, học sinh lớp 8A1, Trường PTDTBT THCS Phì Nhừ, cho biết: “Nhà em ở bản Háng Sông Dưới, cách trường 22km, mỗi tháng em chỉ về nhà một lần, nên em coi trường học như  ngôi nhà thứ hai của mình; dù ở phòng nội trú còn chật chội, phải ngủ ghép với bạn, nhiều đêm đang ngủ trời mưa dột phải chuyển chỗ nhưng chúng em vẫn cố gắng khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên trong học tập”.

Với điều kiện nhà trường có 9 lớp nhưng chỉ có 8 phòng học nên học sinh phải học 2 ca mỗi ngày. Phòng Ban giám hiệu, phòng y tế, thư viện, phòng công vụ cho giáo viên cũng chưa có. Cũng do thiếu phòng nội trú nên phải sử dụng 4 phòng vừa học vừa làm phòng nội trú. Khuôn viên trường chỉ rộng 2.467m2 nên gần như không có sân chơi, bãi tập, các em phải học môn Thể dục nhờ sân UBND xã Phì Nhừ. Đa số giáo viên nhà ở ngoài trung tâm huyện và thành phố Điện Biên Phủ hoặc từ các tỉnh miền xuôi lên, do vậy phải ở lại trường để đảm bảo công tác giảng dạy và thuận lợi cho việc kèm cặp, quản lý học sinh nội trú. Tuy nhiên, vì chưa được đầu tư nhà công vụ nên các thầy, cô giáo phải ở nhờ hoặc thuê nhà khu vực xung quanh trường.
2
Nhà nội trú của học sinh Trường PTDTBT THCS Phì Nhừ.
 
Dù cơ sở vật chất khó khăn, thiếu thốn đủ bề; nhưng với sự nỗ lực vượt khó vươn lên của các thầy cô giáo, các em học sinh, Trường PTDTBT THCS Phì Nhừ tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tăng cường nội dung đổi mới phương thức hoạt động giáo dục theo chủ đề, chủ điểm; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe của học sinh… Nhờ đó, trong ba năm liền (từ 2014 – 2016), trường đều có học sinh đạt giải nhất, nhì, ba học sinh giỏi cấp tỉnh; năm 2016 – 2017 trường có 9 em đạt học sinh giỏi cấp huyện; tỷ lệ chuyển lớp và tốt nghiệp hằng năm đạt gần 99%. Đối với kết quả giảng dạy, trường có 1 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 7 giáo viên dạy giỏi cấp huyện và là trường có số lượng giáo viên dạy giỏi cấp huyện cao nhất trên toàn huyện Điện Biên Đông.

Ông Cù Huy Hoàn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông, cho biết: Năm học 2017 - 2018, toàn huyện có 61 trường gồm các bậc học, thì Trường PTDTBT THCS Phì Nhừ là đơn vị khó khăn nhất và cũng là trường duy nhất trên địa bàn huyện chưa được đầu tư xây dựng kiên cố. Do chưa có nguồn vốn để đầu tư nên trường vẫn chỉ là những ngôi nhà tạm đã xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành, sớm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường, lớp học, để đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh yên tâm dạy và học.

Tác giả: Tú Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập401
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm386
  • Hôm nay29,356
  • Tháng hiện tại717,737
  • Tổng lượt truy cập136,170,106
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi