Thực tế cho thấy trẻ em rất thích vẽ, dù là thiếu nhi ở vùng cao hay vùng đồng bằng, thành thị thì đều thích vẽ. Ở các vùng bản làng xa xôi còn khó khăn nếu quan sát kỹ bạn sẽ gặp những hình vẽ hết sức ngộ nghĩ vừa cụ thể, vừa “trừu tượng” như: các con vật, ngôi nhà, bông hoa, thậm chí là những hình vẽ vô định... những hình ảnh được vẽ trên giấy viết cũng có khi là trên các tấm ván thưng quanh nhà hoặc các bức tường, sân trường nơi các em sinh sống và học tập. Đặc biệt trẻ em vùng cao thường vẽ bằng than củi, cũng có khi là viên sỏi, một mẩu nhỏ của viên gạch mà các em thu lượm được. Với các em thiếu nhi ở vùng đồng bằng, thành thị nơi có điều kiện cuộc sống tốt hơn các em thường vẽ bằng nhiều chất liệu như sáp mầu, mầu nước, bút chì mầu, chủ đề trong tranh thường thể hiện tình cảm của bản thân với bố mẹ, ông bà, hay tái hiện phong cảnh, các con vật, nhân vật trong tranh truyện, trò chơi trong game hay phim hoạt hình mà các em yêu thích.
Tranh vẽ là nhu cầu thẩm mỹ của học sinh tiểu học vì thông qua ngôn ngữ của hội hoạ như hình ảnh, mầu sắc, hình mảng, đường nét… giúp các em tái tạo hiện thực cuộc sống và cảm xúc theo cách hiểu, cách nghĩ của chính mình. Tranh vẽ của trẻ còn thể hiện những ý tưởng sáng tạo mà người lớn không thể ngờ tới. Tham gia vào hoạt động vẽ tranh sẽ góp phần không nhỏ giúp các em phát triển khả năng, năng khiếu của mình làm đẹp cho cuộc sống, xa hơn nữa là tạo nền tảng định hướng cho các em có năng khiếu có thể thi vào các trường có các ngành học liên quan đến việc thi tuyển năng khiếu vẽ mỹ thuật như: Kiến trúc, xây dựng, thiết kế đồ hoạ, sáng tác hoặc giảng dạy mỹ thuật,…
Tổ chức thi vẽ tranh cho học sinh TH và THCS của Phòng GD và ĐT huyện Tuần Giáo – Tháng 5/2013
Trong một vài năm gần đây cùng với sự lớn mạnh của đội ngũ giáo viên mỹ thuật trong ngành. Nhiều hoạt động mỹ thuật đã và đang được tổ chức một cách khá bài bản, khoa học ở nhiều đơn vị trong ngành giúp học sinh có điều kiện được tham gia thể hiện khả năng của mình như: Tổ chức cho học sinh thi vẽ ở hội thi cấp trường, cấp huyện, tham gia thi vẽ tranh do các tổ chức, đoàn thể trong tỉnh hoặc trung ương tổ chức. Có thể kể đến một số cuộc thi tiêu biểu như vẽ tranh về chủ đề “Thiếu niên, nhi đồng với bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu” do Phòng GD - ĐT huyện Tuần Giáo phối hợp liên ngành trong huyện tô chức, “Vẽ về cuộc sống xung quanh em” do Nhà thiếu nhi tỉnh Điện Biên phối hợp với trường THCS và trường Tiểu học Tân Bình tổ chức,… Trong một số cuộc thi cấp Trung ương đã có nhiều em đạt giải cao như: hai học sinh Trần Khánh Huyền và Trần Phương An học sinh lớp 5A4 trường tiểu học thị trấn Tuần Giáo đạt giải Nhất trong cuộc thi ô tô mơ ước lần 2 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với công ty Toyota tổ chức vào tháng 12/2012, nhóm học sinh tiểu học huyện Tuần Giáo tham gia cuộc thi ý tưởng trẻ thơ năm 2013 với bức tranh “Chiếc cầu mơ ước” đạt giải Nhất, … đây là những tín hiệu đáng mừng cho hoạt động mỹ thuật của thiếu nhi của tỉnh, của ngành và tự hào cho đội ngũ giáo viên mỹ thuật. Qua đây cũng thấy được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các đoàn thể trong tỉnh đã quan tâm đến hoạt động của mỹ thuật đặc biệt là hoạt động vẽ tranh của học sinh nói chung và học sinh tiểu học nói riêng. Đồng thời khẳng định sự tâm huyết của đội ngũ giáo viên mỹ thuật với công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà.
Tuy nhiên nhìn lại ở một số phong trào và chất lượng tranh vẽ của học sinh còn có những hạn chế nhất định như: Chất lượng một số tranh vẽ chưa cao, nhiều tranh vẽ còn mang tính chất cổ động, tuyên truyền; nhiều em có khả năng vẽ nhưng khi vẽ còn bị tác động, áp đặt bởi ý tưởng của người lớn dẫn đến tranh vẽ thiếu đi “hình ảnh, mầu sắc và sự hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ” tranh vẽ chưa thực sự biểu hiện đúng những suy nghĩ tình cảm, những rung động của chính các em với hiện thực cuộc sống. Một số cuộc thi vẽ tranh thời gian vẽ, quy định sử dụng dụng cụ vẽ chưa phù hợp với khả năng và cách thể hiện chất liệu của các em. Đặc biệt là việc trưng bày, triển lãm như: Không gian trưng bày, quy cách treo tranh chưa thể hiện rõ đặc thù của bộ môn mỹ thuật do vậy thiếu sự thu hút với dư luận và người xem. Nhiều nơi chưa có điều kiện để tổ chức thi vẽ tranh, triển lãm hoặc trưng bày các sản phẩm mỹ thuật của học sinh.
Thiết nghĩ, trong dạy học mỹ thuật nói chung và tổ chức cho học sinh vẽ tranh chúng ta cần tôn trọng cách biểu hiện ngôn ngữ tạo hình của lứa tuổi thiếu nhi, thầy cô giáo nên là người tổ chức, động viên, khơi nguồn cảm xúc, sáng tạo cho các em, không vì phong trào và thành tích mà tác động, can thiệp quá sâu vào sự sáng tạo và biểu hiện ngôn ngữ tạo hình của các em. Hãy để các em nói lên tiếng nói trong sáng và hồn nhiên của trẻ thơ chính là góp phần tạo cho các em sự độc lập, sáng tạo trong suy nghĩ và quan trọng hơn giúp các em phát triển tư duy thẩm mỹ và hình thành nhân cách trong các em. Đối với việc trưng bày, triển lãm cần tạo không gian, thời gian để giới thiệu được các sáng tác của các em đến với đông đảo mọi người cùng thưởng lãm. Hãy để mỗi giờ học mỹ thuật hay tham gia một cuộc thi vẽ tranh sẽ là cơ hội để các em nói lên ước mơ, khát vọng của tuổi thơ bằng ngôn ngữ tạo hình của chính mình và mỹ thuật là sân chơi bổ ích, ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn tuổi thơ của các em.
Bài và ảnh: Sơn Vũ – Duy Thanh
Chi hội Mỹ thuật ngành Giáo dục và Đào tạo
Giới thiệu một số tranh vẽ của học sinh tiểu học trong ngành
Một số tranh vẽ của học sinh huyện Tuần Giáo
Một số tranh vẽ của học sinh huyện Tủa Chùa