Đề án này được xây dựng trên những căn cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ phân tích cơ sở thực tiễn của việc xây dựng mục tiêu của Đề án.
1. Cơ sở thực tiễn của việc xây dựng mục tiêu đề án
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những thành quả to lớn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, chất lượng học tập của một bộ phận học sinh vùng khó khăn còn chưa đạt yêu cầu của chuẩn kiến thức kỹ năng. Đội ngũ giáo viên, nhân viên các cấp học còn thiếu cục bộ về số lượng, chưa đồng bộ về cơ cấu các môn học, một bộ phận còn yếu không đáp ứng được yêu cầu chất lượng.
1.1. Hệ thống, quy mô trường, lớp, học sinh
Tính đến tháng 9/2012, toàn tỉnh có 490 trường, 7.125 lớp Trong đó:
- Giáo dục mầm non có 162 trường, 1.828 nhóm lớp, với 38.516 trẻ
- Giáo dục tiểu học có 173 trường, 3.445 lớp, với 61.580 học sinh.
- Giáo dục THCS có 114 trường, 1.284 lớp, với 36.055 học sinh.
- Giáo dục THPT có 29 trường, 487 lớp, với 15.090 học sinh
- Giáo dục không chính quy có 1 trung tâm KTTH-HN, 125 lớp, 3.151 học sinh và 8 GDTX trung tâm, với 62 lớp, 2.068 học viên
- Ngoài ra, còn có 2 trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, 65 lớp, với 1.410 học viên.
- Hệ thống Giáo dục chuyên nghiệp và nghề có 4 trường cao đẳng. Trong đó, 3 trường Cao đẳng trường chuyên nghiệp và 01 trường Cao đẳng nghề, có hơn 9.000 sinh viên (Hình 1)
Hình 1: Hệ thống, quy mô trường, lớp của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên
1.2. Chất lượng giáo dục và đào tạo
Từ năm học 2004-2005, cùng với sự phát triển mạnh về quy mô, chất lượng và hiệu quả, giáo dục Điện Biên đã từng bước ổn định, tăng trưởng bền vững và tương đối đồng đều so với các tỉnh cùng khu vực.
Việc đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học, quy trình và nội dung kiểm tra, đánh giá được thực hiện nghiêm túc ở các cấp học và bước đầu đạt kết quả tốt. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên được tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức khác nhau.
Nền nếp, kỷ cương trong trường học được tăng cường, khắc phục cơ bản tình trạng học sinh không đạt chuẩn lên lớp. Công tác giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục được chú trọng. Tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình dạy tăng cường Tiếng Việt cho học sinh vùng cao trước khi vào lớp 1.
Hiệu quả đào tạo của các trường chuyên nghiệp ngày càng được nâng cao và dần đáp ứng yêu cầu của xã hội về các ngành đào tạo.
Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo Điện Biên còn bộc lộ một số hạn chế cơ bản, đó là:
Chất lượng giáo dục không đồng đều giữa các vùng, miền. Khu vực vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn chất lượng giáo dục còn hạn chế.
Tỷ lệ học sinh giỏi các cấp còn thấp, không đồng đều giữa các vùng, giữa các ban khoa học và thiếu tính bền vững. Số học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố
Nguyên nhân hạn chế:
Những năm 1980 đến 1990, do thiếu hụt một lượng đáng kể giáo viên cấp tiểu học và THCS, Điện Biên đã thực hiện giải pháp đào tạo cấp tốc các hệ: 4+3, 5+3, 7+2, 9+2, những giáo viên này đều dưới chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; mặc dù trong những năm qua đã được ngành quan tâm cử đi đào tạo chuyên tu, tại chức (vừa làm vừa học), song một bộ phận còn yếu không đáp ứng được yêu cầu chất lượng.
Tại vùng sâu, vùng xa, điều kinh kinh tế, xã hội có nhiều khó khăn giáo viên và học sinh ít có điều kiện bồi dưỡng, học tập nâng cao nhận thức, chuyên môn, nghiệp vụ.
1.3. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục
● Trình độ đào tạo, cơ cấu đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý
a) Trình độ đào tạo
Tính đến tháng 10/2012, tổng số nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục toàn tỉnh có 13.785 người. Trong đó: Cán bộ quản lý 1.418 người chiếm 10,28%; giáo viên trực tiếp giảng dạy ở các cấp học: 12.367 người chiếm 89,72,06%. Trong đó:
Giáo dục mầm non: Có 2.650 cán bộ, giáo viên mầm non. (2.649 cán bộ giáo viên đạt trình độ đào tạo chuẩn trở lên, chiếm 99,96%), trong đó: 2.550 giáo viên, 399 cán bộ quản lý.
Giáo dục tiểu học: Có 5.629 cán bộ, giáo viên (5.626 cán bộ giáo viên có trình độ đào tạo chuẩn và trên chuẩn, chiếm 99.94 %); trong đó: 5.171 giáo viên, 455 cán bộ quản lý.
Giáo dục THCS: Có 3.258 cán bộ, giáo viên. Trong đó: 2.977giáo viên (2.709 giáo viên có trình độ đào tạo chuẩn và trên chuẩn đạt 83,1%), 268 cán bộ quản lý.
Giáo dục THPT và Bổ túc THPT: Có 1.383 cán bộ, giáo viên. Trong đó có 1.317 giáo viên (giáo viên có trình độ đào tạo chuẩn và trên chuẩn đạt 95,2%), 117 cán bộ quản lý (Bảng 1)
Bảng 1: Trình độ đào tạo của đội ngũ cán bộ quản lý của ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh Điện Biên
TT | Cấp học | Tổng số | Số cán bộ QLGD |
Đạt chuẩn | Trên chuẩn | Chưa đạt chuẩn |
Số lượng | Tỷ lệ (%) | Số lượng | Tỷ lệ (%) | Số lượng | Tỷ lệ (%) |
1 | Mầm non | 399 | 55 | 13,8 | 344 | 86,2 | 0 | 0 |
2 | Tiểu học | 455 | 29 | 6,4 | 426 | 93,6 | 0 | 0 |
3 | Trung học cơ sở | 269 | 42 | 15,6 | 226 | 84,0 | 1 | 0,4 |
4 | THPT và GDTX | 117 | 112 | 95,7 | 3 | 2,5 | 2 | 1,7 |
5 | Khối các trường chuyên nghiệp | 119 | 93 | 78,7 | 22 | 17,9 | 4 | 3,4 |
6 | Khối các phòng GD | 31 | 27 | 87,1 | 2 | 6,4 | 2 | 6,5 |
7 | Văn phòng Sở | 28 | 21 | 75,0 | 7 | 25,0 | 0 | 0 |
Tổng | 1.418 | 379 | 53,2 | 1.030 | 45,1 | 9 | 1,7 |
Trong số 12.367 giáo viên các cấp học có 5.504 người (chiếm 45,5%) đạt chuẩn về trình độ đào tạo; 6.494 người (chiếm 52,5%) đạt trình độ trên chuẩn (Bảng 2)
Bảng 2: Trình độ đào tạo của ngũ giáo viên của ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh Điện Biên
TT | Cấp học | Tổng số | Số giáo viên |
Đạt chuẩn | Trên chuẩn | Chưa đạt chuẩn |
Số lượng | Tỷ lệ (%) | Số lượng | Tỷ lệ (%) | Số lượng | Tỷ lệ (%) |
1 | Mầm non | 2.551 | 1.076 | 42,2 | 1.474 | 57,77 | 01 | 0,03 |
2 | Tiểu học | 5.174 | 1.732 | 33,5 | 3.439 | 66,47 | 3 | 0,03 |
3 | Trung học cơ sở | 2.989 | 1.223 | 40,9 | 1.486 | 49,7 | 280 | 9,4 |
4 | THPT và GDTX | 1.266 | 1.167 | 92,2 | 35 | 2,8 | 64 | 5,0 |
5 | Khối các trường CN | 387 | 306 | 79,1 | 60 | 15,5 | 21 | 5,4 |
Tổng | 12.367 | 5.504 | 44,5 | 6.494 | 52,5 | 369 | 3,0 |
b) Cơ cấu đội ngũ
- Cơ cấu giới tính và cơ cấu dân tộc: Nhìn chung, càng lên các bậc học cao hơn, giáo viên là nữ và là người dân tộc có tỷ lệ càng giảm (Bảng 3)
Bảng 3: Cơ cấu giới tính và cơ cấu dân tộc của giáo viên ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh Điện Biên
Cấp học | Tổng số GV, CBQL | Nữ | Dân tộc |
Số lượng | Tỷ lệ % | Số lượng | Tỷ lệ % |
Mầm non | 2.650 | 2.649 | 99,96 | 1.567 | 59,13 |
Tiểu học | 5.629 | 3.434 | 61.00 | 2.797 | 49,68 |
THCS | 3.258 | 1.702 | 52,24 | 854 | 26,2 |
THPT,GDTX | 1.383 | 795 | 57,48 | 113 | 8,17 |
Khối chuyên nghiệp | 519 | 321 | 61,84 | 45 | 8,67 |
Khối phòng giáo dục | 103 | 29 | 28,15 | 8 | 7,76 |
Văn phòng Sở | 56 | 15 | 26,78 | 4 | 7,14 |
Tổng cộng | 13598 | 8945 | 65.78 | 5388 | 39.62 |
- Cơ cấu vùng miền: Hiện tại toàn ngành đội ngũ giáo viên các cấp học đáp ứng cơ bản về số lượng, cơ cấu đang từng bước được điều chỉnh hợp lý. Một số đơn vị giáo dục vùng đặc biệt khó khăn còn thiếu giáo viên cấp học mầm non và một số môn đặc thù như ngoại ngữ, tin học (hệ chính quy).
Giáo viên vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn chiếm 75% tổng số trong đó giáo viên công tác tại các điểm trường lẻ chiếm 35-40%.
- Cơ cấu độ tuổi: Trong tổng số, giáo viên độ tuổi dưới 31 chiếm 51,84%; từ 31 đến 40 chiếm 29,98%; độ tuổi từ 41đến 50 chiếm 14,12%; độ tuổi trên 51 chiếm 4,06%.
Việc tuyển dụng, điều động, luân chuyển giáo viên theo vùng miền tuy có nhiều cố gắng, song vẫn chưa thực sự đảm bảo cân đối ở một số đơn vị về giới tính, giáo viên người địa phương, về độ tuổi, tuổi nghề, đảng viên
● Chất lượng đội ngũ
a) Về phẩm chất đạo đức
Tuyệt đại đa số đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất đạo đức khá, tốt; yêu nghề. Một tỷ lệ rất nhỏ giáo viên chưa thực sự khắc phục khó khăn vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.
b) Về trình độ chuyên môn
Từ năm học 2005-2006 đến nay, tình trạng thiếu giáo viên đang từng bước được cải thiện. Giáo viên mầm non, tiểu học chỉ còn thiếu cục bộ. Riêng giáo viên THPT do quy mô học sinh tăng nhanh nên nguồn tuyển không đáp ứng đủ về số lượng.
Chất lượng chuyên môn của đội ngũ giáo viên không đồng đều. Ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vẫn còn một bộ phận giáo viên đào tạo không chính quy và một số giáo viên mới ra trường chất lượng còn hạn chế.
Trước yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp quản lý giáo dục, tỷ lệ giáo viên trình độ yếu giảm dần.
c) Về trình độ lý luận chính trị và ngoại ngữ, tin học
Toàn tỉnh có 384 cán bộ quản lý có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên (159 trung cấp, 211 cao cấp, 14 cử nhân).
Năm học 2012-2013, toàn ngành có 9.994 nhà giáo có trình độ A trở lên về tin học văn phòng, chiếm 73,5%, có 578 nhà giáo có trình độ cao đẳng, đại học ngoại ngữ; có khoảng 11,6% nhà giáo đã qua các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ và có chứng chỉ A, B, C.
2. Mục tiêu của đề án
Trên cơ sở thực tiễn, UBND Tỉnh và Sở Giáo dục Đào tạo Điện Biên đã xác định mục tiêu của đề án Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Điện Biên giai đoạn 2012 – 2020
2.1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn theo các quy định hiện hành đồng thời từng bước nâng cao và chuẩn hoá về trình độ đào tạo, nâng cao chất lượng toàn diện, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, vững vàng về tư tưởng chính trị, mẫu mực về phẩm chất, đạo đức, lối sống; thường xuyên được cập nhật phương pháp giảng dạy, kiến thức, kỹ năng mới cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có đủ trình độ và năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.
2.2. Mục tiêu cụ thể
Từ năm 2012 đến 2015, hằng năm bổ sung đủ nhu cầu giáo viên và cán bộ quản lý (từ 300 - 400 người) cho các trường học, đáp ứng tăng quy mô trường, lớp và học sinh, thực hiện định biên theo
● Đối với các cấp học: Xây dựng và phát triển trường THPT chuyên của tỉnh đảm bảo yêu cầu giáo dục trên địa bàn. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp, đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngoại ngữ, tin học khả năng nghiên cứu khoa học sư phạm và ứng dụng công nghệ trong trường học, đáp ứng nhu cầu vừa tăng quy mô, vừa nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Cấp học | Năm | Trình độ | Tin học | Ngoại ngữ | Tiếng DT (NVSP) | Đảng viên | Trình độ LLCT | TĐ QLNN QL ngành |
Chuẩn | Trên chuẩn | CC, CN | TC |
GDMN | 2015 | 100% | 65% | 60% | 2% | 50% | 30% | | 2% | 5% |
2020 | 100% | 85% | 75% | 5% | 80% | 45% | | 5% | 10% |
GDTH | 2015 | 100% | 75% | 50% | 5% | 45% | 40% | | 5% | 5% |
2020 | 100% | 90% | 70% | 8% | 70% | 50% | | 8% | 10% |
THCS | 2015 | 100% | 60% | 80% | 6% | 40% | 35% | 2% | 4% | 4% |
2020 | 100% | 75% | 100% | 9% | 50% | 45% | 4% | 5% | 10% |
GDTrH | 2015 | 100% | 15% | 80% | 20% | 25% | 35% | 4% | 6% | 5% |
2020 | 100% | 30% | 90% | 30% | 50% | 50% | 6% | 8% | 6% |
GDCN | 2015 | 100% | 98% | 30% | 100% | 90% | 45% | 18% | 2% | 4% |
2020 | 100% | 100% | 40% | 100% | 100% | 60% | 30% | 5% | 7% |
Ngoài công lập | 2015 | 100% | 20% | 80% | 80% | | 15% | | 2% | 3% |
2020 | 100% | 30% | 100% | 100% | | 25% | | 5% | 5% |
● Đối với cán bộ quản lý giáo dục
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đào tạo các cấp đủ về số lượng, đạt trình độ đào tạo chuẩn và trên chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức lý luận chính trị, quản lý nhà nước, quản lý giáo dục và quản lý các lĩnh vực chuyên sâu khác;
Đến năm 2015, 100% đạt trình độ đào tạo chuẩn trở lên, trong đó có 15% đạt trình độ đào tạo trên chuẩn; 50% được đào tạo quản lý nhà nước; 90% được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý giáo dục; 90% nhà giáo có trình độ tin học, 60% có trình độ ngoại ngữ chứng chỉ A trở lên. Có 80% là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam; 8% nhà giáo có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên, trong đó 2% có trình độ cao cấp lý luận chính trị trở lên.
Đến năm 2020, 100% đạt trình độ đào tạo chuẩn trở lên, trong đó có 25% trình độ đào tạo trên chuẩn; 70% được đào tạo quản lý nhà nước; 95% được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý giáo dục; 100% nhà giáo có trình độ tin học, 70% có trình độ ngoại ngữ chứng chỉ A trở lên. Có 100% là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam; 10% nhà giáo có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên, trong đó 5% có trình độ cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị.
Kết luận
1. Xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn theo các quy định hiện hành đồng thời từng bước nâng cao và chuẩn hoá về trình độ đào tạo, nâng cao chất lượng toàn diện, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu là mục tiêu chủ yếu của đề án “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Điện Biên giai đoạn 2012 - 2020”.
2. Mục tiêu của Đề án này được xây dựng trên những căn cứ thực tiễn vững chắc. Đặc biệt là hệ thống, quy mô trường, lớp, học sinh; chất lượng giáo dục - đào tạo và đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.