banner

CHVH - VĂN CAO VỚI MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN

Thứ năm - 10/05/2018 03:20
Bước sang năm 1975, cuộc chiến tranh mà người Mỹ khởi động và tiến hành tại miền Nam Việt Nam đã phải kết thúc vào ngày 30 tháng Tư.
Buổi sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975, trên nóc tòa Đại sứ Mỹ, chiếc trực thăng cuối cùng chở các cố vấn, tướng tá và những người lính Mỹ cuối cùng bay ra chiến hạm đậu sẵn ngoài khơi để rút về Mỹ, vĩnh viễn chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Việt Nam.
 
Oliver Todd, một nhà báo Mỹ đã ghi lại:
 
5 giờ 30 phút: 200 người Mỹ, trong đó có 170 lính thủy còn chờ ở sứ quán.
 
7 giờ 53 phút, chiếc trực thăng cuối cùng bay lên, có những máy bay tiêm kích Cobra hộ tống. Đây là lần đầu tiên, kể từ 10 năm nay, không còn bóng một người lính Mỹ trên đất Việt Nam.
 
Ngày 30 tháng Tư không chỉ là ngày kết thúc cuộc chiến tranh của người Mỹ ở Việt Nam mà còn là ngày nhân dân Việt Nam giành được hòa bình, độc lập và thống nhất sau cuộc trường chinh 30 năm đầy gian khổ.
         
Chiến thắng 30 tháng Tư là chiến thắng của toàn thể nhân dân Việt Nam đối với chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc. Là chính nghĩa của dân tộc Việt Nam chiến thắng cuộc chiến tranh bạo tàn, phi nghĩa của kẻ thù. Là một chiến thắng to lớn làm thất bại vĩnh viễn âm mưu chia cắt lâu dài hai miền Nam – Bắc Việt Nam, chấm dứt nỗi đau chia cắt hơn hai mươi năm trong lòng triệu triệu người Việt Nam.
         
Bởi vậy, mùa xuân 1975 không chỉ là mùa xuân toàn thắng mà còn là mùa xuân hòa hợp dân tộc, Bắc Nam sum họp một nhà.
Ca khúc Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao đã ra đời sau sự kiện vĩ đại và rất đỗi thiêng liêng đó.
         
Văn Cao là một nghệ sĩ lớn của nền âm nhạc nước nhà. Người nghệ sĩ tài hoa và lãng mạn một thời, từng chìm trong cô đơn với Suối Mơ, Thiên Thai, Thu cô liêu, Buồn tàn thu, nhưng đến lúc sống trong không khí lịch sử hào hùng của đất nước đã biến đổi sâu sắc, trở thành người nhạc sĩ của cách mạng với những khúc ca hùng tráng như Tiến quân ca (1944), Trường ca sông Lô (1948), Tiến về Hà Nội (1949) và sau này là ca khúc vô cùng đáng nhớ: Mùa xuân đầu tiên (1976).
         
Trong sự nghiệp phong phú, đa dạng về phong cách âm nhạc của Văn Cao, Mùa xuân đầu tiên là một ca khúc hết sức đặc biệt, là bài ca mừng ngày thống nhất non sông – như lời nhạc sĩ nói với con trai “Cha sáng tác bài hát này mừng xuân đầu tiên đất nước mình thống nhất”. Nhưng bài ca không mang âm hưởng hào hùng, sôi nổi mà đằm thắm, thiết tha, sâu lắng chất trữ tình.
         
Mùa xuân đầu tiên bắt đầu bằng giai điệu nhẹ nhàng, dìu dặt: "Rồi/ dặt dìu/ mùa xuân/theo én về; Mùa/bình thường/ mùa vui/ nay đã về, rồi vút lên trong thanh âm tha thiết: Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên, với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông. Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn".

Lời ca nhịp nhàng theo điệu valse dịu êm làm xao xuyến lòng người. Và nhất là những hình ảnh, thật bình dị mà lay động sâu xa, làm xúc động lòng người.

Bài hát được cất lên từ sâu thẳm trái tim người nghệ sĩ với một niềm xúc động lớn trước khoảnh khắc lịch sử thiêng liêng.
Có đau nỗi đau của cả dân tộc oằn mình trong khói lửa chiến tranh hàng thập kỷ mới hiểu được cái vô giá thiêng liêng của những điều hết sức bình thường.
         
Có thấm thía nỗi đau chia cắt hơn hai mươi năm mới hiểu vì sao cái mùa bình thường ấy lại là cả một mùa vui, là xuân vui đầu tiên, là mùa xuân mơ ước.
         
Có đi qua những năm dài chiến tranh trải bàn tay thần chết, qua bao tang tóc điêu linh mới thấm thía ý nghĩa sâu sắc của một trưa nắng vui cho bao tâm hồn.
         
Chỉ có ngày 30 tháng Tư mới mang lại cái mùa bình thường bình yên ấy mà bao nhiêu năm trong chiến tranh chúng ta không thể có.

Chỉ có ngày 30 tháng Tư mới mang về cho đất nước quê hương một xuân vui đầu tiên sau bao đau thương tang tóc.
Chỉ có ngày 30 tháng Tư mới chấm dứt vĩnh viễn cuộc chiến tranh tàn khốc mười nghìn ngày để đem đến cho hôm nay một trưa nắng vui cho bao tâm hồn.
         
Và chỉ có từ giờ phút này, đất nước thân yêu mới có được cái bình thường của một đời sống bình yên.
         
Bài hát thực sự là tình cảm và niềm xúc động sâu sắc của một trái tim nghệ sĩ lớn trước thời khắc lịch sử trọng đại, thiêng liêng của cả dân tộc, một thời khắc mở ra những “cái đầu tiên”:

Một bầu trời bình yên không khói bom.

Một làn khói bay trên sông êm ả, bình yên, không có tàu chiến, ca nô tuần tiễu dọc ngang, đêm ngày bắn phá.

Một tiếng gà gáy trưa bên sông xao xác, bình yên, không còn những trận càn quét, bắt bớ, thảm sát thường dân, đốt phá xóm làng.

Ôi những điều nhỏ nhặt, giản đơn tưởng rất đỗi bình thường, vậy mà hàng chục năm qua nhân dân ta không được hưởng.

Càng xúc động khi nhìn lại quá khứ đau thương, càng thấy giá trị của ngày 30 tháng Tư lịch sử: không chỉ là một ngày huy hoàng của chiến thắng vinh quang, mà còn là khoảnh khắc lắng đọng bao ý nghĩa của con người được quyền tự chủ trong hạnh phúc hòa bình, đoàn tụ.

Mùa xuân đầu tiên cho thấy tầm cao tư tưởng, chiều sâu tâm hồn của nhạc sĩ Văn Cao: từ những cảnh đời thường mà nói lên được những ý nghĩa cao cả, từ những cái bình thường mà nhìn thấy được giá trị lớn lao, vô giá của hòa bình.

Ngày hòa bình và thống nhất non sông cũng là ngày đoàn tụ của bao nhiêu gia đình bị chia cắt.

Có thấm thía nỗi đau của bao người mẹ “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”, mới hiểu được niềm xúc động thiêng liêng của Người mẹ nhìn đàn con nay đã về.

Có cùng nhịp đập trái tim của triệu triệu đồng bào trong niềm mơ ước cháy bỏng “Ngày mai thống nhất lại non sông. Mẹ được gần con, vợ gặp chồng” mới cảm nhận hết được ý nghĩa của từng giọt nước mắt rơi trong ngày đoàn tụ: Nước mắt trên vai anh. Giọt sưởi ấm đôi vai anh. Niềm vui phút giây như đang long lanh…

Có sống tận cùng nỗi đau chia cắt của triệu triệu con người mà ranh giới chỉ là cây cầu Hiền Lương, hai bờ vĩ tuyến bị nước ngoài biến từ giới tuyến tập kết tạm thời hai năm thành vĩ tuyến hòng chia cắt vĩnh viễn đất nước ta, mới thấy hết cái vô giá của niềm vui sum họp sau bao đau khổ chia ly.

 Phải là một trái tim rất nhân văn mới có thể rung động sâu sắc như vậy với nỗi đau đã qua của dân tộc và niềm hạnh phúc mới đến với bao con người trong dân mình.

Bởi thật chưa có ở nơi đâu trên trái đất này có nhiều như vậy những người mẹ tình nguyện hiến dâng những đứa con dứt ruột của mình cho Tổ quốc.

Cũng chưa có ở nơi đâu trên trái đất này có nhiều như vậy những người phụ nữ đau khổ và kiên trung – những người mẹ, người vợ miền Nam “hai mươi năm giết giặc chờ chồng”.
 
Cũng không có ở nơi đâu như trên đất nước này có những đứa con mà tuổi đời bằng cả cuộc chia ly dằng dặc của cha và mẹ. Những đứa con lớn lên hiểu lịch sử đất nước qua chính những trang đời với bao hy sinh cao cả, thầm lặng của mẹ, của cha: “Cả cuộc đời cha đi bộ đội. Quà về cho mẹ là mái tóc pha sương. Và những vết thương trên ngực cha, cứ trở gió lại đau nhức nhối. Chiếc ba lô gió sương đã gội. Gia tài cha tặng mẹ chỉ thế thôi”.

Và chính bởi vậy mà: “Ngày trở về mắt đẫm lệ rơi. Hai mươi năm sau ngày mẹ cưới. Đến hôm nay sống đời vợ chồng. Hai mươi năm. Mẹ nuôi con một mình”.

Càng vui niềm vui sum họp hôm nay càng không thể quên quá khứ đau thương với lát cắt đau đớn chia đôi thân mình Tổ Quốc.

Càng trải lòng theo bao mất mát càng thấy được giá trị và ý nghĩa lớn lao của chiến thắng 30 tháng Tư: xua kẻ thù đi mau, dập tắt chiến tranh đẫm máu, đập tan bao nhiêu đau khổ và chia ly để cho bao nhiêu bà mẹ được gặp con, bao nhiêu người vợ được gặp chồng, bao nhiêu gia đình Nam – Bắc được đoàn tụ.

Văn Cao trong ca khúc của mình đã nói được một cách sâu sắc và ở một tầm tư tưởng rất cao như vậy về cái quý, cái vô giá của hòa bình. Hòa bình mà chúng ta chỉ có được với biết bao hy sinh cao cả.

Triết lý sâu sắc nhất mà nhạc sĩ Văn Cao thể hiện ở ca khúc Mùa xuân đầu tiên chính là ý nghĩa nhân văn của một chiến thắng nhân văn và chính nghĩa, chiến thắng mang đến sự hòa hợp dân tộc và hòa bình cho nhân loại:
 
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người.

“Từ đây” có ý nghĩa như một lát cắt lịch sử, phân định rõ ranh giới hôm nay và hôm qua, hiện tại và quá khứ.

"Từ đây” cũng là khoảnh khắc đầy ý nghĩa mở ra cho đất nước một trang mới sáng tươi như buổi bình minh mở ra bao hy vọng. Chiến tranh chấm dứt. Cái chết không còn nữa.

Từ đây, sẽ vĩnh viễn không còn những Chín Hầm, Côn Đảo, Phú Quốc – những địa ngục trần gian – nơi con người tra tấn, hành hạ con người.

Từ đây sẽ vĩnh viễn không còn những Chợ Được, Hướng Điền, Phú Lợi, Duy Xuyên – những thảm cảnh rùng rợn – nơi con người thảm sát con người.

Chiến tranh đã qua đi. Chúng ta đã chiến thắng bằng chính nghĩa để từ đây người biết thương người. Chúng ta đã khép lại quá khứ bằng một tinh thần nhân văn cao cả để từ đây người biết yêu người.
         
Quả thật, đã có bao nhiêu cựu binh Mỹ, Hàn Quốc, Australia… từng tham chiến ở miền Nam Việt Nam. Sau chiến tranh họ đã trở lại Việt Nam trong niềm ân hận và sự sám hối chân thành.

Frederic Whitehurst, một sĩ quan quân báo Mỹ tham chiến ở chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi từ năm 1969-1971. Ông là người đã nhặt được và giữ cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm suốt 35 năm cho đến khi tìm được và trao trả cho gia đình chị. Cuốn Nhật ký của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã làm xúc động sâu sắc Frederic, cả nhận thức và tâm hồn.

Ông viết trong thư gửi mẹ của Thùy Trâm, có những dòng đầy tâm cảm:

Tôi nghĩ thật buồn biết bao vì nó (em trai của Frederic, một quân nhân trong không lực Hoa Kỳ) không biết được Thùy Trâm đã dạy chúng ta những gì. Nó không nhìn thấy những gì tôi đã nhìn thấy. Nó và biết bao nhiêu người khác chỉ nhìn thấy vầng hào quang của chiến tranh mà không cảm thấy sai trái đến thế nào khi một dân tộc này đi xâm lược một đất nước khác. Biết bao cuộc đời đã bị hủy hoại”.
         
Trở lại Việt Nam, trước tấm lòng bao dung, vị tha của gia đình liệt sĩ và những người dân Việt Nam mà Frederic Whitehurst đã gặp, anh như thấy được trút bớt gánh nặng, vốn đè nặng trong tâm hồn mình suốt mấy chục năm qua.

Bên sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi, xuất hiện một người Mỹ mang đàn vĩ cầm. Đó là Mike Boehm, một cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam. Sau hơn 30 năm ông muốn quay lại mảnh đất đã từng chịu nhiều đau thương để thực hiện một ước muốn: chơi một bản nhạc cầu nguyện cho linh hồn những người dân ở Mỹ Lai. Mike đã thực hiện được ý nguyện của mình. Tiếng vĩ cầm của anh đã vang lên ở Mỹ Lai. Tiếng đàn nói lên lời giã từ quá khứ, ước vọng hòa bình và cầu nguyện cho linh hồn những người đã khuất, để có thể phần nào xoa dịu nỗi đau chiến tranh và hàn gắn những mất mát, như tâm sự chân thành và xúc động của Mike.

Không chỉ cựu binh Mỹ, mà ngay cả những cựu binh Hàn Quốc từng tham chiến ở Việt Nam cũng có thái độ phản tỉnh sâu sắc. Đó là trường hợp của Kim Jin Sun. Ông đã tham chiến ở Việt Nam trong biên chế của sư đoàn « Mãnh Hổ » và về hưu với quân hàm Đại tướng. Những ký ức về chiến tranh Việt Nam vò xé tâm can Kim Jin Sun. Ông quyết định viết cuốn hồi ký bằng tất cả những cảm xúc đớn đau về một thời tuổi trẻ bị cuốn vào cơn lốc phi nhân của một cuộc chiến tranh phi nghĩa.

Và đây là những lời tự bạch chân thành của vị tướng Hàn Quốc trong hồi ký:

“Tôi muốn viết ra đây về bản thân tôi và cuộc chiến tranh mà tôi đã tham gia. Nếu không, cuốn sách này sẽ không thể hiện được sự ân hận của tôi, cũng như không đem lại một chút ý nghĩa nào”.

“Tôi mong các độc giả sẽ đọc cuốn sách này để hiểu thêm về chiến tranh. Mong các bạn hiểu hơn về đất nước Việt Nam nhỏ bé mà kiên cường, hiểu thêm về sự ngạo mạn của các cường quốc, hiểu cho những ân hận về những tội ác mà tôi và các chiến hữu đã gây ra ở Việt Nam”

“Mong rằng cuốn sách được viết tự đáy lòng của tôi sẽ khiến tôi vợi bớt nỗi đau đớn, dằn vặt vì ân hận. Và tôi cũng mong rằng sẽ có thêm nhiều người nữa hiểu về sự thật của lịch sử Việt Nam qua những gì tôi đã hiểu trên chiến trường”.
         
Việt Nam đã thức tỉnh sâu sắc khát vọng hòa bình và lương tri nhân loại.
         
Càng hiểu thực tế lịch sử, càng thấy chiều sâu ý nghĩa ca khúc Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao.

Bài ca chính là tiêu biểu cho một chủ nghĩa nhân văn cao cả: chủ nghĩa nhân văn cách mạng.
                                                                                                                                                        Điện Biên Phủ, tháng 4  năm 2018.

Tác giả: Tiến sỹ Phạm Thị Xuân Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập175
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm161
  • Hôm nay28,546
  • Tháng hiện tại662,890
  • Tổng lượt truy cập136,115,259
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi