banner

CHVH - THƠ CỦA NGƯỜI GIEO HẠT

Thứ hai - 19/11/2018 21:39
Khi tôi viết những dòng này thì ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2018 đã đến rất gần. Kỷ niệm những ngày làm giám khảo để "chấm" thơ của thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp từ sáu năm trước bỗng hiện về trong tâm trí... bâng khuâng. Để giờ đây sống dậy trong tôi những vần thơ dung dị mà đằm thắm của những người nghệ sĩ không chuyên, những người sinh ra vốn không phải là thi sĩ, nhưng đã dành tặng cho đời những thi phẩm thật giàu chất thơ.






 Đó là cái chất thơ bình dị sáng trong cất lên từ hiện thực của cuộc đời nhà giáo, cái chất thơ của bao niềm rung cảm kết từ vui, buồn, trăn trở, suy tư của những "người gieo hạt", những con người đã tự nguyện hiến dâng đời mình cho sự nghiệp cao quý, thiêng liêng: sự nghiệp trồng người.
         
Hiển hiện rõ nhất trong tâm trí tôi là bài thơ "Người làm vườn" của cô giáo Lê Mai, cô nguyên là Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, nơi ươm mầm tài năng cho quê hương, đất nước.

         
Bài thơ là một triết lý sâu sắc về ý nghĩa thiêng liêng của nghề dạy học. Bài thơ ấy với riêng tôi còn gợi nhớ một kỷ niệm của tuổi học trò. Thuở ngây thơ ấy dù rụt rè nhút nhát, nhưng yêu quý cô, tôi đã viết một bài thơ. Bài thơ viết về cô ngày ấy, thật kỳ lạ tự nhiên là tôi cũng hình dung về cô như một "người làm vườn" và tình thương cô đối với chúng tôi là những ánh bình minh:

 

Có một vườn cây xanh màu tươi mát
Lá vươn lên chào đón buổi bình minh
Như tuổi học trò qua từng trang sách
Ấm mãi lời cô trong trái tim mình.
 
Cây lớn lên dưới tay người vun xới
Em lớn khôn tình cô giáo mẹ hiền
Cô yêu em trong tình yêu đất nước
Em yêu quê hương thấm máu cha anh.
 
Bình minh trong tim không bao giờ tắt
Như tình thương cô thấm mãi trong lòng
Luôn bên em bóng hình cô: Người Mẹ
                                Tình yêu cô em khắc giữ trong tim.
 
                                      Điện Biên 1985. Bình minh trong tim

 Tôi đã viết bài thơ này từ những tình cảm hồn nhiên, trong trẻo mà cũng hết sức đằm thắm, tha thiết  khi nghĩ về cô giáo của tôi. Tôi đã lưu giữ bài thơ trong tâm trí của mình suốt bấy nhiêu năm mà cô chưa bao giờ  được biết. Chỉ đến khi trường Lê Quý Đôn tổ chức chia tay cô về nghỉ hưu, tôi mới có dịp  gửi tới cô bài thơ này như một lời tri ân suốt bao tháng năm thầm lặng. Hôm nay ngoảnh lại, tôi nhận thấy tình cảm ấy vẫn vẹn nguyên, không thay đổi theo thời gian hay những thăng trầm biến động của cuộc đời. Và tôi biết, trên bước đường tôi đi, dù thuận lợi hay khó khăn, gian khổ, dù thành công, hạnh phúc hay thất bại, đắng cay, vẫn có ánh mắt cô dõi theo, như cô đã từng dõi theo bao lớp học trò thân yêu trong suốt sự nghiệp trồng người của mình. Ngày ấy "đi làm giám khảo", được đọc thơ của cô, tôi càng thấm thía hơn ý nghĩa cao quý của nghề dạy học và cái tâm cao quý của người thầy.

Tôi muốn nói đến bài thơ Người làm vườn của cô.
         
Trong bài thơ cô không dùng những hình ảnh kiểu cách như "người thắp lửa",  "người lái đò trên dòng sông tri thức", hay  "kỹ sư tâm hồn" mà chỉ đơn giản ví người thầy dạy học như một người làm vườn. Hình ảnh tuy bình dị nhưng lại nói được đầy đủ chất thơ của nghề cao quý ấy.

         
Người làm vườn
 là bài thơ cô đã viết sau hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục. Bài thơ không chỉ là tâm huyết , trải nghiệm, nghĩ suy mà còn là một lời sẻ chia, nhắn nhủ: Chỉ khi nào, người làm vườn nâng niu, chăm sóc những "hạt giống quý" bằng tất cả tình yêu thì mới có thể mang đến cho đời những "mùa quả ngọt", là sự nở hoa kết trái kỳ diệu của tài năng, trí tuệ, tâm hồn học trò:

                              

Những hạt giống quý
   Mãi mãi nằm im
  Không bao giờ cho đời mùa quả ngọt,
  Người làm vườn gieo chúng xuống mảnh đất cằn khô.
 
   Những hạt giống quý
      Mọc lên những cái mầm yếu ớt,
   Lá héo úa dần và cây sẽ chết khô,
    Người làm vườn  lười biếng, thờ ơ.
             
    Những hạt giống quý
    Vươn cao những  mầm non mập mạp
    Cành lá sum xuê và cây mãi tốt tươi
  Người làm vườn gieo chúng xuống mảnh đất mỡ  màu, thấm đẫm mồ hôi.

    Những hạt giống quý
    Điệp trùng như những rừng cây
     Cho đời mùa quả ngọt
     Bởi  người làm vườn  nâng niu, chăm sóc chúng  bằng tất cả tình yêu!
                                                                        
                                                (Tâm tình Người Làm Vườn)

Còn có một bài thơ của cô mà tôi rất thích vì cái sâu sắc của liên tưởng và suy tư ẩn dưới những dòng thơ mà cô gọi là "thơ văn xuôi" gửi tặng các đồng nghiệp nhân kỉ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
         
Bài thơ nhan đề Xin hãy tìm một hình ảnh khác.

         
Bài thơ gợi lên bao suy nghĩ về nghề dạy học: tài năng và tâm huyết, lòng vị tha và đức hy sinh, sự dấn thân không đòi hỏi chút gì đền đáp, trái tim cao thượng, bao dung và trách nhiệm thiêng liêng tự nguyện mang theo suốt cuộc đời... Không có một trái tim giàu tình thương, không có một trí tuệ với chiều sâu minh triết, và nhất là không có một lý tưởng cao cả theo đuổi suốt cuộc đời với bao trải nghiệm sâu sắc về sự nghiệp trồng người, khó có thể viết ra những dòng thơ với triết lý giản dị mà sâu xa như vậy.

         
Bài thơ là một cái nhìn mới mẻ về nghề dạy học, không lặp lại cách quan niệm và tư duy truyền thống, buộc người đọc phải dừng lại cảm nhận, nghĩ suy:


"Người lái đò chỉ cần sức lực của đôi tay và một khoảng thời gian hoàn toàn đo đếm được để chèo lái con đò chở khách qua sông; Người giáo viên muốn dạy một con người phải cần rất nhiều tâm huyết, tài năng và lượng thời gian không thể tính bằng giờ, bằng phút.
    
Người lái đò coi tất cả những người mình đưa qua sông hôm nay là khách, ngày mai gặp lại gọi là khách quen; Người giáo viên tiễn một lứa học sinh hôm nay ra trường, ngày mai đón một lứa học sinh mới, không có gương mặt nào giống với hôm qua; nhưng tình yêu dành cho họ chẳng hề vơi bớt, phải nhiều hơn vì họ không phải... ngưòi quen!

 
Người lái đò khi đưa khách qua sông, chỉ cập bến là xong công việc, không cần biết hành khách là ai? Họ nghĩ gì? Và họ sẽ đi đâu?; Ngưòi giáo viên  khi chia tay mỗi khoá học sinh, mắt vẫn dõi theo họ trên mỗi bước đưòng đi tới;  vui sướng, tự hào  khi biết họ thành công và day dứt khôn nguôi khi biết họ không làm được điều mình mong ước.

 
Người lái đò không bao giờ thấy mình có lỗi khi khách qua sông bị vấp ngã trên đường. Người giáo viên thấy mình vô cùng có lỗi nếu có một cô (cậu) học trò  ngày xưa, bây giờ chẳng được  nên người.

  
Nghề dạy học với nghề lái đò chẳng có gì chung. Bị ví với người lái đò hẳn thầy cô buồn lắm.

  
Xin hãy tìm một hình ảnh khác để tôn vinh những người đã hoá thân thành ngọn đuốc, cháy hết mình  soi sáng cuộc đời ta".

         
Những dòng thơ, càng ngẫm càng thấm thía.

         
Cũng trong dịp được thưởng thơ, bình thơ, trao giải rất khó khăn mà cũng rất vô tư ấy, tôi cùng các đồng nghiệp trong ban giám khảo đã gặp một tứ thơ thật độc đáo, đó là một bài thơ rất "Đường thi" mà lại rất hiện đại, thanh tân của cô giáo Lê Kiều Oanh, hiện đang là Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Nưa, nơi cô đã gắn bó với bao tâm huyết từ những ngày đầu đầy khó khăn gian khổ để hôm nay hạnh phúc thấy ngôi trường thân yêu gặt hái nhiều thành tựu, những học trò bé nhỏ năm xưa nay đã khôn lớn trưởng thành, như cái cây đã kết trái đơm hoa không phụ tấm lòng của người gieo hạt. Thật giống bài thơ cô đã viết năm xưa:

                                      Nghề ươm trồng Cây Phúc
                                      Bắt rễ giữa Vườn Trần
                                      Hạt giống Đời nảy Lộc
                                       Sáng muôn đời chữ Tâm

 Bài thơ cho người đọc cảm nhận được cái ý nghĩa thiêng liêng của sự nghiệp trồng người. Đó là cái nghề gieo mầm "Cây Phúc", tức ươm trồng cái Đẹp, nuôi dưỡng cái Chân, Thiện, Mĩ cho đời. Chắt chiu, nâng niu từ hạt mầm đầu tiên mong manh, bé nhỏ để giữa vườn Đời cây bắt rễ sinh sôi, nảy Lộc đâm chồi.
         
Bài thơ có cấu tứ rất độc đáo: một sự sống kỳ diệu đang vận động (ươm, trồng, bắt rễ, nảy lộc... ) như quy luật tất yếu của muôn đời.

         
Hình ảnh thơ cũng thật đặc biệt, giàu biểu tượng: Cây Phúc, Vườn Trần, Hạt giống Đời, Lộc, Tâm... như gửi gắm một triết lý, một thông điệp sâu sắc về nhân sinh, về lẽ sống ở đời.

         
Và tứ thơ thật hàm súc: Cây Phúc ai trồng hôm qua nay đã nảy Lộc cho đời, bởi trong trái tim người gieo hạt sáng ngời một chữ Tâm.

         
Giữa vườn Đời bao la, chỉ có chữ Tâm là vĩnh cửu, bởi ánh sáng trong Tâm là ánh sáng bất diệt, đem đến Phúc, Lộc yêu thương, hạnh phúc cho đời.

         
Bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, chỉ vẻn vẹn 20 chữ, mà hàm chứa bao ý nghĩa sâu sắc, giàu tính triết lý về nghề, về cái tâm với nghề, và cao hơn còn là lẽ sống của con người trong cõi nhân gian.

         
Còn có một bài thơ làm tôi nhớ mãi. Nhưng bài thơ ấy không nằm trong đợt thi thơ, mà chỉ là tình cờ tôi được biết khi viết lời giới thiệu cho tập thơ Về miền Hoa Ban của Chi hội thơ Đường luật tỉnh Điện Biên.    Bài thơ đặc biệt xúc động bởi đó là dòng tâm t
ư ca nhà giáo - nhà thơ Nguyn Quý Lạc khi hồi tưởng li nhng năm tháng không quên:

                            

                          Giáo án đề cương gấp lại rồi
                             Bao nhiêu kỷ niệm nhớ không nguôi
                             Nhớ khi thiếu lớp lòng không nản
                             Nhớ bữa đói cơm ming vn cười
                             Yêu quý học trò quên xuống núi
                             Mến thương dân bn chng v xuôi
                             Cái Tâm cái Đức dồn trong chữ
                             Cái chữ nở Hoa hiến tặng đời.
                                                (Bài thơ Cái chữ nở hoa)

Bài thơ là tâm tư hoài nim ca cô giáo vùng cao, t min xuôi lên min núi dy ch cho con em đồng bào các dân tc. nơi heo hút, xa xôi, trong hoàn cnh vô cùng thiếu thn gian kh, li thêm bao khó khăn chồng chất, có khi có trò mà không có lớp, có khi có lớp lại không có trò, nhưng cô vn kiên trì bám trụ,  không xuống núi, chẳng về xuôi.
           
Vì sao cô vẫn trụ lại vùng cao trong hoàn cảnh gian khổ ấy? Vì sao cô không tìm một con đường khác dễ dàng hơn, thuận lợi hơn cho cuộc sống riêng mình?


          Cô đã trụ lại để đợi học trò, để học trò đến lớp có cô.
          Cô trụ lại để dạy được cho các em cái chữ, trụ lại để làm trọn sự nghiệp cao quý của mình.
           Không có một tình yêu lớn, không thể có sự hy sinh như vy.
          Từ bài thơ, ta nhìn thấy một tình yêu thương cao c đối vi con người.
          Từ bài thơ, ta nhìn thấy cả một cuộc đời đẹp đẽ, cao thượng, quên mình vì con người.
         
Bài th
ơ cho thy cái đẹp ca mt cuc đời gin d và cao thượng, cái đẹp ca cuc đời người giáo viên nhân dân: Cái Tâm, cái Đức dồn trong chữ, để Cái chữ nở Hoa hiến tặng đời, để ta thêm yêu thương, trân trọng, biết ơn bao thy cô giáo vùng cao đã hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp cao cả, vinh quang: dạy Chữ, dạy Người.
                                                                                                                                   Điện Biên Phủ ngày 16 tháng 11 năm 2018
                   


                                     





 

         

Tác giả: T.S Phạm Thị Xuân Châu - GV Trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập484
  • Máy chủ tìm kiếm160
  • Khách viếng thăm324
  • Hôm nay26,928
  • Tháng hiện tại665,834
  • Tổng lượt truy cập137,017,647
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi