banner

Ðể mỗi trẻ em trong độ tuổi đi học đều đến trường

Thứ hai - 02/09/2019 21:53
Dienbien.edu.vn - Sáng ngày 26/8, các trường từ mầm non đến THPT trên địa bàn tỉnh đã chính thức bước vào năm học 2019 - 2020. Sau một kỳ nghỉ dài, niềm hân hoan chào năm học mới, đón học sinh mới của giáo viên các trường vẫn xen lẫn nỗi lo về sĩ số học sinh. Ðể các em đều có cơ hội học tập, tiếp cận tri thức, việc huy động tối đa học sinh ra lớp, đặc biệt là đầu năm học tại các địa bàn vùng cao luôn là nhiệm vụ quan trọng, được đề cao, dồn sức thực hiện.
http://www.baodienbienphu.info.vn/Uploads/images/nguyenminhthao89/2019/08/30/5.jpg
Học sinh Trường PTDTBT THCS Sính Phình (huyện Tủa Chùa) trong ngày học đầu tiên của năm học 2019 - 2020.
Trong buổi học đầu tiên này, các trường học trên địa bàn huyện Tủa Chùa đạt tỷ lệ trên 94% học sinh ra lớp. Con số này cao hơn so với cùng thời điểm năm trước. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tủa Chùa cho biết: Ðể chuẩn bị cho năm học mới, ngay từ trong hè, Phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn vào cuộc cùng các trường trên địa bàn thông báo ngày tựu trường, nhập học và tuyên truyền, vận động học sinh đến trường đầy đủ. Hơn nữa ngay sau đợt bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, từ ngày 15/8 đến nay, giáo viên các cấp học đã chủ động đến từng nhà, từng bản vận động học sinh ra lớp, đặc biệt là các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có tâm lý muốn nghỉ học hoặc bị gia đình ngăn cản không cho đi học. Số học sinh còn lại chưa điểm danh trong ngày đầu tiên có nhiều lý do khác nhau. Với các em này, nhà trường và giáo viên tìm hiểu từng trường hợp, nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng, tiếp tục vận động; nếu cần thiết sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể xã, bản, người có uy tín, trưởng dòng họ... để đưa các em ra lớp.
Tương tự huyện Tủa Chùa, huyện Tuần Giáo cũng gặp không ít khó khăn trong công tác huy động tối đa học sinh ra lớp. Tại Trường PTDTBT Tiểu học Tênh Phông (huyện Tuần Giáo), để các em đi học đầy đủ và đúng thời gian, cán bộ, giáo viên nhà trường đã nỗ lực vượt khó. Thầy Mùa A Thái, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tênh Phông cho biết: Vào ban ngày, đa số gia đình học sinh lao động trên nương nên phải đến tối giáo viên mới có thể đến tuyên truyền, vận động. Thời điểm chuẩn bị năm học mới trùng vào mùa mưa, đường đến các điểm bản trong xã hầu hết là đường đất, xói mòn nên thầy, cô đi lại rất vất vả. Trong đó gian nan nhất là bản Xá Tự, tuy đoạn đường chỉ khoảng 15km nhưng phải mất hơn 1 giờ gồng tay lái mới đến nơi. Bà con trên địa bàn phần lớn là người dân tộc Mông nên các giáo viên trong trường đều phải cố gắng tự học ngôn ngữ bản địa để dễ trao đổi, chia sẻ, tuyên truyền phụ huynh học sinh cho con em mình đi học. Với nỗ lực, tâm huyết của giáo viên nhà trường, gần 100% học sinh trong độ tuổi tiểu học của xã Tênh Phông đến trường đầy đủ.
Huy động và duy trì sĩ số học sinh ra lớp là nhiệm vụ khó khăn không phải của riêng huyện nào trên địa bàn tỉnh ta. Có nhiều nguyên nhân khiến học sinh không ra lớp và bỏ học nhưng chủ yếu là do hoàn cảnh kinh tế và điều kiện gia đình khó khăn nên nghỉ học đi lao động kiếm sống; trong cộng đồng một số dân tộc còn tồn tại hủ tục như tảo hôn khiến học sinh nữ phải nghỉ học làm vợ, làm mẹ; một bộ phận học sinh hổng kiến thức, thiếu động cơ và mục đích học tập...
Ðể đưa được các em ra lớp, các trường trên địa bàn tỉnh đều chủ động đề ra và triển khai thực hiện nhiều giải pháp, như: Tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, người có uy tín tại các thôn, bản tuyên truyền, vận động; xã hội hóa, kết nối, kêu gọi hỗ trợ, tự quyên góp giúp đỡ học sinh nghèo, khó khăn; làm tốt công tác chăm sóc học sinh bán trú; tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, thể thao, văn nghệ để thu hút học sinh... Dù có bao nhiêu giải pháp nhưng quan trọng nhất vẫn là nỗ lực và tâm huyết của cán bộ, giáo viên các trường. Bởi với những khó khăn về đời sống kinh tế, giao thông, các vấn đề xã hội đặc thù của địa bàn vùng cao, thầy, cô có quyết tâm, cố gắng vượt qua và hết lòng chia sẻ, dạy dỗ, chăm sóc học sinh thì những giải pháp trên mới thực sự hiệu quả. Kết quả của những nỗ lực ấy là năm học 2018 - 2019, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp trên địa bàn tỉnh ở độ tuổi mẫu giáo 3 - 5 tuổi đạt 98,7%, 6 - 10 tuổi học tiểu học đạt 99,8%, 11 - 14 tuổi học THCS đạt 95,5%, 15 - 18 tuổi học THPT và tương đương đạt 63%. Năm học 2019 - 2020 này, toàn tỉnh có gần 530 trường/trung tâm, hơn 7.260 lớp với tổng số trên 190.000 học sinh thuộc các cấp học. Mong rằng các em đều được đến trường đầy đủ, có cơ hội học tập, phát triển bản thân để tương lai rộng mở.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập126
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm119
  • Hôm nay77,791
  • Tháng hiện tại496,161
  • Tổng lượt truy cập136,847,974
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi