banner

Góp phần thúc đẩy sự nghiệp GD&ÐT phát triển và xây dựng xã hội học tập

Thứ hai - 30/09/2019 03:45
Dienbien.edu.vn - Ðiện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, kinh tế chậm phát triển, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, nguồn lực ủng hộ và đóng góp cho hoạt động khuyến học còn ở mức thấp
Tuy nhiên, những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh; sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của ngành Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) và các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với phong trào khuyến học, gắn bó với tổ chức Hội của đội ngũ làm công tác khuyến học; hoạt động của Hội Khuyến học tỉnh Ðiện Biên đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Với nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả, các phong trào khuyến học, khuyến tài ngày một sôi nổi, hoạt động đi vào chiều sâu chất lượng, thiết thực động viên mọi tầng lớp nhân dân học tập, tham gia làm khuyến học, khuyến tài góp phần không nhỏ thúc đẩy sự nghiệp GD&ÐT Ðiện Biên phát triển và xây dựng xã hội học tập.
Với vai trò chức năng của mình, Hội Khuyến học tỉnh đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền, tham mưu những giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh. Hội có nhiều giải pháp sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến học, đặc biệt là triển khai thực hiện Ðề án “Ðẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, một chương trình hoạt động xuyên suốt trong phong trào thi đua khuyến học khuyến tài từ năm 2014 đến nay.
Công tác tuyên truyền, bồi dưỡng và tập huấn cho cán bộ, hội viên; chăm lo xây dựng tổ chức Hội và phát triển hội viên; phối hợp cùng ngành GD&ÐT duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCÐ); đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài trong trường học; triển khai phong trào xây dựng các mô hình học tập cũng được chú trọng. Tuyên truyền, vận động các lực lượng xã hội tham gia xây dựng quỹ khuyến học và công tác liên kết, phối hợp; thi đua, khen thưởng và hoạt động kiểm tra luôn được Hội Khuyến học tỉnh quan tâm đúng mức, thực hiện đạt hiệu quả cao.
Ðể nâng cao trình độ, kỹ năng cho người làm công tác khuyến học, nhiệm kỳ qua, Hội Khuyến học các cấp tổ chức tập huấn nghiệp vụ làm khuyến học cho gần 6.000 lượt cán bộ Hội với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Thường trực Hội Khuyến học tỉnh cũng đã xây dựng và phát hành 5 số thông tin khuyến học với 2.000 cuốn làm tài liệu tuyên truyền và tập huấn cho cơ sở. Hội Khuyến học các cấp thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí có nhiều tin, bài, ảnh, phóng sự tuyên truyền phổ biến về hoạt động của hội.
Hội Khuyến học tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển cơ sở Hội và hội viên. Trong đó, tập trung hướng vào các thôn, bản vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, cơ quan, doanh nghiệp; kịp thời kiện toàn củng cố bộ máy lãnh đạo, thành lập cơ sở hội tại các xã mới chia tách và các sở, ban, ngành, đơn vị còn chưa có tổ chức hội. Ðến nay, hệ thống tổ chức Hội Khuyến học đã phát triển sâu rộng đến từng cơ quan, trường học, thôn bản, tổ dân phố với gần 3.000 chi hội và ban khuyến học; 100% xã, phường, thị trấn có hội khuyến học cấp xã, 100% trường học có chi hội khuyến học với gần 157 nghìn hội viên…
Qua 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch “Ðẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” đã góp phần phát huy truyền thống hiếu học của nhân dân theo tinh thần học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Sau 3 năm (2015 - 2018), toàn tỉnh đã có 53.000 gia đình đạt “Gia đình học tập”, hơn 400 “Dòng họ học tập”, gần 800 “Cộng đồng học tập” và 100% trường học đạt “Ðơn vị học tập”. Các phong trào thi đua ngày càng lan tỏa, thúc đẩy phong trào khuyến học phát triển trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống hiếu học của nhân dân các dân tộc, có tác dụng gắn kết chặt chẽ 3 môi trường giáo dục (gia đình, nhà trường và xã hội), thúc đẩy cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, góp phần cùng đồng bào các dân tộc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Ðặc biệt là, việc tiến hành ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Hội Khuyến học tỉnh với một số ban, ngành như: Sở GD&ÐT, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu giáo chức tỉnh… đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Là tỉnh nghèo, việc kêu gọi xây dựng ủng hộ quỹ khuyến học là hết sức khó khăn; song các cấp Hội trong tỉnh đã tích cực, sáng tạo, bằng nhiều hình thức để phát triển quỹ đạt trên 60 tỷ đồng, trong đó Quỹ Khuyến học tỉnh đạt trên 11 tỷ đồng; Quỹ khuyến học gia đình đạt gần 70 tỷ đồng… Hiện nay, toàn tỉnh có 130/130 TTHTCÐ đang được duy trì, thu hút 453.953 lượt người tham gia học tập; nội dung hoạt động tập trung vào các vấn đề cơ bản, như: Nâng cao trình độ văn hóa, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, giáo dục giới tính, phòng chống tệ nạn xã hội... Ðánh giá cuối nhiệm kỳ cho thấy, ở khắp các địa bàn đều có những trung tâm tiêu biểu hoạt động đạt hiệu quả cao; 100% TTHTCÐ có ban giám đốc do lãnh đạo UBND xã làm giám đốc; 22 TTHTCÐ đã có trụ sở riêng; 70 trung tâm được trang bị máy tính, 105 giáo viên được biệt phái sang hoạt động tại các TTHTCÐ.
Công tác khuyến học, khuyến tài trong trường học có nhiều chuyển biến tích cực, động viên, khích lệ kịp thời giáo viên, học sinh thi đua “dạy tốt học tốt”, tích cực đẩy mạnh các phong trào: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”… Việc tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia xã hội hóa giáo dục được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt: Ðóng góp công lao động, nguyên vật liệu, kinh phí tu sửa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên, nhà bán trú cho học sinh, trị giá hàng chục tỷ đồng. Hội luôn sâu sát, kịp thời trong công tác động viên khen thưởng học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, thi đại học, cao đẳng; động viên hỗ trợ học sinh, giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong giảng dạy và học tập. Ðặc biệt là, hỗ trợ các đơn vị trường học vùng bị ảnh hưởng thiên tai; hỗ trợ nâng cao đời sống và điều kiện sinh hoạt cho học sinh các trường nội trú, bán trú... Trong 5 năm qua, các hoạt động khuyến học, khuyến tài trên địa bàn toàn tỉnh đã chi gần 30 tỉ đồng (cấp huyện 23 tỉ, cấp tỉnh 7 tỉ đồng); thụ hưởng từ nhiều những chương trình, hành động của Hội Khuyến học các cấp là rất nhiều giáo viên, học sinh các trường học, rất nhiều người dân ở khắp các bản làng từ vùng thấp đến vùng cao, vùng sâu biên giới...
Có thể nói, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện các hoạt động khuyến học, đặc biệt là về cơ sở vật chất, kinh phí, biên chế con người cho hoạt động văn phòng của các cấp Hội; song bằng trách nhiệm, lòng nhiệt tình, tâm huyết, đội ngũ cán bộ làm khuyến học... hoạt động khuyến học khuyến tài của tỉnh đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chỉ riêng trong nhiệm kỳ qua, đã có 153 tập thể, cá nhân Hội Khuyến học tỉnh được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và UBND tỉnh tặng Bằng khen; 169 cán bộ, hội viên được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khuyến học”; 117 tập thể, 147 cá nhân được Hội Khuyến học tỉnh tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đáng ghi nhận, phong trào khuyến học cũng còn một số hạn chế: Công tác tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, phát triển sự nghiệp GD&ÐT ở một số địa phương chưa thường xuyên; hình thức tuyên truyền chưa đổi mới, việc liên kết, phối hợp giữa Hội Khuyến học với một số đoàn thể chưa thường xuyên, liên tục. Ở một số địa phương công tác kiểm tra cơ sở ít được quan tâm; chất lượng hoạt động của tổ chức Hội và hội viên chưa đồng đều, công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về khuyến học ở một số cấp Hội chưa chủ động, thiếu nhạy bén, kiên trì nên vẫn còn cấp ủy chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác khuyến học...
Ðể thực hiện tốt hơn nữa công tác khuyến học khuyến tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; nhiệm kỳ tới, Hội Khuyến tỉnh cần triển khai thực hiện hiệu quả những nội dung sau:
Một là: Tiếp tục tích cực tuyên truyền và làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong chỉ đạo, tổ chức, triển khai các hoạt động Hội. Ðẩy mạnh phong trào thi đua học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng trên cơ sở phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc và những kinh nghiệm rút ra được của 15 năm xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và cộng đồng khuyến học;
Hai là: Tiếp tục phát triển tổ chức Hội Khuyến học ở các trường học mới được thành lập, nâng cao năng lực công tác của cán bộ Hội các cấp và năng lực hoạt động của hội viên, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban Khuyến học trong các cơ quan;
Ba là: Hội Khuyến học các huyện, thị xã, thành phố phối hợp tốt với ngành giáo dục để củng cố và nâng cao chất lượng GD&ÐT của các TTHTCÐ; tiếp tục tổ chức triển khai Thông tư 44/2014/TT-BGDÐT về xây dựng mô hình cộng đồng học tập cấp xã trên cơ sở chỉ đạo điểm, đảm bảo thích hợp với những đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa bàn xã, phường, thị trấn;
Bốn là: Phát huy vai trò nòng cốt của Hội Khuyến học trong việc liên kết, phối hợp với các tổ chức, các lực lượng xã hội đặc biệt là ngành GD&ÐT nhằm mở rộng hơn nữa các hoạt động khuyến học, đưa mọi hoạt động Hội trở thành phong trào của quần chúng, tích cực đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục góp phần xây dựng xã hội học tập;
Năm là: Ðẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần ham học, ham làm, ham tiến bộ, gắn mục tiêu học tập với mục tiêu phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, cải thiện đời sống tinh thần và vật chất cho bản thân và cho cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh;
Sáu là: Ðẩy mạnh công tác xây dựng Quỹ Khuyến học bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả để không ngừng phát triển Quỹ khuyến học các cấp; coi trọng việc vận động xây dựng quỹ khuyến học gia đình, dòng họ;
Bảy là: Tổ chức thành công Hội nghị biểu dương những điển hình trong phong trào thi đua xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập và các xã/phường/thị trấn học tập lần thứ I.
 
Lê Văn Quý
(Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập254
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm243
  • Hôm nay22,590
  • Tháng hiện tại831,584
  • Tổng lượt truy cập135,309,877
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi