Trường phổ thông DTNT THPT huyện Mường Ảng là trường chuyên biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ người dân tộc thiểu số cho địa phương; nhà trường không chỉ dạy văn hóa mà còn là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mường Ảng. Năm học 2024-2025, trường phổ thông DTNT THPT huyện Mường Ảng có quy mô 12 lớp với 420 học sinh học tập và sinh hoạt tập trung tại trường.
Để tạo sự gắn kết trong trường nội trú; năm học 2024-2025, nhà trường đã mạnh dạn đổi mới nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh nội trú bằng mô hình bữa ăn tập thể mới. Các em học sinh sẽ được ngồi ăn theo mâm, mỗi mâm có từ 6-7 học sinh. Đây là mô hình bữa ăn gia đình, có tính san sẻ, có tính đoàn kết cao, tránh sự lãng phí thức ăn.
Để đảm bảo bữa ăn của học sinh đầy đủ, cân bằng chất dinh dưỡng thực đơn bữa ăn được thay đổi mỗi ngày đảm bảo cân đối giữa các thực phẩm: thịt, cá, trứng, rau… Trên mâm luôn có 2 món ăn chính và rau, ngoài ra bữa ăn của các em sẽ có thêm hoa quả tráng miệng là những loại quả có tại địa phương. Khi lên thực đơn chế biến, nhà trường luôn chú trọng đa dạng món ăn theo mùa, bữa ăn luôn có sự thay đổi các món ăn sao cho phù hợp khẩu vị học sinh. Bên cạnh đó, thực đơn bữa ăn cũng được nhà trường công khai đến giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và toàn thể học sinh.
Để đảm bảo vệ sinh, ATTP cũng luôn luôn được tăng cường kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo thực phẩm tươi, ngon, vệ sinh an toàn. Thực hiện văn bản số 1072/SGDĐT- KHTC về việc hướng dẫn tổ chức bữa ăn tập thể trong các cơ sơ giáo dục trên điạ bàn tỉnh Điện Biên, nhà trường đã thành lập Ban quản trị đời sống thực hiện kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn tập thể của đơn vị thường xuyên hoặc đột xuất. Song song với việc kểm tra giám sát, bộ phận y tế nhà trường thực hịên đảm bảo khâu kiểm thực ba bước, lưu và hủy mẫu thức ăn theo quy định về luật ATTP của Bộ Y tế.
Hằng ngày, Ban Giám hiệu nhà trường cũng thường xuyên có mặt tại nhà bếp để giám sát nguồn thực phẩm, khâu chế biến, nấu ăn; quan sát các bữa ăn của học sinh để xem lượng thức ăn thừa, thiếu; quan tâm, thăm hỏi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của học sinh về các món ăn, nhằm kịp thời điều chỉnh thực đơn, lượng thực phẩm và cách chế biến cho phù hợp đảm bảo bữa ăn đủ chất, đủ lượng, đủ dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mô hình "ăn bằng mâm" mới chỉ được áp dụng từ đầu năm học 2024-2025, song cũng đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận tích cực từ phía các em học sinh và phụ huynh. Hàng ngày, các em học sinh nội trú đều vui vẻ, hào hứng gọi nhau cùng đi ăn khi đến giờ ăn. Bữa ăn không còn kiểu "của ai người ấy ăn" như trước kia, mà đã trở thành bữa cơm quây quần, giúp các em cảm thấy ấm áp và hạnh phúc hơn như ở chính gia đình của mình.
Việc thay đổi mô hình bữa ăn cho học sinh sẽ góp phần nâng cao chất lượng, cải thiện đời sống cũng như sinh hoạt cho học sinh nội trú, giúp các em có đủ sức khỏe để học tập tốt hơn. Thời gian tới, trường phổ thông DTNT THPT huyện Mường Ảng sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tập thể, trồng thêm rau xanh để chủ động cải thiện bữa ăn cho học sinh hàng ngày, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở trường nội trú./.