banner

Giáo viên Ngữ văn cần chuẩn bị những gì để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông Ngữ văn 2018?

Thứ hai - 15/06/2020 03:43
Dienbien.edu.vn - Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu được thực hiện vào năm học tới 2020-2021 ở bậc học tiểu học. Chương trình Ngữ văn 2018 bao gồm chương trình Tiếng Việt (ở tiểu học) và Ngữ văn (ở THCS và THPT).
Chương trình Ngữ văn được thực hiện vào lớp 6 bắt đầu triển khai từ năm học 2021- 2022. Như vậy, chỉ còn khoảng hơn một năm nữa, việc xác định những công việc chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên ngay từ bây giờ đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi công việc này sẽ giúp các thầy cô chủ động hơn khi thực hiện chương trình.

Một tiết dạy thực nghiệm của TS. Nguyễn Thị Thu Thủy – Giảng viên trường CĐSP Điện Biên tại trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ
Phương pháp giáo dục môn ngữ văn được xác định gồm 3 định hướng chung: Phát huy tính tích cực của người học; dạy học tích hợp và phân hóa; đa dạng hóa các phương pháp, hình thức và phương tiện dạy học. Mới nghe qua những định hướng này không có gì mới nhưng thực hiện đúng để đạt được mục tiêu mong muốn là phát triển phẩm chất và năng lực người học lại không hề đơn giản.
Một trong những nguyên nhân mà học sinh phổ thông chưa hứng thú học môn văn, đó là phương pháp dạy học của giáo viên Ngữ văn hiện nay. Với định hướng nội dung, chương trình hiện hành sử dụng một bộ sách giáo khoa trong toàn quốc, được viết theo cảm tính chủ quan của người viết, ít chú ý đến tâm lí và năng lực tiếp nhận của người học (tức học sinh phổ thông), thực trạng của việc dạy văn hiện nay đó là: giáo viên dạy Ngữ văn đang cố gắng làm thế nào học sinh tiếp nhận được nhiều kiến thức nhất để phục vụ thi cử; một bộ phận học sinh tồn tại tâm lí học đối phó với thi cử; cách tiếp cận tác phẩm văn học của người dạy và người học còn bó hẹp. Những yếu tố trên, vô hình chung đã tạo nên một giờ Ngữ văn nặng nề, đơn điệu và áp lực đối với cả người dạy và người học.
Khắc phục những nhược điểm trên, Chương trình Ngữ văn 2018 đưa ra định hướng phát huy tính tích cực của người học, nhấn mạnh vào dạy các em cách học, biết vận dụng để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, hướng dẫn hỗ trợ học sinh phát triển phẩm chất và năng lực theo yêu cầu cần đạt của chương trình. Làm được điều này không nhữngđòi hỏi giáo viên phải có kiến thức vững vàng của bộ môn, mà còn phải có sự am hiểu về tâm lý lứa tuổi, xu thế phát triển của thời đại, kỹ năng khơi gợi, điều chỉnh, khuyến khích học sinh trong quá trình học tập.
Dạy học tích hợp và phân hóa là xu hướng hiện nay trên thế giới và đã được giới thiệu trong các nội dung của đổi mới phương pháp dạy học. Với giáo viên Ngữ văn trong các nhà trường phổ thông của tỉnh Điện Biên hiện nay, vấn đề tích hợp trong bộ môn (Văn – Tiếng Việt – Tập làm văn) đã được thực hiện nhiều năm, đặc biệt trong mô hình trường học mới. Nhưng tích hợp liên môn lại đòi hỏi mỗi thầy cô cần có sự am hiểu nhất định môn mình sẽ tích hợp và kỹ năng tích hợp như thế nào cho nhuần nhuyễn và hợp lý. Lấy ví dụ như tích hợp với Nghệ thuật (Âm nhạc và Mĩ thuật) đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức nào đó về bộ môn này để lựa chọn nội dung tích hợp, tích hợp với môn Tiếng Anh buộc giáo viên phải biết Tiếng Anh…Tiếp đó là tích hợp như thế nào trong bài dạy (tỷ lệ tích hợp, thời điểm tích hợp, hướng kết nối giữa môn Ngữ văn và môn tích hợp…). Dạy học phân hóa đòi hỏi giáo viên phải am hiểu đối tượng người học để tất cả mọi học sinh đều làm việc, biết cách gợi mở, ra bài tập theo nhiều mức độ khác nhau, nhận ra sự sáng tạo và phát triển được cá tính của học sinh…
Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 là một chương trình mở. Điều này vừa là những khó khăn vừa là cơ hội để các thầy cô phát triển năng lực nghề nghiệp. Khó khăn bởi chuyển đổi từ một chương trình khép theo định hướng nội dung sang chương trình mở theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực buộc các thầy cô phải vượt qua những thói quen cũ, những lối đi đã được định hình trong nhiều năm. Cơ hội bởi với những thầy cô thực sự tâm huyết sẽ phát huy sự sáng tạo, đổi mới. Bỏ được khuôn mẫu cứng nhắc, thầy cô có thể tạo ra những giờ học ngữ văn độc đáo, sống động như cuộc sống vốn cần phải thế. Đa dạng hóa phương pháp, hình thức tổ chức dạy hoc và phương tiện dạy học là định hướng để tạo cơ hội cho tính sáng tạo của các thầy cô được phát huy. Tất nhiên, sự sáng tạo bao giờ cũng khó hơn rất nhiều sự sao chép và bắt chước nhưng chỉ có vậy các thầy cô mới có thể “tự đốt cháy mình để soi đường cho người khác”.
Kỳ vọng lớn lao của chương trình Ngữ văn 2018 là đổi mới giờ học Ngữ văn tại các nhà trường phổ thông. Chúng ta mong đợi học sinh yêu thích môn Ngữ văn, có được nhiều cảm xúc sau mỗi giờ văn, thôi thúc các em say mê, sáng tạo, để những giờ học văn thực sự là những trải nghiệm giàu tính nhân văn? Đó là câu hỏi mà các thầy cô dạy Văn luôn trăn trở. Văn chương là nghệ thuật, là chuyện của lòng người, vậy chúng ta - những người thầy hãy đi tìm “chất người” trong văn chương để hướng các em tới cái đẹp, cái cao cả của cuộc sống./.

Nguồn tin: Trường PT DTNT tỉnh Điện Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 18 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập129
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm110
  • Hôm nay19,657
  • Tháng hiện tại155,375
  • Tổng lượt truy cập136,507,188
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi