banner

Nghề giáo với sự tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo và nỗ lực vượt khó vươn lên

Thứ tư - 17/06/2020 05:49
Dienbien.edu.vn - Ra trường năm 1999, với 20 năm công tác trong ngành giáo dục, trải qua 2 môi trường công tác là trường THPT TP Điện Biên Phủ và trường PTDTNT tỉnh Điện Biên, nhà giáo Hoàng Thị Hà đã phấn đấu để trở thành một giáo viên dạy giỏi, được các thế hệ học sinh, đồng nghiệp và nhân dân tin yêu. Tại Hội nghị thi đua yêu nước ngành Giáo dục và Đào tạo lần thứ V (2020-2025) được tổ chức ngày 26/6/2020, nhà giáo Hoàng Thị Hà vinh dự được phát biểu tại Hội nghị. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu bài viết của nhà giáo Hoàng Thị Hà tới bạn đọc.
 Được làm cô giáo đứng trên bục giảng là ước mơ của tôi từ thủa ấu thơ. Sinh ra trong một gia đình mà cả cha mẹ và các chị đều làm nghề dạy học, tôi đã cảm nhận được phần nào những gian nan thách thức và cả những niềm vui góp nhặt từng ngày từ những trang giáo án, từ phấn trắng, bảng đen và nhất là niềm hạnh phúc, tự hào khi học trò lớn lên, trưởng thành và thành đạt, như bầy chim tung cánh bay xa, đem tài năng tâm huyết của mình cống hiến và dựng xây đất nước. Đây là món quà đặc biệt mà nghề dạy học dành tặng cho các thầy cô giáo.
Hai mươi năm gắn bó với nghề, trải qua 2 môi trường công tác, có thể khẳng định rằng: Đây đều là những ngôi trường hàng đầu của ngành giáo dục, với bề dày thành tích của truyền thống dạy tốt, học tốt, là  môi trường rất thuận lợi để tôi học tập, trau dồi, phấn đấu về chuyên môn nghiệp vụ. Nhưng đó cũng là những thử thách không nhỏ, đòi hỏi những cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi để có thể được các bậc thầy cô, anh chị đi trước ghi nhận mình. Có những lúc buồn vì giờ giảng chẳng thành công, có những giọt nước mắt khi giáo dục học sinh chưa thật nghe lời, có cả những niềm vui nho nhỏ, chân thành từ những lời động viên của đồng nghiệp và có cả những phút giây vỡ òa, cô trò ôm nhau hạnh phúc khi thành công....
IMG 20200612 161911
Nhà giáo Hoàng Thị Hà cùng đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ Văn 10 trường PT DTNT tỉnh (đứng giữa)
Trong 20 năm không ngừng phấn đấu, nỗ lực vượt khó vươn lên, tôi đã được TW Đoàn TNCSHCM, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen, 19 lần được nhận giấy khen của các cấp. Trong 5 năm, từ 2015-2020, tôi liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 04 lần được công nhận CSTS cơ sở; được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học năm 2017-2018”; 07 lần được tặng giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo.
 Chất lượng giảng dạy bộ môn Ngữ văn do tôi đảm nhiệm luôn vượt chỉ tiêu đăng kí; Trong 5 năm, có 31 lượt học sinh đạt giải trong cuộc thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh; ôn thi THPT Quốc gia năm 2018-2019 đạt TB 7,3 điểm, góp phần vào kết quả xếp thứ Nhất toàn tỉnh của trường PT DTNT tỉnh Điện Biên.
        Bên cạnh việc giảng dạy, tôi luôn tích cực tham gia các cuộc thi do Ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên, Bộ GD&ĐT tổ chức. Năm năm qua, trong các cuộc thi dành cho giáo viên như “Cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho giáo viên trung học”, Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh,  tôi đã đạt 10 giải:  07 giải cấp tỉnh (3 Nhất, 01 Nhì, 01 Ba, 02 KK); 03 giải quốc gia (01 Nhì, 01 Ba, 01 KK);
         Trong công tác hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, tôi đã cùng HS trăn trở các đề tài về lịch sử Điện Biên nhằm nâng cao nhận thức của học sinh về cuộc đời, vai trò lãnh đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; về cuộc đời, chiến công của các Anh hùng lực Lượng vũ trang Nhân dân trong chiến dịch Điện Biên phủ. Kết quả: đạt 5 giải: 03 giải cấp tỉnh (02 giải Nhất, 01 giải Ba);  02 giải quốc gia (01 giải Ba, 01 giải Tư).
      Điều quan trọng là, trên hành trình phấn đấu ấy không chỉ là những giải cao, những lần được tôn vinh khen thưởng, mà đó còn là cơ hội để bản thân tôi được bồi đắp thêm những kiến thức lịch sử, về niềm tự hào chân chính của mỗi con người Việt Nam đối với lịch sử oai hùng của dân tộc, sự lan tỏa của những tấm gương tiêu biểu có nhiều cống hiến, hi sinh cho mảnh đất Điện Biên anh hùng; là cơ hội để bản thân tôi và các em học sinh được giao lưu, học hỏi và có những trải nghiệm thú vị khi tham gia thi với các đơn vị khác của khu vực phía Bắc và nhất là niềm vui, hạnh phúc, tự hào khi những học trò bé nhỏ của mình đã vươn tới thành công và vinh dự có mặt trong chương trình Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc toàn quốc.
      Công tác tại trường PTDTNT tỉnh Điện Biên - môi trường có 95% là học sinh dân tộc, có nhiều học sinh dân tộc thiểu số rất ít người như Cống, Si La, La Hủ, tôi cảm nhận được rằng: Học sinh học tại trường chủ yếu ở nhiều vùng khó khăn của các huyện trong toàn tỉnh hội tụ về đây, có nhiều thói quen, nếp nghĩ còn lạc hậu; dẫu học sinh hiếu học, chăm ngoan nhưng lại rất rụt rè, tự ti, không dám bộc lộ ý kiến của bản thân,...Trong môi trường đó, tôi đã phải tự mình tìm hiểu, gần gũi các em, thấu hiểu, chia sẻ cảm thông, lắng nghe những tâm sự, suy tư của các em cả về việc học tập cũng như giúp các em tháo gỡ những vướng mắc khó giải quyết trong đời sống. Tôi thấy rằng, ở nơi này, thầy cô không chỉ là người dạy học, mà còn chính là cha mẹ, là anh chị, là bạn của học sinh và chỉ thực sự được các em tin tưởng, chia sẻ nếu thầy cô yêu thương chân thành.
Những thành tích trên đây là vinh dự, là niềm tự hào của bản thân tôi trong quá trình công tác, nhưng tôi cũng luôn ý thức rằng có được những điều đáng quý đó là nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ban ngành, đặc biệt là Sở GD&ĐT, trường PTDTNT tỉnh Điện Biên, sự giúp đỡ của  đồng nghiệp và cả gia đình. Tôi cũng luôn ghi nhớ rằng: Có những thầy cô, những đồng nghiệp của mình dẫu chưa có những giải cao, những giấy khen, bằng khen được ghi nhận nhưng các thầy cô ấy vẫn luôn miệt mài, lặng thầm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao với bao vất vả, nhọc nhằn. Trong tôi, đó là những thần tượng mà tôi luôn biết ơn và ngưỡng mộ.
Tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân về quá trình phấn đấu của mình trong thời gian qua:
Thứ nhất: Mỗi giáo viên hãy ý thức được, nghề dạy học là một nghề cao quý, đặc thù, không chỉ làm việc bằng ngày giờ mà phải bằng tấm lòng, tâm huyết, sự say mê để yêu thương, tự nguyện gắn bó suốt đời.
Thứ hai: Tôi nhận thức rằng không có thành công nào đến với ta một cách dễ dàng ngoài con đường học tập, rèn luyện và trải qua thử thách. Đầu tiên mỗi thầy cô giáo phải nêu cao ý chí, tự lực, tự cường, rèn luyện trau dồi và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, hết lòng, hết sức với nghề; luôn giữ gìn phẩm chất chân chính của một nhà giáo, sắp xếp việc nhà, việc trường một cách chu đáo, hài hòa để khi đến trường, đứng trên bục giảng có một tâm thế vững vàng, tự tin.
Thứ ba: Bí quyết của tôi chính là: Biết học hỏi đồng nghiệp, hãy luôn tận dụng thời gian để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của mình; đồng thời biết lắng nghe, chia sẻ với học sinh dù chỉ là những vấn đề rất nhỏ, tạo cho các em niềm tin yêu, quý trọng chân thành. Khi ấy thầy cô cũng là bạn, cũng là học trò, và rồi từ đó chia sẻ, gửi gắm những ước mơ hoài bão, gieo cho các em niềm tin yêu về cuộc sống tốt đẹp, về lí tưởng phấn đấu không ngừng của mỗi cá nhân. Đó cũng là mục tiêu phấn đấu để thực hiện phong trào thi đua “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”.
Thứ tư: Phải tôn trọng và kịp thời ghi nhận những thành công dù nhỏ nhất của học sinh. Linh hoạt, nhạy bén trong mọi tình huống và xử lý đúng lúc, kịp thời.
Thứ năm: Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và quyết định của Thủ tướng chính phủ về việc đổi mới giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Là giáo viên trực tiếp giảng dạy, mỗi thầy cô giáo cần tích cực tự học, nắm vững những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể như mục tiêu giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục; tìm hiểu cụ thể về nội dung môn học mà mình sẽ đảm nhận; tích cực áp dụng những phương pháp mới; yêu cầu mới của kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học để hướng tới việc phát huy tính tích cực của người học, biết gợi vấn đề để học sinh phát hiện, đặt ra và giải quyết những vấn đề gặp phải trong học tập, trong cuộc sống của cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Sự quan tâm của các cấp quản lí, sự giúp đỡ chia sẻ của đồng nghiệp và tinh thần hiếu học của các em học sinh thân yêu trong hành trình 20 năm làm nghề dạy học đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục cố gắng phát huy hơn nữa những thành tích đó trong việc thực hiện nhiệm vụ cao quý của mình./.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập106
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm83
  • Hôm nay19,946
  • Tháng hiện tại155,664
  • Tổng lượt truy cập136,507,477
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi