banner

Hội nghị trực tuyến công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành mầm non

Thứ sáu - 21/02/2020 03:13
Dienbien.edu.vn - Vừa qua, Bộ GDĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành mầm non tại sáu điểm cầu Hà Nội, Thái Nguyên, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Tây Nguyên và Cần Thơ.
Dự Hội nghị có PGS.TS Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng, GS.TS Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, TS. Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, đại biểu các sở GDĐT, các đại học, học viện, trường Đại học và các trường Cao đẳng đào tạo sư phạm.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định "tinh thần chung là giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia 2020", khắc phục những điểm còn bất cập, gây bức xúc cho dư luận như: một số trường công bố mã ngành chưa phù hợp, sát với thực tiễn; điểm đầu vào của một số trường thấp khiến dư luận lo ngại về chất lượng đào tạo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội.
Báo cáo tại Hội nghị, TS. Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đánh giá công tác tuyển sinh năm 2019 thành công trên nhiều phương diện. Quy chế, quy trình tuyển sinh được hoàn thiện, công nghệ thông tin được áp dụng triệt để trong tất cả các khâu tuyển sinh đảm bảo khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, giảm tối đa thí sinh ảo và kiểm soát tình trạng vượt chỉ tiêu tuyển sinh. Việc tuyển sinh đảm bảo quyền tự chủ của trường theo đúng quy định của pháp luật, minh bạch thông tin trong đề án tuyển sinh và kết quả tuyển sinh. Suốt quá trình thực hiện xét tuyển, Ban Chỉ đạo quốc gia và các trường, nhóm trường đã có sự phối hợp chặt chẽ, nên quy trình xét tuyển ổn định. Phần mềm tuyển sinh đã phát huy tác dụng cho thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất và giúp trường thống kê, dự tính được thí sinh ảo để chủ động tuyển sinh. Điểm trúng tuyển phản ánh phân loại chất lượng giữa các nhóm trường khá rõ ràng, là cơ sở để người học, cơ quan quản lý, xã hội đánh giá, giám sát. Điểm trúng tuyển của khối sư phạm tăng nhẹ cùng với mức tăng điểm sàn; mặt bằng điểm trúng tuyển của các ngành sức khoẻ đồng đều hơn so với năm trước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyển sinh 2019 còn một số hạn chế cần khắc phục như một số cơ sở đào tạo xác định tổ hợp không phù hợp với ngành đào tạo; quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thấp hoặc nhập điểm sàn, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố; tỷ lệ thí sinh trúng tuyển, nhập học vào ngành sư phạm thấp…
Về công tác tuyển sinh năm 2020, hiện nay Bộ GDĐT đã rà soát, sửa đổi bổ sung và đang xin ý kiến góp ý Quy chế tuyển sinh và Quy chế xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Các chính sách dự kiến thay đổi trong tuyển sinh năm 2020 so với năm 2019:
Đối với Quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh: (1) Thực hiện Luật Giáo dục, không xác định chỉ tiêu trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên, trừ Giáo dục mầm non. (2) Đối với các ngành đào tạo trình độ đại học mới được mở ngành trong năm tuyển sinh được xác định chỉ tiêu nằm trong năng lực đào tạo của khối ngành tương ứng và không vượt quá 50 chỉ tiêu tuyển sinh/ngành mới. (3) Bổ sung quy định riêng về xác định chỉ tiêu đối với nhóm ngành thuộc lĩnh vực Du lịch và CNTT tại các trường có khóa tuyển sinh đại học thứ 2 trở đi; Giáo viên thỉnh giảng là chuyên gia có bằng thạc sĩ trở lên hoặc tốt nghiệp đại học cùng ngành và có từ 3 hoặc 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo; tổng số giáo viên thỉnh giảng tối đa bằng 40% tổng giáo viên cơ hữu.
Đối với quy chế tuyển sinh: tích hợp các nội dung điều chỉnh tuyển sinh đào tạo chính quy, VLVH, văn bằng 2, ... vào cùng một quy chế tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non để dễ tra cứu, áp dụng; quy định các nguyên tắc và mở rộng quyền tự chủ đối với các trường tổ chức thi tuyển sinh nhằm điều chỉnh pháp luật sát với thực tế, đảm bảo chất lượng đầu vào và nâng cao chất lượng giải trình của các trường; Tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe; đặc biệt là bổ sung quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đồng bộ giữa các hình thức, loại hình đào tạo của hai khối này; Quy định chế tài chặt chẽ với các trường vi phạm, đối với cán bộ, công chức, người lao động và thí sinh vi phạm, đặc biệt là thí sinh gian lận, liên quan đến gian lận trong thi, tuyển sinh...để nâng cao tính tuân thủ pháp luật trong điều kiện thực hện tự chủ đại học.
Đối với kinh phí tuyển sinh: Bộ GDĐT không quy định mức thu, phân khai giá dịch vụ tuyển sinh nhưng công tác tuyển sinh năm 2020 vẫn phải thực hiện ổn định như các năm trước.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe nhiều ý kiến thảo luận từ các đầu cầu. Đại diện Sở GDĐT Hà Nội, Phó Giám đốc Phạm Văn Đại đánh giá công tác tuyển sinh những năm gần đây ngày càng hoàn thiện và tiến bộ hơn. Cùng quan điểm, PGS.TS. Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng với những thành công, thuận lợi đã có tuyển sinh năm 2020 nên giữ ổn định vì quyền lợi chung của xã hội.
GS.TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định: Công tác thi THPT quốc gia 2019 tổ chức tốt, nhận được sự đồng tình cao của xã hội là nhờ sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, nỗ lực hợp tác của các trường, sở. Năm 2020, cần tiếp tục chú trọng tập huấn công tác chấm thi trắc nghiệm và công tác hướng dẫn thí sinh đăng ký hồ sơ để tạo điều kiện thuận lợi cho các em. Việc đặt ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên và nhóm ngành sức khỏe là cần thiết; cần có giải pháp đối với đào tạo giáo viên ngành tin học, ngoại ngữ, đào tạo nghệ thuật.
Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn thống nhất chủ trương tuyển sinh 2020 cơ bản giữ ổn định như năm vừa qua. Trường sẽ tích cực tham gia công tác coi thi, chấm thi THPT quốc gia để đảm bảo độ tin cậy trong kết quả, làm căn cứ cho các trường có nhu cầu sử dụng kết quả để xét tuyển đại học, cao đẳng....
Đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác tuyển sinh 2019 cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị năm 2020 việc tuyển sinh phải thành công hơn nữa. Bộ trưởng yêu cầu Sở GDĐT chỉ đạo các nhà trường tập trung dạy học và ôn tập thi THPT Quốc gia cho học sinh theo hướng dẫn của Bộ, tránh tình trạng học lệch, học tủ. Việc cho điểm trong học bạ phải đảm bảo trung thực, khách quan, để đảm bảo độ chính xác và chất lượng cho công tác tuyển sinh theo hình thức xét học bạ mà nhiều trường đại học, cao đẳng đang áp dụng.
Đối với công tác hướng nghiệp, Bộ trưởng nhấn mạnh Sở GDĐT cần chú trọng chỉ đạo các trường THPT quan tâm sát sao việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, bằng nhiều hình thức. Đây là nhiệm vụ và trách nhiệm của các nhà trường, nhằm giúp học sinh lựa chọn được ngành nghề phù hợp, phát huy được sở trường của bản thân và đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Các trường đại học, cao đẳng trong công tác tư vấn hướng nghiệp cần cung cấp thông tin trung thực về nhà trường, không “đánh bóng danh tiếng” gây nhiễu thông tin để thí sinh đăng ký xét tuyển. Việc tư vấn tuyển sinh cần đổi mới phương thức, có sự phối hợp chặt chẽ với đơn vị sử dụng lao động để đưa ra các yêu cầu nghề nghiệp chính xác cho học sinh, phụ huynh tham khảo, lựa chọn.
Việc mở ngành mới phải có cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn. Việc xây dựng phương án tuyển sinh được đánh giá là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của cơ sở giáo dục đại học, ảnh hưởng lớn tới chất lượng tuyển sinh và công tác đào tạo của trường. Do đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học phải tính toán kỹ lưỡng, có nghiên cứu và phân tích thị trường để đưa ra quyết định về việc mở ngành mới.
Anh
Về công tác tổ chức thi: Bộ trưởng yêu cầu các cơ sở đào tạo phối hợp với các địa phương, các sở GDĐT với tinh thần trách nhiệm cao; cử cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, tham gia công tác tổ chức thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo và thanh tra, giám sát đảm bảo đúng số lượng, đúng thời gian quy định, tổ chức tập huấn nghiêm túc về các nội dung công tác thi THPT Quốc gia. ..
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định công tác tuyển sinh năm 2020 về cơ bản giữ ổn định như năm 2019. Ban soạn thảo của Bộ sớm hoàn thiện và ban hành Quy chế tuyển sinh 2020. Quy chế này sau khi ban hành cần được các trường phổ biến đầy đủ cho cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh, ..coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của trường, nhằm khawngraor công tác tuyển sinh 2020 sẽ diễn ra thuận lợi, thành công, vì lợi ích cao nhất của người học.

Tác giả: Nguyễn Thị Thúy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập162
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm140
  • Hôm nay26,397
  • Tháng hiện tại167,338
  • Tổng lượt truy cập136,519,151
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi