banner

GDMN - Áp dụng quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm” trong chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non người dân tộc thiểu số và trẻ có hoàn cảnh khó khăn

Thứ hai - 16/01/2017 04:11
Dienbien.edu.vn - Kết quả điều tra EDI (chỉ số phát triển giáo dục cho mọi người) tại Việt Nam cho thấy: có trên 50% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi từ 5-6 tuổi được điều tra bị thiếu hụt hoặc có nguy cơ thiếu hụt ít nhất là một lĩnh vực phát triển, đặc biệt tỷ lệ này cao hơn ở vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và nhóm trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Đây là vấn đề đáng báo động của giáo dục mầm non (GDMN) Việt Nam. Để thực sự nâng cao chất lượng GDMN, đã đến lúc cần phải có sự thay đổi và nhất quán trong nhận thức và trong hành động. Thực hiện chương trình GDMN trên quan điểm lấy trẻ làm trung tâm hướng tới tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ em mầm non, đặc biệt là trẻ em người dân tộc thiểu số (DTTS) và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong chuyên đề này xin giới thiệu một số biện pháp vận dụng quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm” trong chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non người DTTS và trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Thứ nhất: Nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trong thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non người DTTS và trẻ có hoàn cảnh khó khăn trên quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm”

Mỗi người lớn trong chúng ta đều khác nhau, đều có những điểm mạnh và điểm yếu của mình. Trẻ em trong trường mầm non cũng vậy. Trẻ khác nhau về: hoàn cảnh văn hóa và gia đình, địa bàn sinh sống, đặc điểm cá nhân, ngôn ngữ… Điều này càng rõ nét đối với những nơi có nhiều trẻ người DTTS, nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.

Do vậy, nhà quản lý giáo dục, đặc biệt là giáo viên mầm non cần tôn trọng sự khác biệt của trẻ, hiểu rõ sự đa dạng trong trường/lớp học mầm non để có các biện pháp giáo dục trẻ phù hợp.
Đối với cán bộ quản lý cần hiểu rõ quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, từ đó: Thay đổi nhận thức của bản thân và giáo viên; nhìn nhận đúng, sâu sắc chương trình GDMN theo quan điểm này và kịp thời hỗ trợ giáo viên, cụ thể:


Thầy giáo Trường Mầm non Khong Hin huyện Tuần Giáo hướng dẫn trẻ
chơi trò chơi dân gian
 
- Hỗ trợ về tinh thần: Lắng nghe ý kiến của giáo viên, tư vấn, cho lời khuyên kịp thời; dành thời gian trò chuyện, chia sẻ với giáo viên; không áp đặt, ra lệnh; tạo môi trường làm việc thuận lợi, thoải mái, được đánh giá, được chia sẻ; khuyến khích sự sáng tạo, chủ động, tích cực của giáo viên.

- Hỗ trợ về chuyên môn: Lên kế hoạch và tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn trên tinh thần lấy người học làm trung tâm; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn để giáo viên thảo luận, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; kiểm tra, dự giờ, trao đổi, tư vấn, ra quyết định; cung cấp tài liệu, thông tin liên quan và thay đổi cách đánh giá giáo viên.

Ví dụ: Tổ chức bồi dưỡng giúp giáo viên có kiến thức về: Các chính sách hỗ trợ trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em DTTS rất ít người và trẻ có hoàn cảnh khó khăn; Kiến thức về trẻ DTTS và trẻ có hoàn cảnh khó khăn: hiểu thế nào là trẻ em người DTTS, thế nào là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các nhóm trẻ có hoàn cảnh khó khăn; tiêu chuẩn xác định trẻ DTTS; các dấu hiệu nhận biết trẻ có hoàn cảnh khó khăn và trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong chia sẻ thông tin về các dấu hiệu nghi ngờ trẻ gặp khó khăn với những người liên quan…

Từ đó, giáo viên có thái độ tích cực, tin tưởng, kỳ vọng vào tất cả trẻ em, ứng xử phù hợp với các vấn đề hành vi của trẻ có hoàn cảnh khó khăn như: Tin tưởng rằng tất cả trẻ em (trai và gái, xuất thân từ gia đình giàu hoặc nghèo, là người đa số hoặc DTTS, sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt hay tiếng DTTS, khuyết tật hay không khuyết tật…) đều có thể học; giáo viên có kì vọng cao vào trẻ em và luôn khuyến khích trẻ; khi hướng dẫn, nhận xét, đánh giá luôn tập trung vào các hành vi tích cực, sự tiến bộ của trẻ, gọi tên riêng của trẻ hoặc tên yêu khi nói về trẻ, không sử dụng những tên không hay của trẻ như “bờm”, “ngốc”…; tôn trọng sự đa dạng của mỗi trẻ và đối xử công bằng với trẻ; cho trẻ phản hồi về những điều trẻ làm ngay cả khi trẻ phạm sai lầm hay gặp khó khăn...

- Quan tâm đến chế độ chính sách, đời sống của giáo viên; có chế độ khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời.

Cán bộ quản lý trường mầm non, đặt biệt là hiệu trưởng cần ưu tiên việc đảm bảo đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách và quan tâm đến đời sống, điều kiện, hoàn cảnh của giáo viên, nhân viên. Mặt khác, cần động viên, khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc tạo động lực làm việc, động lực khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ cho đội ngũ giảm tỷ lệ giáo viên bỏ việc, bỏ nghề.

Thứ hai: Nâng cao các kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cho đội ngũ giáo viên

Thông qua sinh hoạt chuyên môn, các hoạt động bồi dưỡng thường xuyên để củng cố và phát triển các kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ em DTTS và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cho giáo viên, cụ thể:

- Kỹ năng xác định và đáp ứng nhu cầu của mỗi trẻ. Kỹ năng này đòi hỏi giáo viên xác định được sở thích, ý tưởng, kỹ năng của trẻ và khả năng phát triển của mỗi trẻ. Từ đó chuẩn bị các hoạt động phù hợp với khả năng, nhu cầu, ý tưởng, lợi ích của mỗi trẻ và điều kiện thực tế của trường, lớp.

Ví dụ: Giáo viên có thể thông qua trò chuyện với trẻ bằng ngôn ngữ của trẻ, tổ chức một số hoạt động giáo dục để trẻ thực hiện một số bài tập và căn cứ trên mục tiêu, yêu cầu của độ tuổi để đánh giá, xác định những khó khăn của trẻ DTTS mới đến trường.

- Kỹ năng lập kế hoạch để đáp ứng nhu cầu của tất cả trẻ em. Trong kế hoạch chăm sóc giáo dục trẻ hàng ngày cần phải có sự đan xen giữa hoạt động động - hoạt động tĩnh và được thể hiện bằng hình ảnh (thông qua biểu tượng, tranh…) để đáp ứng nhu cầu của trẻ có khó khăn trong lớp. Kế hoạch hoạt động của trẻ cần có sự cân bằng giữa hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm, hoạt động chung cho cả lớp và có lưu ý đến các trẻ cần hỗ trợ cá nhân.

Ví dụ: Trẻ DTTS hạn chế về tiếng Việt trong giai đoạn mới đến trường, giáo viên có kế hoạch dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ, trong đó quan tâm đến trình độ của từng trẻ. Đối với những trẻ còn nhiều hạn chế về tiếng Việt, giáo viên có thể sắp xếp cho trẻ tham gia hoạt động nhiều hơn ở lĩnh vực ngôn ngữ, giao nhiệm vụ cho các bạn lớn hơn, các bạn sử dụng tiếng Việt tốt hơn giúp đỡ.

- Kỹ năng giao tiếp có hiệu quả với tất cả trẻ em. Đối với những trẻ gặp khó khăn, đặc biệt là khó khăn về ngôn ngữ thì giáo viên cần giải thích từng bước, rõ ràng điều mình muốn trẻ thực hiện và kiên nhẫn trả lời câu hỏi của trẻ; thường xuyên hạ thấp người phù hợp với tầm nhìn của trẻ khi giao tiếp với trẻ; điều chỉnh cách giao tiếp phù hợp với khả năng ngôn ngữ của trẻ em DTTS, cách tiếp cận thông tin của trẻ khuyết tật.

Ví dụ: Đối với trẻ khuyết tật về ngôn ngữ (câm), để hiểu nhu cầu của trẻ giáo viên cần quan sát liên hệ với trẻ bằng mắt, bằng các tín hiệu để biết là trẻ có thoải mái hay không, có sẵn sàng tham gia hoạt động không hoặc trẻ cần giúp đỡ gì…

- Kỹ năng hướng dẫn phù hợp với trẻ gặp khó khăn. Giáo viên cần chia các nhiệm vụ và công việc học tập thành những bước nhỏ để trẻ thực hiện và dần dần có thể đạt được mục đích; khuyến khích trẻ tự làm, kiên nhẫn, giúp đỡ và khen ngợi để trẻ được học cách thực hiện các kỹ năng tự phục vụ đơn giản; dành thời gian cho mỗi trẻ hoặc hoạt động nhóm nhỏ để tập trung vào nhu cầu cụ thể của trẻ.

- Kỹ năng điều chỉnh chương trình và hoạt động cho phù hợp với tất cả trẻ. Đây là kỹ năng quan trọng đối với người giáo viên khi thực hiện chương trình GDMN theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”. Khi cần thiết giáo viên phải điều chỉnh kế hoạch, hoạt động giáo dục phù hợp với văn hóa, điều kiện sống và khả năng của trẻ em. Giáo viên phải sử dụng nội dung, ngôn ngữ, phương pháp tổ chức hoạt động phù hợp với khả năng và sự tham gia của tất cả trẻ em. Có khoảng thời gian đủ để trẻ hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

 - Hướng dẫn trẻ trong lớp, trong trường có cách ứng xử đúng đắn, phù hợp và không có sự phân biệt đối xử với các trẻ DTTS, trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Giáo viên đưa nội dung giáo dục trẻ biết tôn trọng và giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh đặc biệt vào nội dung giáo dục kỹ năng sống cho trẻ tất cả trẻ trong lớp.

Thứ ba: Tổ chức môi trường giáo dục tạo cơ hội cho trẻ học tập, vui chơi

Cả hai môi trường bên trongbên ngoài lớp học đều rất quan trọng đối với việc dạy và học của cô và trẻ. Trẻ em sẽ tham gia vào các hoạt động và các loại trò chơi khác nhau tùy thuộc vào môi trường mà trẻ đang ở đó. Vì vậy trẻ cần có nhiều cơ hội để chơi và học ở cả bên trong và ngoài lớp học.

Đối với các lớp học có nhiều trẻ DTTS, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt cần có cơ sở vật chất phù hợp với nhu cầu của trẻ: sắp xếp lớp học phù hợp với trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Ví dụ: Trẻ có khó khăn về vận động học ở lớp có vị trí đi lại thuận tiện, có thể sử dụng các phương tiện trợ giúp để trẻ có thể tự phục vụ, ít cần sự trợ giúp của người khác, di chuyển an toàn hoặc ở lớp có góc hỗ trợ trẻ có khó khăn.

Có đồ dùng, đồ chơi, phương tiện, thiết bị phù hợp với trẻ DTTS và trẻ có hoàn cảnh khó khăn, quan tâm bổ sung đồ dùng, đồ chơi phù hợp với trẻ khuyết tật của lớp.

Ví dụ: Các góc chơi có đồ dùng, đồ chơi đại diện cho văn hóa địa phương: trang phục dân tộc, đồ chơi mô phỏng đồ dùng âm nhạc, đồ dùng trong gia đình… của các dân tộc thiểu số.

Thứ tư: Hỗ trợ trẻ em người dân tộc thiểu số và trẻ có hoàn cảnh khó khăn

- Đối với trẻ là người DTTS, giáo viên cần chú ý hỗ trợ trẻ phát triển ngôn ngữ tiếng Việt đồng thời tôn trọng tiếng mẹ đẻ và văn hóa của trẻ DTTS.


Cô giáo trường Mầm non Mường Đăng huyện Mường Ảng đón trẻ đến trường

- Đối với trẻ có hoàn cảnh khó khăn: Giáo viên, nhân viên ở trường mầm non có các hoạt động hỗ trợ cá nhân giúp trẻ khuyết tật học hòa nhập, can thiệp sớm phù hợp với mỗi loại tật, trẻ được sử dụng các dụng cụ trợ giúp theo nhu cầu (máy trợ thính, xe lăn, nạng…). Trẻ em gia đình nghèo được miễn giảm một số khoản đóng góp, hỗ trợ quần áo…


Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mường Chà khám bệnh cho trẻ trường Mầm non Thị trấn Mường Chà

Thứ năm: Phối hợp với gia đình, cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ dân tộc thiểu số và trẻ có hoàn cảnh khó khăn

Giáo viên thường xuyên giữ mối liên hệ với gia đình trẻ; thường xuyên chia sẻ thông tin với gia đình trẻ về sự phát triển, sự tham gia của trẻ ở trường, lớp; khuyến khích sự tham gia của gia đình trẻ vào các hoạt động ở trường mầm non, chia sẻ kinh nghiệm, vật liệu địa phương trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ.

Giáo viên thường xuyên phối hợp với nhân viên tư vấn, nhân viên hỗ trợ ngôn ngữ (nếu có) để nhận biết và giúp đỡ các trẻ có khó khăn.

Quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm” được thể hiện trong tất cả các yếu tố của quá trình giáo dục, mọi hoạt động hướng đến từng trẻ, từng nhóm trẻ. Giáo dục trẻ mầm non DTTS, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt theo quan điểm này là điều kiện cụ thể nhất giúp trẻ tiến bộ và phát triển./.

Tác giả: Trần Thị Thúy

Nguồn tin: Phòng GDĐT thành phố Điện Biên Phủ

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập245
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm237
  • Hôm nay24,523
  • Tháng hiện tại524,127
  • Tổng lượt truy cập136,875,940
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi