banner

GDTH – Mô hình trường học mới giúp hình thành và phát triển trí thông minh sáng tạo của học sinh.

Thứ tư - 14/12/2016 03:13
Trí thông minh sáng tạo (CQ) là một trong những chỉ số quan trọng quyết định sự thành công trong công việc và thành đạt trong cuộc sống. Có nhiều người cho rằng chính sự sáng tạo mới phân biệt giữa người này với người khác và chính nó là cốt lõi của trí thông minh. Sự sáng tạo có được do bẩm sinh nhưng một phần do môi trường giáo dục từ khi trẻ còn nhỏ. Phương pháp dạy học của Mô hình trường học mới là viên gạch đầu tiên giúp hình thành và phát triển trí thông minh sáng tạo của học sinh, góp phần xây dựng con người Việt Nam năng động, sáng tạo, tự tin trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Trong dạy học truyền thống, giáo viên áp dụng lối truyền thụ một chiều (thầy giảng - trò nghe) theo một quy trình cứng: Nghe giảng lý thuyết - theo dõi bài tập mẫu - luyện tập. Phương pháp này tạo ra sự áp đặt, bình quân và đồng loạt, người học luôn ở thế thụ động, gây ra sự mệt mỏi, căng thẳng, làm giảm khả năng sáng tạo và hứng thú học tập của học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học. Không ít giáo viên than phiền học sinh kém năng động sáng tạo, sức ì rất lớn; đến lớp chỉ ngồi một chỗ, rất hiếm hoặc không bao giờ phát biểu xây dựng bài, không bao giờ đưa ra ý kiến hoặc bày tỏ chính kiến của mình về vấn đề giáo viên nêu ra. Nhiều học sinh khả năng tự học quá kém, giáo viên giao bài chỉ ngồi chơi, trông chờ giáo viên chữa bài để chép vào vở mà nhiều khi cũng không hiểu nội dung. Một số coi những buổi học thêm là cơ hội để giáo viên chữa những bài tập đã giao ở tiết học trước, vì thế phần lớn thời gian của buổi học thêm giáo viên chữa bài và tiếp tục giao bài cho học sinh ở buổi học sau.

Cách dạy truyền thụ một chiều này đã tạo nên những học sinh chỉ biết bắt chước, làm theo mẫu. Học sinh được nghe kể về cách nhìn nhận, đánh giá theo ý chủ quan của thầy cô, rồi bê nguyên xi vào bài làm mà không hề có những nhận xét, đánh giá mới. Chẳng hạn, cô giáo yêu cầu miêu tả vẻ đẹp quê hương em, rồi đem bài văn cho cả lớp chép, và cả 35 học sinh trong bài văn của mình đều “quê hương em có những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay” dù sự thật nhiều em nhà ở miền núi cao chỉ có những triền đồi và những thửa ruộng bậc thang đã bao giờ được nhìn thấy những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Chính sự máy móc, xơ cứng đã triệt tiêu sự sáng tạo của các em ngay từ lứa tuổi tiểu học.

Trong nhà trường, những học sinh được điểm cao thường là những em có trí nhớ tốt. Nhưng trí nhớ chỉ là một phần của sự thông minh. Khi lớn lên đi làm, các em còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác, đòi hỏi trí thông minh sáng tạo, sự nhanh nhạy trong phán xét, trong tư duy, trong việc ra quyết định. Vì thế giáo dục trước hết là phải cung cấp kiến thức và ươm mầm cho sự sáng tạo, nếu không có sự sáng tạo học sinh dù giỏi đến mấy cũng mãi chỉ là học trò mà thôi.

Nghị quyết 29-NQ-TƯ xác định quan điểm và mục tiêu giáo dục nhằm đổi mới căn bản toàn diện giáo dục: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất người học, học đi đôi với thực hành; lí luận gắn với thực tiễn”. Mô hình trường học mới Việt Nam được đúc kết từ thành tựu giáo dục tiên tiến trên thế giới, phù hợp với đặc điểm và định hướng đổi mới căn bản, toàn diện của giáo dục Việt Nam. Đây là mô hình giáo dục mở, quan tâm đặc biệt đến sự hình thành và phát triển toàn diện con người mới, lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm. Giáo viên chuyển đổi từ vai trò giảng giải, truyền thụ kiến thức sang kỹ năng tổ chức lớp học, hướng dẫn học sinh tự học.


Tiết học VNEN ở trường Tiểu học Bế Văn Đàn, TP. Điện Biên Phủ

 
Lớp học do học sinh tự quản và được tổ chức theo các hình thức như: Làm việc theo cặp, làm việc cá nhân và làm việc theo nhóm, trong đó hình thức học theo nhóm rất được chú trọng. Học tập trong Mô hình trường học mới, học sinh  cơ bản đã thay đổi thói quen học tập, các em tự nghiên cứu tìm hiểu kiến thức trong bài và qua tài liệu. Những kiến thức khó, các em trao đổi với bạn trong nhóm và mạnh dạn trao đổi vướng mắc với thầy cô. Qua đó, hình thành và phát triển tư suy và sự sáng tạo; tính độc lập, chủ động tiếp thu kiến thức và hiểu sâu sắc các kiến thức trong bài học. Học sinh được hình thành thói quen làm việc trong môi trường tương tác, được học hỏi bạn để tự hoàn thiện, luôn có ý thức chủ động mình phải bắt đầu và kết thúc hoạt động học như thế nào, không chờ đến sự nhắc nhở của giáo viên. Trong Mô hình trường học mới, học sinh được giáo dục, được rèn luyện các kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tham gia, kỹ năng hợp tác trong các hoạt động.

Sự sáng tạo không chỉ đến từ việc tiếp thu kiến bài học trong sách giáo khoa, Mô hình trường học mới còn tạo điều kiện cho học sinh được tự do sáng tạo trong việc trang trí lớp học, mỗi xăng-ti-mét vuông tường đều là không gian để các em có thể thỏa thích sáng tạo, thể hiện những ý tưởng ngộ nghĩnh của mình. Không gian lớp học với “Góc học tập”, “Góc cộng đồng”, “Thư viện lớp học”, “Hòm thư vui”, hòm thư “Điều em muốn nói” tạo ra môi trường giáo dục thân thiện gợi hứng thú, kích thích tư duy sáng tạo cho các em, đó là những tiền đề quan trọng, những viên gạch đầu tiên giúp hình thành và phát triển trí thông minh sáng tạo (CQ) của học sinh, một phẩm chất cần có của con người thành đạt trong tương lai.


Trang trí lớp học ở trường PTDTBT Tiểu học Trần Văn Thọ - Mường Nhé

 
Ngoài ra, sự sáng tạo còn được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động giáo dục bên ngoài không gian lớp học truyền thống. Bằng các hình thức tổ chức dạy học mở; các hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động câu lạc bộ, hoạt động thư viện, hoạt động thể dục thể thao,… học sinh có được nhiều cơ hội học tập, trải nghiệm phong phú, mạnh dạn tự tin hơn trong giao tiếp, kỹ năng sống được nâng lên, nhanh nhẹn hơn, khéo léo hơn.


Học sinh trường PTDTBT Tiểu học Tân Phong, huyện Nậm Pồ trong giờ ra chơi

 
Đất nước đang có những bước chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có một triệu doanh nghiệp, tiến tới có năm triệu doanh nghiệp, để đất nước trở thành cường quốc kinh tế. Chúng ta không thể hiện thực hóa mục tiêu đó với những người trẻ thụ động chỉ biết đi sau và bắt chước. Tương lai bắt đầu từ ngày hôm nay, với lứa tuổi tiểu học người lớn đừng quá chú trọng định lượng kiến thức sách vở mà các em phải thu được sau một ngày, hãy để các em “mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui”, hãy để các em được thỏa sức sáng tạo và những người lớn chúng ta hãy dạy các em khi đứng trước một vấn đề phải biết đặt câu hỏi và đi đến tận cùng để tìm kiếm câu trả lời./.

Nguồn tin: Công đoàn Ngành giáo dục Điện Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập107
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm102
  • Hôm nay24,523
  • Tháng hiện tại527,821
  • Tổng lượt truy cập136,879,634
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi