banner

GDMN - Chia sẻ kinh nghiệm số 25: Kỹ năng sử dụng phương pháp thảo luận nhóm trong dạy - học tích cực với đối tượng người học là người lớn

Thứ năm - 27/08/2015 08:51
dienbien.edu.vn - Để vận dụng thành công các phương pháp dạy - học đối với người lớn, chúng ta cần biết người lớn học hiệu quả nhất khi:
Học thông qua hành động: Khi bạn nghe, nhìn bạn nhớ chưa được 30% những gì bạn học, khi thực sự làm thì bạn nhớ đến 90%.

Học dựa trên các kinh nghiệm có sẵn: Người lớn trải nghiệm cuộc sống và đúc kết những kinh nghiệm này cho chính bản thân mình để vận dụng vào cuộc sống cho chính mình. Điều này sẽ giúp người học học những điều mới dễ dàng hơn hoặc nhớ lại những điều họ đã trải nghiệm.

Luôn cần sự khuyến khích: Người lớn thường ngại phạm phải sai lầm vì vậy họ cần khuyến khích, động viên rằng tất rcar sự đống góp của mọi người đều đáng quý.

Học lẫn nhau: Người lớn có thể tiếp thu trong lúc trao đổi thảo luận một cách dễ dàng và đúc kết bài học cho riêng mình. Vì vậy các hoạt động nhóm rất hữu ích cho việc học tập của người lớn.


Sinh hoạt chuyên đề về phương pháp dạy lớp mẫu giáo ghép tại trường Mầm non Hua Thanh, huyện Điện Biên

Thảo luận nhóm là phương pháp người dạy chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ, các thành viên trong nhóm suy nghĩ, trao đổi từ đó đưa ra ý kiến chung của cả nhóm về vấn đề được thảo luận.

Thảo luận nhóm là một trong những phương pháp được yêu thích và sử dụng thường xuyên trong hoạt động dạy - học tích cực. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao hơn đặc biệt với đối tượng người học là người lớn thì người dạy phải hiểu về nó, có kỹ năng tổ chức và điều khiển hoạt động này.

1.       Ưu điểm của phương pháp thảo luận nhóm

Khác với kiểu dạy học truyền thống truyền thụ một chiều: thầy nói trò nghe, thảo luận nhóm giúp người học được bộc lộ những khả năng của bản thân, hình thành kỹ năng tư duy, hợp tác trao đổi, chia sẻ  và học hỏi lẫn nhau. Thảo luận nhóm tạo không khí sôi nổi, thoải mái trong học tập. Người học luôn có được cảm giác tự do, không bị áp đặt qua đó phát huy được tính tích cực, chủ động sáng tạo của mình trong quá trình khám phá và chiếm lĩnh tri thức.

Sử dụng phương pháp thảo luận nhóm lấy người học làm trung tâm có nhiều ưu điểm: Tạo cho người học thói quen tự nhận thức, suy nghĩ về những vấn đề được nêu ra; Tạo động cơ để người học mở rộng, đào sâu và nâng cao hơn sự hiểu biết về những vấn đề thảo luận; Người học có cơ hội được lắng nghe, đánh giá, so sánh quan điểm, ý kiến của chính mình với ý kiến của những người tham gia thảo luận, được khẳng định và thể hiện chính kiến của mình; Tạo cách ứng xử, phản hồi nhanh về những vấn đề đặt ra…

Bên cạnh đó, sử dụng phương pháp này còn có ý nghĩa “kép” bởi nó không chỉ thuần túy thể hiện những hiểu biết về nội dung thảo luận mà còn bộc lộ thái độ, cảm xúc, kinh nghiệm thực tế của người học xung quanh những nội dung đó. Mặt khác, người dạy cũng có thể cập nhật, bổ sung, điều chỉnh tri thức của mình thông qua những ý kiến, kinh nghiệm, chia sẻ hữu ích từ cuộc thảo luận.

2. Hạn chế của phương pháp thảo luận nhóm

Người dạy thường phải sử dụng khá nhiều thời gian trong quỹ thời gian cho phép;

Kết quả hoạt động của nhóm có thể bị ảnh hưởng bởi một số thành viên trong nhóm.


Tập huấn triển khai thực hiện Bộ Chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi

3.   Kỹ năng tổ chức, điều khiển hoạt động thảo luận nhóm

Một cuộc thảo luận nhóm thường trải qua một quy trình chung, bao gồm các bước cơ bản sau đây:

- Lựa chọn vấn đề thảo luận

Trong một nội dung học có nhiều vấn đề. Người dạy trước hết phải biết chia nhỏ các nội dung cơ bản thành nhiều vấn đề thảo luận và phân bổ một cách hợp lý qua mỗi buổi học, thậm chí từng tiết học. Có chủ đề có thể thảo luận ngay trên lớp, có chủ đề người dạy phải yêu cầu người học chuẩn bị trước ở nhà để vấn đề thảo luận sẽ được mở rộng và đi vào chiều sâu hơn.

Chủ đề thảo luận cần tập trung vào vấn đề chính của bài học.

Việc lựa chọn và diễn đạt vấn đề cần phù hợp, không quá đơn giản nhưng cũng không nên quá khó đối với người học.

Tốt nhất là lựa chọn được vấn đề thảo luận hấp dẫn, dễ chia sẻ, dễ huy động được nhiều ý kiến khác nhau, có tính chất kích thích tính tích cực chủ động làm việc của người học.

Câu hỏi thảo luận là câu hỏi mở, không bao giờ là một câu hỏi đóng.

 - Chia nhóm, bố trí chỗ ngồi

Có hàng chục cách chia nhóm khác nhau như: chia ngẫu nhiên, chia theo vị trí ngồi, chia theo danh sách, chia theo đặc điểm chung, chia theo năng lực, chia theo kinh nghiệm, chia theo giới tính, chia theo cùng sở thích, chia qua tình huống, chia qua trò chơi…

Khi chia nhóm cần chú ý tới số lượng và trình độ, năng lực của người học. Không chia nhóm này quá đông, nhóm kia quá ít hoặc nhóm này tập trung nhiều người học giỏi, năng động, nhóm kia phần đông lại kém hơn, rụt rè, im lặng...

Nếu lớp không quá nhiều người học, vấn đề thảo luận có những ý kiến trái ngược nhau tạo sự tranh luận, nên chia 2 nhóm.

Mỗi nhóm cần phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ để phân công trách nhiệm cho từng thành viên. Ngoài các thành viên, cơ cấu của nhóm gồm 2 vị trí quan trọng nhất là nhóm trưởng và thư ký. Nhóm trưởng (do các thành viên trong nhóm bầu hoặc do người dạy chỉ định) có trách nhiệm tổ chức, điều hành mọi hoạt động của nhóm, xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa các thành viên trong nhóm, đảm bảo cho nhóm thảo luận đúng hướng, giải quyết linh hoạt các tình huống nảy sinh trong thảo luận. Nhóm trưởng có thể chịu trách nhiệm là người phát biểu ý kiến, quan điểm của nhóm về vấn đề thảo luận. Nếu trưởng nhóm có năng lực, nhiệt tình, có uy tín, có kỹ năng điều hành nhóm, được các thành viên tin tưởng, yêu mến thì chắc chắn nhóm đó sẽ hoạt động hiệu quả. Một thư ký chịu trách nhiệm ghi chép, tổng kết các ý kiến thảo luận cũng cần có khả năng lĩnh hội, bao quát và lựa chọn những vấn đề cốt yếu trong thảo luận.

Việc bố trí chỗ ngồi cũng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc thảo luận. Nên bố trí để các thành viên trong nhóm ngồi quay mặt vào nhau, vị trí ngồi đủ gần để có thể trao đổi, chia sẻ với nhau một cách thuận lợi. Nên có khoảng cách giữa các nhóm để sự trao đổi của các nhóm không bị ảnh hưởng tới nhau.

- Giao nhiệm vụ và giới hạn thời gian thảo luận

Trước khi tiến hành thảo luận người dạy phải giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng nhóm và phải có hướng dẫn cụ thể và định hướng cách thức thảo luận và trình bày.

Thời gian thảo luận cần được giới hạn và phải tương ứng với nội dung, yêu cầu của vấn đề đặt ra. Thời gian giới hạn phải đủ để người học suy nghĩ, trao đổi. Nếu thời gian quá ít, thảo luận nhóm sẽ sơ sài, không đi vào cốt lõi vấn đề, có thể chỉ mang tính chất đối phó. Nếu thời gian quá dài sẽ tạo sự lơ đãng, phân tán và làm loãng không khí thảo luận.

- Giám sát hoạt động thảo luận của từng nhóm

Thời gian các nhóm thảo luận không phải là thời gian nghỉ ngơi hoặc làm việc riêng của người dạy. Khi người học tiến hành thảo luận, người dạy chuyển từ vị trí người hướng dẫn sang vị trí người giám sát.

Người dạy phải di chuyển vòng quanh các nhóm, nắm bắt tình hình hoạt động của mỗi nhóm, quan sát, lắng nghe, nhắc nhở hoặc có thể xen lời gợi ý khi cần.  Giám sát của người dạy sẽ tránh được tình trạng một số người học mất tập trung, đứng ngoài cuộc thảo luận. Trong quá trình thảo luận, có nhóm lúng túng không hiểu rõ yêu cầu của vấn đề cần thảo luận dẫn đến lạc đề; có nhóm trao đổi sôi nổi nhưng tranh cãi căng thẳng và không đưa ra được quyết định cuối cùng… người dạy cần quan tâm và kịp thời điều chỉnh.

- Trình bày kết quả thảo luận

Khi kết thúc thời gian thảo luận, người dạy yêu cầu các nhóm trình bày kết quả thảo luận của nhóm mình theo cách thức và thời gian cho phép.

Hình thức trình bày khá phong phú, tùy theo điều kiện cụ thể có thể lựa chọn một hoặc kết hợp những cách sau: thuyết trình miệng, viết trên bảng, trình bày trên khổ giấy lớn, trình bày qua máy chiếu…

Người trình bày có thể do nhóm tự cử một đại diện (thường là trưởng nhóm hoặc thư ký nhóm) lên trình bày trước lớp. Hoặc mỗi nhóm có thể cử nhiều đại diện cùng tham gia trình bày, mỗi người một nội dung, một vấn đề nối tiếp nhau. Người dạy cũng có thể yêu cầu ngẫu nhiên bất kỳ một người học nào đó trong nhóm lên thuyết trình. Theo cách chỉ định ngẫu nhiên này sẽ tránh được tình trạng công việc thảo luận chỉ tập trung trong một số người học năng nổ. Để đảm bảo tất cả mọi thành viên trong nhóm đều phải làm việc, không ỷ lại vào người khác thì trước khi thảo luận nhóm người dạy phải thông báo với các nhóm về việc sẽ chọn người trình bày theo những cách nói trên.

Tùy vào từng vấn đề, người dạy có thể cho các nhóm tham gia phản biện, tương tác lẫn nhau. Khi một nhóm trình bày, các nhóm khác chú ý lắng nghe và sau đó sẽ tiến hành nhận xét, đặt ra những câu hỏi trao đổi, phản biện. Để đảm bảo cho mọi người học trong lớp đều chú ý lắng nghe, không đứng “bên lề” cuộc thảo luận, ngoài sự tự nguyện của người học, người dạy có thể yêu cầu bất kỳ thành viên nào của các nhóm nhận xét và đưa ra câu hỏi. Người dạy bên cạnh vai trò là trọng tài làm nhiệm vụ dẫn dắt, định hướng cuộc phản biện đi đúng hướng còn có nhiệm vụ kích thích, khơi gợi vấn đề tạo không khí tranh luận sôi nổi giữa các nhóm. Tuy nhiên mục đích cuối cùng của thảo luận là đi đến kết luận chung, do vậy người dạy phải điều khiển khéo léo, tránh sự tranh luận của người học dẫn đến phản bác nhau một cách “thù địch”. 

Người dạy phải sắp xếp thời gian để tất cả các nhóm được trình bày kết quả thảo luận của mình một cách công bằng. Nếu chỉ ưu tiên một hoặc hai nhóm trình bày, có thể hình thành ở người học các nhóm còn lại thái độ thiếu hứng thú và thiếu động lực trong những lần thảo luận sau. Mặt khác, nếu không tạo cơ hội cho tất cả các nhóm được trình bày, người dạy không nhận ra được những ưu và khuyết điểm của tất cả các nhóm, do vậy không đánh giá một cách toàn diện về nhận thức và thái độ của người học đối với những vấn đề nêu ra trong thảo luận nói riêng và bài học nói chung.

- Tổng kết đánh giá

Tổng kết đánh giá là khâu cuối cùng nhưng khá quan trọng của hoạt động thảo luận. Người dạy phải là người nắm vững tri thức lý luận và thực tế, công tâm, linh hoạt… thì việc đánh giá mới đảm bảo khách quan, công bằng, chính xác.

Người dạy là người chịu trách nhiệm đánh giá nhưng trước khi kết luận, có thể yêu cầu các người học tự đánh giá kết quả làm việc của nhóm, và các nhóm đánh giá kết quả làm việc của nhau.  Đây là một kênh để đảm bảo cho người học phát huy khả năng đánh giá và tự đánh giá. Mặt khác, hình thức này cũng giúp người dạy đưa ra kết quả cuối cùng phù hợp hơn.

Người dạy tổng kết lại các vấn đề đã thảo luận, đánh giá những ý kiến và giải quyết mọi câu hỏi của người học xung quanh vấn đề đó. Qua việc kết luận, chốt lại vấn đề sẽ giúp người học nắm bắt, ghi nhớ được những nội dung cơ bản, cần thiết.

Việc đánh giá chủ yếu là nội dung đạt được nhưng bên cạnh đó cần đánh giá ý thức, thái độ, năng lực làm việc của người học. Người dạy nên nhận xét cụ thể và động viên khích lệ tinh thần học tập của người học.

Tóm lại, thảo luận nhóm là phương pháp có nhiều ưu điểm trong giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm. Hiện nay rất nhiều người dạy đã áp dụng phương pháp này trong quá trình dạy-học. Tuy nhiên, phương pháp này nếu thực hiện không tốt cũng bộc lộ rõ một số trở ngại. Một số người dạy lạm dụng phương pháp này dẫn đến sự nhàm chán; một số sử dụng tùy tiện, thiếu chuẩn bị, thiếu kỹ năng, thiếu kinh nghiệm và kết quả là sự vô bổ, mất thời gian. Về phía người học, nếu chưa có ý thức tự giác và tích cực trong học tập, làm việc nhóm làm việc bên cạnh người học tích cực, nhiệt tình có thể sẽ lười biếng, tham gia một cách chiếu lệ, đối phó ỷ lại, trông chờ vào người khác. Ngoài ra do điều kiện lớp học quá đông người học, không gian chật chội, cơ sở vật chất chưa đảm bảo… cũng là những trở ngại làm hiệu quả cuộc thảo luận không được như mong muốn.

Do vậy, bên cạnh tinh thần khắc phục khó khăn, vượt qua trở, người dạy phải nắm vững phương pháp, có kỹ năng trong tổ chức, điều khiển hoạt động này và sử dụng một cách phù hợp trên cơ sở kết hợp với các phương pháp dạy-học tích cực khác thì phương pháp thảo luận nhóm mới phát huy được hiệu quả, tác dụng và được nhiều người học yêu thích.

Hi vọng với nội dung chia sẻ này sẽ giúp các bạn đồng nghiệp thực hiện tốt hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, sinh hoạt chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên ở các cơ sở giáo dục./.

Tác giả: Trần Thị Thúy - Phòng Giáo dục Mầm non

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập143
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm136
  • Hôm nay77,820
  • Tháng hiện tại496,190
  • Tổng lượt truy cập136,848,003
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi