banner

GDMN - GẮN BÓ VỚI NGHỀ NHỜ TÌNH YÊU CON TRẺ

Thứ hai - 14/11/2016 02:50
Với tình yêu thương con trẻ và lòng nhiệt huyết nghề nghiệp vô bờ bến, cô Trần Thị Yến, giáo viên trường mầm non Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên là một tấm gương nhà giáo thầm lặng, sẵn sàng vượt khó, tận tụy hy sinh, hết lòng cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” của ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên.
Trong suốt 26 năm gắn bó với giáo dục mầm non của huyện Điện Biên, trong đó có 20 năm làm cán bộ quản lý, tôi đã từng đi nhiều nơi, công tác ở nhiều trường mầm non khác nhau và cũng đã trực tiếp quản lý, gắn bó với nhiều giáo viên thuộc các thế hệ khác nhau. Điều mà tôi cảm phục nhất ở các cô giáo mầm non chính là: Dù khó khăn, vất vả đến đâu, các cô cũng cố gắng vượt qua bằng chính nghị lực, tình yêu thương với con trẻ và trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp. Có rất nhiều tấm gương cô giáo mầm non tiêu biểu đã làm tôi vô cùng cảm phục, trân trọng và cô giáo Trần Thị Yến - Giáo viên của trường Mầm non xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên chính là một trong số ấy.

Cô giáo Trần Thị Yến sinh năm 1971, đến nay cô đã có 27 năm gắn bó với giáo dục mầm non. Năm 2009 cô được điều động về làm giáo viên của trường Mầm non xã Hua Thanh, huyện Điện Biên. Chồng mất sớm, một mình nuôi hai con ăn học, bản thân cô Yến khi sinh ra đã mắc một căn bệnh rất hiếm gặp, đó là bệnh bạch tạng, do đó mắt của cô bị giảm thị lực từ rất sớm, không thể sử dụng máy tính được. Mặc dù vậy, trong suốt những năm làm giáo viên mầm non, dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, cô Yến cũng luôn đem hết khả năng, tình yêu thương đối với trẻ, sự tâm huyết với nghề nghiệp để vượt qua mọi khó khăn, thử thách và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
         

Giờ hoạt động góc của cô TrầnThị Yến và trẻ tại lớp

 
Cô đã không ngừng học tập, rèn luyện trau dồi phẩm chất đạo đức lối sống của nhà giáo, nâng cao kiến thức, kỹ năng sư phạm, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để vận dụng vào công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Cô luôn trăn trở để tìm ra những cách dạy hay, thu hút sự tâp trung chú ý của trẻ, tạo cơ hội cho trẻ được học tập tích cực, những tiết dạy của cô bao giờ cũng sôi nổi và trẻ rất hứng thú học.

Cô quan niệm "Một giáo viên giỏi không phải là diễn giỏi mà phải biết làm thế nào để trẻ được học một cách tự nhiên nhất, hiệu quả nhất". Bản thân không được học qua các lớp về sử dụng đàn, song cô đã tự luyện tập, học hỏi đồng nghiệp và người thân để có thể sử dụng được đàn organ và đàn guitar trong các giờ hoạt động âm nhạc. Khi dạy ở điểm trường xa trung tâm, không có điện, cô đã vừa hát vừa đệm đàn guitar cho trẻ nghe, khi trẻ của lớp tham gia hội thi “Bé tài năng âm nhạc” cấp trường, cô giáo cũng chính là nhạc công đệm đàn cho các cháu biểu diễn.

Bên cạnh đó, với niềm đam mê, sự cần mẫn, sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, cô đã tích cực tìm tòi, học hỏi để làm ra nhiều đồ dùng đồ chơi từ phế liệu và những vật liệu sẵn có ở địa phương phục vụ cho hoạt động dạy và học. Trên đường đi làm, đi chơi hay đi tham gia cổ vũ thể thao, cô sẵn sàng dừng xe chỉ để nhặt một chiếc lọ về cọ rửa để làm đồ chơi cho trẻ. Có khi cô còn bỏ ra cả ngày nghỉ lên rừng lấy cây dây leo, cành thông đất hay tìm những chiếc lá đẹp về phơi khô để trang trí lớp, tạo môi trường giáo dục gần gũi thân thiết với trẻ. Lớp của cô dạy có rất nhiều đồ dùng đồ chơi tự tạo vừa đẹp mắt, vừa sinh động, hấp dẫn được trẻ yêu thích khi sử dụng. Năm học nào cô cũng được nhà trường khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào làm đồ dùng đồ chơi tự tạo. Có nhiều đồ dùng do cô tự làm đã đạt giải xuất sắc, giải nhất, nhì trong hội thi làm đồ dùng đồ chơi tự tạo cấp huyện.


Hình ảnh cô Trần Thị Yến cùng đồng nghiệp làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ
 
Những ai quan tâm đến giáo dục mầm non đều dễ dàng nhận ra một điều: Công tác chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non rất vất vả, nhất là ở vùng miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Xã Hua Thanh huyện Điện Biên là xã khó khăn, có 100% trẻ người dân tộc thiểu số thuộc các dân tộc Thái, Mông, Khơ mú cùng sinh sống. Giao tiếp tiếng Việt và sự hiểu biết về môi trường tự nhiên - xã hội cũng như kỹ năng sống của trẻ còn hạn chế. Bên cạnh đó, đa số trẻ thuộc con hộ nghèo, bố mẹ quanh năm bận việc đồng áng, nương rẫy nên ít có thời gian quan tâm, phối hợp cùng cô giáo trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Điều đó đòi hỏi các cô giáo mầm non nơi đây phải thực sự kiên trì để dạy trẻ từng li từng tí, chăm sóc cho trẻ từ bữa ăn, giấc ngủ cho đến vệ sinh, trang phục…

Suốt 27 năm gắn bó với nghề, cô giáo Trần Thị Yến luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp mà giáo viên mầm non cần rèn luyện. Cô Yến chia sẻ: Là cô giáo mầm non mình cần phải luôn gần gũi trẻ để hiểu trẻ, phải biết trẻ có khả năng gì, có mong muốn, nhu cầu gì, cần được hỗ trợ gì, từ đó mới có thể tìm ra biện pháp tác động tốt nhất đối với mỗi trẻ. Từ những kiến thức tích lũy được trong quá trình công tác, cô đã vận dụng linh hoạt vào việc chăm sóc - giáo dục trẻ. Cô luôn dành lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ yêu thương, gần gũi đối với trẻ, do đó, trẻ rất quý mến cô. Với các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cô mua cho trẻ từng đôi dép, chiếc khăn mặt, đôi tất, đi xin từng bộ quần áo ấm cho trẻ mặc,... Với những cháu có nhận thức chậm, cô dành nhiều thời gian hơn để rèn dũa cho trẻ. Trong các hội thi của trẻ  do nhà trường tổ chức, lớp cô phụ trách luôn đạt thành tích cao. Cô còn là nòng cốt của trường trong việc bồi dưỡng trẻ tham gia các chương trình văn nghệ nhân các ngày lễ hội của trường, tham gia các hội thi của trẻ do Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức.


Hình ảnh cô Trần Thị Yến đến gia đình vận động trẻ ra lớp

 
Khi được phân công giảng dạy ở điểm trường khó khăn cách xa trung tâm với 100% học sinh là người dân tộc Mông, giáo viên phải ở lại điểm trường đến cuối tuần mới về, hằng ngày cô đã cùng đồng nghiệp vượt dốc núi đi đón những trẻ nhỏ ở xa đến lớp học vì sợ các cháu đi đường xa không an toàn hay đến lớp muộn không được học sẽ không nắm được kiến thức. Mỗi khi lớp có trẻ nghỉ học, cô lại lặn lội đến tận nhà xem nguyên nhân tại sao trẻ không đến lớp và vận động gia đình cho trẻ đi học đều. Có nhiều học sinh mới ra lớp, hoàn cảnh khó khăn nhưng không có hộ khẩu, giấy khai sinh cho trẻ, cô đã phải đứng ra cùng gia đình đi khai sinh, nhập khẩu cho trẻ để trẻ được hưởng các chế độ hỗ trợ của Nhà nước,… Luôn hết lòng vì học sinh thân yêu nên cô được cha mẹ trẻ rất tin tưởng và quý mến, có những phụ huynh còn đề nghị nhà trường xin cho cô năm học sau tiếp tục dạy con mình vì lo cô sẽ chuyển dạy lớp khác.

Với tình yêu thương con trẻ và lòng nhiệt huyết nghề nghiệp vô bờ bến, cô giáo Trần Thị Yến luôn hoàn thành tốt mọi công việc được giao, cô vinh dự nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi, chiến sỹ thi đua cấp cơ sở và hơn hết cô luôn nhận được đó chính là sự yêu quý của trẻ, sự tin tưởng của cha mẹ trẻ, sự tín nhiệm của đồng nghiệp. Cô xứng đáng là tấm gương nhà giáo mầm non tiêu biểu, một hình ảnh mẫu mực về lòng yêu nghề, sự tận tụy, hết lòng vì công việc, vì các cháu học sinh thân yêu./.

Tác giả: Lê Thị Tuyết Hường

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập283
  • Máy chủ tìm kiếm58
  • Khách viếng thăm225
  • Hôm nay24,523
  • Tháng hiện tại533,730
  • Tổng lượt truy cập136,885,543
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi