banner

GDTH - Chuyên đề truyền thông tháng 11: Xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh tiểu học là một nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay.

Thứ năm - 10/11/2016 01:41
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho các cháu thiếu niên, nhi đồng tình thương yêu và sự quan tâm đặc biệt. Với Bác, trẻ em là những mầm non, những người chủ tương lai của đất nước mà Người hết lòng yêu quý và tin tưởng. Bác nói: “con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập”. Thực hiện lời dạy của Người, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn coi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là nội dung cơ bản của chiến lược con người, góp phần tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong giai đoạn hiện nay, trẻ em nói chung, học sinh các trường tiểu học nói riêng đang đứng trước nhiều mối nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của các em. Nguy cơ đó không chỉ đến từ bên ngoài xã hội mà còn từ chính môi trường học đường - nơi được coi như mái nhà thứ hai của các em. Vì vậy, việc xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh là nhiệm vụ trọng tâm của các nhà trường, đồng thời gia đình và cộng đồng xã hội có trách nhiệm phối hợp thường xuyên nhắc nhở các em về việc chấp hành đúng nội quy trường học, để mỗi ngày đến trường của các em không chỉ náo nức một ngày vui mà còn là ngày an toàn.

Học sinh tiểu học là trẻ em từ độ tuổi 6 đến 11, rất hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng. Các em đang trong giai đoạn hình thành và phát triển cả về mặt sinh lý, tâm lý nên chưa đủ ý thức, phẩm chất và năng lực như một công dân trong xã hội. Các em luôn cần sự bảo trợ, giúp đỡ của người lớn, của gia đình, nhà trường. Học sinh tiểu học dễ thích nghi và tiếp nhận cái mới nhưng cũng thiếu sự tập trung cao độ, khả năng ghi nhớ chưa được phát triển mạnh, tính hiếu động, dễ xúc động còn bộc lộ rõ nét. Trẻ nhớ rất nhanh và quên cũng nhanh vì thế luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến sự an toàn, đòi hỏi gia đình, nhà trường và xã hội phải cùng chung tay để bảo vệ các em khỏi những tác động tiêu cực.

Để xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh tiểu học, các nhà trường cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

Phòng tránh tai nạn giao thông cho học sinh

Học sinh được học, được phổ biến về Luật Giao thông; ký cam kết không vi phạm quy định về an toàn giao thông; xung quanh trường có hệ thống tường rào, cổng chắc chắn và có người quản lý để học sinh không chơi đùa ngoài đường; có biển báo giảm tốc độ ở đoạn đường gần trường và có biện pháp chống ùn tắc giao thông trước giờ vào học và tan trường. Giáo viên chủ nhiệm kết hợp với đội cờ đỏ của Liên đội theo dõi tình trạng tham gia giao thông của học sinh, nhận xét qua các tiết chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp.


Lao động rào trường  phòng trách thương tích cho học sinh ở trường Tiểu học Ảng Nưa, Mường Ảng

 
Phòng chống ngã do đùa nghịch cho học sinh
Đảm bảo đường đi, sân trường bằng phẳng, không trơn trượt mấp mô; các cây cao, cây cổ thụ ở sân trường được chặt tỉa cành trước mùa mưa bão và có rào chắn hoặc nội quy để học sinh không leo trèo; ban công và cầu thang nhất thiết phải có tay vịn, lan can chắc chắn và đảm bảo độ an toàn; bàn ghế vững chắc, mặt bàn nhẵn, góc bàn không nhọn, đảm bảo khoảng cách theo quy định. Giáo viên chủ nhiệm phải có biện pháp đối với học sinh mình, không cho học sinh chơi những trò chơi nguy hiểm tránh ngã từ trên cao xuống, luôn nhắc nhở giáo dục học sinh tuyệt đội không đuổi nhau trên sân trường, lan can các phòng học và cầu thang. Giáo viên thường xuyên nhắc nhở học sinh quét dọn khu vực quanh bể nước, nhà tắm công trình vệ sinh.


Cùng quét dọn để tạo không gian trường học xanh – sạch – đẹp – an toàn

 
Phòng chống ngộ độc thực phẩm cho học sinh

Nhân viên nhà ăn (đối với các trường có bếp ăn) được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ theo quy định. Bếp nấu ăn ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ có cửa ngăn cách với khu chế biến thực phẩm; nguồn thực phẩm cung cấp đảm bảo vệ sinh, an toàn, nhất thiết phải lưu mẫu thức ăn hàng ngày theo quy định; đảm bảo quy trình chế biến, nấu nướng theo quy tắc bếp ăn một chiều. Trong khuôn viên nhà trường không trồng những cây có vỏ, lá, hoa, rễ chứa chất độc hại. Hạn chế tối đa ăn quà vặt trong nhà trường, giáo dục học sinh nên ăn chín, uống sôi tránh ngộ độc cho bản thân ảnh hưởng đến sức khoẻ và việc học tập.


Lưu mẫu thức ăn và chăm sóc sức khỏe tại trường

 
Phòng chống bạo lực học đường, vật sắt nhọn đâm, cắt

Không đánh nhau, gây nguy hiểm và mất đoàn kết. Cấm tuyệt đối không cho học sinh mang đến trường những vật sắc nhọn như dao, vật nhọn, que sắt, súng cao su, chất nổ độc hại và các đồ chơi bạo lực, đồ chơi có chứa chất độc hại cho sức khỏe đến trường.

Phòng chống bỏng, điện giật

Các hệ thống nước trong trường học đảm bảo an toàn, thận trọng, nghiêm cấm tuyệt đối không cho học sinh sử dụng những phương tiện về điện tránh trường hợp bị điện giật, có thể gây ra cháy nổ, không sử dụng dụng cụ chứa nước sôi không đảm bảo an toàn trong phòng học gây ra bỏng đối với học sinh.

Phòng chống đuối nước cho học sinh

Bể, dụng cụ chứa nước trong trường học phải có nắp đậy chắc chắn; có hàng rào chắc chắn quanh ao, hồ và những hố nước, hố do công trình xây dựng để lại trong khu vực trường học; tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cán bộ quản lý và giáo viên, phụ huynh về phòng chống đuối nước cho học sinh. Nâng cao trách nhiệm của cha mẹ trong việc dạy con biết bơi, tăng cường quản lý học sinh. Kiên quyết không cho con, em tắm sông, hồ, ao khi không có người lớn đi kèm, không tắm tại nơi có cảnh báo nguy hiểm. Cung cấp cho trẻ em, học sinh kỹ năng cứu hộ và kiến thức về an toàn dưới nước.

Phòng chống tai nạn, đảm bảo an toàn cho học sinh tại khu vực đang xây dựng, sửa chữa trường lớp học.

Thường xuyên nhắc nhở, nghiêm cấm học sinh trong các giờ ra chơi, giờ nghỉ trưa, hết giờ học (đối với học sinh bán trú) không đứng xem, hoặc chơi đùa gần khu vực công trình đang xây dựng; hoặc trường lớp học đang được sửa chữa. Phối hợp với chủ đầu tư, chính quyền địa phương gắn biển cảnh báo để học sinh biết phòng tránh tai nạn.

Để thực hiện các nội dung về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh, các trường cần thực hiện nghiêm túc Quyết định 4458/BGDĐT ngày 22/8/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trong trường phổ thông; Kế hoạch số 1375/KH-UBND ngày 20/5/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên.


Học sinh tham gia vào các hoạt động vui chơi an toàn tại trường Tiểu học Tân Phong, Nậm Pồ

 
Xây dựng Kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích, trường học an toàn của năm học; lồng ghép nội dung giáo dục phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng trường học an toàn vào nội quy nhà trường; tăng cường các hoạt động ngoài giờ lên lớp, tập trung vào các chuyên đề về phòng chống tai nạn thương tích trong trường học; hướng dẫn sơ cấp cứu một số tai nạn thương tích thường gặp ở lứa tuổi học sinh tiểu học. Triển khai công tác phòng chống tai nạn thương tích đến Ban đại diện cha mẹ học sinh. Tổ chức ký cam kết giữa nhà trường - gia đình - học sinh về công tác phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng trường học an toàn; vệ sinh an toàn thực phẩm. Huy động sự tham gia của toàn thể cán bộ, giáo viên trong nhà trường, phụ huynh, học sinh và cộng đồng phát hiện và báo cáo kịp thời các nguy cơ gây tai nạn, thương tích, cháy nổ tại trường học. Thực hiện thường xuyên, liên tục các hoạt động giáo dục, truyền thông về phòng chống tai nạn thương tích thông qua các buổi phát thanh học đường, áp phích, khẩu hiệu, tuyên truyền qua các buổi chào cờ... Lồng ghép triển khai phòng chống tai nạn thương tích trong các phong trào thi đua, thông qua các môn học Tự nhiên – Xã hội, Đạo đức... Tổ chức các hoạt động can thiệp giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn, thương tích trong trường học.


Tủ thuốc và dụng cụ sơ cấp cứu ở trường Tiểu học Ảng Nưa, Mường Ảng

 
Xây dựng và nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống cháy nổ về sơ - cấp cứu tại nhà trường (có tủ thuốc và dụng cụ sơ, cấp cứu theo quy định). Phổ biến kiến thức và tập huấn các kỹ năng cấp cứu ban đầu cho cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế và ban cán sự lớp liên quan đến cứu hộ, cứu nạn và giải quyết phòng chống cháy nổ và các loại tai nạn khác tại đơn vị trường. Duy trì thường xuyên, nghiêm túc công tác thường trực, nhất là trong các hoạt động tập thể, ngoại khóa, những ngày lễ, những ngày thời tiết hanh khô. Chủ động và thường xuyên kiểm tra các phương tiện chữa cháy đã được trang bị; thiết bị thí nghiệm, hóa chất được cung cấp... nếu hỏng hóc, quá hạn sử dụng phải có kế hoạch sửa chữa, bổ sung, thay thế kịp thời để đảm bảo cho việc phòng chống cháy nổ đạt hiệu quả cao nhất. Khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót, sai phạm về Luật phòng cháy chữa cháy, không để phát sinh nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ. Có phương án khắc phục các yếu tố nguy cơ gây tai nạn và phương án dự phòng xử lý tai nạn, thương tích, cháy nổ.

Trẻ em là tương lai của đất nước, việc chăm lo giáo dục và bảo vệ trẻ em không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà là của toàn xã hội. Xây dựng trường học an toàn, có các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh không chỉ đem lại sự an toàn mà còn là cơ sở để nâng cao chất lượng dạy học ở các nhà trường./.

Tác giả: Đỗ Văn Mười

Nguồn tin: Công đoàn Ngành giáo dục Điện Biên

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập147
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm16
  • Khách viếng thăm130
  • Hôm nay36,213
  • Tháng hiện tại856,500
  • Tổng lượt truy cập135,334,793
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi