Dienbien.edu.vn: Tiếng nói, chữ viết là một trong những đặc trưng văn hoá vô cùng quan trọng của mỗi dân tộc; là phương tiện giao tiếp, giao lưu, ghi lại lịch sử quá trình hình thành phát triển của một dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tiếng nói, chữ viết là phương tiện để bảo tồn, phát huy, phát triển vốn văn hoá truyền thống của dân tộc, đồng thời là yếu tố văn hoá đặc trưng nhất để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và thực hiện chính sách nhất quán về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó khẳng định nhiệm vụ bản tồn, phát huy, phát triển văn hoá nghệ thuật của các dân tộc, nhất là bảo tồn tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương.Điện Biên là một tỉnh miền núi với diện tích 9.562,9 km2 hơn 59,9 vạn dân, 19 dân tộc anh em sinh sống (Thái, Mông, Kinh, Dao, Khơ Mú, Hà Nhì, Lào, Hoa, Kháng, Mường, Cống, Xinh Mun, Si La; Nùng, Phù Lá, Tày, Mảng,…), trong đó dân tộc Thái chiếm 35,69%; dân tộc Mông chiếm 38,12%. . Các dân tộc trong tỉnh đều mong muốn và có nhu cầu được học tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình để nâng cao nhận thức xã hội, bảo vệ quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và bảo tồn vốn ngôn ngữ. Thực hiện Quyết định số 895/QĐ-UBND ngày 08/9/2011 của UBND tỉnh Điện Biên về việc Phê duyệt Đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học, THCS tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; nhằm bảo tồn vốn chữ viết của dân tộc Thái và dân tộc Mông là công việc rất quan trọng và cần thiết của ngành giáo dục trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu và phát huy văn hóa các dân tộc Tây Bắc nói chung và của tỉnh Điện Biên nói riêng. Được sự đồng ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã triển khai thí điểm dạy chữ Thái, chữ Mông trong các trường Tiểu học từ năm học 1996-1997. Giai đoạn 1996-2000 đã có 200 h/s học tiếng Thái tại huyện Tuần Giáo và 1.389 h/s học tiếng Mông tại huyện Tủa Chùa. Giai đoạn 2001-2010 toàn tỉnh có 1.515 h/s học tiếng Thái tại huyện Tuần Giáo, Điện Biên và 1.389 h/s học tiếng Mông tại huyện Tủa Chùa, Điện Biên Đông. Thực hiện Đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học và THCS, giai đoạn 2010-2015 có 7019 h/s học tiếng Thái tại huyện Tuần Giáo, Điện Biên, Tủa Chùa, Mường Chà, Mường Ảng, Thị xã Mường Lay; 8.350 h/s học tiếng Mông tại huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé. Giai đoạn 2016-2020 có 12.886 h/s học tiếng Thái tại huyện Tuần Giáo, Điện Biên, Tủa Chùa, Mường Chà, Mường Ảng, Thị xã Mường Lay; 21.293 h/s học tiếng Mông tại huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Chà, Nậm Pồ, Mường Nhé. Học sinh trường Tiểu học xã Sam Mứn huyện Điện Biên trong giờ học tiếng Thái.
Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học và THCS giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, góp phần tích cực vào việc đưa môn học tiếng dân tộc, trở thành môn học tự chọn, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo./.