Trường mầm non xã Núa Ngam huyện Điện Biên được thành lập năm 2003. Ngày đầu mới thành lập, nhà trường chỉ có 8 cán bộ, giáo viên với 6 lớp học, 103 trẻ mẫu giáo. Khi đó cơ sở vật chất của nhà trường khá đơn sơ với 6 phòng học tạm do cán bộ chiến sỹ đơn vị Tiểu đoàn bộ binh 1 giúp đỡ. Với đặc thù là một xã đặc biệt khó khăn, đời sống nhân dân còn nghèo nàn nên công tác huy động các nguồn lực tại địa phương hầu như không có.
Trước khó khăn đó nhà trường đã rất tích cực trong công tác tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương và phòng giáo dục và đào tạo để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường. Mặc dù nhà trường đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất nhưng do nguồn ngân sách hạn hẹp, nguồn lực của địa phương hạn chế nên cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều khó khăn và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu cho công tác chăm sóc giáo dục trẻ cũng như nhu cầu phát triển giáo dục mầm non ngày càng tăng.
Trước thực trạng đó, tôi suy nghĩ mình không thể cứ trông chờ vào nguồn hỗ trợ đầu tư của nhà nước mà cần phải chủ động huy động sự vào cuộc của toàn xã hội để cải tạo, nâng cấp điều kiện về cơ sở vật chất phòng học, các công trình phụ trợ như bếp ăn, công trình vệ sinh, phòng ngủ... nhằm tạo môi trường giáo dục tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ; duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, trường đạt chuẩn quốc gia, đạt kiểm định chất lượng giáo dục.
Để thực hiện được mục tiêu đó tôi đã triển khai thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất: Đẩy mạnh công tác tham mưu, tuyên truyền
Nhà trường đã chủ động tham mưu với Đảng ủy, chính quyền địa phương, Phòng GDĐT huyện Điện Biên về công tác xã hội hóa giáo dục. Chủ động báo cáo với UBND xã về những khó khăn của nhà trường và xin chủ trương huy động các nguồn lực xã hội hóa giáo dục (XHHGD), tham mưu với xã tổ chức được các buổi họp bàn với tất cả các trưởng thôn bản, bí thư và các ban ngành đoàn thể của xã, bản về thực hiện công tác XHHGD. Trong các buổi giao ban của xã, tôi thường xuyên báo cáo kịp thời những nội dung nhà trường còn khó khăn vướng mắc để các trưởng bản nắm được và triển khai qua các buổi phát thanh tới các hộ gia đình có con em học Mầm non cùng hỗ trợ ngày công lao động, vật liệu, kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường. Phối kết hợp với Hội khuyến học, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên chung tay tham gia huy động nguồn kinh phí XHHGD.
Thứ hai: Nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên, nhân viên, phụ huynh về công tác XHHGD để góp phần XD nhà trường
Để giáo viên trong nhà trường làm tốt công tác tuyên truyền tới phụ huynh thì việc đầu tiên là phải nâng cao nhận thức cho đội ngũ, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phát huy nội lực của nhà trường mà nòng cốt là các Đảng viên. Kết hợp tuyên truyền thông qua các buổi Khai giảng năm học mới, tết trung thu, sơ kết, tổng kết năm học, các hội thi của giáo viên và của trẻ, qua đó đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các lực lượng xã hội quan tâm đầu tư.
Thứ ba: Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội, các đơn vị đóng chân trên địa bàn, các doanh nghiệp
Ngoài việc huy động nguồn XHHGD của xã nhà, tôi cùng một số giáo viên cốt cán trong trường đã đến từng đơn vị kết nghĩa như: Tiểu đoàn Bộ binh 1, Ca kho 65 nhờ giúp đỡ hàng ngàn ngày công lao động để san mặt bằng lớp học, dựng lớp, làm sân, làm hàng rào, vườn rau... Tôi cũng mạnh dạn đến từng tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn huy động hỗ trợ cụ thể như: Doanh nghiệp Quang Lành, nhà máy than cốc Việt Trung, nhà máy xi măng Điện Biên, Liên đoàn Lao động Tỉnh Điện Biên... Có những lần đề xuất nhà trường được hỗ trợ ngay, nhưng rất nhiều lần phải kiên trì thuyết phục nhà tài trợ hiểu và chia sẻ với những khó khăn của nhà trường. Qua nhiều buổi làm việc, thấy được sự nhiệt tình và tâm huyết của các cô giáo cùng với những khó khăn của nhà trường ảnh hưởng tới công tác chăm sóc giáo dục trẻ ra sao nên các tổ chức, doanh nghiệp đã tận tình hỗ trợ kinh phí, nguyên vật liệu, ngày công cho nhà trường để từng bước cải tạo, nâng cấp về cơ sở vật chất.
Thứ tư: Kết nối huy động nguồn XHHGD ngoài tỉnh
Không chỉ dừng lại ở những nguồn XHHGD trong tỉnh, nhờ những người bạn giới thiệu tôi tìm đến nhiều tổ chức từ thiện như: Chương trình từ thiện của Anh Đoàn Minh Khôi, Chương trình Cơm có thịt Singapor Hà Nội... để chia sẻ những khó khăn mà nhà trường đang gặp phải về cơ sở vật chất, về điều kiện sinh hoạt, về những bữa ăn đạm bạc của những trẻ vùng cao... Qua kết nối Phóng viên Báo Nông Thôn, chị Ngô Ngọc Thủy thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ giếng khoan, máy lọc nước, xây dựng 01 phòng lớp học, cùng nhiều đồ dùng, vật dụng phục vụ bán trú cho trẻ. Đặc biệt tôi đã kết nối được với Chương trình cơm có thịt, nay đổi tên thành Quỹ trò nghèo vùng cao hỗ trợ tiền ăn cho 100% trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo không được hưởng chế độ của nhà nước với mức hỗ trợ 6000đ/trẻ/ngày từ năm 2012 đến nay.
Thứ năm: Quản lý, sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch các nguồn hỗ trợ
Khi đã huy động được sự hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị, các công ty, các doanh nghiệp, cá nhân, các nhà hảo tâm, trước khi sử dụng nguồn kinh phí, nhà trường báo cáo UBND xã, bàn bạc thống nhất với cha mẹ học sinh, Hội đồng sư phạm nhà trường và công khai số tiền, vật phẩm, nhân công đã được hỗ trợ, lên phương án sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nhất.
Sau khi sử dụng nguồn kinh phí và hoàn thiện các công trình, nhà trường báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương, công khai trong cuộc họp Cha mẹ học sinh, họp Hội đồng sư phạm và niêm yết trên bảng công khai của nhà trường đồng thời gửi các hình ảnh tới nhà tài trợ và mời nhà tài trợ lên kiểm tra, nghiệm thu bàn giao. Trong quá trình sử dụng nguồn kinh phí và hoàn thiện xây dựng các công trình, nhà trường luôn luôn có sự giám sát từ nhiều phía cấp ủy, chính quyền địa phương, phòng GDĐT, nhà tài trợ.
Để duy trì được những sự hỗ trợ, sự tin tưởng tuyệt đối của các nhà hảo tâm bền lâu cho đến nay là do nhà trường luôn trân trọng, khách quan, minh bạch trong sử dụng nguồn tài trợ và thường xuyên liên lạc trao đổi, báo cáo hiệu quả sử dụng các nguồn tài trợ do các đơn vị hỗ trợ, qua đó tạo được niềm tin và mối liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm.
Với những giải pháp quyết liệt, sát thực cùng với sự tâm huyết, trách nhiệm tôi cùng tập thể nhà trường đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, cụ thể như sau:
Từ năm 2004 đến nay bản thân tôi cùng với nhà trường đã làm tốt công tác XHH giáo dục, kêu gọi, kết nối được nhiều đơn vị tài trợ kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất như: Tổng công ty dầu khí Việt Nam, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Hải Ba Đình Hà Nội, Nhà Máy xi măng Điện Biên, Chương trình từ thiện Cơm có thịt Singapor, Công ty cổ phần Thái Thịnh Đống Đa Hà Nội, Hội VINAES-COORRA, Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ viễn thông tin học Sun Việt thành phố Hồ Chí Minh... xây dựng được 13 phòng học, 02 bếp ăn, 04 công trình vệ sinh, 02 phòng ngủ và hỗ trợ làm mới nhiều hạng mục khác như lát gạch sân chơi, làm khu trải nghiệm, khu thư viện, khu vui chơi, tường bao... Tổng kinh phí hỗ trợ trên 4 tỷ đồng.
Từ năm 2012 đến nay, Chương trình Qũy trò nghèo vùng cao hỗ trợ tiền ăn trưa cho 100% trẻ không được hưởng chế độ của nhà nước với tổng kinh phí trên 2,5 tỷ đồng. Các tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ tiền, giếng khoan, mua đồ dùng đồ chơi, đồ dùng cá nhân, đồ dùng bán trú cho trẻ ước tính trên 200 triệu đồng. Năm học 2015 - 2016 nhà trường được anh Đoàn Minh Khôi kết nối cho tất cả trẻ toàn trường uống sữa hàng ngày với tổng kinh phí trên 100 triệu đồng.
Từ một ngôi trường với những phòng học tạm đơn sơ đến nay nhà trường đã được kiên cố hóa đồng bộ với 15 phòng học, 03 phòng ngủ, 10 công trình vệ sinh, 3 bếp ăn, khuôn viên nhà trường khang trang với đầy đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho các con học tập và vui chơi. Với những thành quả đó nhà trường đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi năm 2012, được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2014 và đến nay luôn duy trì bền vững.
Nhìn lại quá trình xã hội hóa giáo dục trong nhưng năm qua, nhà trường đã huy động được gần 7 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung đồ dùng đồ chơi, thiết bị dạy học, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ cùng nhiều đồ dùng, vật phẩm khác phục vụ cho công tác chăm sóc giáo dục trẻ.
Bên cạnh đó tôi còn huy động để giúp đỡ cho thôn bản và các trường học trên địa bàn huyện như: xin hỗ trợ xây cho bản 1 nhà văn hóa góp phần xây dựng nông thôn mới trị giá 250 triệu đồng; kết nối xin hỗ trợ tiền ăn bán trú cho các trường Mầm non, Tiểu học trong huyện vùng khó khăn từ năm 2011 đến nay trung bình mỗi năm khoảng trên 1,5 tỷ đồng; xin hỗ trợ Sữa TH-TRUE MILK cho tất cả các cháu mầm non, tiểu học trong huyện với kinh phí gần 4 tỷ đồng.
Kết nối hỗ trợ xây dựng cho trường mầm non xã Hẹ Muông huyện Điện Biên 02 phòng học, 01 công trình vệ sinh, 01 nhà kho với tổng kinh phí trên 230 triệu đồng; hỗ trợ cho điểm trường Noong É trường mầm non xã Mường Lói xây dựng 02 phòng học, 01 nhà vệ sinh với kinh phí gần 300 triệu đồng.
Theo tôi xã hội hóa giáo dục đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất xây dựng cảnh quan trường lớp học có ý nghĩa rất thiết thực, giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, nên cần phải được phát huy. Mặc dù đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục trong việc đầu tư cơ sở vật chất của trường mầm non xã Núa Ngam vẫn còn những hạn chế nhất định song tập thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường luôn đoàn kết một lòng cùng nhau xây dựng nhà trường khang trang sạch đẹp, giúp cho các cháu có môi trường giáo dục ngày càng tốt hơn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường./.