Hoạt động học thể dục các bé lớp mẫu giáo ghép tại điểm trường Pù Lồng C, Trường Mầm non Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông
Sáng ngày 16/10/2020 tại điểm trường Pù Lồng C, Trường Mầm non Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học và tập huấn xây dựng mô hình tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số.
Tham gia buổi sinh hoạt chuyên môn có đồng chí Nguyễn Thị Hường, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên Đông, cùng 57 đồng chí là cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán của 19 trường mầm non trong huyện.
Tại buổi sinh hoạt chuyên môn, Trường Mầm non Pu Nhi đã tiến hành lập kế hoach, thiết kế và tổ chức 02 hoạt động học thuộc lĩnh vực phát triển thể chất và ngôn ngữ (thể dục, tập tô chữ cái) để cán bộ quản lý, giáo viên tham dự được cùng nhau trao đổi, thảo luận và thống nhất về hình thức tổ chức hoạt động trong chăm sóc, giáo dục trẻ tại các lớp mẫu giáo ghép.
Sau khi dự 02 hoạt động các đồng chí cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán cùng trao đổi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục ở các lớp mẫu giáo ghép và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc khi tổ chức thực hiện thực tế tại các đơn vị phù hợp với đặc thù địa phương.
Các đại biểu tại buổi tập huấn
Kết hợp với buổi sinh hoạt chuyên môn là hoạt động tập huấn xây dựng mô hình tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số do đồng chí Đào Thị Lệ Hồi - Hiệu trưởng Trường Mầm non Keo Lôm thực hiện sau khi được tiếp thu do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại tỉnh Điện Biên. Nội dung tập huấn đi sâu vào vấn đề tạo môi trường trong lớp, môi trường ngoài lớp học cho trẻ vùng dân tộc thiểu số đặc biệt là ở các lớp mẫu giáo ghép; việc khai thác và sử dụng môi trường tiếng Việt...
Buổi sinh hoạt chuyên môn đã cung cấp thêm nhiều kiến thức cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý về cách tổ chức hoạt động giáo dục tại lớp mẫu giáo ghép, cách xây dựng mô hình tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.
Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học cấp huyện đã khẳng định được tính thiết thực, chất lượng của công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện hiện nay. Và đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số tại huyện Điện Biên Đông./.