Chỉ đạo lớp tập huấn có đồng chí Nguyễn Thị Hiếu - Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục mầm non; các đồng chí chuyên viên chính của Vụ Giáo dục mầm non và chuyên gia về tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số. Tham dự lớp tập huấn có gần 200 đại biểu của 21 tỉnh khu vực phía Bắc, miền Trung và Tây nguyên.
Bà Nguyễn Thị Hiếu - Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục mầm non phát biểu chỉ đạo lớp tập huấn
Trong đợt tập huấn này, các đại biểu được thực hành về việc tạo môi trường tăng cường tiếng Việt, được chuyên gia hướng dẫn tổ chức một số hoạt động giáo dục, thảo luận, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ tại cơ sở. Đại biểu của các tỉnh được đến thăm quan mô hình tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số tại trường Mầm non xã Núa Ngam, trường Mầm non xã Thanh Nưa huyện Điện Biên và tham gia một số hoạt động trải nghiệm, giao lưu đặc trưng của văn hóa vùng Tây Bắc.
Hoạt động trải nghiệm Tết Trung thu tại trường Mầm non xã Núa Ngam, huyện Điện Biên
Hoạt động Chơi ngoài trời của các bé mẫu giáo lớn trường Mầm non xã Thanh Nưa
Các đại biểu tham dự tập huấn giao lưu với giáo viên, phụ huynh và trẻ em tại trường Mầm non xã Thanh Nưa
Phát biểu tại lớp tập huấn, bà Nguyễn Thị Hiếu yêu cầu các địa phương chỉ đạo, triển khai thực hiện việc xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương; tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt chú trọng tới tác động cá nhân, tác động tới những kỹ năng trẻ còn thiếu hụt nhằm hỗ trợ từng cá nhân trẻ phát triển ngôn ngữ. Đặc biệt là việc sử dụng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ đảm bảo tính hiệu quả, tận dụng mọi cơ hội cho trẻ được thực hành nghe, nói tiếng Việt…
Dự kiến tháng 11 năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Sơ kết giai đoạn 2 của Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số. Trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030./.