Vận dụng linh hoạt các phương pháp và kỹ thuật dạy học của Mô hình VNEN trong tổ chức các hoạt động phù hợp với đối tượng học sinh
2019-09-30T03:55:26-04:00
2019-09-30T03:55:26-04:00
https://dienbien.edu.vn/uploads/news/2019_09/1_11.jpg
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên
https://dienbien.edu.vn/uploads/logo-so-gddt.png
Thứ hai - 30/09/2019 03:48
Thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học, trường PTDTBT Tiểu học Sa Lông đã triển khai dạy học theo Mô hình trường học mới Việt Nam VNEN từ năm học 2012-2013. Với Mô hình trường học mới, việc vận dụng linh hoạt các phương pháp và kỹ thuật dạy học phù hợp với đối tượng học sinh đã góp phần nâng cao chất lượng dạy học tại nhà trường.
Cùng với sự phát triển của đất nước, trong những năm qua giáo dục có nhiều đổi mới về phương pháp cũng như kỹ thuật dạy học. Quá trình dạy học ở cấp Tiểu học từ trước lấy hoạt động của người thầy là trung tâm, giáo viên là người thuyết trình, diễn giảng, học sinh nghe, nhớ, ghi chép và tái hiện kiến thức theo tư duy đã được thầy cô truyền thụ. Giáo án được thiết kế kiểu đường thẳng theo hướng từ trên xuống. Nội dung bài dạy tuy có tính hệ thống, tính logic cao. Song do quá đề cao vai trò người dạy nên hạn chế là học sinh thụ động tiếp thu kiến thức, giờ dạy dễ đơn điệu, buồn tẻ, kiến thức thiên về lý luận, ít chú ý đến kỹ năng thực hành của người học, do đó kỹ năng vận dụng vào đời sống thực tế bị hạn chế. Hiện nay nước ta trong thời kì mở cửa, hội nhập và phát triển, công cuộc đổi mới kinh tế xã hội – văn hóa đang diễn ra từng ngày, từng giờ trên khắp đất nước, đòi hỏi phải có những lớp người lao động mới, có bản lĩnh, có năng lực, chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, thích ứng được với thực tiễn xã hội luôn thay đổi và phát triển. Nhu cầu này đòi hỏi ngành giáo dục phải có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình đất nước. Chính vì thế mà Bộ giáo dục và đào tạo đã áp dụng triển khai mô hình trường học mới Việt Nam gọi tắt là VNEN. Dạy học theo mô hình VNEN là thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm, học tập mang tính tương tác và phù hợp với từng cá nhân học sinh; chuyển việc truyền thụ của giáo viên thành việc hướng dẫn học sinh tự học. Lớp học do học sinh tự quản và được tổ chức theo các hình thức như: Làm việc cá nhân, làm việc theo cặp và làm việc theo nhóm, trong đó hình thức học theo nhóm là chủ yếu. Đây là phương pháp dạy học mới, giúp các em phát huy tốt các kỹ năng như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác, kỹ năng tự đánh giá lẫn nhau trong giờ học. Khi học tập theo mô hình VNEN học sinh sẽ được phát huy tính tích cực, tự học, sáng tạo, tính tự giác, tự quản, sự tự tin, hứng thú trong học tập.Dạy học theo Mô hình trường học mới VNEN, giáo viên được tập huấn về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, cách tổ chức, cách trang trí lớp học và sáng tạo trong quá trình thực hiện. Phương pháp tổ chức dạy học đơn giản mà có hiệu quả. Giáo viên có thêm nhiều cộng tác viên trong việc giám sát, kiểm tra việc thực hiện các hoạt động học tập của học sinh. Giáo viên có điều kiện để trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm của các trường bạn thông qua tập huấn.Giáo viên hạn chế thuyết trình và có điều kiện để dạy phân hóa các đối tượng học sinh trong lớp. Lớp học sôi nổi, học sinh tự tin, chủ động, thân thiện hơn.Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, trong tổ chuyên môn vẫn còn một số giáo viên áp dụng mô hình tương đối rập khuôn, chưa mạnh dạn sáng tạo trong các hoạt động. Những giáo viên hạn chế về kiến thức và chuyên môn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị bài dẫn đến lên lớp còn dạy sai kiến thức, không hiểu hết ý đồ của tài liệu. Phần ghi nhận xét học sinh trong vở ghi của học sinh đôi lúc còn chung chung, chưa làm nổi bật được các nét về phẩm chất cũng như năng lực của từng học sinh. Một số giáo viên thiếu sáng tạo, khi tổ chức lớp học còn rập khuôn máy móc theo tài liệu; chưa biết phân bố thời gian hợp lý. Giáo viên gặp nhiều khó khăn khi nghiên cứu Tài liệu và chuẩn bị phiếu học tập cho học sinh. Giáo viên thực sự chưa làm chủ được bài dạy khi không có hướng dẫn.Từ những thuận lợi và khó khăn trên bản thân tôi đã mạnh dạn đưa ra một số giải pháp và tôi đã áp dụng có hiệu quả khi thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo mô hình VNEN như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng nghiệp, phụ huynh học sinh và cộng đồng, từ đó nhận được sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng và xã hội; thực hiện tốt việc dạy học phân hóa đối tượng (đặc biệt ở buổi 2); tăng cường kĩ năng giao tiếp, tự phục vụ, tự quản cho các em thông qua các buổi ngoại khóa; tổ chức các giờ học tại các lớp dạy theo mô hình VNEN với sự tham dự của cha mẹ học sinh để đẩy mạnh việc tham gia của cộng đồng; thực hiện tốt trang trí lớp, xây dựng góc học tập, góc thư viện… theo mô hình trường học mới (VNEN). Huy động sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động trang trí góc học tập, hoạt động ứng dụng,...Sau khi thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, chất lượng học tập của học sinh có sự chuyển biến rõ rệt do học sinh được chủ động tiếp thu kiến thức, được thực hành nhiều hơn. Học sinh có kĩ năng chia sẻ, cùng cộng tác thực hiện việc tìm hiểu kiến thức mới trong mỗi bài học, các em được rèn luyện phát triển tư duy sáng tạo, tự tin mạnh dạn nói trước đông người, phát triển ngôn ngữ cũng như kỹ năng giao tiếp. Học sinh được làm quen với việc bày tỏ quan điểm, tranh luận để tìm ra cái đúng. Rèn luyện tính thẳng thắn, cách làm việc tập trung cao độ, được tự mình đánh giá mình và đánh giá bạn. Học sinh được tự mình tổ chức các trò chơi tạo động cơ hứng thú đầu mỗi tiết học, các em có tinh thần thoải mái hỗ trợ rất nhiều trong học tập. Học sinh ganh đua với các bạn trong nhóm để học tập nên chất lượng trong lớp đảm bảo.Học sinh tương đối mạnh dạn, tự tin, kĩ năng giao tiếp của các em phát triển mạnh, tính trách nhiệm đã và đang được hình thành trong các em khi các em được đảm nhiệm một chức vụ nào đó. Các em trở nên năng động khi bản thân không những suy nghĩ độc lập về nội dung bài học mà còn là người quan sát, lắng nghe, góp ý với bạn, bảo vệ ý kiến của mình,... Cuối mỗi tiết học học sinh đều được nhận xét về thái độ học tập, sự phối hợp rèn cho các em tính ngay thẳng dám nói thật.Đối với nhóm trưởng, các em thêm nhiệm vụ đôn đốc, phân công, kiểm tra kết quả đã hướng dẫn cho các em thói quen làm việc khẩn trương, trách nhiệm. Số học sinh hoàn thành tốt môn học và các hoạt động giáo dục cuối năm học 2018-2019 chiếm 47.8% trong tổng số học sinh. Trong đó tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành giảm, số học sinh chưa biết đọc biết viết và ngồi nhầm chỗ không còn.Với những kết quả học sinh đem lại bản thân tôi đã rút ra những kinh nghiệm trong việc vận dụng các kĩ thuật dạy học tích cực vào quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới: Trước tiên, giáo viên cần nắm vững những yêu cầu và sử dụng thành thạo các kỹ thuật trong việc chuẩn bị cũng như tiến hành bài lên lớp… Cùng đó, mạnh dạn áp dụng các PPDH tích cực, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học nhằm tạo cơ hội để tổ chức các hoạt động học cho học sinh, qua đó phát huy năng lực và phẩm chất học sinh. Tùy từng bài học, điều kiện cơ sở vật chất và đối tượng học sinh mà giáo viên chủ động lựa chọn các PPDH phù hợp…Giáo viên phải thật sự tâm huyết, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có tinh thần đổi mới. Giáo viên tâm huyết, chủ động sáng tạo, tích cực tự học, tự bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Sử dụng tốt và có hiệu quả công cụ trong lớp học VNEN. Thực hiện tốt việc dạy phân hóa đối tượng (đặc biệt ở buổi 2). Rèn cho học sinh tính chủ động, tự giác, tích cực, mạnh dạn trước đám đông, dám bày tỏ ý kiến của mình với thấy cô, bạn bè qua hòm thư “Điều em muốn nói, Hộp thư vui),...Tiếp tục phát huy sự phối hợp của cộng đồng với giáo viên và nhà trường, sự hợp tác của phụ huynh học sinh. Bồi dưỡng các kỹ năng điều hành cho đội ngũ nhóm trưởng, nâng cao hiệu quả dạy và học. Rèn cho học sinh ý thức bảo quản, giữ gìn và sử dụng Tài liệu Hướng dẫn học khi ở nhà sao cho hiệu quả.Trên đây là một số ý kiến chia sẻ của bản thân tôi khi “Vận dụng linh hoạt các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực của mô hình VNEN trong tổ chức các hoạt động dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường khả năng giao tiếp, hợp tác, tự quản của học sinh.”