banner

Xây dựng môi trường tâm lý - xã hội cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non

Thứ ba - 19/10/2021 03:33
Dienbien.edu.vn- Môi trường tâm lý - xã hội trong trường mầm non là môi trường được tạo dựng trên cơ sở bầu không khí sư phạm trong nhà trường, mối quan hệ tác động qua lại giữa người lớn với trẻ, người lớn với người lớn và giữa trẻ với nhau. Môi trường tâm lý- xã hội trong trường mầm non cần tạo cho trẻ cảm thấy: được an toàn, có giá trị, được yêu thương, được hiểu, được tôn trọng, được tự do.
Trước khi đến trường mầm non trẻ được sống trong môi trường gia đình, được chăm sóc, được dạy dỗ bằng tình cảm yêu thương của mọi người trong gia đình. Khi trẻ đến trường mầm non, ở đó là môi trường khác, trẻ sẽ thấy sợ hãi, lo lắng, hồi hộp và  bất an. Với chức năng, nhiệm vụ của trường mầm non là nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ nhằm hình thành, phát triển những yếu tố ban đầu của nhân cách, phát huy hết những tiềm năng đang nảy nở ở trẻ và chuẩn bị cho trẻ vào lớp một thì nhà trường cần xây dựng môi trường tâm lý- xã hội mang đặc điểm của môi trường gia đình, như sau:

Bé làm quen với sách- Trường Mầm non xã Thanh Yên, huyện Điện Biên
Môi trường an toàn: Môi trường tâm lý- xã hội trong trường mầm non cần đảm bảo trẻ được chăm sóc, giáo dục bằng tình cảm yêu thương khi được sự quan tâm chăm sóc của tất cả các thành viên trong trường, đặc biệt là cô giáo sẽ tạo ra ở trẻ sự an toàn, tin tưởng. Nhờ đó trẻ mới cảm thấy yên tâm, mới vui tươi, hồn nhiên, mạnh dạn, tự tin khám phá thế giới xung quanh. Trong môi trường tâm lý- xã hội mang tính chất giáo dục gia đình, trẻ được cô giáo chăm sóc, giáo dục bằng tình cảm yêu thương, thỏa mãn hợp lý các nhu cầu để trẻ phát triển. Đây là điều kiện tiên quyết để trẻ trưởng thành.
Môi trường phong phú: Trường mầm non có nhiều thành viên như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên, bảo vệ, y tế, phục vụ, trẻ, cha mẹ của trẻ…  tạo nên các mối quan hệ phong phú, đa dạng giữa nhiều người với những thế hệ, độ tuổi khác nhau. Trong môi trường phong phú các mối quan hệ này trẻ có nhiều cơ hội để giao tiếp, học hỏi, mở rộng kiến thức cũng như rèn luyện các kỹ năng sống cần thiết.
Môi trường mà người lớn chăm sóc, giáo dục trẻ bằng giao tiếp trực tiếp và thường xuyên: Ở mọi nơi, mọi lúc, mọi tình huống của cuộc sống, người lớn đều có thể bảo ban, dạy dỗ trẻ. Việc nuôi và dạy trẻ cần được kết hợp một cách khéo léo, tự nhiên. Ví dụ: Trong tổ chức giờ ăn cô giáo có thể trò chuyện, bảo ban, hướng dẫn trẻ các kĩ năng cần thiết như: kĩ năng tự phục vụ, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng ứng xử… khi tổ chức giờ ngủ, cô giáo có thể cho trẻ nghe những bản nhạc, bài hát, bài thơ, câu chuyện… qua đó, trẻ được lĩnh hội kiến thức, tích lũy kinh nghiệm sống một cách nhẹ nhàng và tự nhiên.
Môi trường tự do: Tất cả trẻ em đều được tự do lựa chọn hoạt động theo ý muốn của mình, được tạo cơ hội để phát triển tối ưu những tiềm năng sẵn có. Mỗi đứa trẻ là một con người riêng biệt, có đặc điểm riêng về thể chất và tâm lý, mỗi trẻ có cách tiếp cận kinh nghiệm theo cách riêng, tốc độ riêng, kinh nghiệm riêng của mình. Những nét riêng này cần được tôn trọng và khuyến khích để trẻ được phát triển một cách độc lập, chủ động. Môi trường tự do tạo điều kiện cho trẻ được hoạt động do chính mình và vì chính mình. Khi trẻ hoạt động thì người lớn khuyến khích, động viên, tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm, khám phá cuộc sống, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ  lẫn nhau khi cần thiết. Do đó, mỗi trẻ đều được phát huy khả năng riêng của mình và hình thành ở trẻ ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm với bản thân, với những người xung quanh, với môi trường mà trẻ đang sống.
Hoạt động trải nghiệm của các bé mẫu giáo 3 tuổi- Trường Mầm non Họa Mi, huyện Tuần Giáo
 Môi trường có sự tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau: Trong môi trường tâm lý- xã hội lành mạnh, người lớn và bạn bè đều tôn trọng sự lựa chọn hoạt động của trẻ và luôn đặt niềm tin nơi trẻ, tin rằng trẻ có khả năng hoàn thành và hoàn thành tốt những hoạt động mà trẻ được tự do lựa chọn. Niềm tin của người lớn, của bạn bè là động lực mạnh mẽ thúc đẩy trẻ hoàn thành nhiệm vụ theo cách tốt nhất có thể với khả năng của trẻ.
Môi trường khuyến khích trẻ tích cực, chủ động hoạt động: Với đồ dùng, đồ chơi phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc được bố trí trên những chiếc giá vừa tầm với trẻ. Với thái độ cởi mở, vui tươi, hành vi, cử chỉ nhẹ nhàng, ánh mắt trìu mến của cô giáo, sự cổ vũ của bạn bè, trẻ thực sự được sống trong một môi trường an toàn, tràn ngập tình yêu thương. Điều này làm  nảy sinh ở trẻ những xúc cảm tích cực và lòng khao khát được tìm tòi, khám phá, trải nghiệm.
Để có thể xây dựng môi trường tâm lý- xã hội hiệu quả, cán bộ quản lý, giáo viên trong trường cần biết lắng nghe trẻ, có lời  nói và cử chỉ thể hiện sự quan tâm, tôn trọng trẻ, biết chia sẻ và thấu cảm với những vấn đề trẻ đang gặp phải trong học tập và cuộc sống, công bằng với trẻ, không phân biệt đối xử, tạo điều kiện để trẻ được bộc lộ bản thân, biết cách khích lệ và động viên để trẻ thích nghi với môi trường lớp học, vượt qua những trở ngại đó là trách nhiệm của giáo viên mầm non nói riêng và tất cả những người lớn xung quanh trẻ nói chung./.

Tác giả: Nguyễn Thị Huệ

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập89
  • Máy chủ tìm kiếm50
  • Khách viếng thăm39
  • Hôm nay15,492
  • Tháng hiện tại843,615
  • Tổng lượt truy cập136,295,984
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi