banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

CĐN-Lương Sư Miền Hoa Ban

Thứ hai - 06/11/2017 23:06
CĐN-Lương Sư Miền Hoa Ban 
 
          Chiếc xe khách lao nhanh hơn để lấy đà. Tiếng anh lái xe vọng lại: “Đến đèo Pha Đin rồi nhé!”. Chị người Thái có làn da trắng nõn và đôi môi phớt hồng tựa sắc ti gôn trong sương sớm, ngồi ngay sau lưng anh lái, reo lên thích thú: “Ôi! Đã tháng 5 rồi mà ban vẫn nở đẹp quá!”. Tôi vén tấm rèm nhỏ, nhìn qua ô cửa kính, trước mắt tôi choán ngợp một màu trắng giữa thung sâu và trải dài suốt dọc con đèo.
          - Điện Biên có nhiều điều hấp dẫn đấy! Em lên đây công tác sẽ dần quen và thích thôi. Anh tôi nói.
          - Có nhiều người từ xuôi lên đây công tác giống như em không anh? Tôi hỏi lại.
          - Có chứ, rất nhiều thầy cô từ xuôi lên công tác, cống hiến cho mảnh đất trẻ này. À! Anh sẽ giới thiệu với em một thầy giáo, khi gặp người đó, anh nghĩ em sẽ yêu nghề, tâm huyết với nghề mà em đã chọn. Người thầy ấy sinh năm 1956, quê ở Đình Phùng, Kiến Xương, Thái Bình. Một người thầy mẫu mực, tận tâm với nghề, được học sinh, đồng nghiệp và xã hội trân trọng. Thầy có nhiều cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với ngành Giáo dục Điện Biên và xã hội trong thời kỳ đổi mới này.
          Giọng anh tôi đều đều, vừa đủ nghe, nhưng dường như tôi đang nhìn thấy những âm thanh đó bay ra ngoài đất trời bao la kia, vụt đọng trên đám mây hồng của nắng chiều miền sơn cước. Bầu trời rực rỡ một một màu mây.
          Sáng hôm sau, tôi có dịp cùng anh vào trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Ngôi trường khang trang, bề thế. Trước mắt tôi là bảng ghi danh Học sinh giỏi Quốc Gia của trường. Tôi chăm chú đọc phần tên học sinh đạt giải môn Toán đầu tiên. Anh tôi cười nói:
          - Sau hơn 50 năm, lần đầu tiên ngành Giáo dục Điện Biên có hai học sinh lớp 12 đạt giải Quốc gia môn Toán và cũng có nhiều học sinh đạt điểm cao trong các kỳ thi tuyển sinh vào đại học ở môn này. Đó là nhờ vào người thầy mà anh bảo sẽ giới thiệu cho em đó. Em chờ anh chút nhé!
          Anh tôi rảo bước trên những bậc hè đã nhoen màu rêu nhưng mát rượi bóng cây xanh. Học sinh nhân lúc ra chơi, tưng bừng nói cười. Mấy cô cậu bên dãy lớp 12 chạy nhanh ra ghế đá gần phía tôi, ngồi hóng cơn gió lồng lộng của đồi cao. Cậu học sinh áo kẻ xanh chẳng chịu ngồi, đứng nhìn ra xa xăm, tay bấm “tách” một cái rồi nhoẻn miệng cười, nói:
          - Tiết dạy nào của thầy cũng thật cuốn hút! Hôm nay, bài toán sao hóc búa đó mà thầy lại có cách giải hay đến vậy. Thầy dạy Toán tuyệt quá!
          - Ồ! Lớp cậu đợt này được thầy Phạm Quang Tể dạy à? Lớp mình thì gần ba năm nay được học thầy. Mình đã cảm nhận được điều đó từ lâu rồi! Các thầy cô đều nói, về chuyên môn Toán, thầy là số 1 của tỉnh mình mà! Cậu tóc hung hung đáp lại.
Cô học trò có hai bím tóc xinh xinh chạy ào tới, nói to:
          - Các cậu lớp C3 biết thông tin gì chưa?
          - Biết gì là biết gì? Nói nhanh còn kịp nào! Cậu áo kẻ xanh thúc giục.
          - Lớp C3 mình từ tuần sau chính thức được thầy Phạm Quang Tể dạy đấy! Cô bé có hai bím tóc xinh xinh nói vội, dù lắp ba lắp bắp, song cũng đủ thấy niềm tự hào và kiêu hãnh trong giọng nói.
          - Thích quá! Mấy cô cậu học trò đồng thanh hô lên.
Cậu học trò áo trắng đồng phục, đôi mắt rưng rưng nói trong xúc động:
          - Các cậu biết không. Cách đây hơn một tháng, nói đúng là một tháng 12 ngày. Mình nhớ lắm! Chính xác mà. Thầy đã ngồi lắng nghe mình kể chuyện gia đình. Mình đã định bỏ học…và…và… chính thầy là người đã nhiều lần tìm cách khuyên bảo. Trước những lí lẽ thầy đưa ra, trước ánh mắt ấm áp và hiền từ như người cha của thầy…mình như người được kéo lên từ vực thẳm…
          Cả đám học trò bu lại, tâm trạng cùng thổn thức, đứa nắm tay, đứa nói lời động viên bạn. Cậu áo kẻ xanh lắc tay lũ bạn nói:
          - Thầy nhân từ lắm! Mình và một lũ bạn ở cả trường khác, rồi rất nhiều các anh chị học sinh đã từng mài mòn quần trên ghế lớp học của thầy, nhưng khi biết học trò có hoàn cảnh khó khăn, thầy nhất định không bao giờ chịu lấy một đồng tiền học nào. Thầy còn luôn động viên và tìm cách giúp đỡ nữa cơ.
          - Chúng mình biết mà! Trong mắt học trò, thầy lúc nào cũng là wonderful number 1! Giờ thầy chính thức dạy lớp mình rồi, không phải chỉ một vài buổi như trước nữa. Vui lên cùng ước mơ học trò nào các bạn! Cô bé có hai bím tóc xinh xinh nói giọng rõ ràng và ánh mắt sáng ngời theo từng lời mình nói.
          Tiếng trống vào lớp thúc giục bước chân lũ học trò. Thúc giục cả những niềm yêu tin trong ánh mắt chúng. Lòng tôi bỗng xao xuyến, bâng khuâng lạ.
          - Em gái! Đi cùng chị đến chỗ anh em nào!
          Giọng nói nhẹ dịu và cái vỗ vai cũng nhẹ khiến tôi quay lại. Thì ra, đó là chị bạn anh tôi, hôm qua cũng đi cùng xe. Tôi bám tay chị, đi trên con hè cao, qua con đường phất phơ hoa giấy loang loáng những ánh nắng mai mềm mại. Con đường không quá dài nhưng cũng đủ để tôi hỏi chị một câu cho vơi trí tò mò:
          - Chị! Thầy Phạm Quang Tể là thầy nào mà em thấy học sinh có vẻ hâm mộ thế ạ?
          - Không phải “có vẻ”, mà là rất hâm mộ em ạ, nhất là học sinh chuyên Toán. Và không phải chỉ học trò, cả những giáo viên nữa em ạ. Đó là một người thầy mẫu mực, luôn tận tụy với công việc, tận tâm với học trò, đồng nghiệp. Từ năm 1998, từ xuôi lên đây công tác, thầy đã đào tạo được nhiều học sinh giỏi, học sinh đỗ đại học, bồi dưỡng nhiều thầy cô trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Phong trào “Dạy tốt – Học tốt” ở trường và ở ngành Giáo dục của tỉnh thành công là nhờ thầy rất nhiều. Ngôi trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn này, có được như ngày hôm nay là nhờ vào những nhà giáo mà thầy là một trong những người vô cùng quan trọng đã làm nên nền móng vững chắc cho sự phát triển đó, em à!
          Nắng theo gót bước chân chị em tôi và đùa giỡn, nhót lên những cành lộc vừng mướt mà, rồi cũng chẳng chịu yên mà theo gió vút lên tận xa mãi trời xanh. Dừng lại trước cửa căn phòng có ghi dòng chữ Phó Hiệu trưởng, chị tạm biệt, còn anh tôi gọi tôi mau vào phòng. Anh tôi nhanh nhảu nói:
          - Giới thiệu với em, đây là thầy Phạm Quang Tể. Và em giới thiệu với thầy, đây là Huyền, cô giáo mà em vừa kể đó thầy!
Tôi khẽ giật mình trong trí óc và nói trong vô thức một lời chào như những lần tôi vẫn hay vào phòng các thầy lãnh đạo ở các trường học:
          - Em chào thầy ạ!
          - Chào em! Cô giáo mới từ miền xuôi lên Điện Biên! Em ngồi đi!
          Giọng thầy ấm áp như chính ánh mắt thầy, như chính cốc trà thầy rót đưa tôi. Và cuộc trò chuyện của chúng tôi cũng vậy. Chẳng có gì là xa lạ, mà ngược lại, thân tình như đã quen tự lâu. Trước mắt tôi, người thầy chạc 50 - cái tuổi mà con người ta hội tụ đủ đầy những trải nghiệm, trái tim và khối óc đong sâu những nắng mưa cuộc đời. Khuôn mặt phúc hậu, ánh mắt hiền từ mà cương nghị. Ánh mắt ấy khiến tôi thấy thân thiện mà lại có gì phải kiêng nể và kính trọng. Cuộc trò chuyện giúp tôi được biết từ tháng 9 năm 1977 đến tháng 12 năm 1986, thầy công tác tại trường Trung học Sư Phạm Lai Châu (nay là trường Cao Đẳng Sư Phạm Điện Biên), môi trường còn rất nhiều khó khăn về chuyên môn và chất lượng cuộc sống. Tháng 1 năm 1987 đến tháng 8 năm 1998 thầy về giảng dạy tại trường THPT Nguyễn Du, môi trường có chất lượng giáo dục khá phát triển của tỉnh Thái Bình. Và từ năm 1998 đến nay (tháng 5 năm 2006), thầy công tác tại ngôi trường này, môi trường với những thách thức lớn về trình độ chuyên sâu.
          Tôi lên xe ra về sau lời nhắc của anh tôi: “Em về trước đi. Tiết học này, anh cùng một số thầy cô dự giờ thầy Tể để học tập kinh nghiệm ôn thi.” Con đường nhỏ ngập sắc hoa ban. Lòng tôi man mác nghĩ về những điều vừa trải qua. Những lời nói súc tích của người thầy tôi vừa gặp như còn vẳng bên tai: “Sự tận tâm với nghề, ánh mắt của học trò trong mỗi giờ dạy, tình cảm của cha mẹ học sinh, đồng nghiệp và xã hội là động lực tạo nên cảm hứng nghề nghiệp, giúp bản thân vượt khó và đạt được những thành công nhất định trong nghề dạy học”. Quan điểm về nghề dạy của thầy giản dị mà sâu sắc. Có cái gì đó gọi là trí tò mò dường như chẳng vơi trong tôi.
          Năm đó, tôi được biết thầy là một trong số ít nhà giáo của tỉnh được công nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Và năm đó, …
          Tôi đã gặp những người học trò của thầy, họ đã là những giáo viên tiểu học vững vàng. Họ kể cho tôi nghe về một người thầy của trường Trung học Sư Phạm Điện Biên trước đây với giọng kính trọng và đầy biết ơn. Họ cho tôi biết, cuộc sống sinh viên đầy dẫy khó khăn về nhận thức chuyên môn, về đời sống sinh hoạt…nhưng họ đã được nâng bước để vượt qua nó và có được ngày hôm nay từ người thầy dạy Toán ấy.
          Tôi gặp những giáo viên trung học đã cứng tay nghề. Họ kể cho tôi nghe về thầy với một niềm ngưỡng mộ không che giấu: “Mình được thầy ôn thi đại học, mình ấn tượng về khả năng chuyên môn, phương pháp lên lớp của thầy. Thầy dạy dễ hiểu và lôi cuốn học sinh. Hiếm có giáo viên nào có được sự gần gũi, tận tụy với từng học sinh như thầy.”
          Tôi gặp những giáo viên cùng chuyên môn với thầy. Họ đã là lãnh đạo ở những cơ sở giáo dục lớn, nhỏ. Họ kể cho tôi nghe về thầy với một sự biết ơn: “Khi mình là giáo viên năm đầu, mình mới thực sự là học trò của thầy. Lớp chuyên thầy dạy, các học trò coi mình là một thành viên,bởi mình đi dự giờ tất cả các tiết thầy dạy. Đó chính là cơ hội giúp mình định hình phương pháp giảng dạy bộ môn chuyên sâu.”
          Tôi gặp những giáo viên cùng tổ Toán mà thầy làm tổ trưởng trong nhiều năm. Họ đã là những giáo viên cốt cán của tỉnh. Họ kể cho tôi nghe về thầy với niềm vui và sự hãnh diện: “Thầy luôn tạo điều kiện cho tất cả những giáo viên có mong muốn được dự giờ thầy. Có thể nói là bất cứ tiết dạy nào. Thầy là một tổ trưởng xuất sắc về chuyên môn, dẫn dắt đội ngũ giáo viên của tổ, của trường đi lên. Bên cạnh đó, với hiểu biết sâu rộng, tấm lòng luôn chia sẻ, quan tâm anh chị em, thầy chính là nơi gửi gắm những tâm tư, là nơi giúp mọi người tìm được những câu trả lời thấu tình đạt lý.”
Những câu chuyện đó, có lẽ càng là động lực khiến tôi khâm phục và tìm đến thầy trong những bước đường đi không ít chông gai, thử thách của mình. Và lần nào có dịp thăm lại thầy, tôi đều thấy bóng dáng người thầy ấy, khi thì bên những học trò tiểu học, khi thì là mấy trò ôn đại học mà phụ huynh cứ một mực gửi nhờ.
          Sau này, nhiều lần tôi vẫn có những vinh dự được ngồi uống nước cùng thầy và được nghe thầy nói về những điều mới mẻ trong sự phát triển của giáo dục. Khi đó, thầy đã chuyển sang làm ở phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo. Vốn đã được học tập bài bản về tin học từ năm 1987, lại là người trực tiếp đề xuất và triển khai nối mạng internet cho trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn và phối hợp với cán bộ sở ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý điểm học sinh từ năm 2004, nên khi trong vai trò quản lý, thầy rất lưu tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin. Vị trưởng phòng đầu tiên của một bộ phận quan trọng trong hệ thống Giáo dục Điện Biên ấy, đã nhanh chóng có nhiều tham mưu với lãnh đạo về việc sử dụng các phần mềm xây dựng ngân hàng đề, kho tư liệu, thống kê điểm… tạo nhiều thuận lợi cho sự phát triển của công tác khảo thí và quản lý chất lượng dạy học giữa sở và các nhà trường. Một nhà quản lý cần có tinh thần trách nhiệm và tầm nhìn sâu rộng, biết tìm cách tiếp cận và tự rèn luyện cho mình sự mới mẻ về nghề trước xu thế phát triển của xã hội.
          Những chuyến công tác trong tỉnh, nhà quản lý ấy đã không mệt mỏi đến với hơn 60 trường mầm non và rất nhiều trường Tiểu học, Trung học…để kiểm định chất lượng nhưng cũng còn là để biết về thực tế các cơ sở, tận tình tham mưu cho các trường ngày một tốt lên. Những giáo viên như chúng tôi còn nhớ mãi, chuyến công tác nào cùng thầy cũng học tập được ở thầy thật nhiều điều hay. Về phong cách làm việc, về phong cách sống…Và ấn tượng nhất là được chứng kiến sự tận tụy, hết lòng của thầy trong những giờ dự, nhận xét giáo viên. Ánh mắt chăm chú mà chứa đầy lo âu, trăn trở của sự tìm kiếm. Đúng! Thầy đang đi tìm một sự mới mẻ mà phù hợp ở phương pháp dạy đối tượng học sinh những nơi đây. Thầy đã trực tiếp tham mưu cho Sở về việc hình thành đội ngũ cốt cán cấp trường để bắt kịp với những đổi mới về chương trình, về phương pháp bộ môn khó đối với các học sinh dân tộc thiểu số. Các chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn thi đại học, sau đại học được thầy học tập bài bản ở Hà Nội đã phát huy có chiều rộng nhiều hơn. Các giáo viên Toán trong tỉnh vẫn thường nói đến thầy với một niềm tự hào và biết ơn. Một nhà quản lý giáo dục của miền sơn cước là không ngại khó, ngại khổ để tìm kiếm giải pháp “thắp sáng con chữ” vùng cao.
          Những chuyến công tác ở tỉnh bạn và nước ngoài, nhà quản lý ấy luôn kiên trì tìm đến những môi trường có đặc điểm giống Điện Biên để học hỏi kinh nghiệm. Chính những chuyến công tác của thầy ở các tỉnh bạn và nước ngoài, cùng với sự tìm tòi, nghiên cứu, tự học và không sợ thất bại, không thỏa mãn với kết quả đạt được, thầy đã tích cực tìm ra những điểm phù hợp có thể áp dụng vào nền giáo dục của tỉnh nhà. Điển hình như việc tư vấn, giúp đỡ trường THCS Him Lam - thành phố Điện Biên Phủ, từ một ngôi trường có chất lượng giáo dục bình thường trở thành trường THCS có chất lượng giáo dục đứng đầu tỉnh Điện Biên. Hay việc chủ trì phối hợp và trực tiếp biên soạn bộ tiêu chuẩn trường chất lượng cao các cấp học (Mầm non, Tiểu học, Trung học) để tham mưu cho Sở GD&ĐT làm tài liệu tham khảo, định hướng cho các trường xây dựng trường chất lượng cao. Những dự án này, đã và đang trên đà phát triển với nền móng ban đầu là tuyển sinh đầu vào, tăng cường các giáo viên giỏi, xây dựng chương trình giáo dục nâng cao… Một nhà quản lý giáo dục hiện đại là không được tĩnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
          Nuôi dưỡng quan điểm “tự học là phương pháp học tốt nhất cho bản thân” từ thời tuổi trẻ nên thầy Phạm Quang Tể am hiểu nhiều các lĩnh vực. Vì vậy, không chỉ tinh thông, sáng tạo trong chuyên ngành Toán và quản lý Giáo dục, thầy còn là một người có vốn hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa. Sau những tháng năm đến làm việc với nhiều trường học ở những cấp học khác nhau, thầy luôn chú trọng việc các nhà trường giáo dục học sinh giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa quê hương. Đặc biệt, khi nhận thấy sự phai mờ về bản sắc văn hóa các dân tộc vùng cao. Ý tưởng làm thay đổi điều đó cũng luôn thường trực trong thầy. Từ mục đích bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học những kiến thức cơ bản về cơ sở văn hoá, bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số của tỉnh Điện Biên, qua đó, mỗi nhà trường sẽ có những phương pháp giáo dục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số của tỉnh Điện Biên. Năm 2011, thầy đã bắt tay vào thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học: “Vai trò của nhà trường đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên”. Đến thực nghiệm tại nhiều trường từ mầm non đến trung học, tự tay phát tặng học sinh những bộ trang phục trong niềm vui sân trường luôn rực rỡ sắc màu, đậm đà trong tình đoàn kết các dân tộc anh em. Điểm nhấn của những ngày lễ hội ở trường học cũng là như thế. Đề tài của thầy được Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh xếp loại Xuất sắc bởi tính thực tiễn, khoa học và sự sáng tạo. Một nhà quản lý giáo dục ở một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa cũng cần am tường về giá trị, bản sắc vùng miền.
          Tạo được những tiếng vang trong ngành về Toán học, về sự tận tụy dẫn dắt các thế hệ đi sau, về sự quản lý và khai mở giáo dục cho tỉnh nhà, thầy giáo Phạm Quang Tể đã chiếm trọn tình yêu mến, sự cảm phục của đồng nghiệp, học sinh và xã hội. Song, với những nhà giáo, những đồng nghiệp như chúng tôi, thầy còn là nơi trở về để tìm được bao lời giải đáp, bao lời động viên, thậm chí là chữa lành những vết thương sau cơn địa chấn tinh thần của chuyên môn hay cuộc sống. Thầy vẫn luôn nhắc nhở chúng tôi: Người thầy thế kỷ 21 phải là người bạn, là người anh, người cha mẫu mực của học sinh; tâm huyết với nghề, tận tụy với học trò; hợp tác, chia sẻ với đồng nghiệp và học trò; có khả năng tự học, cập nhật tri thức để biết rộng, hiểu sâu về khoa học giáo dục hiện đại; có khả năng biên soạn nội dung bài dạy từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau; hiểu đúng, hiểu sâu các kỹ thuật dạy học tích cực và biết sử dụng linh hoạt các kỹ thuật dạy học tích cực trong các tình huống giảng dạy cụ thể; ứng dụng thành thạo CNTT, tổ chức tốt các hoạt động dạy học trong môi trường tương tác đa phương tiện…
          Mùa xuân năm 2017, tôi trở về thăm thầy tại ngôi nhà trong ngõ nhỏ - số 109, tổ 10, phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ. Mọi thứ vẫn như xưa. Vẫn gương mặt phúc hậu, vẫn ánh mắt thân tình và giọng nói điềm đạm. Nghỉ hưu, nhưng niềm say mê với công việc dường như chẳng hề mất đi, ngược lại, thầy còn tích cực nghiên cứu, tìm hiểu và suy tư nhiều hơn về nghề giáo. Ý nghĩ đổi mới cho cái nghề ấy vẫn luôn thường trực trong thầy. Thầy dẫn tôi thăm căn phòng truyền thống của gia đình. Những tấm bằng khen khung sơn đã nhạt nhưng sạch sẽ và đọc được rõ chữ….Thật nhiều năm thầy đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua các cấp, nhiều bằng khen của Ủy ban Nhân dân tỉnh, của Bộ GD&ĐT, Thủ tướng Chính phủ tặng, được công nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Tấm Huân chương Lao động hạng Ba treo ngay ngắn, màu đỏ tươi rực rỡ dưới ánh sáng qua khung cửa sổ.
          Trên con đường về, lòng tôi bâng khuâng. Tôi nghĩ đến người thầy của miền hoa ban ấy và tôi nghĩ đến những vị lương sư như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Xe đã qua đồi D1 tự khi nào. Bất giác tôi nhìn lên, hàng ngàn bông ban đã bung nở trắng trời, lấp lánh dưới ánh nắng xuân, điểm tô thêm cho vẻ đẹp rực rỡ của tượng đài Chiến Thắng, của đất trời Điện Biên./.
Tác giả bài viết: Trần Thị Thanh Huyền - Trường THPT Lương Thế Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 2.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,196
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm44
  • Khách viếng thăm2,151
  • Hôm nay514,110
  • Tháng hiện tại2,982,605
  • Tổng lượt truy cập73,691,985
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi