I. Định hướng tiếp tục hoàn thiện Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tiến hành đổi mới thi, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).
Năm 2015, Bộ GDĐT tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia với 99 cụm thi, trong đó 61 cụm thi do các sở GDĐT chủ trì, 38 cụm thi do các trường ĐH chủ trì, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các cơ sở giáo dục ĐH sử dụng trong tuyển sinh ĐH, CĐ. Từ 4 đợt thi trước đây nay chỉ còn 1 đợt thi, áp lực thi cử đã giảm đi đáng kể.
Năm 2016, để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh không phải di chuyển xa khi tham gia dự thi, Bộ đã tổ chức 120 cụm thi, trong đó 50 cụm thi do các sở GDĐT chủ trì, 70 cụm thi do các trường ĐH chủ trì ở tất cả các tỉnh/thành trong cả nước. Kỳ thi đã được tổ chức nhẹ nhàng, nghiêm túc, được xã hội đồng tình và đánh giá cao.
Theo quy định hiện hành, các trường ĐH, CĐ được tự chủ trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, nhiều trường chưa có đủ điều kiện và kinh nghiệm để tự tuyển sinh nên Bộ GDĐT đứng ra tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, các trường sử dụng kết quả để xét tuyển vào ĐH, CĐ, giúp giảm chi phí, tốn kém cho các trường, phụ huynh và xã hội. Nhờ kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia 2 năm qua đảm bảo được độ tin cậy, trung thực, khách quan, có tính phân hóa tốt nên hầu hết các trường ĐH, CĐ đều đã sử dụng kết quả này để tuyển sinh, không tổ chức thi tuyển sinh riêng, giảm áp lực thi cử và tốn kém. Một số ít trường có yêu cầu cao, trường có đào tạo ngành đặc thù, ngoài việc dựa vào kết quả thi THPT quốc gia đã tổ chức thêm thi đánh giá năng lực chuyên biệt hay tổ chức thi năng khiếu để tuyển được các sinh viên đáp ứng mục tiêu đào tạo của trường. Đây là kinh nghiệm tốt cần được tiếp tục phát huy.
Để đạt được kết quả nêu trên, trong Kỳ thi THPT quốc gia 2 năm qua, Bộ đã cử các trường ĐH, CĐ về các địa phương để chủ trì tổ chức cụm thi đại học; cử cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ phối hợp với các sở GDĐT trong công tác tổ chức cụm thi tốt nghiệp, nhất là ở khâu coi thi và chấm thi; tuy nhiên, điều này đã gây ra những khó khăn, tốn kém nhất định; xã hội còn băn khoăn về tính khách quan và công bằng giữa các cụm thi khi mà đề thi, hình thức thi của một số môn thi vẫn có thể tạo ra cơ hội cho những học sinh học tủ, học lệnh, quay cóp, nhìn bài trong khi thi; số ngày thi kéo dài gây khó khăn trong công tác tổ chức thi, vất vả cho thí sinh; phương thức thi, đề thi, chấm thi chưa khách quan triệt để; ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tổ
Kế thừa những kết quả đã đạt được và điều chỉnh những bất cập, hạn chế sau 2 năm thực hiện đổi mới thi, tuyển sinh, Bộ GDĐT tiếp tục tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh chính quy với một số điều chỉnh như: Tổ chức 1 loại cụm thi ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước; Điều chỉnh đề thi, hình thức thi để đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan, hạn chế học lệch; Triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong xét tuyển ĐH, CĐ để hỗ trợ các trường khắc phục thí sinh ảo; Có lộ trình, bước đi hoàn thiện kỳ thi phù hợp với việc đổi mới dạy và học ở bậc phổ thông, tiến tới phương án bền vững có thể áp dụng lâu dài.
II. Phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017
1. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được tổ chức về cơ bản như năm 2016 với một số nội dung điều chỉnh sau:
1.1. Tổ chức cụm thi
a) Mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một cụm thi do Sở GDĐT chủ trì dành cho tất cả các thí sinh của địa phương; các điểm thi được bố trí phù hợp, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh; các thí sinh tự do được lựa chọn địa điểm thi phù hợp với điều kiện và yêu cầu cá nhân.
b) Các Sở GDĐT bố trí cán bộ coi thi đảm bảo tính khách quan, đúng quy chế;
c) Bộ GDĐT cử cán bộ, giảng viên từ các trường ĐH, CĐ đến địa phương để phối hợp, hỗ trợ và giám sát công tác tổ chức thi, coi thi và chấm thi.
1.2. Bài thi, hình thức thi, đề thi, nội dung thi, thời gian làm bài thi và lịch thi
a) Bài thi
Gồm 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).
Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT:
- Thí sinh giáo dục THPT thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn: bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội. Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ.
- Thí sinh giáo dục thường xuyên thi 3 bài thi gồm: 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn: bài thi Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc bài thi Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí). Thí sinh có thể chọn thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH, CĐ nếu có nguyện vọng.
b) Hình thức thi
- Các bài Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm; Phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh được chấm bằng phần mềm máy tính.
- Bài thi Ngữ văn, thi theo hình thức tự luận.
c) Đề thi
- Đề thi gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT và những câu hỏi phân hóa nhằm mục đích xét tuyển ĐH, CĐ.
- Đề thi cho mỗi bài thi Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội có 60 câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn với duy nhất 1 phương án trả lời đúng (gọi chung là câu hỏi trắc nghiệm); bài thi Toán có 50 câu hỏi trắc nghiệm; bài thi Ngoại ngữ có 40 câu hỏi trắc nghiệm. Đề thi các bài thi trắc nghiệm do máy tính thiết lập tự động từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được cập nhật, bổ sung trên cơ sở ngân hàng đề thi đã được Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng nhiều năm qua.
- Đề thi bài thi Ngữ văn do các chuyên gia, giáo viên, giảng viên giỏi, có nhiều kinh nghiệm biên soạn.
Bộ GDĐT sẽ công bố đề thi minh họa vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 năm 2016. Học sinh và giáo viên có thể tham khảo định dạng của đề thi này để ôn luyện trong quá trình dạy, học.
d) Thời gian làm bài thi: Các bài thi Toán, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội: 90 phút mỗi bài; bài thi Ngữ văn: 120 phút; bài thi Ngoại ngữ: 60 phút.
đ) Nội dung thi: Năm 2017 nội dung đề thi chủ yếu trong chương trình lớp 12 THPT (năm 2018 nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT, từ năm 2019 trở đi, nội dung đề thi nằm trong chương trình 3 năm THPT).
e) Lịch thi: Tổ chức thi 2 ngày trong tháng 6, thống nhất trong cả nước. Cụ thể như sau:
Ngày thứ nhất:
+ Buổi sáng: thi bài thi Ngữ văn;
+ Buổi chiều: thi bài thi Khoa học tự nhiên.
Ngày thứ hai:
+ Buổi sáng: thi bài thi Toán và bài thi Ngoại ngữ;
+ Buổi chiều: thi bài thi Khoa học Xã hội.
1.3. Công bố kết quả thi và cấp Giấy chứng nhận kết quả thi: Sở GDĐT cập nhật kết quả thi lên hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu chung của Bộ GDĐT, công bố kết quả thi và cấp cho mỗi thí sinh một Giấy chứng nhận kết quả thi.
1.4. Xét công nhận tốt nghiệp THPT: Do sở GDĐT thực hiện theo phương thức tính điểm xét tốt nghiệp như sau: 50% số điểm từ 4 bài thi (đối với thí sinh phổ thông) hay từ 3 bài thi (đối với thí sinh giáo dục thường xuyên) và 50% số điểm từ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12.
2. Quản lý cơ sở dữ liệu tốt nghiệp THPT
a) Các thông tin của thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia được cập nhật vào hệ thống quản lý dữ liệu chung của Bộ GDĐT. Mỗi thí sinh được cung cấp một mã số thí sinh và tài khoản để kiểm tra thông tin cá nhân, kết quả thi, kết quả tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ.
b) Sở GDĐT sử dụng cơ sở dữ liệu chung này để tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh; cập nhật lên hệ thống kết quả học tập phổ thông, kết quả thi THPT quốc gia và kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT của thí sinh thuộc địa bàn quản lý.
c) Các trường ĐH, CĐ sử dụng cơ sở dữ liệu chung này làm căn cứ để tuyển sinh.
d) Bộ GDĐT sử dụng cơ sở dữ liệu chung này phục vụ cho công tác quản lý ngành.
III. Tổ chức tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy
1. Hoàn thiện quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ
Công tác tuyển sinh năm 2016 vẫn còn một số bất cập cần tiếp tục khắc phục như: tỷ lệ thí sinh ảo cao khiến các trường gặp khó khăn trong xác định điểm chuẩn; việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh mới chỉ dựa vào năng lực đào tạo của trường, chưa căn cứ vào nhu cầu thực tế của xã hội; chưa làm tốt công tác dự báo thị trường lao động để định hướng tuyển sinh các ngành nghề… Vì vậy, quy chế tuyển sinh 2016 cần tiếp tục được điều chỉnh một số nội dung để đảm bảo phù hợp, hiệu quả hơn cho năm 2017. Cụ thể:
- Kế thừa những kinh nghiệm đã đạt được về tổ chức tuyển sinh năm 2015 và năm 2016.
- Tôn trọng quyền tự chủ của các trường trong khuôn khổ của quy chế tuyển sinh để đảm bảo chất lượng đầu vào, xác định chỉ tiêu hợp lý, đảm bảo quyền lợi người học và việc tuyển sinh được thực hiện công bằng, trật tự.
- Đáp ứng tối đa nguyện vọng của thí sinh, khắc phục tối đa tác động của thí sinh ảo đến công tác tuyển sinh của các trường.
- Kỳ thi THPT quốc gia cung cấp cơ sở dữ liệu tin cậy để đa số các trường ĐH, CĐ sử dụng làm căn cứ xét tuyển; một số trường đặc thù, chất lượng cao có thể có thêm các hình thức đánh giá năng lực hoặc thi thêm các môn năng khiếu.
2. Những quy định chung
- Bộ GDĐT ban hành quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy.
- Các trường ĐH, CĐ xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh theo quy chế và công bố công khai.
- Các trường có thể tuyển sinh 1 hoặc 2 kỳ trong năm.
3. Các phương thức tuyển sinh
3.1. Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia
- Các trường công bố công khai tổ hợp các bài thi, môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét tuyển vào các ngành của trường trước khi thí sinh đăng ký dự thi.
- Sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào ngành/trường ĐH, CĐ và được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.
- Bộ GDĐT sử dụng phần mềm lọc ảo để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển với nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Danh sách này được gửi đến các trường để tư vấn, hỗ trợ cho các trường trong xử lý vấn đề thí sinh ảo. Các trường có thể cân đối, điều chỉnh dựa vào các điều kiện thực tế của trường đã nêu trong đề án tự chủ tuyển sinh để quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức. Đây là giải pháp hỗ trợ kỹ thuật nhằm khắc phục bất cập tỉ lệ thí sinh ảo gia tăng khi thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng vào các ngành/trường.
- Thí sinh nộp Giấy chứng nhận kết quả thi trong thời hạn quy định của trường để khẳng định nhập học tại trường. Trường cập nhật danh sách thí sinh đã khẳng định nhập học lên hệ thống quản lý dữ liệu chung.
- Việc xét tuyển có thể được thực hiện nhiều đợt trong thời gian quy định của kỳ tuyển sinh và theo yêu cầu của các trường.
3.2. Sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh
Ngoài việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia hoặc kết quả học tập ở THPT để sơ tuyển, các trường có thể tổ chức thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh (nếu thấy cần thiết) với các hình thức phù hợp, đảm bảo không gây ra tình trạng luyện thi tràn lan, không gây vất vả, tốn kém cho thí sinh. Các trường phải công khai đề thi minh họa của bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi (trắc nghiệm hay tự luận), cách tính điểm xét tuyển từ kết quả THPT và kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt.
3.3. Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT
Các trường thông báo cụ thể điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT (lớp 12 hoặc cả 3 năm THPT). Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo yêu cầu của trường được quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh đã được công bố công khai.
3.4. Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh
Các trường có thể chọn một hoặc kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh nêu trên và quy định rõ trong đề án tự chủ tuyển sinh; đồng thời, công bố công khai chỉ tiêu xét tuyển đối với mỗi phương thức tuyển sinh.
IV. Các nhiệm vụ triển khai thực hiện trong thời gian tới
1. Đối với Bộ GDĐT
- Công bố phương án tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 và triển khai công tác truyền thông rộng rãi để giáo viên, học sinh và xã hội hiểu rõ, tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện.
- Sửa đổi, bổ sung Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy.
- Công bố đề thi minh họa cho Kỳ thi THPT quốc gia 2017 vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 năm 2016 để giáo viên, học sinh tham khảo.
- Chỉ đạo việc cập nhật, bổ sung đề thi trên cơ sở ngân hàng đề thi đã được Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng nhiều năm qua; chuẩn bị phần mềm và hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo tổ chức thành công Kỳ thi.
2. Đối với các địa phương
- Chỉ đạo tuyên truyền chủ trương, hướng dẫn tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 và những điều chỉnh trong tổ chức thi, xét tuyển sinh ĐH, CĐ tới các cơ sở giáo dục đào tạo, các giáo viên, học sinh của địa phương mình;
- Chỉ đạo triển khai tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá trong các trường phổ thông và giúp học sinh ôn tập theo định hướng Kỳ thi.
3. Đối với các trường ĐH, CĐ
Xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh, chuẩn bị các điều kiện thực hiện tốt công tác tuyển sinh năm 2017.
Phương án kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 đã được xã hội đánh giá thành công. Những điểm mạnh của phương án này sẽ được tiếp tục kế thừa và những điểm hạn chế sẽ được khắc phục trong phương án thi, tuyển sinh năm 2017. Với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong 2 năm thực hiện đổi mới thi, tuyển sinh và sự đồng thuận của dư luận xã hội, chắc chắn công tác tổ chức thi và tuyển sinh năm 2017 sẽ đạt được những thành công mong đợi.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn