Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức các hoạt động phát triển ngôn ngữ cho trẻ, giáo viên còn gặp rất nhiều khó khăn do đa số trẻ là người dân tộc thiểu số (DTTS), khả năng ngôn ngữ tiếng Việt của trẻ còn hạn chế. Trẻ DTTS trong độ tuổi nhà trẻ mới đến trường chưa biết tiếng Việt, nhiều trẻ mẫu giáo chưa mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp ở lớp do ngôn ngữ tiếng Việt của trẻ còn hạn chế.
Nhiều giáo viên không biết tiếng dân tộc của trẻ trong lớp dẫn đến gặp khó khăn trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục, đặc biệt đối với những hoạt động làm quen với văn học. Các tiết dạy trẻ kể chuyện, giáo viên kể chuyện trẻ không hiểu ngôn ngữ, không hiểu nội dung câu chuyện, trẻ không kể được chuyện theo mục tiêu chương trình giáo dục mầm non, các nội dung thuộc lĩnh vực phát triển ngôn ngữ rất nhiều như đặt tên cho truyện được nghe, kể chuyện theo đồ chơi, kể chuyện theo tranh, kể chuyện theo kinh nghiệm... Thực tế dạy trẻ kể chuyện đã khó thì những nội dung trên giáo viên càng gặp nhiều khó khăn.
Nhằm nâng cao chất lượng GDMN, Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban quản lý Dự án “Nâng cao chất lượng và bình đẳng trong tiếp cận với giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số ở Việt Nam” xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên các kỹ năng hướng dẫn trẻ làm quen với toán và đọc viết, quan tâm bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên tiếng DTTS giúp giáo viên sử dụng song ngữ có thể dạy trẻ thực hành các kỹ năng làm quen với toán và đọc viết một cách dễ dàng hơn, trẻ tiếp thu, nắm vững kiến thức tốt hơn. Đặc biệt, Dự án đã tập trung bồi dưỡng cho giáo viên những kĩ năng kể chuyện tương tác để hỗ trợ giáo viên trong quá trình dạy trẻ kể chuyện đạt hiệu quả cao hơn.
Giáo viên trường mầm non Phì Nhừ thực hành kỹ năng kể chuyện tương tác với trẻ
Giáo viên đã vận dụng các kiến thức đã được bồi dưỡng vào quá trình tổ chức các hoạt động cho trẻ làm quen với văn học, cụ thể: giáo viên thường trò chuyện với trẻ nhiều hơn vào giờ đón trẻ; giáo viên, phụ huynh kể chuyện tương tác cho trẻ nghe, cho trẻ làm quen với sách, biết cách sử dụng sách thông qua các hoạt động ở khu vực thư viện câu lạc bộ cha mẹ; giáo viên dành thời gian 15 phút để kể chuyện cho trẻ nghe vào giờ sinh hoạt chiều; giáo viên hướng dẫn phụ huynh kĩ năng kể chuyện tương tác cho trẻ thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, giáo viên cho phụ huynh mượn sách truyện về nhà để kể cho trẻ nghe.
Thông qua hoạt động kể chuyện tương tác với trẻ, trẻ chú ý hơn vào hoạt động cùng cô, trẻ được tự do phán đoán nội dung câu chuyện, phát triển trí tưởng tượng, nảy sinh thái độ sáng tạo ngôn ngữ, sáng tạo trong biểu cảm lời nói, ý thức nói lời hay ý đẹp, hứng thú sáng tạo câu chuyện theo tưởng tượng chủ quan của mình.
Kể chuyện tương tác khơi ngợi ở trẻ tính tò mò, kích thích trẻ nói, là một kĩ năng quan trọng được chương trình dự án “Nâng cao chất lượng và bình đẳng trong tiếp cận với giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số ở Việt Nam” tập huấn cho giáo viên mầm non tại Điện Biên Đông.
Dự án khuyến khích giáo viên nên tích cực kể chuyện tương tác với trẻ, lựa chọn những câu chuyện hay hình ảnh đẹp rõ ràng phù hợp với lứa tuổi của trẻ để tương tác với trẻ, để thu hút trẻ vào kể chuyện tương tác với cô đạt hiệu quả và đạt được kết quả mong đợi trong chương trình giáo dục mầm non.
Giáo viên trường mầm non Pu Nhi thực hành kỹ năng kể chuyện tương tác với trẻ
Vận dụng kỹ năng này đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp giáo viên thực hiện tốt các hoạt động làm quen với văn học. Kết quả trẻ mạnh dạn trò chuyện cùng cô, trẻ hứng thú nghe kể chuyện, phán đoán những gì xảy ra tiếp theo trong nội dung câu chuyện, ngoài những câu chuyện trong chương trình, trẻ còn được nghe nhiều câu chuyện cổ tích, truyện tranh ngoài chương trình do Dự án hỗ trợ./.