banner

“Thư viện thân thiện” ở trường mầm non góp phần thực hiện hiệu quả hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ người dân tộc thiểu số

Thứ năm - 27/06/2019 02:56
Dienbien.edu.vn - Thực hiện đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo trẻ có kỹ năng cơ bản trong sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình GDMN, tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các dân tộc thiểu số, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển của địa phương. Để đạt mục tiêu đó, các cơ sở GDMN trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đem lại hiệu quả thiết thực.
Xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt ở các cơ sở GDMN là một trong 7 nhiệm vụ trọng tâm của Đề án. Ngoài việc mua sắm bổ sung, thay thế các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, học liệu… để thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ, các trường tích cực phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học, đồ chơi, bổ sung học liệu học tiếng Việt cho trẻ thông qua đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và nhân dân trên địa bàn; chú trọng tận dụng, sử dụng các nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương. Các cơ sở GDMN xây dựng “Thư viện thân thiện” là một trong các giải pháp để tăng cường môi trường giao tiếp tiếng Việt tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ mầm non thực hành các kỹ năng sử dụng tiếng Việt.

“Thư viện thân thiện” ở trường mầm non
Ở trường mầm non “Thư viện thân thiện” có thể là phòng riêng hoặc góc chơi ở từng lớp, ngoài sân trường hay dưới tán cây (có thể di chuyển được)… được sắp xếp theo hướng “mở” nhằm khuyến khích trẻ em đến với thư viện, tạo điều kiện cho trẻ em tiếp cận những quyển sách phù hợp với sở thích và khả năng đọc của mình, phù hợp với sự phát triển tâm lý trẻ mầm non.
Kệ sách được thiết kế phù hợp với chiều cao của trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo, màu sắc phù hợp; nơi đó sách được phân loại, sắp xếp, thay đổi linh hoạt tạo hứng thú cho trẻ. Các đồ vật khác như: thảm xốp, bàn, ghế… cũng được trang bị và sắp xếp một cách khoa học nhằm tạo ra môi trường đọc thân thiện, cuốn hút trẻ;
Có đủ không gian để mọi trẻ được tham gia vào các hoạt động: cá nhân, cặp đôi hay nhóm. Ở đó bố trí các hoạt động khác nhau như: Chơi trò chơi phát triển ngôn ngữ, tra cứu, sáng tạo để khuyến khích các cháu đọc nhiều loại sách khác nhau, dễ dàng tìm sách phù hợp với câu chuyện yêu thích đã được nghe, tự lấy được sách để “đọc” truyện tranh và phát huy tính sáng tạo của mình.
Điểm khác biệt lớn nhất ở thư viện thân thiện thể hiện ở đặc điểm về thái độ ứng xử. Cán bộ thư viện/giáo viên giúp các cháu tìm sách phù hợp với trình độ đọc, làm mẫu thế nào là đọc tốt/đọc hay và thể hiện sự thích thú khi đọc sách, còn các cháu được khuyến khích phô diễn tài năng, khả năng cảm thụ của mình.
Thư viện thực sự khích lệ tất cả các cháu ở mọi trình độ đọc, giúp các cháu cảm thấy thư viện là một nơi thoải mái, hấp dẫn, có nhiều điều thú vị.

Bố trí, sắp xếp góc thư viện thân thiện ở trường mầm non
  Việc bố trí, sắp xếp góc thư viện thân thiện ở trường mầm non được thực hiện hết sức linh hoạt, sáng tạo. Tùy theo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực của nhà trường có thể bố trí phòng thư viện riêng. Tuy nhiên, việc các lớp có góc thư viện thân thiện riêng của lớp là điều kiện thuận lợi cho trẻ tiếp cận sách truyện, tạo nên sự phong phú, thể hiện sự sáng tạo riêng của trẻ và giáo viên các lớp.
Trong lớp học, giáo viên xây dựng thư viện lớp học hoặc góc sách của bé. Mỗi lớp có cách bài trí và sắp xếp riêng, phù hợp và tiện lợi cho trẻ sử dụng. Thư viện trong lớp học nên có nội quy ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Tại các khu vực chơi ở sân trường, vườn cây hay khu vui chơi của bé… đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh, ánh sáng, không gian thoáng mát và giáo viên có thể dễ dàng bao quát hoạt động của trẻ là có thể thiết kế các góc thư viện thân thiện để trẻ sử dụng và phụ huynh có thể đọc sách cùng con trong giờ đón trẻ, trả trẻ.
Để xây dựng các góc “Thư viện thân thiện”, nhà trường và giáo viên còn phải huy động sự đồng tình, hỗ trợ, phối hợp của phụ huynh và nhân dân trên địa bàn, đưa các nét văn hóa đặc sắc của địa phương, của các dân tộc thiểu số tại địa bàn vào nhà trường, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tạo nên môi trường giáo dục gần gũi với đời sống thực tế hang ngày của trẻ;
Nguồn sách, truyện, báo… có thể quyên góp từ: cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường; sách, báo của các trường tiểu học không sử dụng nữa; phụ huynh và có thể do giáo viên, trẻ tự làm…. Có thể cho trẻ sử dụng máy vi tính để khám khá sách truyện quan mạng internet.
Tổ chức hoạt động giáo dục trẻ tại “Thư viện thân thiện
Giáo viên cần có kế hoạch cụ thể cho các giờ trẻ tham gia hoạt động tại thư viện thân thiện theo ngày, tuần và theo chủ đề giáo dục tại lớp sao cho phong phú, đa dạng, linh hoạt và phù hợp với nhu cầu, sở thích của trẻ.
Giáo viên hướng dẫn trẻ cách sử dụng sách có hiệu quả và bảo quản sách, truyện; khuyến khích trẻ tự chủ động lấy sách, tranh, truyện… để xem; vận động cha, mẹ trẻ em đọc sách cho trẻ nghe trong các giờ trả trẻ và đón trẻ.
Để thu hút trẻ, phụ huynh đến với "Thư viện thân thiện" nhà trường, giáo viên các lớp thường xuyên thay đổi sách truyện mới, phù hợp với chủ đề giáo dục của từng lớp đặc biệt là giáo viên thường xuyên quan tâm đến việc tuyên truyền, giới thiệu, tạo hứng thú cho trẻ, phụ huynh đến với thư viện.
Để tránh sự nhàm chán, việc trưng bày sách, truyện và trang trí góc thư viện nên tránh trùng lặp giữa các lớp, tránh sự trùng lặp giữa các lớp với góc chung của trường.
Nếu là phòng thư viện riêng, nhà trường có thời khóa biểu giờ đọc tại thư viện của tất cả các nhóm lớp. Giờ đọc đó được triển khai đúng thời khóa biểu. Có lịch mượn, trả sách cho tất cả các lớp. Ngoài ra, có cán bộ thư viện kiêm nhiệm được tập huấn kỹ thuật để quản lý thư viện và đội ngũ giáo viên cũng được tập huấn về kỹ thuật tổ chức giờ đọc tại thư viện trước khi triển khai hoạt động này.
Việc xây dựng và tổ chức tốt hoạt động của các “Thư viện thân thiện” đảm bảo cho việc duy trì môi trường tiếng Việt một cách thường xuyên gắn với văn hóa địa phương tại các cơ sở GDMN vùng dân tộc thiểu số, góp phần tích cực hướng tới đạt mục tiêu cơ bản nhất của Đề án đối với cấp học Mầm non đó là đảm bảo trẻ có kỹ năng cơ bản trong sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình GDMN./.

Tác giả: Trần Thị Thúy

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập245
  • Thành viên online1
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm221
  • Hôm nay31,196
  • Tháng hiện tại88,178
  • Tổng lượt truy cập135,540,547
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi