banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

GDTX-CN. TẢN MẠN VỀ NGHỀ GIÁO

Chủ nhật - 29/10/2017 21:54
“Ước muốn ngày nào - Ôm ấp trong tim – Mai đây làm cô giáo,...” Khi còn là một cô bé tiểu học, không hiểu sao tôi rất thích làm cô giáo. Có lẽ ở cái độ tuổi ấy, đó là ước mơ không chỉ của riêng tôi. Có thể với thế hệ 8X như chúng tôi, việc không được tiếp xúc với nhiều nghề nghiệp trong xã hội khiến chúng tôi chẳng có nhiều hình dung về nghề nào gần gũi hơn, thực tế hơn và rõ ràng hơn nghề giáo.
Dienbien.edu.vn
"Có một nghề bụi phấn dính đầy tay
   Người ta bảo là nghề trong sạch nhất
   Có một nghề không trồng cây trên đất
      Lại nở cho đời những đóa hoa thơm ...”
 
“Ước muốn ngày nào - Ôm ấp trong tim – Mai đây làm cô giáo,...” Khi còn là một cô bé tiểu học, không hiểu sao tôi rất thích làm cô giáo. Có lẽ ở cái độ tuổi ấy, đó là ước mơ không chỉ của riêng tôi. Có thể với thế hệ 8X như chúng tôi, việc không được tiếp xúc với nhiều nghề nghiệp trong xã hội khiến chúng tôi chẳng có nhiều hình dung về nghề nào gần gũi hơn, thực tế hơn và rõ ràng hơn nghề giáo. Nhưng có lẽ lý do chính là bởi hình ảnh thầy cô giáo là một hình ảnh quá đẹp trong mắt học trò – một hình tượng của tri thức, của sự hi sinh và tình yêu thương vô bờ bến. Tuổi thơ của tôi trôi qua cùng trò chơi đóng vai làm cô giáo với “học trò” là mấy đứa em và vài đứa nhỏ hàng xóm. Và ý thức về nghề giáo theo đó lớn dần trong tôi…
22835310 661534750720982 886022267 n

Nhớ lần đầu tiên bước chân vào cổng trường Đại học Sư phạm với tư cách là một giáo sinh, cảm giác trong tôi thật kỳ lạ. Đó là cảm giác hạnh phúc vì một phần ước mơ đã trở thành sự thật, là cảm giác tự hào xen kẽ với sự hồi hộp, lo lắng... Những năm tháng ngồi trên giảng đường, tình yêu với nghề giáo trong tôi càng được bồi đắp. Tôi vẫn nhớ một thầy giáo ở trường Đại học Sư phạm đã nói với chúng tôi rằng: “Là một nhà giáo, các thầy, các cô phải học cách trở thành một người thông thái, một người thông thái không phải vì mình; một người thông thái vì các  thế hệ học trò biết sống và biết nghĩ… Khi bạn là một người thầy, bạn không bao giờ được phép cô đơn trong suy nghĩ của mình. Một người thầy luôn phải nghĩ hai lần, một lần cho lớp học và một lần cho chính từng học sinh”. Và trường Sư phạm đã không chỉ dạy cho chúng tôi kiến thức mà hơn hết, còn dạy cho chúng tôi trở thành “một người thông thái” để có thể trở thành “người thầy không cô đơn trong suy nghĩ”.

Khi nói đến nghề giáo, từ xưa đến nay, trong văn thơ và cả trong cuộc sống, có rất nhiều cách gọi, cách ví von: Người thầy - người lái đò thầm lặng, người thầy - người trồng tương lai, người thầy – người gieo mầm tương lai,…. Còn đối với tôi, người thầy chính là người truyền cảm hứng. Không phải ngẫu nhiên mà William A. Warrd – nhà giáo dục lỗi lạc của nước Mỹ thế kỉ X lại cho rằng: “Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi biết giải thích. Người thầy xuất chúng biết minh họa. Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”. Có lẽ với bất cứ ai khi đến với nghề giáo cũng từng trăn trở với câu hỏi “Thế nào là một người giáo viên thành công?”. Và câu trả lời chúng ta vẫn thường nghe rằng: thành công của thầy cô là sự trưởng thành của học trò. Thành công của người giáo viên không phải là những tấm bằng khen, là danh hiệu, là địa vị, là bằng cấp mà thành công chính ở ngay trên “sản phẩm” của mình – học trò. Tuy nhiên, không chỉ là sự trưởng thành của học trò mà thành công của người thầy chính ở chỗ phải truyền được cảm hứng cho học trò. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký – người thầy giáo là tấm gương phi thường về nghị lực đã từng chia sẻ: "Người thầy đứng trên bục giảng,  khác với người thợ là phải viết được vào tâm hồn các em ham muốn tìm hiểu, học hỏi và giúp các em trưởng thành hơn sau mỗi tiết học”. Nhà giáo dục Willliam Bato Dit cũng từng nói: “Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn”. Như vậy, người thầy giáo là “người lái đò”, “người gieo mầm tương lai” và cũng là “người truyền lửa” – ngọn lửa của khát khao chinh phục tri thức, ngọn lửa của đam mê khám phá, ngọn lửa của niềm tin và hi vọng. Muốn làm được điều đó thì mỗi người làm nghề giáo phải luôn giữ “ngọn lửa” ấy ở trong tim và lan tỏa nó đến với các thế hệ học trò. Thuyền về bến bình yên có hải đăng làm điểm nhìn, có chiếc neo làm chỗ dựa. Chiếc neo trong tâm hồn mỗi “người lái đò” phải chăng chính là ngọn lửa của lòng yêu nghề và niềm tự hào của người mang trên mình trọng trách cao quý?
22835509 661533597387764 1547560840 n

Mỗi người đến với nghề giáo theo một con đường khác nhau nhưng chắc chắn rằng sẽ không thể đi trọn con đường nếu không có lòng yêu nghề, yêu thương trường lớp và học sinh. Trong sự nghiệp giáo dục với vô vàn những khó khăn thử thách, gánh nặng của áp lực xã hội và trách nhiệm đối với học trò sẽ khiến những nhà giáo không tránh khỏi những ưu tư. Nếu với các đồng nghiệp trẻ mới ra trường, ngọn lửa trong tim còn rực cháy sôi nổi, những hăm hở của buổi đầu lên lớp còn vẹn nguyên những mê say trẻ trung, thì với những người mà tóc đã pha màu thời gian, đã nhiều năm lăn lộn cùng phấn trắng, bảng đen… thì mỗi năm chắc sẽ nghĩ về nghề với một cảm xúc khác, ngày càng lắng đọng, thâm trầm, sâu sắc hơn.
Cái bục giảng không cao
Nhưng đã có đôi người vấp té
Viên phấn của lòng mình
Không giữ nổi trên tay
Buông thả đấy rồi, những ngón loay quay
Sẽ tự mòn đi và rơi rụng
Như người lính không tự cầm lấy súng
Vách chiến hào đâu dễ ấm lưng…
(Bụi phấn - Đoàn Vị Thượng)
 
Lời thơ cũng là lời nhắn nhủ thật ý nghĩa, giúp mỗi người càng ý thức hơn về chỗ đứng trên bục giảng của mình. Để xứng đáng, thầy cô giáo đã không bao giờ tự bằng lòng với ngần ấy kiến thức và kinh nghiệm đã có, vẫn nỗ lực từng ngày, rèn luyện từng ngày về tri thức lẫn tư cách đạo đức người thầy, để xứng đáng với trọng trách, niềm tin mà cộng đồng xã hội đã phó thác cho ngành giáo dục, và gửi gắm trực tiếp, trước tiên ở người thầy. Như lời câu châm ngôn của Usinxki: “Sự gương mẫu của người thầy giáo là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất đối với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không có gì thay thế được”.

Dẫu biết “con đường đến lớp” của mỗi thầy giáo, cô giáo cũng rất đỗi khác nhau, tuy nhiên tôi vẫn tin rằng, dù ở con đường nào thì ở đâu cũng có những người thầy luôn vững chân bước tới. Nhà giáo, như có người so sánh, là cành hoa đào ngày xuân, tự cháy đỏ đời mình để cho mùa xuân rực rỡ. Bao thế hệ qua đi, trên bến sông xưa, người thầy vẫn còn đứng đó, cần mẫn dìu dắt bao lớp học trò:
 
Con đò mộc - mái đầu sương
Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày
Khúc sông ấy vẫn còn đây
Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông...
(Người lái đò – Thảo Nguyên).
 
Không ai có thể đứng mãi trên bục giảng nhưng “ngọn lửa” mà mỗi thầy giáo, cô giáo đã lan tỏa sẽ còn mãi và hóa thân vào chính cuộc đời của học trò: “Thầy thì cũng sẽ già thôi/ Hóa thân vào mỗi cuộc đời các em/ Thì dù phấn trắng bảng đen/ Hành trang ấy đủ thầy đem theo mình”.

Tác giả: Nguyễn Thị Thu Dung

Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 3.3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,158
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm2,135
  • Hôm nay406,665
  • Tháng hiện tại2,875,160
  • Tổng lượt truy cập73,584,540
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi