banner
Nhiệt liệt chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

VP- Giữ vững danh hiệu trường chuẩn quốc gia

Thứ hai - 04/12/2017 04:18
Trở lại Trường PTDTBT THCS Núa Ngam, tại bản Pá Ngam 2, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) sau vài năm, chúng tôi nhận thấy nhiều thay đổi về mọi mặt từ công tác tổ chức quản lý, phương pháp dạy và học đến cảnh quan khuôn viên trường; đặc biệt, môi trường dạy và học trong trường trở nên thân thiện, gần gũi hơn, bởi nhà trường đang thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; năm 2012 nhà trường được UBND tỉnh công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia. Ðể giữ vững danh hiệu đó, các thầy cô và học sinh nhà trường đã cố gắng nỗ lực, tạo nên những thay đổi rõ rệt; đồng thời phấn đấu giữ vững và nâng cao các tiêu chí trường chuẩn quốc gia.

Dẫn chúng tôi đi thăm khuôn viên Trường, thầy giáo Tường Duy Trung, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trường PTDTBT THCS Núa Ngam được thành lập từ năm 2003, trên cơ sở tách ra từ Trường PTCS Núa Ngam. Khi đó, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, các lớp học, nhà công vụ giáo viên đều tạm bợ; trên 80% học sinh là dân tộc thiểu số; thêm vào đó, Núa Ngam là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ðiện Biên... vì vậy ảnh hưởng nhiều tới công tác giáo dục. Giữa vô vàn khó khăn, thiếu thốn như vậy, giáo viên chúng tôi cũng không dám nghĩ tới việc sẽ xây dựng được trường chuẩn quốc gia như bây giờ”.
 
 
Giáo viên và học sinh Trường PTDTBT THCS Núa Ngam chăm sóc bồn hoa, khuôn viên trường.
 
Từ năm 2008, Trường PTDTBT THCS Núa Ngam được các cấp quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, cùng với sự nỗ lực của các thế hệ giáo viên nhà trường trong việc trau dồi chuyên môn, kỹ năng giảng dạy, đổi mới phương pháp dạy học, góp phần nâng cao công tác dạy và học. Ðến nay, nhà trường có 21/29 giáo viên dạy giỏi các cấp, 10/29 giáo viên xếp loại xuất sắc theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Do nhà trường làm tốt công tác tuyên truyền phổ cập giáo dục, vận động học sinh ra lớp nên số lượng học sinh luôn duy trì ổn định, tỷ lệ học sinh khá giỏi ngày càng tăng. Năm học 2017 - 2018, nhà trường có 33,5% học sinh khá, giỏi và 14 học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Từ khi triển khai xây dựng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, mỗi tuần các thầy cô và học sinh nhà trường đều tổ chức lao động chăm sóc khuôn viên trường.

Bên cạnh đó, do số lượng học sinh nhà trường chủ yếu ở bán trú (88,9% số học sinh), ngoài giờ lên lớp, các thầy cô còn xuống tận nhà bán trú, hỏi thăm, động viên, chia sẻ những khó khăn trong học tập, ăn ở, sinh hoạt; lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các em. Cùng các cô giáo trong Trường PTDTBT THCS Núa Ngam xuống thăm các em học sinh ở bán trú, chúng tôi nhận thấy rõ sự gần gũi, thân quen giữa cô giáo và trò. Do xa nhà, nhiều học sinh ở bán trú tới cả tháng hoặc vài tháng mới về nhà một lần; thế nhưng bằng sự quan tâm, yêu thương của các thầy, cô giáo, các em học sinh đã không còn cảm thấy buồn, cô đơn vì nhớ nhà; đồng thời, sinh hoạt, ăn ở lành mạnh, sống đoàn kết, hòa thuận với nhau hơn. Em Lò Thị Phương Thảo, học sinh lớp 9D1 cho biết: “Nhà em ở xã Hẹ Muông, nên khoảng 1 - 2 tháng em mới về thăm nhà một lần. Ở đây chúng em được các thầy cô quan tâm, bảo ban trong việc ăn ở, sinh hoạt, rèn luyện kỹ năng sống xa nhà nên chúng em luôn cảm thấy vui vẻ, yên tâm học hành”.

Buổi tối, sau bữa cơm, chúng tôi thấy học sinh ở bán trú của Trường PTDTBT THCS Núa Ngam tự giác cầm sách, vở lên lớp học để ôn bài. Ở trong môi trường bán trú nhưng các em vẫn chăm chỉ đèn sách, khiến chúng tôi cũng như các bậc phụ huynh cảm thấy yên tâm, phấn khởi với cách tổ chức quản lý, giảng dạy của giáo viên trong trường. Cô giáo Lê Thị Hồi, dạy môn Ngữ văn cho biết: “Mỗi buổi tối từ 7 - 9 giờ, nhà trường tổ chức cho học sinh bán trú lên lớp học bài; cùng với đó, có 5 giáo viên lên lớp để hướng dẫn các em ôn tập. Triển khai mô hình này được vài năm nay, chúng tôi thấy chất lượng học sinh được nâng lên; đồng thời việc tiếp thu kiến thức trên lớp của học sinh cũng được thuận lợi hơn”.

Ở một xã vùng ngoài đặc biệt khó khăn của huyện Ðiện Biên vẫn có những ngôi trường chuẩn quốc gia như Trường PTDTBT THCS Núa Ngam, thật là điều đáng khâm phục. Ở đó, có những thầy, cô giáo nỗ lực hết mình vì sự nghiệp giáo dục vùng khó khăn; có những học sinh bán trú chăm chỉ, nỗ lực cố gắng trau dồi kiến thức. Có được một môi trường học tập thân thiện và học sinh tích cực như vậy, giúp công tác giáo dục vùng cao ngày càng được nâng lên cả về chất lượng và số lượng; góp phần làm nên thành công chung cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà.
Bài, ảnh: Phương Liên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập255
  • Máy chủ tìm kiếm21
  • Khách viếng thăm234
  • Hôm nay44,467
  • Tháng hiện tại1,197,358
  • Tổng lượt truy cập70,487,248
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi