banner

GDTrH - "Một số biện pháp nâng cao chất lượng thi THPT môn Ngữ văn cho học sinh vùng sâu, vùng xa". Tham luận tại Hội thảo Bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng các môn thi THPT quốc gia năm 2016 do Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên tổ ch

Thứ ba - 22/03/2016 04:43
Trong trường phổ thông, môn Ngữ văn được coi là môn học chính, là môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia.
Song Ngữ văn lại là một môn học có đặc thù riêng. Bằng những hình tượng và ngôn từ phong phú sinh động của mình, nó cung cấp cho người đọc những kiến thức về cuộc sống cũng như những điều bí ẩn trong tâm hồn con người, khơi gợi lên một thế giới kỳ ảo, huyền diệu và lung linh sắc màu bởi vẻ đẹp nhân văn trong mỗi sự vật, hiện tượng trong tác phẩm. Từ đó, nó tác động tới tâm tư, tình cảm và góp phần quan trọng để hình thành và phát triển nhân cách, nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội và lịch sử cho học sinh. Chính vì lẽ đó nên môn Ngữ văn không khô khan như một số môn khoa học tự nhiên trong chương trình phổ thông.
Trong nhiều năm qua, bằng sự nỗ lực của toàn ngành, việc dạy và học văn có nhiều chuyển biến tốt, luôn là môn có kết quả thi cao nhất trong các môn thi tốt nghiệp THPT. Song từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới nội dung kiểm tra đánh giá theo hướng mở, đưa các vấn đề cuộc sống, sự kiện lịch sử, xã hội vào đề thi thì kết quả của học sinh chúng ta so với yêu cầu về chuẩn đầu ra của sản phẩm giáo dục cũng khiến chúng tôi, những thầy cô giáo dạy Ngữ văn phải trăn trở. Kết quả thi THPT môn Ngữ văn năm học 2014- 2015 thấp, điểm bình quân cả tỉnh đạt 4,61 điểm. Nếu tách ngành học GDTX thì điểm bình quân môn ngữ văn của tỉnh cũng chỉ đạt 4,81 điểm. Và như vậy mục tiêu lấy các môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý làm cứu cánh cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn trong kỳ thi THPT là chưa đạt được.
Một thực trạng cũng rất đáng suy nghĩ, đó là tại các trường PTDTNT, nơi mà 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, khả năng sử dụng ngôn ngữ, khả năng cảm thụ văn học vốn được coi là hạn chế song điểm bình quân lại khá cao. PTDTNT Tỉnh 6,04; PTDTNT Tuần Giáo 6,13; PTDTNT Điện Biên Đông 5,86, PTDTNT Mường Chà 5,51. Trong khi đó các trường THPT tốp đầu, tập trung các học sinh có đầu vào tốt, đa số là học sinh thành phố, khả năng ngôn ngữ tốt, điểm bình quân cũng không cao. Chuyên Lê Quý Đôn: 5,96; THPT Thành phố Điện Biên Phủ 5,21.
Từ thực tế khảo sát công tác dạy, học, ôn thi tốt nghiệp THPT, người viết đưa ra một số nguyên nhân cơ bản sau:
Nguyên nhân thứ nhất: So với các tỉnh, giáo viên tỉnh Điện Biên luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào các huyện, thị xã, thành phố đã chi rất nhiều kinh phí phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên thường xuyên song chủ yếu mới tập trung bồi dưỡng những vấn đề mới về phương pháp dạy học do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai. Trong khi đó, vẫn còn một số lượng không nhỏ giáo viên Ngữ văn tỉnh ta kiến thức cơ bản về môn học còn rất hạn chế. Người viết xin đưa ra một số ví dụ:
VD 1: Nếu giáo viên các bộ môn khoa học tự nhiên đương nhiên thuộc và giải thích được các định lý, định nghĩa, thuật ngữ khoa học của bộ môn thì đa số giáo viên Ngữ văn lại không giải thích rõ ràng, đầy đủ các thuật ngữ văn học cơ bản như: Văn học là gì, văn chương là gì, Ước lệ là gì, tượng trưng là gì, nhân đạo là gì; nhân bản là gì, nhân văn là gì,… không phân biệt được thế nào là thể, thế nào là loại, thế nào là thể loại…
VD 2: Văn học Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn của văn học Trung Hoa. Chỉ tính riêng truyện Kiều đã có tới 151 điển tích được Nguyễn Du sử dụng, nhưng thử hỏi, mỗi người giáo viên Ngữ văn có thể kể được mấy điển tích? Mà không biết điển tích thì làm sao có thể dạy được truyện Kiều nói riêng và văn học Trung đại nói chung.
VD 3: Với cách ra đề hiện nay, phần đọc hiểu phải huy động rất nhiều kiến thức tiếng Việt cơ bản, song từ năm 2002, chúng ta tiến hành thay sách giáo khoa cấp THCS, rất nhiều khái niệm, nhiều đơn vị kiến thức của bộ môn Tiếng Việt đã được thay đổi, song giáo viên THPT không biết hoặc không cần biết dẫn đến tình trạng học trò THCS khi lên học THPT không hiểu thầy nói gì hoặc trò nghĩ thầy dạy sai. Thêm nữa, phần từ ngữ, ngữ pháp chủ yếu học ở cấp THCS, giáo viên THPT ra trường quá lâu, chủ quan kiến thức, ít tự bồi dưỡng dẫn đến kiến thức không sâu.
VD 4. Các đồng chí cán bộ quản lý đọc hệ thống câu hỏi trong giáo án của giáo viên Ngữ văn đều nhận thấy các câu hỏi phát vấn rất rườm rà, không rõ ý hỏi. Tôi khẳng định có rất nhiều câu hỏi, ngay cả những người có kiến thức văn học cũng không hiểu được giáo viên định hỏi cái gì. Như vậy, tất nhiên học sinh không trả lời được dẫn đến chán học, người dạy thì cho là trò lười, dốt.
Nguyên nhân thứ 2: Đề thi THPT môn Ngữ văn có 03 phần: Phần 1 là phần đọc hiểu, phần 2 là phần nghị luận xã hội và phần 3 là phần nghị luận văn học.
Cấu trúc đề rất rõ ràng song trong thực tế lại gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể:
1. Phần đọc hiểu: Phần này gồm 8 câu hỏi đọc hiểu văn bản thông tin và văn bản nghệ thuật. Đây là phần được coi là dễ trong đề thi nhưng thực chất lại là phần rất khó bởi hai nguyên nhân:
Năng lực của người dạy: Một lượng lớn giáo viên Ngữ văn tuy được đào tạo bài bản song trước đây, toàn bộ giáo viên dạy môn ngữ văn nói riêng và các bộ môn khoa học xã hội nói chung đều học theo chương trình cũ, chủ yếu là nhồi nhét kiến thức, học theo mẫu có sẵn, năng lực môn học, năng lực bao quát chương trình giáo dục phổ thông, năng lực đánh giá các vấn đề xã hội, năng lực giải thích các khái niệm, các thuật ngữ văn học, thuật ngữ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội rất hạn chế; Việc đổi mới hình thức dạy học và ra đề kiểm tra đánh giá đã triển khai nhiều năm song giáo viên lại chưa thực sự làm chủ các yêu cầu về nội dung và hình thức của đề mà chỉ dừng lại ở sự mô phỏng trên phương diện hình thức.
Năng lực của người học: Học sinh tỉnh Điện Biên đa số là học sinh dân tộc thiểu số, việc sử dụng ngôn ngữ rất hạn chế, dẫn đến khó khăn trong đọc hiểu văn bản.
2. Phần Nghị luận xã hội: Phần này yêu cầu thí sinh bàn bạc, nêu ý kiến của mình về một tư tưởng, đạo lí, một vấn đề chính trị- xã hội hoặc một hiện tượng đời sống. Trong chương trình Ngữ văn THPT, các em được học ba dạng bài nghị luận xã hội: nghị luận về một tư tưởng, đạo lí; nghị luận về một hiện tượng đời sống và nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học. Đây là phần thi cũng được cho là dễ bởi không cần học cũng có thể làm được ít nhiều song thực tế lại không như vậy. Học sinh chúng ta làm phần này rất kém. Nguyên nhân:
Năng lực của người dạy: Trong giới trí thức, giáo viên là những người được đánh giá cao về kiến thức khoa học. Điều này đã được thực tế khẳng định. Song kiến thức xã hội lại là một vấn đề khác. Cơ chế thị trường ảnh hưởng vào các ngành, nghề, các lĩnh vực song lại ảnh hưởng rất ít đến trường học. Chính vì thế giáo viên cũng lại là những người ít quan tâm, nhận xét, đánh giá các vấn đề xã hội. Công thêm, ngày ngày tiếp xúc với học trò, với tư duy trẻ nhỏ nên các vấn đề xã hội được đặt ra trong các bài dạy, các đề thi, các bài kiểm tra được các thầy cô giáo giải quyết một cách rất đơn giản, thiếu thực tế, thiếu thuyết phục, thiếu tính định hướng cho người học.
Năng lực của người học: Đa số các trường THPT tỉnh Điện Biên thuộc các huyện vùng đặc biệt khó khăn, ít có điều kiện đọc sách báo, xem tivi, ít tiếp cận thông tin và va chạm xã hội nên thiếu hiểu biết về các vấn đề xã hội là chuyện tất yếu.
 
(Trao đổi, thảo luận sau một giờ học. Ảnh minh họa)
3. Phần nghị luận văn học: Câu hỏi nghị luận văn học rất đa dạng về nội dung và cách hỏi. Đề văn có thể yêu cầu các em phân tích, cảm nhận về một tác phẩm văn học hoặc một đoạn trích; phân tích vấn đề nội dung hoặc nghệ thuật của tác phẩm; bình luận về một ý kiến bàn về văn học hoặc so sánh văn học…Đây là phần quen thuộc, ít có sự thay đổi, tuy nhiên kết quả làm bài thi phần này cũng chưa cao, nguyên nhân:
Năng lực của người dạy: Môn Ngữ văn là một môn học khó; Với tư cách là môn khoa học, môn Ngữ văn đòi hỏi người dạy phải có kiến thức sâu rộng về Lịch sử, Địa lý, Triết học, Văn hóa học, Mỹ học… đồng thời đòi hỏi khả năng nhận xét, đánh giá đối tượng văn học dựa trên các đặc trưng thể loại, đặc điểm tư tưởng văn hóa, chính trị, thẩm mỹ của mỗi thời đại.
Với tư cách là bộ môn nghệ thuật, môn ngữ văn là sự tổng hợp của nhiều ngành nghệ thuật (Thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc…) điều này đòi hỏi người giáo viên văn phải có ít nhiều tư chất của người làm nghệ thuật. Song đây là điều khó bởi rất nhiều thầy cô giáo dạy văn đến với môn ngữ văn không phải vì có tư chất, vì có sở thích mà đơn giản chỉ coi đây là một nghề. Cũng chính vì vậy mà người giáo viên ngữ văn không làm cho học sinh thấy được cái hay, đẹp của môn học, không khơi dậy được cảm xúc cho học sinh trong giờ học.
Vài năm trở lại đây, đề thi thường đòi hỏi tính sáng tạo hoặc ra dưới dạng so sánh văn học. Với dạng đề này, người dạy phải nắm vững kiến thức lý luận văn học, khi dạy các tác phẩm cụ thể phải bám vào đặc trưng thể loại của tác phẩm, đồng thời phải làm chủ kiến thức môn học từ lớp 6 đến lớp 12. Điều này không mới song không phải giáo viên nào cũng làm được.
Năng lực của người học: Học sinh không muốn hoặc không thích học văn, coi học văn là yếu đuối, là lãng mạn…. Môn Ngữ văn không được đón nhận nồng nhiệt như các môn khoa học khác. Học sinh thờ ơ với những vấn đề đặt ra trong tác phẩm. Số phận nhân vật, tiếng nói tâm tình của tác giả ít gây được sự đồng cảm với học sinh.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như định hướng xã hội, định hướng nghề nghiệp, chất lượng dạy học cấp dưới… nhưng tôi xin phép không bàn ở đây bởi theo tôi, tại hội thảo này, chúng ta cần tập trung vào các vấn đề chủ quan mà chúng ta có thể khắc phục được.
Nguyên nhân thứ 3: Trong hướng dẫn nhiệm vụ Giáo dục trung học năm học 2014-2015, Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo đều chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với năng lực người học, theo đó, giáo viên được chủ động lược bớt những phần kiến thức hàn lâm, không phù hợp với năng lực của học sinh để đầu tư thời gian vào những đơn vị kiến thức phù hợp với năng lực học sinh. Song đáng tiếc, các đơn vị không hề quan tâm đến việc này, phải đến khi, Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, nhắc nhở việc này mới được tiến hành vào đầu năm học 2015-2016.
Trong các cuộc hội nghị, hội thảo, chúng ta đã đề ra nhiều giải pháp như: tổ chức triệt để dạy học bám sát đối tượng, quan tâm nhiều đến học sinh, đặc biệt học sinh yếu; tận dụng thời gian học của học sinh trên lớp, đặc biệt thời gian tự học của học sinh bán trú, có hình thức phù hợp để học sinh giúp đỡ nhau học tập ngay trong giờ học và giờ tự học, đổi mới một số hoạt động dạy học hoặc ngoại khóa, tận dụng giờ sinh hoạt tập thể để hoạt động, thành lập câu lạc bộ môn Ngữ văn, xây dựng kế hoạch dạy phụ đạo ngay từ đầu năm học… Song thực tế, để thực hiện được những giải pháp ấy, phải giải quyết được vấn đề cơ bản gốc rễ đó là vấn đề con người mà cụ thể là người thầy. Vì vậy, theo ý kiến chủ quan của tôi, trước mắt, chúng ta cần triệt để thực hiện các giải pháp Nâng cao chất lượng giáo viên bằng cách:
Nâng cao nhận thức và trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ giáo viên dạy văn trong các nhà trường.
Tổ chức các cuộc hội thảo, bồi dưỡng chuyên đề, trong đó quan tâm nhiều hơn đến việc bồi dưỡng kiến thức cơ bản cho giáo viên.
Lãnh đạo các đơn vị cần quan tâm nhiều hơn đến công tác tự bồi dưỡng giáo viên của đội ngũ giáo viên trường mình quản lý.
Nâng dần độ khó của đề kiểm tra kiến thức giáo viên hè.
Mạnh dạn phân loại giáo viên, chuyển thực hiện nhiệm vụ khác đối với các giáo viên không đạt yêu cầu.
Khoán chất lượng thi đầu ra cho tổ bộ môn và giáo viên.
Biên soạn ngân hàng đề kiểm tra đánh giá môn ngữ văn theo chuẩn để giáo viên và học sinh vận dụng.
Đầu tư mua một số bộ từ điển Tiếng Việt cho giáo viên và học sinh sử dụng để nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ.
 
(Trao đổi thảo luận môn Ngữ văn tại Hội nghị)
Tiếp tục thực hiện tốt văn bản số 738 /HD-SGDĐT ngày 01/6/2015 về việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh, tránh tình trạng hình thức. Tăng cường dự giờ, kiểm tra giáo án giáo viên đứng lớp, đối chiếu với kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh của giáo viên xây dựng nhằm khắc phục tình trạng kế hoạch có mới nhưng dạy vẫn như cũ.
Thành lập các câu lạc bộ giáo viên dạy văn, câu lạc bộ viết văn, câu lạc bộ thơ nhằm hình thành tình yêu văn chương cho cán bộ giáo viên và học sinh.
Tổ chức thường xuyên các cuộc thi sáng tác truyện, thơ. Đưa nội dung kể chuyện, ngâm, đọc thơ vào các chương trình văn nghệ nhằm khuyến khích học sinh đọc truyện, đọc thơ…
Để giáo viên Ngữ văn có thể làm tốt hơn vai trò, nhiệm vụ, tôi cũng xin có một số kiến nghị:
Các cấp quản lý giáo dục cần quan tâm nhiều hơn nữa với môn Ngữ văn như các môn tự nhiên khác vì nó đòi hỏi sự tư duy, kỹ năng làm bài chứ không đơn thuần là thuộc bài, “vẽ hươu vẽ vượn” trong bài cũng có điểm như nhiều người đã nghĩ.
Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức định kỳ cuộc thi sáng tác truyện, thơ cấp tỉnh dành cho học sinh cấp THCS, THPT.
Văn học không chỉ là một bộ môn khoa học vì nó đòi hỏi sự sáng tạo, tư duy lô-gic mà văn học còn là một nghệ thuật. Người giáo viên dạy văn không chỉ là một người nghiên cứu khoa học mà còn là một nghệ sĩ. Hơn lúc nào hết, giáo viên phải truyền cho học sinh mình ngọn lửa của cuộc sống, của lòng yêu nghề, sưởi ấm những trái tim bé bỏng, cùng học sinh mình buồn vui, yêu ghét với thế giới văn học, giúp học sinh thoát khỏi vùng trũng của kiến thức, vượt qua tâm thế chán nản, sợ sệt hoặc ghét môn Ngữ văn.
Trên đây là một vài suy nghĩ là một vài suy nghĩ về biện pháp cải thiện việc dạy, học văn của tôi. Dù đơn giản nhưng đôi khi chúng ta dễ bỏ qua, chỉ chú trọng đến những phương pháp lý tưởng hóa việc dạy và học mà quên mất rằng với học sinh vùng sâu, vùng xa, việc hiểu và viết được một bài văn không phải là chuyện dễ dàng.

Tác giả: Đoàn Trần Hiệp- Phó trưởng phòng GDTrH

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập192
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm175
  • Hôm nay23,644
  • Tháng hiện tại686,328
  • Tổng lượt truy cập136,138,697
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi