Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển phát biểu khai mạc
Đến dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo phòng Nghiệp vụ, Thanh tra tỉnh; phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Điện Biên Phủ; phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên; đại diện lãnh đạo các trường: Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật, Cao đẳng Y tế, Cao đẳng Nghề; lãnh đạo, thanh tra viên, chuyên viên thanh tra; đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn nghiệp vụ Sở Giáo dục và Đào tạo; phía các đơn vị trực thuộc có đại diện lãnh đạo: trường Cao đẳng Sư phạm, Trung tâm GDTX tỉnh, trường PTDTNT tỉnh, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và đại diện một số lãnh đạo trường THPT trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.
Ảnh Hội thảo (tại điểm cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên).
Đánh giá kết quả thực hiện đổi mới công tác thanh tra từ năm học 2013-2014 đến nay của các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Tống Duy Hiến cho biết, số đơn vị được thanh tra mỗi năm học ít hơn so với trước đây. Các cuộc thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành đã tác động vào hệ thống, góp phần thúc đẩy hoạt động quản lý giáo dục của ngành.
Từ tháng 01/2014 đến tháng 8/2015, Sở Giáo dục và Đào tạo 63 tỉnh, thành trong cả nước thanh tra hành chính được 612 cuộc, nội dung thanh tra chủ yếu là việc thực hiện quy định về tổ chức, biên chế của các cơ sở giáo dục trực thuộc; trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trực thuộc; việc thực hiện quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh… Thanh tra chuyên ngành được 1030 cuộc, nội dung chủ yếu là thanh tra việc quản lý dạy thêm, học thêm, các khoản thu, chi đầu năm học, việc thực hiện quy định về mặc đồng phục; việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; ... Thanh tra đột xuất được 105 cuộc, nội dung thanh tra chủ yếu tập trung vào việc thanh tra công tác quản lý, sử dụng các khoản thu thỏa thuận đầu năm học, thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo, công tác quản lý dạy thêm học thêm, mua sắm tài sản công, công tác quản lý tài chính…
Hội thảo được nghe ý kiến tham luận của nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo đại diện cho nhiều vùng, miền trong cả nước, các ý kiến tham luận tập chung chủ yếu vào một số vấn đề cơ bản trong công tác thanh tra như: Xây dựng lực lượng thanh tra Sở và cộng tác viên thanh tra của Sở; các điều kiện cho hoạt động thanh tra; xây dựng kế hoạch công tác thanh tra, hướng dẫn công tác kiểm tra; tổ chức hoạt động thanh tra; công tác phối hợp giữa Thanh tra tỉnh với Thanh tra sở, Thanh tra huyện với Phòng Giáo dục và Đào tạo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ảnh Hội thảo (tại điểm cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên).
Qua Hội thảo, đánh giá việc thực hiện công tác thanh tra của các Sở Giáo dục và Đào tạo từ năm học 2013-2014 đến nay theo Nghị định số 42/2013/NĐ-CP ngày 09/5/2013 và Thông tư số 39/2013/TT-BGDĐT ngày 04/12/2013. Hội thảo đã góp phần nâng cao nhận thức về đổi mới công tác thanh tra cho Lãnh đạo Sở, cán bộ quản lý, thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra, công chức làm công tác thanh tra của các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục...; đề ra một số biện pháp giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác thanh tra tại một số địa phương.
Kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của công tác thanh tra sau 2 năm thực hiện Nghị định 42, Thông tư 39, ghi nhận các ý kiến tham luận của các Sở Giáo dục và Đào tạo về công tác thanh tra. Thứ trưởng đã nhấn mạnh, để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, thanh tra giáo dục cần phải tiếp tục đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra.
Thứ trưởng đề nghị, kế hoạch thanh tra theo hướng giảm số đơn vị được thanh tra nhưng bao quát được các nội dung cơ bản trong hoạt động của các đơn vị; hoạt động thanh tra chuyển trọng tâm từ thanh tra chuyên môn sang thanh tra trách nhiệm quản lý của thủ trưởng đơn vị; đồng thời tập trung thanh tra vào một số nội dung gây bức xúc dư luận xã hội.
Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển yêu cầu, Thanh tra Bộ sớm hoàn thiện trình lãnh đạo Bộ, ban hành Đề án “Tăng cường năng lực thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT giai đoạn 2015-2020, nhằm hoàn thiện công tác thanh tra, phục vụ công tác quản lý giáo dục.
Hội thảo kết thúc tốt đẹp theo đúng kế hoạch./.