Trường Tiểu học Xuân Lao huyện Mường Ảng là một trong 68 trường tham gia Dự án Mô hình trường học mới, với tổng số 351 học sinh, đa phần là con em các dân tộc Mông, Khơ Mú và dân tộc Thái. Việc đổi mới phương pháp dạy học trong những giai đoạn đầu đối với nhà trường quả là một khó khăn tưởng như không thực hiện được, bởi phương pháp dạy học truyền thống đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của mỗi giáo viên, học sinh và cả các bậc phụ huynh. Nhưng bằng sự quyết tâm của Ban giám hiệu, sự vào cuộc của mỗi thầy cô giáo trong nhà trường, sự ủng hộ của chính quyền địa phương, phụ huynh và các em học sinh, cho đến nay công tác dạy học đã dần đi vào ổn định và có những kết quả tốt đẹp.
Trường Tiểu học Xuân Lao- huyện Mường Ảng Nhìn lại quá trình hơn 3 năm thực hiện đổi mới phương pháp theo Mô hình trường học mới, Thầy giáo Ngô Trọng Định- Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: Mô hình trường học mới được triển khai đã làm thay đổi diện mạo trường học, đặc biệt là đối tượng học sinh. Các em mạnh dạn, tự tin hơn rất nhiều so với trước đây; năng lực, ý thức trách nhiệm với công việc được giao cũng ngày càng được bộc lộ. Với phương pháp này học sinh được tự học, trải nghiệm, hợp tác để chiếm lĩnh kiến thức. Việc đổi mới phương pháp cũng giúp cho đội ngũ giáo viên của nhà trường thay đổi cách giảng dạy một chiều mà chuyển sang hướng dẫn học sinh tiếp cận và tự tìm hiểu kiến thức mới.
Đến với trường Trường Tiểu học Xuân Lao huyện Mường Ảng, chúng tôi thấy điều chuyển biến rõ nét nhất chính là hoạt động học của học sinh. Các em đã hoàn toàn chủ động để khám phá và tìm ra tri thức trong từng hoạt động của bài học. Nhóm trưởng mạnh dạn, tự tin điều khiển nhóm học tập, thảo luận, nêu vấn đề và biết cách giải quyết vấn đề; nêu yêu cầu đề xuất với giáo viên; biết tự đánh giá mình và đánh giá bạn.
Học sinh tham gia học tập theo Mô hình trường học mới
Mô hình VNEN là mô hình “mở”, tạo cơ hội để nhà trường, gia đình, các đoàn thể và cộng đồng xã hội cùng phối hợp với nhau chặt chẽ hơn trong việc giáo dục học sinh. Cha mẹ học sinh được trực tiếp tham gia vào quá trình giáo dục, đánh giá con em mình thông qua việc quan sát các kĩ năng thực hành của các con trong giờ học trên lớp và phần thực hành ứng dụng tại nhà. Nhờ có các hoạt động tập thể, hoạt động trải nghiệm đó mà mối quan hệ giữa nhà trường, phụ huynh và cộng đồng ngày càng gắn kết. Trong những năm qua, trường Tiểu học Xuân Lao đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động được sự tham gia, ủng hộ rất tích cực của phụ huynh học sinh: Ủng hộ vật chất, ngày công lao động nhằm tôn tạo cảnh quan môi trường luôn xanh, sạch, đẹp theo hướng thân thiện.
Học sinh học tập dưới sự hướng dẫn của nhân viên hỗ trợ giáo viên
Là một trong 59 trường được Ban quản lý Dự án tỉnh phê duyệt thực hiện quỹ 2. Hàng năm, trường nhận hỗ trợ 4.000 USD từ Dự án cho điểm bản Co Hón để tổ chức bữa ăn trưa cho học sinh. Điểm bản Co Hón gồm 124 học sinh chủ yếu là dân tộc Mông. Với số lượng học sinh đông và để thực hiện tốt các bữa ăn cho học sinh, nhà trường đã vận động được từ phía phụ huynh cùng chung tay góp sức, hỗ trợ thêm gạo, củi cùng nhà trường tổ chức những bữa ăn trưa vừa đảm bảo chất lượng, vệ sinh giúp các em vừa phát triển thể chất vừa tham gia các hoạt động học tập được tốt hơn. Trao đổi với chúng tôi, Bác Lò Văn Phúc- Đại diện Hội cha mẹ học sinh cho biết: Hội cha mẹ chúng tôi rất tin tưởng vào việc đổi mới phương pháp theo Mô hình trường học mới. Bởi với Mô hình này con em chúng tôi không bị gò bó trong các hoạt động học tập, các em lại được hỗ trợ ăn trưa tại một số điểm trường, việc làm đó phần nào giảm bớt gánh nặng cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong bản. Chúng tôi lại được cùng nhà trường tham gia vào việc đánh giá quá trình học tập của con mình. Chúng tôi cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục vào Đào tạo đã quan tâm tạo điều kiện cho con em chúng tôi có một môi trường học tập gần gũi, thân thiện, năng động và sáng tạo.
Học sinh ăn trưa tại điểm bản Co Hón- trường Tiểu học Xuân Lao Giờ đây, mỗi lần đến với các trường tham gia Dự án Mô hình trường học mới chúng tôi lại có thêm nhiều điều ngạc nhiên. Bởi cách đây chưa lâu, giáo viên thì bỡ ngỡ với cách tổ chức các hoạt động học tập, còn học sinh thì e dè, nhút nhát nhất là các hoạt động tự quản, tự học. Vậy mà giờ đây, trường lớp khang trang; học trò năng động, sáng tạo, tự tin trong việc tiếp thu kiến thức mới. Mô hình trường học mới đã tạo nên một môi trường giáo dục thân thiện hơn, là điều kiện tốt để các em phát triển và thể hiện bản thân một cách toàn diện nhất.
Có thể thấy, tất cả các hoạt động trên đều nhằm mục đích góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh, tạo điều kiện giúp giáo viên đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục tiểu học, đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập của học sinh; khuyến khích học sinh học tập tích cực, hình thành năng lực, phẩm chất cho các em từng bước góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường./.