Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chủ trì hội nghị trực tuyến
Tại hội nghị, đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng kỳ thi THPT quốc gia 2015 được tổ chức thành công, kết quả khách quan và tin cậy, nhận được sự đồng thuận cao của toàn xã hội. Các Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 được tổ chức từ ngày 01/7/2015 đến ngày 04/7/2015 tại 99 cụm thi (gồm 38 cụm thi liên tỉnh do các trường Đại học chủ trì và 61 cụm thi tỉnh do các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì). Có hơn 1 triệu thí sinh dự thi, trong đó có hơn 72% thí sinh dự thi tại cụm thi liên tỉnh và gần 28% thi tại cụm thi tỉnh. Kỳ thi đã được đánh giá là tổ chức thành công, an toàn, nghiêm túc theo đúng tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW. Kỳ thi có nhiều tác động tích cực ở một số phương diện: Giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình thí sinh và xã hội; Hạn chế dạy thêm, học thêm, tạo điều kiện cho việc tổ chức thi nghiêm túc; Tác động tích cực đến đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường phổ thông; tạo tiền đề đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Tạo cơ hội bình đẳng cho các vùng miền, đặc biệt là các vùng khó khăn nâng cao tính cạnh tranh giữa các trường Đại học, cao đẳng; Tạo thuận lợi cho việc xét tuyển vào trường đại học, cao đẳng.
Tuy nhiên, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 cùng còn bộc lộ một số hạn chế cần rút kinh nghiệm: Chưa làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích rõ cho thí sinh về những ưu điểm, thuận lợi của phương thức đăng ký xét tuyển và thay đổi đăng ký xét tuyển tại các trường THPT và Sở Giáo dục và Đào tạo nên đã xảy ra hiện tượng một số thí sinh và người nhà đến trực tiếp các trường đại học, cao đẳng để nộp và rút đăng ký xét tuyển gây tốn kém, bức xúc trong dư luận. Quy định thời gian xét tuyển đợt I tới 20 ngày với mục đích đáp ứng nguyện vọng của các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi điều kiện kinh tế xã hội, phương tiện giao thông và truyền thông khó khăn, tạo điều kiện cho thí sinh và gia đình có thời gian nộp hồ sơ và thay đổi nguyện vọng xét tuyển; song mức thời gian này lại làm cho nhiều thí sinh và gia đình lo lắng về việc cập nhật thông tin, theo dõi biến động của việc đăng ký xét tuyển, gây tâm trạng mệt mỏi, tạo dư luận không tốt. Phần mềm xét tuyển cũng cần được hoàn thiện hơn.
Khi bàn về việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016, có nhiều ý kiến đề xuất:
- Nhiều ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tiếp tục tổ chức cụm thi tại tỉnh cho các thí sinh chỉ thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT như năm 2015. Năm 2016, cần thực hiện tốt hơn nữa sự phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với trường Đại học, cán bộ, giảng viên của các trường đại học sẽ tham gia nhiều hơn và cần được phân công làm công tác coi, chấm thi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị Bộ chỉ tổ chức cụm thi do trường Đại học chủ trì phối hợp với địa phương ở mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương mà không tổ chức cụm thi riêng cho các thí sinh chỉ thi với mục đích xét tốt nghiệp THPT.
- Có một số đại biểu có ý kiến về chính sách ưu tiên được chia thành 2 nhóm đối tượng; 4 khu vực tuyển sinh; mức chênh lệch giữa 2 nhóm ưu tiên là 1 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm đối với thang điểm 10, là chưa phù hợp. Điều này dễ tạo tâm lý về sự thiếu công bằng do khoảng chênh lệch ưu tiên giữa các đối tượng lớn (mức chênh lớn nhất giữa thí sinh không được ưu tiên và thí sinh được ưu tiên nhiều là 3,5 điểm).
- Đối với ngày thi, đa số đại biểu cho rằng nên tổ chức trong 4 ngày như năm 2015 trong khi một số khác đề nghị rút xuống trong 3 ngày, trong đó cặp môn Lịch sử và Sinh học thi cùng giờ, cặp môn Địa lý và Hóa học thi cùng một giờ. Việc rút xuống 3 ngày tránh được thời gian tổ chức thi kéo dài, song cũng phải được lấy ý kiến rộng rãi, nghiên cứu kỹ lưỡng do ảnh hưởng đến quyền lợi của một số ít thí sinh vì không thể chọn đồng thời các môn cùng cặp (năm 2015 số thí sinh chọn cặp môn Hóa học và Lịch sử chiếm 0,4%, chọn cặp môn Sinh học và Địa lý chiếm 2%).
Kết thúc hội nghị, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển kết luận năm 2016 tiếp tục tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở để xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Phát huy các ưu điểm và khắc phục hạn chế của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015. Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn lắng nghe các ý kiến tham gia để tổ chức thành công kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016./.