banner

GDMN- Chia sẻ kinh nghiệm số 43 Một số biện pháp giáo dục vệ sinh cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non

Thứ hai - 11/12/2017 22:31
Dienbien.edu.vn- Sức khỏe là tài sản quý giá nhất của mỗi con người, ngoài yếu tố di truyền, chăm sóc sức khỏe về chế độ dinh dưỡng hợp lí thì sức khỏe còn phụ thuộc nhiều vào yếu tốt chăm sóc vệ sinh. Đối với trẻ mầm non việc giáo dục ý thức vệ sinh nhằm giúp trẻ khỏe mạnh, có thói quen vệ sinh, có hành vi văn minh và phòng chống bệnh tật. Chính vì vậy, công tác chăm sóc, giáo dục vệ sinh cho trẻ là việc làm vô cùng thiết thực, giúp trẻ hình thành và giáo dục trẻ có những thói quen vệ sinh hàng ngày như rửa mặt, đánh răng, chải tóc, rửa tay..., giúp cho cơ thể trẻ phát triển tốt, bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh tật, tránh được những dị tật và thích nghi được với điều kiện sống, hình thành những thói quen, nền nếp tốt.
Đối với trẻ mầm non, bên cạnh nhu cầu được yêu thương, chăm sóc và giúp đỡ từ phía người lớn, trẻ cũng cần và có nhu cầu hiểu biết, khám phá, tham gia vào các hoạt động vừa sức để củng cố sức khỏe của chúng như vệ sinh cá nhân, lao động trực nhật, lao động ngoài trời, rèn luyện sức khỏe... Nếu có được những kiến thức về giáo dục mầm non, người lớn có thể tạo môi trường cho trẻ hoạt động, sử dụng các biện pháp giáo dục phù hợp, lôi cuốn trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động khác nhau nhằm tạo điều kiện cho trẻ tích lũy kinh nghiệm và có thái độ tích cực đối với việc chăm lo sức khỏe cho bản thân. Số này xin giới thiệu cùng đồng nghiệp “Một số biện pháp giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non”.
 
Anh 1
Hoạt động rửa mặt trước giờ ăn trưa của các bé Trường mầm non xã Thanh Xương, huyện Điện Biên
 
Nội dung giáo dục vệ sinh cho trẻ 

Thói quen vệ sinh cá nhân: Việc giữ vệ sinh thân thể không những chấp hành những yêu cầu vệ sinh, mà còn nói lên mức độ quan hệ của con người đối với nhau. Bởi vì, chính việc thực hiện các yêu cầu về vệ sinh là thể hiện sự tôn trọng mọi người xung quanh. Các thói quen vệ cá nhân bao gồm: thói quen rửa mặt, rửa tay; đánh răng, chải tóc; thói quen mặc quần áo sạch sẽ; khi ho hoặc hắt hơi biết che miệng, mũi; trước và sau khi ngủ phải biết làm vệ sinh cá nhân...

Thói quen vệ sinh môi trường: Giáo dục cho trẻ về tác hại do ô nhiễm môi trường gây ra cho con người như không khí và nước bị ô nhiễm, các động vật trung gian truyền bệnh phát triển.

Vệ sinh môi trường bao gồm: Vệ sinh phòng nhóm, đồ dùng, đồ chơi; vệ sinh khuôn viên trong và ngoài nhà trường; giữ sạch nguồn nước và xử lí rác, nước thải. Vệ sinh trong học tập, lao động, luyện tập thể dục thể thao phù hợp với lứa tuổi, giới tính để phòng tránh bệnh tật, tai nạn thương tích thường gặp và nâng cao sức khỏe cho mỗi cá nhân.

Ngoài ra, dinh dưỡng và vệ sinh ăn uống như: Cải tiến bữa ăn, dinh dưỡng hợp lý; đảm bảo vệ sinh an toàn lương thực thực phẩm; phòng tránh ngộ độc thức ăn và các bệnh do rối loạn dinh dưỡng (suy dinh dưỡng, béo phì, bướu cổ, thiếu máu) cũng là một trong những nội dung mà giáo viên mầm non cần quan tâm.
         
Phương pháp và hình thức giáo dục vệ sinh cho trẻ 

Việc giáo dục thói quen vệ sinh cho trẻ được tiến hành thông qua các hoạt động ở trường mầm non. Bằng các hoạt động phong phú, đa dạng như: vui chơi, lao động; sinh hoạt hàng ngày, ăn, ngủ... trẻ được hình thành thói quen, rèn luyện kỹ năng và phát triển những xúc cảm tốt đối với quá trình thực hiện. Các hoạt động thống nhất với nhau, hỗ trợ và bổ sung cho nhau nhưng chúng có ưu thế riêng đối với việc giáo dục thói quen vệ sinh cho trẻ, do đó cần đa dạng hóa và luôn có ý thức tích hợp giáo dục thói quen vệ sinh cho trẻ trong khi tổ chức các hoạt động cho trẻ.
         
anh2
Các bé mẫu giáo lớn Trường mầm non Thị trấn Điện Biên Đông
         
Thông qua hoạt động giáo dục

Hoạt động học được tổ chức có chủ định theo kế hoạch, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của cô giáo. Hoạt động học ở mẫu giáo được tổ chức chủ yếu thông qua hình thức trò chơi. Trong hoạt động này có thể sử dụng các phương pháp như: kể chuyện, trình bày trực quan, nêu gương; tổ chức trò chơi, xử lí các tình huống, giao nhiệm vụ… Để tiến hành hoạt động học cần thực hiện theo trình tự:

- Nghiên cứu nội dung, phương pháp tổ chức, phương tiện hoạt động học tập;

- Xác định mục tiêu, nội dung giáo dục vệ sinh cần lồng ghép vào hoạt động học tập, vui chơi: thực hiện các nội dung cụ thể nào; thực trạng về mức độ hình thành thói quen đó ở trẻ; có thể tạo ra các tình huống thực để trẻ có cơ hội thể hiện kỹ năng, thói quen đã được hình thành ở chúng (cho trẻ được quan sát, tham quan, ví dụ như thói quen rửa tay với xã phòng…). Quá trình tổ chức hoạt động cấu trúc như sau:

+ Phần cung cấp tri thức: là những tri thức mới được lồng ghép một cách tự nhiên.

+ Phần củng cố tri thức: việc lồng ghép được tiến hành dưới dạng cho trẻ liên hệ thực tế, gợi lại những điều trẻ đã biết, đưa ra các tình huống cho trẻ giải quyết.

Tạo tình huống cho trẻ có cơ hội luyện tập dưới hình thức trò chơi hoặc bài tập tình huống, cho trẻ liên hệ với bản thân hoặc giao nhiệm vụ cho trẻ.

Giáo dục vệ sinh thông qua chế độ sinh hoạt hàng ngày

Nội dung giáo dục thói quen vệ sinh trong cuộc sống hàng ngày phụ thuộc vào nội dung hoạt động và sinh hoạt của trẻ. Muốn xác định nội dung cụ thể cần phân tích cuộc sống của trẻ  thành hệ thống các hoạt động, các mối quan hệ. Từ đó, phân tích việc làm, các cách cư xử và các thao tác, cử chỉ…

Ví dụ: Như khi ở nhà trẻ không vứt giấy, lá bừa bãi làm bẩn và ô nhiễm môi trường sẽ gây ra nhiều bệnh tật. Khi ở lớp trong giờ học không khạc nhổ bừa bãi ra lớp, không vứt đồ chơi lung tung, không xô đẩy bàn ghế,... như thế đã hình thành cho trẻ một thói quen đã biết giữ vệ sinh chung. Khi cho trẻ chơi ở ngoài trời cô cho trẻ chơi đồng thời giáo dục trẻ luôn giữ vệ sinh trường lớp sạch sẽ, không vứt giấy, lá ra sân trường, ra lớp. Không nghịch đất cát, không vẽ bừa bãi lên tường, lên cửa lớp. Để cho môi trường lớp và cá nhân trẻ được sạch sẽ cô luôn động viên nhắc trẻ ở mọi lúc mọi nơi thì mới tạo cho trẻ một thói quen vệ sinh môi trường và vệ sinh sạch sẽ.
         
Việc tổ chức giáo dục thói quen vệ sinh cho trẻ qua sinh hoạt hàng ngày được tiến hành theo các bước:

Bước 1: Trẻ định hướng vào “mẫu” cần giáo dục trẻ. Đó là mẫu hành động tích cực của người lớn, là những người trẻ yêu mến, tin tưởng, gần gũi đối với chúng; khen ngợi những hành động tốt kịp thời; làm rõ và gây ấn tượng của trẻ với những gương tốt của các nhân vật trong truyện, thơ, tranh ảnh.

Bước 2: Tổ chức cho trẻ luyện tập. Cần phải tạo điều kiện cho trẻ luyện tập theo “mẫu” đã được định hướng. Trong quá trình luyện tập cần chú ý: tạo được hứng thú luyện tập cho trẻ; hình thành những kỹ năng đúng ngay từ đầu (không vội vã, phải kịp thời uốn nắn điều chỉnh); việc kiểm tra đánh giá phải được thực hiện trong suốt quá trình luyện tập.

Bước 3: Đưa nội dung giáo dục thành yêu cầu của nếp sống hàng ngày. Những nội dung giáo dục phải trở thành tiêu chuẩn của cuộc sống, yêu cầu của các hoạt động và quan hệ hàng ngày với trẻ. Tổ chức việc kiểm tra đánh giá trẻ: đánh giá thường xuyên, theo kế hoạch nhất định; có thể đánh giá tổ, lớp và từng cá nhân trẻ; cần phối hợp đánh giá với thi đua, khen thưởng.

Ví dụ: Trong giờ đón trẻ, cô giáo trò chuyện với trẻ về công việc khi trẻ thức dậy làm những việc gì phục vụ cho bản thân, trẻ tự làm vệ sinh cá nhân (đánh răng, rửa mặt...) hay phải có sự giúp đỡ của mẹ hoặc trong hoạt động ngoài trời như: dạo chơi sân trường cô giáo có thể cho trẻ quan sát các tranh tuyên truyền về giáo dục vệ sinh (chải răng đúng cách, giữ cho đôi mắt sáng, khỏe; quy trình rửa tay đúng…).
         
Tăng cường sự phối kết hợp giữa gia đình và nhà trường

Giáo viên cần làm tốt công tác tuyên truyền để các bậc phụ huynh nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc giáo dục vệ sinh cho trẻ. Phối hợp nhằm nâng cao hiểu biết cho phụ huynh, thống nhất nội dung, yêu cầu, phương pháp giáo dục, tạo ra các điều kiện giáo dục cần thiết ở trường và gia đình.

Trao đổi thường xuyên với gia đình trong thời gian đón và trả trẻ. Có thể sử dụng các biện pháp trao đổi như: thông báo, trao đổi nhanh cho gia đình biết tình hình của trẻ ở lớp và qua gia đình có thể nắm được hành vi của trẻ ở nhà. Từ đó, tìm ra biện pháp tác động đến trẻ có hiệu quả; tìm hiểu điều kiện sống của trẻ ở nhà và giúp gia đình cải thiện điều kiện sống của trẻ nhằm đáp ứng các yêu cầu giáo dục.

Tổ chức các cuộc họp với cha mẹ trẻ vào các kì họp đầu năm, giữa năm, cuối năm nhằm: trao đổi với gia đình về nội dung, biện pháp giáo dục trẻ ở trường, các yêu cầu đối với trẻ; thông báo tình hình giáo dục của trẻ và cùng thảo luận để tìm ra biện pháp khắc phục; định hướng những nội dung giáo dục tiếp theo. Vận động phụ huynh tham gia vào các hoạt động tuyên truyền như: vẽ tranh, sáng tác thơ, nhạc, câu chuyện có nội dung giáo dục vệ sinh cho trẻ.

Xây dựng góc tuyên truyền của nhà trường và ở các lớp. Đây là kênh thông tin giúp cha mẹ trẻ nắm bắt nhanh trong thời gian đón và trả trẻ. Cô giáo cần đưa các nội dung tuyên truyền phong phú, phải thay đổi thường xuyên phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính giáo dục và thẩm mỹ. Thực hiện khai thác triệt để tác dụng của tranh, tài liệu tuyên truyền; sáng tạo các mô hình đi kèm với nội dung tuyên truyền giáo dục vệ sinh cho trẻ.

Ngoài ra, cần có đủ đồ dùng, phương tiện đảm bảo cho việc chăm sóc vệ sinh trẻ. Những đồ dùng phương tiện nên để đúng nơi quy định, thuận tiện và đảm bảo an toàn cho trẻ sử dụng. Nhấn mạnh vai trò nêu gương của người lớn trong gia đình, giúp trẻ được sống trong môi trường lành mạnh, tạo điều kiện cho trẻ thực hành và ghi nhớ những điều đã học, từ đó sẽ hình thành những kĩ năng cần thiết cho trẻ trong cuộc sống.

Hy vọng một số kinh nghiệm này sẽ giúp các đồng nghiệp đem lại hiệu quả khi tổ chức các hoạt động giáo dục vệ sinh cho trẻ trong trường Mầm non. Mong muốn nhận được những chia sẻ, trao đổi của các đồng nghiệp./.
 

Tác giả: Nguyễn Thị Huệ

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Fanpage Ngành Giáo dục
Quản lý thành viên
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập154
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm139
  • Hôm nay30,784
  • Tháng hiện tại728,774
  • Tổng lượt truy cập136,181,143
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi